26 thg 12, 2018

Bức tranh Tà Vờng nơi gió núi, mây ngàn

Đến Tà Vờng, ngoài chìm đắm cảnh sắc và khí hậu trời cho, du khách còn được trải nghiệm đánh cá, nướng cá ở ngay bên bờ suối và thưởng thức món ăn dân dã có tên là cơm Pồi.

Bản Tà Vờng nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Bùi. 

Chỉ một đêm nương lại ở những ngôi nhà sàn cùng đồng bào, trải nghiệm bắt cá, nướng cá bên bờ suối kèm những món ăn độc đáo trước cảnh gió núi với mây ngàn, ai cũng chếnh choáng…

Những người từng ghé thăm Tà Vờng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), một bản làng sát biên giới Việt – Lào của người đồng bào thiểu số Mã Liềng, Mày - đều có chung cảm giác được chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt đẹp. Để đến Tà Vờng, từ đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên quốc lộ 12A, men theo các cung đường uốn lượn cho đến khi thấy khí trời lành lạnh bởi hơi đá trên đỉnh núi Chà Cáp là đến nơi.

Từ đỉnh Chà Cáp, nhìn xuống sẽ thấy 25 nóc nhà sàn của Tà Vờng. Giữa màu xanh thẫm của rừng, xanh non của lúa ngô, là lớp sương mù bện chặt, chỉ tan ra khi từng ray nắng xuyên qua khiến Tà Vờng mờ mờ ảo ảo… Nhìn từ trên cao xuống, Tà Vờng đẹp như một bức tranh, còn ở những ngôi nhà sàn lại có sự ngăn nắp đến lạ. Nóc nhà này nối nhà kia theo từng cụm, từ dưới sàn nhà ra đến lối đi được dân bản quét dọn sạch sẽ, mỗi ngôi nhà có một vườn rau tự trồng xanh mướt. Ngồi ở cửa sổ ngôi nhà sàn nào, cũng nhìn được núi và rừng, bởi bao bọc quanh Tà Vờng toàn là núi. Núi không chỉ là núi, mà những con suối tạo thành dòng thác nhỏ, chảy từ trên đỉnh núi xuống, rồi hòa vào con suối chảy vòng vèo phía lưng Tà Vờng.

Hồ Khiên – trưởng bản Tà Vờng nói rằng, cứ dăm bữa nửa tháng, mấy chục nhà ở bản lại họp, nhắc nhở nhau về nếp sống ngăn nắp, sạch sẽ. Hiện tại, ngôi nhà của Hồ Khiên cùng với hai ngôi nhà khác trong bản được chọn làm nơi lưu trú của khách theo mô hình du lịch cộng đồng. “Du lịch của Tà Vờng chỉ đơn giản là để khách sống cuộc sống bình thường của dân bản” – Hồ Khiên nói. Đến Tà Vờng, ngoài chìm đắm cảnh sắc và khí hậu trời cho, du khách còn được trải nghiệm đánh cá, nướng cá ở ngay bên bờ suối và thưởng thức món ăn dân dã có tên là cơm Pồi.

Bao bọc quanh những nóc nhà sàn ở Tà Vờng là núi và thác nước nhỏ. Ảnh: Hoàng Bùi

Cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa Đinh Tiến Dũng nói rằng, nhiều du khách đến Tà Vờng có cảm nhận rất tốt. Nếu phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ nhiều du khách có cơ hội đến, mà đồng bào thiểu số nơi này cũng có cuộc sống khấm khá hơn.

HƯNG THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét