15 thg 4, 2014

Hoa lụa Báo Đáp

Làng hoa lụa Báo Đáp (huyện Nam Trực) nằm cách thành phố Nam Định khoảng chừng 10 km từ bao đời nay có tiếng với nghề làm lồng đèn trung thu và hoa vải lụa.

Báo Đáp hiện có 400 hộ sản xuất và kinh doanh hoa vải lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các hộ có truyền thống lâu đời. Sản phẩm của mỗi gia đình có mẫu mã riêng, không trùng lặp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của thị trường, các cơ sở sản xuất không ngừng làm mới, thay đổi mẫu mã .

Năm nay, những mẫu hoa mới như phong lan, lan hồ điệp, hoa ly…được khách hàng ưa thích, trong khi đó một số mẫu hoa truyền thống của làng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất như: hồng, sen, mai, đào,…Hoa vải lụa không chỉ đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ, màu sắc không thua kém gì hoa thật mà còn có giá trị sử dụng lâu dài và có giá cả hợp lý nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bà Vũ Thị Son, chủ cơ cở sản xuất hoa vải lụa Son Chu cho biết: “Trước kia chúng tôi làm hoa nhựa, mẫu mã chưa đa dạng đẹp như bây giờ, nhưng từ khi chuyển sang làm hoa từ vải lụa, khách hàng rất ưa chuộng ”. Bắt đầu từ đầu tháng chạp 12 âm lịch, làng Báo Đáp tấp nập, nhộn nhịp bước vào sản xuất và nhận các đơn đặt hàng từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…hay xuất khẩu đi nước ngoài.

Một góc làng làm hoa lụa truyền thống Báo Đáp.

Những cánh hoa lụa vừa ra lò từ máy ép nhiệt.

Nghề làm hoa lụa phù hợp với mọi người bởi công việc khá nhẹ nhàng với thu nhập ổn định.

Phong lan, hồ điệp, hoa ly… là những sản phẩm hoa lụa được khách hàng ưa thích.

Đóng gói thành phẩm hoa lụa ở một hộ trong làng hoa lụa Báo Đáp.

Một số sản phẩm hoa lụa làng Báo Đáp.

Hoa vải lụa là mặt hàng được sản xuất và tiêu thụ quanh năm nên đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho không chỉ cho lao động tại chỗ mà còn thu hút lao đồng từ các vùng lân cận. 

Anh Tiến, Chủ cơ sở sản xuất Tiến Thu cho chúng tôi xem một số mẫu mới năm nay mà cơ sở anh đang làm. Anh cho biết, nghề làm hoa lụa đã nuôi sống gia đình anh 3 thế hệ khác nhau và tới anh là đời thứ 4 vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống này.

Hoa lụa là mặt hàng được sản xuất và tiêu thụ quanh năm nên đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm. Đây cũng là một công việc đơn giản, không nặng nhọc và không gò bó về thời gian nên phù hợp với rất nhiều lứa tuổi. Hoa lụa đã giúp người dân Báo Đáp thoát nghèo và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lụa, thôn Đông, xã Nam Cường chia sẻ với chúng tôi: “Tôi làm công việc này cũng được 5 năm nay, lúc nông nhàn tôi sang đây làm thêm kiếm thêm thu nhập. Công việc cũng nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Thu nhập mỗi tháng của chúng tôi cũng được 1,5 triệu đến 2 triệu đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống.”

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch xã Hồng Quang thì: “Hoa lụa đã góp phần thay đổi bộ mặt của làng quê nghèo trước nay sống chủ yếu từ đồng ruộng. Những hộ gia đình hàng năm thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng là chuyện không còn hiếm của Báo Đáp.”

Xác định đây là một trong những nghề truyền thống lâu đời cần được gìn giữ và phát huy nên chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện cho làng nghề phát triển, mở rộng sản xuất, đầu tư cơ sở máy móc, điện lưới ổn định nhằm phục vụ sản xuất của bà con.

Bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa những người thợ làng nghề làm hoa lụa Báo Đáp đã tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ góp phần làm đẹp cho đời, góp phần giữ gìn nghề truyền thống và phát triển kinh tế địa phương. Người dân Báo Đáp giờ đây đã yên ấm, làm giàu hơn trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bài: Tuấn Anh - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét