Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Định. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Định. Hiển thị tất cả bài đăng

18 thg 9, 2014

Viếng đền Trần

Đền Trần thuộc thành phố Nam Định, cách Hà Nội khoảng 94km, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 4km về phía Tây Bắc thuộc phường Lộc Vựng. Là cụm di tích nổi tiếng trong cả nước với lễ hội đền Trần.

Khu di tích đền Trần gồm các hạng mục: ngũ môn, hồ nước, nghi môn, giải vũ, đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch và đền Trùng Hoa. Ngũ môn gồm 5 cửa (ba cửa lớn và hai cửa nhỏ). Bước qua ngũ môn vào bên trong sẽ thấy hồ nước có diện tích khoảng 1.000m2. Hồ thoáng, cảnh trí đẹp, cây cao in bóng xuống mặt hồ rất nên thơ, lãng mạn. 

Đền Thiên Trường 

31 thg 8, 2014

Nhà thờ Phú Nhai

Nhà thờ Phú Nhai nằm ở xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu – giáo phận diện tích nhỏ nhưng lại có số giáo dân đông vào bậc nhất cả nước.

Đền thánh Phú Nhai tuy không phải là nhà thờ chính tòa nhưng lại là một trong bốn vương cung thánh đường ở Việt Nam.

Đền thánh Phú Nhai dài 80m, rộng 27m, cao 30m, từng được coi là nhà thờ lớn nhất Đông Dương 

23 thg 7, 2014

Ngoạn cảnh chùa Tháp

Nằm trong cụm di tích “đền Trần - chùa Tháp”, chùa Phổ Minh (cách đền Trần khoảng 1km) còn gọi là chùa Tháp, thuộc thành phố Nam Định, cách Hà Nội khoảng 94km, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 4km về phía Tây Bắc, thuộc phường Lộc Vựng.

Chùa Tháp là ngôi chùa có quy mô bề thế, còn lưu giữ những dấu tích còn lại của thời Trần. Theo tài liệu, chùa Tháp được xây dựng dưới triều Trần, niên hiệu Thiệu Long thứ 5 (1262), về phía Tây cung điện Trùng Quang (trong di tích đền Trần). Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng, từ các minh văn trên bia, chuông, thì chùa có từ thời nhà Lý, có lẽ được xây dựng với quy mô rộng hơn từ năm 1262. Chùa Tháp là nơi tụng niệm của quan lại, giới quý tộc nhà Trần.

Đây cũng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông (1279-1293). Cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang, vua Trần Nhân Tông đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, thường gọi là “Trúc Lâm Tam Tổ”, một dòng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX. Sau khi vua Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã cho làm cỗ kiệu Bát cổng bằng đá, đặt 7 trong 21 viên xá lỵ của vua cha và xây tòa tháp lên trên. 

Lối vào chùa Tháp - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

15 thg 4, 2014

Hoa lụa Báo Đáp

Làng hoa lụa Báo Đáp (huyện Nam Trực) nằm cách thành phố Nam Định khoảng chừng 10 km từ bao đời nay có tiếng với nghề làm lồng đèn trung thu và hoa vải lụa.

Báo Đáp hiện có 400 hộ sản xuất và kinh doanh hoa vải lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các hộ có truyền thống lâu đời. Sản phẩm của mỗi gia đình có mẫu mã riêng, không trùng lặp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của thị trường, các cơ sở sản xuất không ngừng làm mới, thay đổi mẫu mã .

Năm nay, những mẫu hoa mới như phong lan, lan hồ điệp, hoa ly…được khách hàng ưa thích, trong khi đó một số mẫu hoa truyền thống của làng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất như: hồng, sen, mai, đào,…Hoa vải lụa không chỉ đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ, màu sắc không thua kém gì hoa thật mà còn có giá trị sử dụng lâu dài và có giá cả hợp lý nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

23 thg 2, 2014

Chưa đi chưa biết đền Trần

Tôi sống ở miền Nam, nghe nói đến đền Trần nhiều nhất là dịp khai ấn. Năm nào cũng vậy, đến dịp khai ấn đền Trần vào đầu năm là báo chi đua nhau đưa tin người người chen lấn, dẫm đạp để dự lễ. 

Chen lấn trong lễ hội khai ấn đền Trần năm 2014. Ảnh: báo Thanh niên online

Với những hình ảnh như thế này, cộng với kinh nghiệm thực tế của mình ở các lễ hội miền Nam, tôi dễ dàng hình dung đền Trần giống như miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, hay chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương.

Thế nhưng đến Nam Định viếng đền Trần, mới thấy mình hiểu sai nhiều quá!

1 thg 2, 2014

Bảo vật quốc gia - Tượng đá ẩn mình trốn giặc

Tượng Phật Adiđà bằng đá thời Lý ở chùa Ngô Xá (Nam Định) có mấy trăm năm ẩn mình dưới lớp sơn son, thếp vàng như một tượng gỗ bình thường để lưu lại cho kho tàng bảo vật quốc gia một khuôn mặt Phật độc đáo.

Pho tượng Phật bằng đá thời Lý - Ảnh: Hoàng Long 

Giả làm tượng gỗ

Tượng hiện đang được thờ tại chùa Ngô Xá (tên chữ là “Phi Lai tự”) ở thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Các cuộc khai quật, khảo cổ bắt đầu vào những năm 1960 - 1970 tại đây đã phát hiện một lượng lớn lên tới hơn 200 hiện vật bằng nhiều chất liệu, liên quan đến Phật giáo thời Lý. Tuy nhiên, điều mà các nhà nghiên cứu, khảo cổ quan tâm nhất là tượng Phật, dù các mảnh vỡ lại không hề thấy xuất hiện.

24 thg 1, 2014

Bảo vật quốc gia - Chân đèn, lư hương thời Mạc

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, cho biết trong hàng ngàn hiện vật đang có mặt tại đây thì bộ chân đèn, lư hương bằng gốm thời Mạc được 'chăm sóc' với chế độ đặc biệt nhất.

Chiếc chân đèn thời Mạc - Ảnh: Hoàng Long 

Được chế tạo cùng ngày

Đây là một trong 2 cổ vật duy nhất của Nam Định được công nhận là bảo vật quốc gia. Theo ông Thư, lý do xếp cả hai hiện vật này vào bộ bảo vật quốc gia vì cả 2 đều được tìm thấy tại một địa bàn là huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Trong đó, chân đèn được sưu tầm tại đình Cự Trữ, còn bát hương tại chùa Cổ Chất gần đó. Căn cứ vào các dấu tích lưu lại trên bảo vật thì mặc dù có nguồn gốc tại 2 di tích khác nhau nhưng chúng đều được sản xuất cùng bằng chất liệu gốm men và cùng một thời gian là ngày 20.8.1590 thời Mạc Mậu Hợp.

17 thg 11, 2013

Say lòng những món ngon Nam Định

Những món ăn với khẩu vị đậm chất Bắc khiến Nam Định thành một địa danh đáng ghé qua. 

Không quá nhiều địa điểm vui chơi, du lịch nhưng Nam Định lại cho người ta cảm giác bình thản và gần gũi. Và đặc biệt hơn, hiếm nơi nào nơi vùng quê Bắc Bộ lại được thấy kiến trúc của những nhà thờ xen chùa chiền bên bạt ngàn đồng lúa như ở đây. Thêm nữa, những thức ngon cũng làm trọn vẹn thêm nghĩa tình của đất lành.

Nem nắm Giao Thủy

Nem là món phổ biến nhưng nem nắm ở Giao Thủy giữ riêng cho mình đặc điểm dễ nhận. Đó là những miếng bì đều mỏng, dài, nhỏ và trắng như cước. Thịt lợn làm khéo léo khiến cho thịt chín tái còn ngọt thơm.

31 thg 10, 2013

Ngọt ngào hương kẹo Sìu Châu

Có một món quà quê mà khiến người ta phải thòm thèm mãi mỗi khi nhắc tới, thứ kẹo do chính những người dân Việt làm nên từ những nguyên liệu sẵn có của vùng châu thổ sông Hồng nhưng lại “khoác” một cái tên rất Hoa: kẹo Sìu Châu.

Nghe đến kẹo Sìu Châu, không ít người tưởng rằng đây là một sản phẩm do người Hoa Kiều làm ra. Điều này cũng xuất phát từ một lý do, đó là từ xa xưa, những người Hoa sống trên đất ta thường nổi tiếng vì làm ra nhiều món ăn ngon với những cái tên độc đáo.

Kẹo Sìu Châu vốn là đặc sản nổi tiếng của đất Thành Nam, là một thứ kẹo lạc, vừng hoặc kẹo lạc pha vừng. Cái tên kẹo Sìu Châu có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng kẹo ngon có tiếng của Nam Định. Cửa hàng đó được đặt ở phía trước đền Triều Châu – một ngôi đền cổ của những người đồng hương thuộc huyện Triều Châu, tỉnh Phúc kiến, Trung Quốc sang sinh cơ lập nghiệp ở đất Sơn Nam hạ, ngay gần bến Ngự sông Vị Hoàng (con sông lấp rất nổi tiếng trong thơ Tú Xương khi xưa). Vì không có tên hiệu nên nhân dân quanh vùng thường gọi là hiệu kẹo ngon ở trước cửa đền Triều Châu, lâu dần người ta chọn cách gọi giản tiện hơn là kẹo Triều Châu, rồi kẹo Sìu và trở thành cái tên kẹo Sìu Châu như ngày nay.

Kẹo Sìu Châu 

27 thg 3, 2013

Phở Nam Định

Nhà văn Chu Văn từng bảo rằng nghề làm phở phát tích từ thôn Rao Cù huyện Nam Trực của tỉnh Nam Định; hỏi các ông chủ tiệm phở ở Sài Gòn ở cả Vientian (Lào)… thì y như rằng cứ mười ông có chín ông gốc quê Nam Định!


Bây giờ thì khắp các nơi, Hà Nội, Hải Phòng… đâu đâu cũng nhan nhản những biển hàng “Phở gia truyền Nam Định”. Nhưng Nam Định có thật là quê hương của phở không thì lại là chuyện khác.


10 thg 3, 2013

Huyền thoại cửa Ba Lạt

Nơi sông Hồng đổ ra Biển Đông có nhiều câu chuyện đẹp và ly kỳ như huyền thoại. Có người truyền miệng rằng cái tên cửa Ba Lạt bắt nguồn từ chính những xác người chết đói năm 1945 không được chôn cất, phải cột ba mối lạt tre thả trôi sông Hồng để ra nấm mồ lớn ở Biển Đông.

Nhiều người khác lại kể tên Ba Lạt phát xuất từ xa xưa khi cửa sông còn phân làm ba nhánh nhỏ chứ không chỉ một như bây giờ. Còn một số sử liệu lại ghi rằng Ba Lạt chính là tên làng xưa.

Cửa Ba Lạt trong sương khói chiều xuân


7 thg 3, 2013

Cầu Ngói chợ Thượng đón nhận di tích quốc gia: Một "chùa Cầu" của Bắc Bộ

Thoạt nhìn, người ta hình dung ngay tới di tích chùa Cầu nổi tiếng ở Hội An. Nhưng nhìn kỹ hơn, người ta sẽ thấy những nét duyên dáng rất riêng của cây cầu Ngói đồng bằng Bắc bộ. “Gánh" trên mình bao trầm tích lịch sử, văn hóa, giờ đây chân cầu đang bị nước xói làm hư hại.

Và việc cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Định) vừa được xếp hạng di tích quốc gia đã làm dấy lên hy vọng về việc bảo tồn nó. 

Cầu Ngói uốn mình trên sông Ngọc.

4 thg 3, 2013

Về Nam Định nhớ ghé đền Trần

Đền Trần thuộc thành phố Nam Định, cách Hà Nội khoảng 94km, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 4km về phía tây bắc thuộc phường Lộc Vựng. Là cụm di tích nổi tiếng trong cả nước (Lễ hội đền Trần), rộng đến hàng chục hécta, gồm có ba đền: Thiên Trường hay đền Thượng thờ 14 vị vua Trần, đền Cổ Trạch hay đền Hạ thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đền Trùng Hoa.

Ngược dòng lịch sử, triều đại nhà Trần tồn tại 175 năm (1225-1400), di tích đền Trần được xây vào những triều đại khác nhau ở Tức Mạc (phường Lộc Vựng bây giờ), vốn là mảnh đất dấy nghiệp của vương triều Trần. Hành cung được xây dựng năm 1923, nơi ở của vua khi về thăm.


Hồ nước

1 thg 3, 2013

Cổ kính và thanh bình quê hương Hải Hậu

Vào cuối thế kỷ XV, Hải Hậu, huyện miền biển của tỉnh Nam Định ngày nay đã bắt đầu đón những đoàn người khai hoang mở đất đầu tiên. Trải qua hơn năm trăm năm, bao lớp người được sinh ra, cần mẫn làm ăn đã tạo nên cho vùng đất này những làng quê trù phú, những mái đình, ngôi chùa cổ kính, những giáo đường trang nghiêm…

Lễ hội

Sầm uất nhất ở Hải Hậu có lẽ là thị trấn Yên Định. Phố chợ Đông Biên từ thời Pháp đã nổi tiếng với những dãy nhà kiến trúc theo lối Tây và những món ăn chơi thanh lịch.

22 thg 2, 2013

Huyền bí Chầu văn

Cách đây chưa lâu, nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật hát Chầu văn, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Câu lạc bộ Bảo tồn Chầu văn Việt Nam đã tổ chức hai đêm diễn loại hình nghệ thuật này, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng...

Là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền, Chầu văn còn gọi là hát văn, hát bóng, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc có tính tâm linh, lời văn trau chuốt, Chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh. 

Không gian hầu đồng và hát chầu văn thường gắn liền với những nơi tôn nghiêm như đền thờ thánh.

21 thg 2, 2013

Bánh nhãn Nam Định

Bánh nhãn được xem là đặc sản của vùng quê lúa Nam Định. Vùng Hải Hậu nổi tiếng làm loại bánh này ngon nhất. 


Dịp Tết, hầu như nhà nào cũng nấu được mẻ kẹo lạc nhưng bánh nhãn thì không bởi làm bánh nhãn rất kỳ công và tốn kém. Tết đến, mỗi lần làm bánh nhãn, mẹ chồng tôi thường kể câu chuyện ấn tượng với chảo bánh nhãn hồi còn bé. Hồi đó, mẹ là chị cả với một đàn em trứng gà, trứng vịt, lúc nào cũng tha lôi nhau đi chơi. Tết năm ấy, liêu xiêu trong gió lạnh thấy ấm sực mùi mỡ lợn rán, bám theo hương thơm ấy, ba đứa trẻ đứng trước chảo bánh nhãn của nhà bà Mùi, hộ khá giả nhất ở đầu xóm, lúc nào không hay.

14 thg 2, 2013

Cầu ngói chùa Lương

Trải qua hơn 400 năm tồn tại, cây cầu ngói chùa Lương ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn tồn tại khá nguyên vẹn với những đường nét kiến trúc cổ kính và độc đáo mang đặc trưng của thời kì thế kỉ XVII – XVIII , thể hiện rõ nét sự tài hoa của những người thợ xứ Thành Nam xưa.

Cầu nằm cách chùa Lương (xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) khoảng hơn 100m và nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với chùa thành một cụm di tích. Vì vậy, dân trong vùng quen gọi cầu bằng cái tên: Cầu ngói chùa Lương. Ngoài ra, cầu còn có tên gọi khác là cầu chợ Lương, vì cầu nằm gần chợ Lương. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã. Đây là nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.

