12 thg 3, 2014

Hồi sinh một làng nghề

Hơn 100 năm qua, làng nghề đan lát truyền thống Thái Mỹ (huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) là nơi chuyên sản xuất các sản phẩm đan lát bằng mây, tre, trúc như bàn ghế, giỏ xách, nia, thúng… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm mây tre đan cho thị trường trong và ngoài nước.

Theo nghệ nhân Cao Thị Cự (86 tuổi, ấp Bình Thượng 2), từ xa xưa làng nghề đã phân chia rạch ròi mỗi xóm sản xuất một sản phẩm chuyên biệt như thúng, nia, rổ, rá... Nghề đan lát vốn dĩ không khó nên từ già tới trẻ ở đất nghề Thái Mỹ ai cũng có thể làm được. Trong gia đình cụ Cự, từ con trai, con gái cho đến con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại đều rất lành nghề.

Để có nguyên liệu sản xuất, người dân làng Thái Mỹ tận dụng chính những khoảnh đất trống quanh nhà, sau vườn, ngoài đồng để trồng tre, trúc. Khi cây trưởng thành, họ chặt về làm nguyên liệu đan với rất nhiều công đoạn khác nhau như cưa, róc tre thành từng phần nhỏ theo chiều dọc, rồi chẻ nan và đan. Sản phẩm hoàn thành được các thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom, bán đi các địa phương lân cận. Theo thời gian, thị trường sản phẩm của làng nghề Thái Mỹ được mở rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.


Đã có thời điểm, nghề đan lát Thái Mỹ phát triển cực thịnh, nhà nhà chất hàng thành đống và xuất bán chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, thị hiếu của thị trường thời kinh tế mở cửa chuyển sang chuộng những sản phẩm làm từ nhựa, nhôm bởi sự tiện dụng của nó. Dù vậy, làng nghề chưa một ngày ngưng hoạt động và người dân Thái Mỹ vẫn nặng lòng với cây tre, khóm trúc, bụi mây để cho ra những sản phẩm đan lát mang tính ứng dụng hơn và từng bước “chinh phục” thị trường nội địa cũng như nước ngoài.

Từ những thân tre, trúc mảnh khảnh đã làm nên một thương hiệu làng nghề đan lát Thái Mỹ.

Nguyên liệu trúc tươi được thu gom tại các vùng trồng trong xã.

Phân loại nan tre làm nguyên liệu sản xuất ở làng nghề Thái Mỹ.

Một số hộ gia đình đã sử dụng những chiếc máy chẻ nan trong công đoạn sản xuất sản phẩm.

Đôi tay khéo léo của người làng Thái Mỹ tra chuốt từng nan tre trên các sản phẩm đan lát.

Phơi khô các phần cạp thúng, sọt trước khi đan sản phẩm tại một hộ gia đình ở Thái Mỹ.

Một cơ sở sản xuất nguyên liệu nan tre đan của gia đình anh Lê Vinh Hạnh, xã Thái Mỹ.

Sản phẩm sọt tre của Thái Mỹ được các bạn hàng Đài Loan ưa chuộng và đặt hàng.

Đến Thái Mỹ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân từ già tới trẻ tham gia nghề đan lát. 

«
     Làng nghề đan lát Thái Mỹ đang được phục hồi và phát triển với hơn 250 hộ gia đình sản xuất thường xuyên. 2 cơ sở, doanh nghiệp là đầu mối sản xuất, thu gom hàng để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản…thu hút hơn 1.000 lao động địa phương tham gia.
(Theo Bà Phạm Thị Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh)

                              »
Hơn thế, người dân Thái Mỹ còn sáng tạo và thiết kế ra chiếc máy róc tre và ép vành, rút ngắn công đoạn sản xuất nguyên liệu đan sản phẩm. Năm 2007, anh Lê Vinh Hạnh (ấp Mỹ Khánh A) đã sáng chế ra máy róc tre có công suất xử lý nguyên liệu tre, trúc bằng sức của 15 người mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn của người dân Thái Mỹ, anh Hạnh còn nhập thêm 20 đầu máy máy chẻ nan từ Đài Loan về, khép kín khâu sản xuất nguyên liệu đan. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh Lê Vinh Hạnh có 25 nhân công lao động thường xuyên, chuyên sản xuất và cung ứng nguyên liệu đan cho hầu hết các hộ gia đình trong làng nghề.

Thăm cơ sở mây, tre, lá Thiên Long (ấp Mỹ Khánh A) của doanh nhân Lê Thị Huých (58 tuổi) mới biết sức hồi sinh của một làng nghề truyền thống mạnh như thế nào. Nhà xưởng và nhà kho của bà rộng trên 3ha nay đã chất kín hàng vì đang là mùa trữ hàng (thường từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau). Bà cho biết, hiện cơ sở của bà chỉ sản xuất sọt tre xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với 50 nhân công, năng suất mỗi ngày đạt từ 1.200 - 1.500 chiếc, thu nhập bình quân mỗi nhân công từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, chưa kể họ nhận thêm hàng về làm tranh thủ lúc nhàn rỗi. Mỗi năm, cơ sở của bà xuất khẩu sọt tre liên tục từ tháng 2 đến tháng 10, mỗi tháng xuất từ 30 - 40 container hạng nặng. Theo kinh nghiệm của bà từ nhiều năm trước, vào mùa thu hoạch bắp cải ở Đài Loan thì cơ sở của bà xuất hàng không xuể nên phải làm trước để trữ hàng. Lúc vào mùa, vừa làm vừa kết hợp với lượng hàng trữ mới điều tiết được nhu cầu của đối tác. Để có lượng hàng dự trữ này, hàng ngày bà Huých đưa nguyên liệu đan về từng hộ gia đình, thuê khoán họ đan thành phẩm sau đó mua lại với giá cao hơn.

Hiện chính quyền xã Thái Mỹ kết hợp với Hội phụ nữ xã đang vận động bà con xã viên tăng gia sản xuất nhằm phát triển làng nghề tương xứng với tiềm năng của địa phương, đồng thời bảo tồn nghề truyền thống mà cha ông từ xa xưa để lại. Với chính sách hỗ trợ vốn của UBND Tp. Hồ Chí Minh, làng nghề đan lát truyền thống Thái Mỹ đang từng ngày đổi thay về kỹ thuật sản xuất, chế tác sản phẩm, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của thị trường rộng lớn cả trong nước và nước ngoài.


Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét