25 thg 10, 2020

Đình Thần Thường Thạnh (Đình Nước Vận) ở Cái Răng – Cần Thơ

Đình thần Thường Thạnh được xây dựng vào năm 1823, tọa lạc bên rạch Cái Răng thuộc phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Đình thần Thường Thạnh có kiến trúc độc đáo vừa theo kiểu phương Đông truyền thống, vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây. Sự kết hợp hài hòa đó đã tạo cho công trình một dáng vẻ riêng vững vàng, cân đối, gần gũi với thiên nhiên và tâm hồn người Việt trở thành địa điểm du lịch Cần Thơ hấp dẫn. 

Đình thần Thường Thạnh 

Vào những năm đầu thế kỷ XIX Đình Thường Thạnh chỉ là ngôi miếu nhỏ để thờ cúng thần linh, sau được nâng cấp thành ngôi đình. Năm 1839, vùng đất Cần Thơ mang tên Phong Phú, làng Thường Thạnh được xác lập, đình cũng lấy tên là Thường Thạnh – Thuờng Thạnh có nghĩa là thịnh vượng lâu dài, mãi mãi. Do đình nằm gần ngã ba sông, nơi có dòng nước xoáy (vận) nên người dân quen gọi là đình Nước Vận và gọi cho đến ngày hôm nay. 

Năm 1852 được vua Tự Đức sắc phong “Thần hoàng Bổn cảnh” đình được xây dựng khang trang và liên tục tu bổ, phát triển về sau. 

Mỗi năm đình tổ chức tế lễ hai lần chính là Hạ Điền tháng 5, Thượng Điền tháng 11, đều tính theo âm lịch nhằm tạ ơn các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, các Anh hùng dân tộc đã có công khai phá, dựng nước và giữ nước, cùng đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an, nhà nhà hạnh phúc…. Những dịp ấy, người cả vùng tập trung cúng tế, đàn hát suốt ba ngày ba đêm. Đây củng là dịp để khách du lịch Cần Thơ gần xa đến dâng hương và cúng bái, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống tại địa phương, cũng như thể hiện nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. 

Đình cũng là cơ sở bí mật của lực lượng cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến.Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình vẫn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc của thế kỷ XIX. 

Nổi bật và đáng chú ý nhất là kiểu kiến trúc 3 gian theo quan niệm “tam gian phú qúy” các hoa văn, họa tiết trên bao lam, thành vọng, khánh thờ được chạm khắc công phu nhưng không cầu kỳ phức tạp. Mỗi đề tài đều thể hiện rõ nét sự khéo léo về nghệ thuật chạm khắc gỗ của các bậc thợ tiền bối tài hoa. 

Từ những đặt điểm riêng về kiến trúc, nghệ thuật kết hợp với sinh hoạt lễ hội truyền thống trong không gian thoáng, rộng, đình Thường Thạnh như một bức tranh toàn cảnh của làng quê Việt Nam xưa với bến nước, sân đình và những phong tục, tập quán, nghi lễ gắn liền với đời sống tâm linh bình dị của cư dân vùng sông nước Tây Nam bộ. 

Tất cả các yếu tố đó đã chứng minh đình Thường Thạnh là công trình văn hoá, tín ngưỡng rất có giá trị cần được giữ gìn, bảo lưu để làm “giàu” thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc tại thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung. Ngày 31-3-2008, UBND thành phố Cần Thơ đã xếp hạng Đình Thường Thạnh là di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét