22 thg 10, 2020

Cháo buffet bình dân ở miền Tây

Thực khách có thể tự chọn nhiều món mặn ăn kèm cháo trắng, cháo dứa hoặc cháo đậu... giá từ 10.000 đồng.

Hơn 23h, chợ đêm Long Xuyên (An Giang) vẫn sáng trưng những xe hàng. Tại đây, phần nhiều là các xe ghi chữ "cháo dứa" như muốn quảng bá vị cháo bán chạy nhất. Không chỉ riêng An Giang, các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu cũng phổ biến món ăn dân dã này.




Khác với những món cháo có tên gọi gắn với thành phần được nấu chung với thịt như cháo cá, cháo lòng, cháo sườn... xứ này lại có cháo trắng, cháo dứa (lá nếp), cháo đậu (gồm đậu đỏ, đậu đen).

Nghe tên món cháo có vẻ sơ sài, nhiều thực khách đã bỏ lỡ đặc sản cháo buffet miền Tây. Bởi ăn kèm cháo trắng là cả danh sách dài các loại thức ăn mặn để riêng như một quầy "buffet": từ thịt nạc kho tiêu, tép rang, cá kho tộ, cá bống kho, cá cơm kho, khô cá linh, khô cá lóc... đến trứng vịt muối, trứng vịt kho, trứng bắc thảo, dưa mắm, xá bấu (củ cải muối), chà bông. Thực khách tự chọn một hoặc nhiều món ăn kèm.

Người địa phương nấu cháo từ gạo nguyên hạt, thêm lá dứa để tạo màu xanh và mang vị thơm, nấu cùng đậu đen, đậu đỏ để thêm vị bùi. Cháo không đặc quánh và không lõng bõng, sao cho khi múc lên còn dính quện với nhau.

Lá dứa sau khi rửa sạch thì giã nhuyễn vắt lấy nước, đổ vào cháo trắng nấu cùng. Để tạo màu cháo xanh ngọc, không bị xấu hay loang lổ, phụ thuộc vào bí quyết của người nấu. Muốn cháo thơm, người nấu cho thêm một nắm lá dứa tươi vào nồi, ninh cho đến khi hạt gạo nở bung thì vớt ra. Đặc biệt, người nấu không nêm mắm, muối hay tiêu, kể cả các loại rau ăn kèm như hành, ngò, giá đỗ... Để tăng thêm độ ngon của món ăn, nước cốt dừa là gia vị duy nhất dùng kèm. Nước cốt dừa được thắng đặc lại, thêm chút đường và chút muối, để nguội.


Người miền Tây không lạ nước cốt dừa béo ngậy, trắng ngần thường dùng kèm với các loại bánh. Điều lạ ở đây là họ chan nước cốt dừa trộn cùng cháo nhạt, rồi ăn kèm món mặn. Ảnh: Tâm Linh

Thực khách rưới chén nước cốt dừa lên tô cháo nóng hổi, dùng thìa khuấy đều lên. Có người từ tốn múc từng thìa cháo, dùng đũa gắp từng miếng thức ăn mặn lên thìa, rồi ăn. Có người lại trút hết các món ăn kèm vào tô, xì xụp thật nhanh như sợ mọi thứ nguội đi.

Chủ xe cháo Quỳnh Anh 10 năm bán đặc sản này tại chợ đêm Long Xuyên, thường phục vụ chén cốt dừa riêng chứ không trộn sẵn như cách các quán miền Tây hay làm. "Nhiều khách hoài nghi chắc quán nhầm lẫn nên mới phục vụ chén cốt dừa. Đa số thắc mắc tại sao lại ăn thức ngọt với món mặn. Sau khi tôi xác nhận không nhầm, và khách thấy người địa phương ăn, mới e dè thử", chủ quán cho biết.

Trên bàn thực khách, xung quanh tô cháo là những chén hoặc đĩa nhỏ đựng thức ăn kèm, mỗi món một đĩa. Cháo tính tiền theo tô chén, đồ ăn kèm tính theo dĩa, trứng tính theo quả.

Thông thường, một tô cháo giá 10.000 – 20.000 đồng ăn kèm một món mặn bất kỳ, nếu dùng thêm món mặn thì tính thêm 5.000 – 10.000 đồng mỗi đĩa. Để ăn cho no, mỗi thực khách có thể dùng tới 30.000 – 60.000 đồng một phần. Tùy vào các món ăn kèm, thực khách có thể ăn chay hoặc ăn mặn.

Món ăn này cũng theo chân người dân miền Tây du nhập vào thiên đường ẩm thực Sài Gòn từ lâu. Thực khách có thể nhận biết nơi bán thông qua dòng chữ "cháo trắng, cháo dứa, cháo đậu đỏ". Cháo thường được bán ở các xe tủ kính hoặc cửa tiệm nho nhỏ khi trời tối đến thâu đêm, như quán cháo tại ngã tư Hàng Xanh.

Tâm Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét