28 thg 10, 2020

Di tích Bến Vàm Lũng – Điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cách TP. Cà Mau gần 100 km theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, thuộc khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Đây là nơi ghi nhận những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ trên “Đoàn tàu không số” đã vượt hàng ngàn kilomet đường biển, chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Tượng đài Bến Vàm Lũng – Đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Do những yêu cầu bức thiết về vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức lực lượng tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc cho miền Nam. 

Cửa Vàm Lũng là tên gọi của nhân dân địa phương, trên bản đồ ghi là sông Năng, được bắt nguồn từ biển Đông, phía ngoài ven biển có bãi bùn, bên phải có rạch Xẻo Lở. Cửa Vàm Lũng rộng trên 100 m và có độ sâu từ 4-5 m nước, thuận tiện cho tàu chở trên 30 tấn ra vào dễ dàng. 

Tượng Đài chính 

Ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên của “đoàn tàu không số”, mang phiên hiệu “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng mở đường vào Nam. Ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông I do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy vượt qua hàng nghìn hải lý trước sự theo dõi, bao vây của tàu địch nhưng vẫn cập bến Vàm Lũng an toàn. Đây là chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông – đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Sau khi sự kiện tàu “Phương Ðông 1” về bến thành công, những con tàu “Phương Ðông 2”, “Phương Ðông 3”, “Phương Ðông 4” tiếp tục cập Bến Vàm Lũng để đưa hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tính đến cuối năm 1970, Bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược. 

Nhờ địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kinh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí. Bên cạnh đó, sự đùm bọc, che chở của Nhân dân Rạch Gốc như những “luỹ sắt, thành đồng” để bảo vệ cách mạng. Nhờ vậy mà trong hơn 10 năm hoạt động (1962-1972) các cơ sở hoạt động của ta đã được bảo vệ an toàn, mặc dù nơi đây nằm không xa chi khu quân sự của địch ở Năm Căn. 

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cũng gắn liền với sự kiện ra đời của đơn vị quân đội mang phiên hiệu “Ðoàn 962” (được thành lập vào ngày 19/9/1962) với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào – ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. 

Bức phù điêu khắc họa bộ đội vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Do yêu cầu đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh, phải giữ bí mật, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động tổ chức vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam nên các hiện vật không được lưu giữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một xác tàu 69 đã bị hư hỏng của đoàn 962, nằm tại ngọn Xẻo Già cách bến khoảng 8 km về hướng Tây. 

Đến giờ, nhiều người dân địa phương vẫn còn kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến việc bám rừng giữ Bến Vàm Lũng năm nào. Đó là chuyện mọi người phải cất nước biển để lấy nước ngọt. Đó là chuyện quân và dân Vàm Lũng phải sống nhờ vào trái mắm, một loại trái rừng đắng chát dường như không thể ăn được. 

Trong những năm gian khó ấy, nghĩa tình quân dân càng bền chặt. Vào năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn. Người dân di dời khỏi Bến Vàm Lũng trước đó giờ lại được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Quanh vùng, bà con ai cũng chung sức cùng với các chiến sĩ, chỉ có kẻ địch là không hề hay biết. 

Mở đường, lập bến, đưa những con tàu không số từ Bắc vào Nam là công việc muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Song, với khát vọng độc lập, tự do và lòng yêu quê hương, đất nước, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã lập được nhiều chiến công. Họ luôn đương đầu với địch, vật lộn với sóng to, gió lớn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những tình huống phức tạp, khó khăn, vững vàng đưa tàu và vũ khí tới bến bãi an toàn. 

Để ghi nhớ, vinh danh những chiến công vang dội, bất tử của Đoàn tàu không số, Tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển; Nhà trưng bài tư liệu truyền thống và một số công trình có liên quan được xây dựng tại Bến Vàm Lũng. 

Tượng đài chính cao 10,62m, hai phù điêu hình con tàu đang vượt sóng; thể hiện các thủy thủ đang tập trung cao độ, vững tay lái và sẵn sàng chiến đấu… Tổng thể công trình có hình 3 con tàu đang thẳng hướng về ba mũi giáp công, tạo thế trận vững chắc tỏa ra khắp chiến trường miền Nam, lập nên những chiến công bất hủ. 

Điểm về nguồn ý nghĩa thu hút du khách đến tham quan 

Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – “Bến của lòng dân” nơi đất mũi Cà Mau đã được phục dựng khang trang, trở thành địa điểm du lịch Cà Mau thu hút đông đảo khách tham quan và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngày 23-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bến Vàm Lũng – Đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét