Hiển thị các bài đăng có nhãn Miếu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Miếu. Hiển thị tất cả bài đăng

28 thg 6, 2014

Miếu Tràng - ngọc xanh đất cảng

Từ trên cao nhìn xuống, miếu Tràng (xóm 2, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) như một viên ngọc xanh ngọc bích. Đây còn gọi là miếu Cây Xanh bởi những hàng cây cổ thụ um tùm xanh rì ôm vào lòng ngôi miếu cổ kính. 

Cổng chính uy nghiêm với bốn chữ Hán “Chính khí hạo nhiên”, đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, hai đỉnh cột trụ đắp hình búp sen

Miếu Tràng nằm bên trục đường chính kẻ một đường thẳng tắp giữa lòng xã Cổ Am. Cổng chính uy nghiêm với bốn chữ Hán “Chính khí hạo nhiên”, đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt. Hai đỉnh cột trụ đắp hình búp sen. Bước qua cổng rêu phong cổ kính, in hằn vết chân thời gian, ta như lạc vào một thế giới tâm linh. Bức tường vây tróc từng mảng vữa để lộ những viên gạch đã xỉn màu. Chỉ vài bước chân mà dường như cách biệt hoàn toàn với nhịp sống xô bồ, vội vã, với tiếng còi xe inh ỏi, bụi đường mù mịt ngoài kia. Lòng ta yên bình, tĩnh lặng đến lạ. Đặc biệt, những vòm cây cổ thụ lọc cái nắng chao chát của ngày hè oi ả, đổ xuống bóng râm mát rượi như những mũi kim châm vào da thịt. Ta đắm chìm vào không gian u tịch như muốn được tan ra hòa vào từng thớ không khí ngọt mát vị quê hương! 

17 thg 11, 2013

Long Tuyền cổ miếu

Từ thành phố Cần Thơ theo hướng quốc lộ 91 đi An Giang khoảng 5km, vừa qua cầu Bình Thủy, về phiá bên phải, du khách sẽ thấy một ngôi đình trang nghiêm, cổ kính nhưng không kém phần lộng lẫy; đó chính là đình Bình Thuỷ - tên cũ là Long Tuyền cổ miếu - một hạng mục trong quần thể di tích của làng cổ Long Tuyền, cùng với chùa Hội Linh, Nam Nhã đường, chùa Long Quang, lăng mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa...

Tòa Tiền đình ở giữa, bên trái là miếu Ông Hổ, bên phải là tòa nhà Lục Ấp. 

Năm Giáp Thìn (1844) làng Long Tuyền bị bão lụt gây thiệt hại nặng nề, nhà cửa ruộng vườn tan nát, dân làng phải bỏ đi xứ khác một thời gian kiếm sống qua ngày. Sau đó, khi trở về làng họ lập một ngôi đình bằng tre gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy, cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hoà để giúp bà con luôn được an lành. Sau khi có sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852 (Nhâm Tý), dân địa phương đã cùng nhau cất lại đình làng. Lần này lợp ngói phía trước đình để xây thêm một nhà võ ca.

25 thg 10, 2013

Miếu bà Chúa xứ Thủy Tề

Du khách đến Bạc Liêu cúng bà Nam Hải thường viếng thăm miếu Chúa Xứ Thủy Tề cách đó không xa. Miếu Bà tọa lạc trên một sở đất rộng, thoáng đãng và sạch sẽ, thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu. Ngôi miếu này được xây dựng vào năm 1919 bắt nguồn từ những huyền thoại và tín ngưỡng bản địa của cư dân ven biển Bạc Liêu.

Bàn thờ hai Bà ở gian chính điện. 

10 thg 10, 2013

Đình thần Thắng Tam ở Vũng Tàu

Đi Vũng Tàu, nơi bạn thường đến dĩ nhiên là biển, rồi có thể là núi, là chùa, là tượng chúa Jesus... Thế nhưng, nếu buổi trưa trời nắng, bạn không đi dã ngoại được, sao không thả bộ dọc theo đường Hoàng Hoa Thám (con đường đi lên từ bãi Sau) để viếng thăm cụm di tích Đình thần Thắng Tam, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của TP Vũng Tàu?

Tôi xin mượn bài viết của anh Trần Quang Diệu trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn để giới thiệu về cụm di tích này nhé (có bổ sung một số ảnh của tôi):

Đình thần Thắng Tam ở Vũng Tàu

Tọa lạc trên một sở đất rộng ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu là một quần thể kiến trúc, di tích gồm ba công trình: đình Thắng Tam, miếu Bà và lăng cá Ông. Đình thần Thắng Tam nằm ở vị trí được cho là "án sơn tụ thủy", xây dựng vào năm Canh Thìn (1820) làm nơi thờ phụng các bậc tiền hiền, những người có công khai phá vùng đất này.

Tam quan đình thần Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân


29 thg 9, 2013

Về Vĩnh Châu thăm ngôi miếu cổ

Thiên Hậu cổ miếu tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500m2, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm chợ khoảng 400m về hướng Đông – Nam, trên đường đi về xã Vĩnh Hải. Từ thành phố Sóc Trăng du khách có thể đi theo hướng tỉnh lộ 11 qua cầu Mỹ Thanh và đi thêm khoảng 18 km nữa là đến di tích.

Thiên Hậu cổ miếu nhìn từ bên ngoài; ảnh: Tân Xuyên 

Trước đây, Miếu được dựng với quy mô nhỏ bằng gỗ, tre, lá. Cho đến 1907 miếu được xây dựng lại khang trang bằng gạch, ngói và tồn tại cho đến ngày nay. Theo truyền khẩu, xưa kia nơi đặt miếu rất hoang vu, thanh vắng, nhà cửa dân cư thưa thớt. Đến khi một số di dân người Hoa đến đây lập nghiệp, mang theo hình tượng nữ thần của những ngư dân và những người đi biển trong dòng họ. Để củng cố niềm tin, họ đã lập một ngôi miếu nhỏ thơ Bà với mong muốn bà phù trợ khi ra khơi đánh bắt hoặc giữ bình yên cho xóm làng, mùa màng thuận lợi.


22 thg 9, 2013

Một di tích còn ít người biết ở Huế

Tình cờ, trước thềm Xuân Nhâm Thìn, trong lúc dạo dọc hành lang trên trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trước cuộc họp bàn về Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Đêm Thơ Nguyên Tiêu, tôi chợt để ý đến căn nhà nhỏ giữa hai cây vông đồng cổ thụ cuối sân phía sau đang có người lo chuyện cúng tế. Có thể đây là di tích duy nhất còn lại của Dinh Phủ Doãn ngày xưa mà anh tôi đã có lần cho biết: “Trong Dinh Phủ Doãn có tấm bia đá ghi tên những nhà khoa bảng từng giữ chức Phủ Doãn các triều vua Nguyễn.” 

Quả nhiên, trước căn nhà nhỏ ở nơi khuất vắng ít người để ý ấy, ông Nguyên Thông đang giúp mấy cán bộ văn phòng lo lễ cúng nhân năm mới sắp đến. Thật may là mặc dù hơn một thế kỷ qua, việc xây dựng các công trình trong khuôn viên này đã xáo trộn nhiều thứ, nhưng tấm bia cổ vẫn còn. Đối diện với tấm bia cổ là tấm bia mới dựng ngày 30 tháng 6 năm 1956, ghi rõ:

“Tại khuôn viên tỉnh lỵ Thừa Thiên, nguyên trước có lập hai miếu (một cái thờ văn ban, một cái thờ võ ban). Nhơn sự kiến thiết lại Tòa tỉnh trưởng nên phải làm chung lại một miếu để hiệp tự cho được trang hoành tráng lệ phụng thờ vĩnh viễn muôn năm. Huế ngày 30 tháng 6 năm 1956. Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên - Thị trưởng Đô thị Huế Hà Thúc Luyện.” (Nội dung trên có chữ Hán kèm theo.)




26 thg 8, 2013

Chùa Ba Đồn, một di tích văn hóa và lịch sử

Đến Huế thăm các di tích văn hóa và lịch sử, du khách không nên bỏ qua cơ hội đến viếng thăm khu nghĩa trang và hiểu thêm về một ngôi chùa độc đáo có tiếng linh thiêng. 

Ngôi chùa tọa lạc bên đường Tam Thai, thuộc phường An Tây trên đường từ đàn Nam Giao đi về hướng Nam. Ngôi chùa nhỏ, nổi bật, vây quanh là những thảm cỏ xanh rì, bằng phẳng. Đó là ba khu mộ cải táng của những mồ mả không có thân nhân. Chùa Ba Đồn trước khi hình thành là khu đất làm nơi cải táng chôn cất các mộ phần không có thân chủ khi vua Gia Long xây dựng kinh thành năm 1803, xây đàn Nam Giao năm 1806 và quan quân, dân chúng tử nạn khi kinh đô thất thủ vào ngày 23 tháng 5 Ất Dậu (1885). Ông Nguyễn Đắc Xuân, Nhà nghiên cứu Huế cho hay: Đây là một chùa do các phổ (phường nghề) tự lập và những người giữ chùa là những người bán thế xuất gia (có gia đình), không có tu sĩ như các chùa khác.


22 thg 8, 2013

Đầu năm thăm Văn Thánh Miếu

Nếu đến Huế, thăm chùa Thiên Mụ, bạn có thể ngược lên 400m đường lên Hương Hồ ghé thăm Văn Thánh Miếu - ngôi miếu thờ Khổng Tử ở Huế.

Được xây dựng dưới triều vua Gia Long (1808), Văn Miếu là một biểu tượng sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài đất nước của triều Nguyễn. Quay mặt về hướng Nam, nhìn ra sông Hương, công trình được xây hình chữ khẩu, mỗi cạnh khoảng 160 mét, có la thành bao bọc với khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Từ Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là điện thờ Khổng Tử, gọi là Đại Thành Điện, xây trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m theo lối “trùng thiềm điệp ốc”. Hai bên trước Điện là Đông Vu và Tây Vu - hai ngôi nhà bảy gian thờ Thất thập nhị hiền và các Tiên nho. Trước sân Miếu có hai nhà bia, bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) dụ về việc bà con bên ngoại của Vua không được tham gia triều chính. Qua khỏi Đại Thành Môn, bên trái có Hữu Văn Đường, bên phải có Dị Lễ Đường, là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế lễ. Hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sỹ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn. Ngoài ra còn có các công trình khác như Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn... Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiến trúc, trang trí đăng đối, uy nghi. 

Đại thành môn nhìn từ ngoài vào 

27 thg 5, 2013

Cửu Thiên miếu ở Tri Tôn


Lối đi lên Cửu Thiên miếu ở Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Cát Lộc 

Mùa khô. Nắng cháy da. Trên mảnh đất biên thùy Tri Tôn (An Giang), ánh nắng càng thêm gay gắt. Ruộng úa màu. Cây ven đường xơ xác. Chúng tôi băng mình trong nắng gió bán sơn địa, trên con đường bóng ngời như muốn chảy nhựa. Dọc theo dãy núi Dài, tên chữ Ngọa Long Sơn, bất ngờ phát hiện trên ngọn đồi đá của dãy núi nầy, có một ngôi miếu nhỏ, mái lợp ngói xinh xắn. Chiếc cổng ghi : Cửu Thiên miếu, chữ màu vàng trên nền tấm bảng đỏ.

Hai hàng cột cổng là hai câu đối cũng màu vàng nền đỏ. Đường dẫn lên miếu là bậc thang uốn lượn như rồng múa. Hai bên đường là hai hàng lan can sơn xanh. Con đường nầy vừa mới làm xong ngày mồng 9 tháng Tư năm Nhâm Thìn (2012). Đã bao lần ngang qua đây, nhưng mãi đến lần nầy chúng tôi mới nhìn thấy ngôi miếu nầy, có lẽ “nhờ” trời nắng cháy da, cây cối, nhất là các bụi cây tầm vông cháy vàng, xơ xác lá, và ngôi miếu hiện ra như một lời “mời” lữ khách dừng chân trú nắng!

10 thg 3, 2013

Tiên sư cổ miếu ở Bạc Liêu

Ở thị xã Bạc Liêu có một ngôi miếu nhỏ đã lâu đời được làm bằng cây lá rừng, trên một gò đồi thuộc vùng Ba Thắc xưa, người dân địa phương thường gọi là miếu Tiên sư, miếu Tổ sư hay miếu Thầy. Miếu thờ Tam Giáo tổ sư. 

Gian thờ chính trong miếu Tiên sư. Ảnh: Trần Kiều Quang 

Ngôi miếu này là một di tích liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử ở Bạc Liêu, là nơi thờ tự các danh nhân có công với làng xã như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Cao Minh Thạnh, Nguyễn Tấn Phát, Triệu Vạn Tượng, Lý Hữu Hoan, Phan Kim Lý, Trịnh Thiện Kim, Cao Tấn Hưng, Trịnh Thành Long... và 20 chiến sĩ chống Pháp đã anh dũng hy sinh, trong đó có bảy người bị Pháp xử bắn tại sân miếu.


25 thg 1, 2013

Kiến An Cung ở Sa Đéc

Kiến An Cung ở Sa Đéc, dân địa phương thường gọi là chùa Ông Quách. 

Nằm giữa thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), Kiến An Cung được những người Phước Kiến xây dựng từ hàng trăm năm nay. Những dòng người Phước Kiến (Trung Hoa) sang định cư tại đây, phần lớn là di thần nhà Minh bỏ xứ tha hương từ thế kỷ XVIII do không thần phục triều Mãn Thanh. 

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Phước Kiến là một trong ba cộng đồng gồm Kinh, Hoa và Khmer sống chan hòa bao đời nay; nhưng họ luôn giữ được bản sắc văn hóa, tâm linh suốt nhiều thế hệ sinh sôi, trưởng thành trên đất khách. Kiến An Cung là một minh chứng về năm hóa tâm linh của họ.


9 thg 8, 2012

Miếu Nổi trên sông Vàm Thuật

Trên sông Vàm Thuật đoạn qua địa phận quận Gò Vấp và quận 12 (TPHCM) có một ngôi miếu nằm giữa mênh mông sông nước. Đó là miếu Sa Tân - người địa phương quen gọi là miếu Nổi hay miếu Bà - nằm trên cồn đất rộng chừng 2.500 mét vuông, giữa bốn bề sông nước mênh mông. Hai bờ sông, một bên là khu dân cư thuộc phường 5, quận Gò Vấp và bên kia là vùng trồng hoa mai nổi tiếng của phường An Phú Đông, quận 12. 



Theo truyền thuyết, cách đây gần hai trăm năm, một ngư phủ quăng lưới đánh cá trên dòng sông Bến Cát (thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định; nay thuộc TPHCM) đã vớt được một pho tượng mà lúc ấy người ta cho rằng đó là tượng Bà Thủy Tề. Từ đó, ngôi miếu thờ Bà được dân chúng trong vùng lập nên để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè đi về bình an, thuận buồm xuôi gió.