22 thg 2, 2021

Đồng hoa cánh bướm gây 'sốt' ở Hà Tĩnh

Đồng hoa cánh bướm ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, mỗi ngày thu hút hơn 300 lượt khách đến chụp hình check-in.


Giữa tháng 2 đến nay, đồng hoa cánh bướm rộng 1 ha nằm bên tỉnh lộ 16, đoạn xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà bắt đầu nở rộ, sắc hồng pha trắng rực rỡ cả một vùng.

Đồng hoa được anh Nguyễn Văn Lý (30 tuổi, trú thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) thuê đất của người dân địa phương, sau đó cải tạo, mua giống về trồng hồi tháng 11/2020. Từ mùng 1 Tết Tân Sửu đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt khách đến đồng hoa tham quan, có hôm cao điểm là 400. "Sắp tới nếu có kinh phí tôi sẽ mở rộng thêm diện tích, trồng nhiều loài hoa khác để phục vụ du khách", anh Lý nói.

21 thg 2, 2021

Phú Quốc – thành phố của những giấc mơ

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một hòn đảo nằm ngoài khơi được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp thành phố với đầy đủ cơ sở pháp lí, diện mạo, tầm vóc và vị thế của nó. Việc đưa Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước không chỉ là bước ngoặt lớn tạo tiền đề sớm đưa hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” này trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh-quốc phòng ở các vùng biển đảo.

Từ thiên đường trên biển...

Từ trên máy bay, qua ô cửa nhỏ, Phú Quốc hiện ra trông như một cánh buồm xanh căng gió giữa biển khơi. Thậm chí vị khách ngồi cạnh tôi, một người đàn ông đứng tuổi có dáng vẻ từng trải còn so sánh khá thú vị rằng đảo Phú Quốc có hình dáng trông như lục địa Nam Mỹ thu nhỏ. Câu chuyện về hòn đảo ngọc từ đó trở nên rôm rả cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường Phú Quốc, một phi trường quốc tế nhỏ xinh ngập tràn ánh nắng và lồng lộng gió đại dương.

Nộm gà tía tô - món ngon ngày Tết của người Dao Tiền

Mùa xuân, khi những bông hoa đào, hoa mận bung nở khắp các bản làng; cũng là lúc các mẹ, các chị người Dao Tiền ở Sơn La lại tất bật chuẩn bị những món ăn ngon đậm đà hương vị dân tộc đón Tết cổ truyền. Một trong số đó là món nộm gà tía tô.

Theo lời các cụ ông, cụ bà, nộm gà tía tô là một trong những món ăn đặc biệt, phải có trong mâm cơm ngày Tết của người Dao Tiền. Bởi trong ngày Tết, dù đã có nhiều món ăn từ thịt, cá, món nào cũng hấp dẫn, nhưng các món này ăn nhiều lại gây ngán bởi có nhiều mỡ. Do vậy trong mâm cơm ngày Tết, chị em phụ nữ người Dao lại truyền cho nhau bí quyết chế biến món nộm gà tía tô có độ dai giòn, ngọt dịu của thịt, cùng với vị thơm thơm của lá tía tô ai cũng yêu thích.

Ông Lý Văn Chin ở bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Món nộm gà thì ko dùng gà già, chỉ lấy con từ 1kg trở lại thôi để làm nộm. Còn người Dao ở đâu phải có tía tô ở đó. Món ăn này khi có khách quý, anh em ruột thịt đến chơi nhà là phải có”.

Cá bỗng – nét văn hóa ẩm thực ngày Tết của đồng bào Tày Lục Yên

Cá bỗng là loại cá quý, đặc sản của đồng bào dân tộc Tày huyện Lục Yên (Yên Bái). Những món ăn từ loài cá này là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên là mảnh đất mang nhiều màu sắc văn hóa của các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao... Đây cũng là nơi có những dãy núi đá vôi trùng điệp, những ngọn đồi muôn hình vạn trạng và các thung lũng mênh mông, là nơi để du khách thỏa sức khám phá những nét đẹp của tạo hóa. Không chỉ vậy, Lục Yên còn đẹp bởi nét cổ kính của di tích đền Đại Cại, khu khảo cổ học Hắc Y, danh thắng động chùa Hương Thảo, động Cảm Dương… Ngoài cảnh sắc, Lục Yên còn có nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc. Một trong số đó là nuôi và chế biến loài cá bỗng vào dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Tày.

Lên Mẫu Sơn thưởng thức gà sáu cựa

Đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là xứ sở của mây, gió và sương mù quanh năm. Nơi đây không chỉ khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn có một sản vật độc đáo - gà sáu cựa.

Cách thành phố Lạng Sơn hơn 30km về phía đông, con đường đèo uốn lượn trong sương sẽ đưa du khách đến Mẫu Sơn, vùng đất nhiều sản vật nổi tiếng như: chè sơn tuyết, đào tiên, ếch hương, rượu men lá... và đặc biệt là gà sáu cựa - loại gà có cặp chân khá đặc biệt với 6 ngón móng vàng óng, dài và có vuốt nhọn.

Không biết giống gà này có từ bao giờ. Gà sáu cựa trưởng thành nặng từ 2-2,5 kg, thường có lông màu vàng nâu lốm đốm tương tự như giống gà ri, đẻ từ 10-15 trứng rồi ấp nở tự nhiên.

Người dân địa phương gọi là gà sáu cựa vì tính mỗi chân 6 ngón móng có màu vàng óng, dài và có vuốt nhọn trông lạ mắt.

20 thg 2, 2021

Chuyện Thầy Thím ở núi Sập

 Nhắc đến Thầy Thím là người ta nghĩ ngay đến Dinh Thầy Thím ở La Gi, Bình Thuận. Sự tích Thầy Thím nơi đây được truyền tụng rất nhiều, được ghi chép và kể lại khắp miền Trung và Nam bộ chớ không chỉ ở La Gi. Dinh Thầy Thím rất uy nghi, to rộng, có tiếng là linh thiêng, hàng năm đều có lễ hội trọng thể. Lại còn có cả khu mộ Thầy Thím nữa.


Câu chuyện về Thầy Thím được tóm tắt thế này: Thầy là một đạo sĩ tài năng, giàu lòng nhân ái ở Quảng Nam, Thím là vợ của Thầy. Do bị vua xử oan ức, Thấy và Thím cỡi rồng bay về phương Nam, đến trú ngụ tại làng Tam Tân, thuộc La Gi. Từ đó Thầy Thím ra sức giúp đỡ dân làng về nhiều mặt. Khi hai người mất, dân làng biết ơn nên lập dinh để thờ.

Tưởng đâu câu chuyện Thầy - Thím này là độc nhất, nhất là việc ghép giữa Thầy và Thím khá lạ, thế nhưng xuôi về phương Nam ta lại bắt gặp câu chuyện Thầy Thím với mô-týp tương tự.

Thoại Sơn, An Giang, tức Núi Sập, nơi diễn ra câu chuyện Thầy Thím

Người Mông cúng Thần rừng

Mỗi năm, dịp Tết đến, Xuân về, người Mông ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cùng với các gia đình người Mông đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) lại tổ chức Lễ cúng hần rừng.

Người Mông quan niệm mỗi khu rừng đều có thần rừng cai quản. Cúng thần rừng là để phù hộ dân bản khỏe mạnh, trồng cấy bội thu, mùa màng tươi tốt và đặc biệt cũng là nâng cao ý thức, gìn giữ rừng – cái nôi nuôi sống cho cộng đồng người Mông.

Người Mông cúng thần rừng vào ngày đầu năm bởi đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm. Trong ngày làm lễ mọi người sẽ mang các lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Địa điểm này do thầy cúng là một người có uy tín, hiểu biết lễ nghi của trong dòng họ chọn. Lễ vật dâng lên thần rừng gồm dê, gà, đậu phụ và bánh trưng.

Thầy cúng đốt những tờ giấy bản ở Lễ cúng Thần rừng. Ảnh: Việt Cường

Đậu phộng Chouchou Phú Quốc

Một sự kết hợp hòa quyện tuyệt vời giữa những hạt đậu phộng Việt Nam cùng với công nghệ làm đậu caramen truyền thống của gia đình anh Dominique Samarine (Paris – Pháp) đã cho ra món đậu phộng Chouchou không thể khác biệt hơn, đó cũng chính là một đặc sản của đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Phú Quốc là quê hương thứ 2 của anh Dominique Samarine sau khi anh lấy chị Huỳnh Thị Mai, là người con của xứ đảo này. Hai vợ chồng cùng nhau sáng tạo và làm ra món đậu phộng Chouchou mang hương vị Việt – Pháp vô cùng đặc biệt so với các loại đậu phộng rang sấy ở các nơi khác, như chính tình yêu nồng nàng và đặc biệt của hai người.

Cây đậu được trồng ở Việt Nam sau khi thu hoạch sẽ được phơi thật khô, lựa chọn các hạt đồng đều, chất lượng nhất, sau đó được bọc bởi một lớp gia vị qua phương pháp rang sấy gia truyền của gia đình anh Dominique Samarine. Hương vị thấm đều vào hạt đậu rồi được rang khô, sấy giòn, hỗn hợp gia vị sẽ bao chặt lấy hạt đậu, mang lại cảm giác ngon, giòn khi ăn và rất đậm đà.

Anh Dominique Samarine người mang công thức làm caramen truyền thống của gia đình tại pháp sang Phú Quốc và trực tiếp chế biến món ăn này.

Những địa danh xưa của Đồng Nai

Chính thức trở thành địa danh hành chính từ năm 1698, Đồng Nai - với tên gọi là Trấn Biên, trong 320 năm hình thành và phát triển trải qua nhiều lần thay đổi địa giới cũng như địa danh hành chính, vẫn còn khá nhiều địa danh hành chính các cấp được lưu giữ đến ngày nay.

Trung tâm TP.Biên Hòa đầu thế kỷ 20.

Ở TP.Biên Hòa hiện nay có một số địa danh hành chính như: phường Tân Phong, phường Tân Mai, phường Bửu Long, phường Tân Hòa, xã Tân Hạnh… ít ai biết rằng những địa danh này đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, một số địa phương có tên gọi trùng lặp một cách thú vị.

18 thg 2, 2021

Hoang sơ hòn Bảy Cạnh

Nhiều diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài nước đã giới thiệu hòn Bảy Cạnh là địa điểm không thể bỏ quan khi đặt chân tới huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bởi vẻ đẹp rừng biển hoang sơ. Ngoài ra, theo ghi nhận của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đây là nơi có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam và cũng là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng nhất của huyện Côn Đảo.

Sau lời kêu gọi của Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo tham gia bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo đã có hàng ngàn tình nguyện viên từ các nơi trên cả nước hưởng ứng. Theo chân những tình nguyện viên, chúng tôi từ cảng cầu Côn Đảo, đặt vé đi ca nô ra hòn Bảy Cạnh.

Sau chừng 20 phút di chuyển bằng ca nô, chúng tôi đến được hòn Bảy Cạnh. Một khung cảnh khiến những người vốn đã quá quen khám phá như chúng tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nơi đây đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.