Theo các tài liệu thư tịch cổ, cầu ngói chùa Lương được xây dựng cùng thời với chùa Lương, tức vào khoảng thế kỉ XVI. Cầu bắc ngang sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh. Cầu được dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu). Lúc đầu, cầu chưa có mái ngói, chỉ lợp cỏ đơn sơ. Đến thế XVII, cầu được trùng tu sửa chữa lại cho phù hợp với tầm vóc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Đặc biệt, lần trùng tu lớn vào năm 1922 đã tạo cho cầu có một dáng vẻ bề thế như ngày hôm nay.

Cầu ngói chùa Lương trông giống như một ngôi nhà dài nằm vắt mình mềm mại qua dòng sông Trung Lương.

13 thg 2, 2013

Hội thi thổi cơm và làm cỗ chay làng Ngọc Tiên

Làng Ngọc Tiên thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một vùng quê trù phú, cảnh quan cổ kính, lễ nghi phong tục phong phú và đa dạng, nên dân chúng khắp nơi thường tìm về chiêm ngưỡng, lễ bái, nhất là vào các ngày lễ trọng. Đặc biệt, làng có hội thi thổi cơm và làm cổ chay rất độc đáo.

Để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng đã có công xây dựng làng xã, Ngài không những giỏi về mặt binh pháp mà còn giỏi cả về mặt chỉ đạo hậu cần. Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng Giêng, dân làng Ngọc Tiên lại mở hội để con cháu trong làng và dân quanh vùng về dự hội.

Hội làng được mở từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng. Trước khi chuẩn bị vào hội, các giáp đi sưu tầm, mua những cây luồng, bương to với chiều cao không dưới 25m để về làm cây nêu. Cây nêu dựng lên có ý nghĩa ngăn ngừa không cho quỷ dữ từ Biển Đông vào đất liền quấy nhiễu cuộc sống của dân làng; mặt khác cũng là trục nối giữa Trời và Đất cầu mong cho một cuộc sống yên bình hơn.

6 thg 2, 2013

Diễn xướng hầu đồng

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay đạo Mẫu trở thành một trong những tín ngưỡng của người Việt Nam, bắt nguồn từ thời kỳ mẫu hệ và tồn tại hàng ngàn năm nhưng phải từ thế kỷ XVI trở đi, trên cơ sở tục thờ Nữ Thần, Mẫu thần, nó phát triển thành Mẫu Tam phủ, Tứ phủ với Thánh Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ. Hầu đồng được coi là một nghi lễ của đạo Mẫu, diễn xướng tín ngưỡng dân gian, chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa nghệ thuật dân tộc. 

Thành tâm dâng hương trước lễ hầu đồng.

22 thg 1, 2013

Còn đây bánh cuốn làng Kênh

Ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành Nam (Nam Định) lại chẳng một lần say hương vị đậm đà, thơm ngậy của bánh cuốn làng Kênh. Những tấm bánh tráng mỏng tang, trắng trong ăn một lần nhớ mãi…


Bánh cuốn làng Kênh điểm xuyết hành khô - Ảnh: P.Thảo

Thời xưa, những tấm bánh tráng mềm, mịn và mướt như lụa bạch ấy đã là thức quà quý để tiến vua, cụ tổ nghề còn được hoàng đế triều Trần sắc phong Thành Hoàng Làng. Hằng năm vào tháng 8 vua thường tổ chức mở lễ hội, mở khoa thi… Cả xã có bốn thôn, vua phân mỗi làng - thôn một nghề. Làng Kênh được giao làm bánh cuốn, chế biến các loại bánh phục vụ lễ hội.
Qua năm tháng số gia đình làm nghề bánh cuốn đã không còn nhiều như trước, nhưng hầu như các gia đình còn theo nghề vẫn giữ được chất lượng cổ truyền của bánh.