19 thg 3, 2014

Đi tìm mùa Ning nơng

Khi lúa rẫy gặt xong về đậu trong chòi, khi tiếng sấm vang lên khai thông bầu trời, nắng bắt đầu vàng trên những đồi nương, lễ ăn cơm mới đã làm rồi mà mùa mới chưa tới, Tây nguyên tưng bừng mở hội, bắt đầu mùa đón năm mới, mùa ăn năm uống tháng.

Lễ hội đâm trâu được tái hiện trong một lễ hội ở Pleiku, Gia Lai - Ảnh: Trường Đăng

Khi nghe âm vang tiếng cồng chiêng vọng xuống từ những ngọn đồi, bay lên từ thung lũng, tiếng hú đập vào vách đá róc rách tiếng nước reo, tiếng cười ngây ngất xoay theo vòng xoang thâu đêm bên mái nhà rông... Tây nguyên đã vào mùa Ning nơng!

Mùa Ning nơng

Ning nơng, theo cách gọi của người Xê Đăng, là tháng không làm nông. Khi mùa trước đã thu hoạch xong mà mùa đốt rẫy mới vẫn chưa tới, họ đi về rừng, nghỉ ngơi, tổ chức lễ hội, vui chơi gọi là tháng Ning nơng. Ning nơng cũng có nghĩa là bất tận, không bao giờ dừng.

Ning nơng, theo cách gọi của người Xê Đăng, là tháng không làm nông. Khi mùa trước đã thu hoạch xong mà mùa đốt rẫy mới vẫn chưa tới, họ đi về rừng, nghỉ ngơi, tổ chức lễ hội, vui chơi gọi là tháng Ning nơng. Ning nơng cũng có nghĩa là bất tận, không bao giờ dừng.

Trước đây, cứ đến mùa Ning nơng, đồng bào dân tộc tại nhiều vùng ở Tây nguyên bỏ lại buôn làng để đi về rừng, nguyên sơ với vẻn vẹn chiếc khố trên người. Cả làng vào rừng sống hái lượm, săn bắt hoang dã. Quên mình ở làng nào, con trai của buôn nào, uống dòng nước nào, họ hòa vào thiên nhiên, vào rừng, vào cội nguồn, sống như tổ tiên họ đã từng sống.

Theo một số nhà nghiên cứu, đây là nhận thức về vũ trụ, về sự hài hòa của đồng bào dân tộc. Họ sống trong mối quan hệ tam giác: con người, rừng và thần linh. Rũ bỏ tất cả để về sống thời nguyên thủy là một phương pháp nhắc lại cội nguồn. Mùa đó gọi là Ning nơng.

Ning nơng thường diễn ra vào mùa khô, khi những làn gió thổi qua cánh đồi hoa quỳ vàng rực, làn sóng dập dềnh trên những đồi tranh và đám cỏ đuôi chồn chồm lên vẫy chào ngày nắng đẹp. Tây nguyên mùa này đẹp và lãng mạn. Một tiếng hú nơi hoang dã cũng nên thơ, một chùm hoa dại ven đường cũng đủ rủ rê tâm hồn du khách thành thi sĩ.

Men theo con đường dọc biên giới phủ kín cao su ở Gia Lai, con dốc dựng lên đỉnh Ngọc Linh (Kon Tum) hùng vĩ, triền đồi quanh Hàm Rồng - nóc nhà của Pleiku, những cung đường như cổng trời (Mang Yang) vút lên tận mây xanh hay đứng trên những thảo nguyên đầy gió phóng tầm mắt vượt qua mười quả núi mà mê mẩn, mà lâng lâng trong khúc nhạc Đi tìm lời ru mặt trời.

Những cuộc Ning nơng giờ chỉ còn vang vọng trong các câu chuyện kể “khan” quanh bếp lửa bên ngôi nhà rông cao vút. Mùa Ning nơng giờ là lễ hội, là ăn năm uống tháng. Một lễ hội không có nhà tổ chức hay chen lấn như ở miền xuôi, mà mỗi người, mỗi dân tộc là một cuộc trình diễn bản sắc độc đáo nơi bản làng, nơi núi rừng mênh mang. Lễ đâm trâu, mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, cưới hỏi, dệt váy, đan gùi, làm rượu cần, chế tác các nhạc cụ...

Mùa ăn năm uống tháng

Tất cả niềm vui dồn tụ làm mùa Ning nơng bập bùng, miên man. Họ say sưa trong những nhịp xoang, chếnh choáng hơi men rượu cần mà quên ngày quên tháng, đến khi những hạt mưa tổ tiên (đak măt hơtou) nhỏ xuống nhắc nhở phải lên nương, cuộc vui mới tạm dừng.

Ngay cả lễ bỏ mả (pơthi, người Gia Rai), sự tiễn đưa cuối cùng của người sống đối với người chết về với thế giới của những linh hồn thì bên cạnh rất nhiều hình thù lạ lẫm của tượng nhà mồ, họ vẫn say sưa gọi hát bạn tình, bởi trong vòng xoay đó, sinh sôi nảy nở bên cái chết là sự tồn tại, sức sống muôn đời với rừng núi và vũ trụ.

Tây nguyên mùa này không chỉ đẹp ở thị giác với những thảm màu đa sắc trải lên những thảo nguyên, Ning nơng là lễ hội của âm thanh trong các lễ hội thần linh, của sự hòa âm tiếng cồng chiêng, t’rum, trống hơgơr prong, đàn goong, bro, k’lông pút, t’rưng... Cồng chiêng âm vang trên những bản làng, ngân xa ra khỏi dãy nhà rông để đến với tận cha trời, mẹ đất trong mùa lễ hội.

Âm sắc riêng của từng bộ cồng chiêng trong mỗi lễ hội là thứ ngôn ngữ giao hòa giữa con người với con người, với thiên nhiên bất diệt. Khi các loại nhạc cụ được cùng hòa âm, đêm Tây nguyên mới thật sự là một thế giới riêng của Ning nơng. Lễ hội ở Tây nguyên thường diễn ra quanh đống lửa, quanh mái nhà rông, họ bước theo vòng xoang, một nhịp điệu không giới hạn số lượng với tiếng cồng chiêng ùng oang không cần đến nhạc trưởng.

Du khách phương xa đến cũng không phải là người đứng ngoài để xem, để thưởng thức mà cùng hòa mình theo nhịp xoang mềm mại giữa đại ngàn. Hàng chục, hàng trăm, hàng vạn người... vòng xoang cứ thế rộng ra mênh mang như đất mẹ, rền vang “Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức. Đêm trong veo, trong veo” (Đêm xoang Tây nguyên).

Ning nơng thu hút là vậy, xoay theo vòng xoang đến tàn đống lửa này thì đốt lên đống lửa khác. Ai xoang cứ xoang, ai chiêng cứ chiêng, ai say cứ say cho hồn mênh mang...

TRƯỜNG ĐĂNG


Các lễ hội trong mùa Ning nơng ở Tây nguyên: lễ pơthi (lễ bỏ mả) của người Gia Rai, người Ba Na ở các huyện Ia Grai, Chư Pah, Kbang, Kông Chro (Gia Lai) với điệu xoang prim (múa hề), xoang pram (múa rối) bên những ché rượu cần thơm nồng; lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk, sau một mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. 

Rộn rã hơn là hội đua voi Tây nguyên diễn ra ở Buôn Ðôn, bên những cánh rừng khộp ven sông Sêrêpốk (Ðắk Lắk) vào ngày 13-3, một lễ hội phản ánh tinh thần thượng võ của người M’Nông vốn giàu đức tính dũng cảm và kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng. Ngoài ra còn có những lễ hội khác như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa của các đồng bào Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, Ê Đê... 
TIẾN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét