Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

22 thg 3, 2019

“Hồn cốt” người làng Kon Kơ Tu

Tiếng Ba Na, Kon Kơ Tu có nghĩa là làng cổ. Người dân trong làng còn giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Cùng với những nét văn hoá độc đáo khác, sản phẩm thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm là một trong những yếu tố góp phần tạo nên “hồn cốt” của người Ba Na.
Nặng nợ với nghề
Dường như là duyên nợ, sau hành trình khám phá tour du lịch ngược dòng sông Đăk Bla cùng với hai vị khách người Pháp và một hướng dẫn viên du lịch Kon Tum đến làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) cách đây nhiều năm, thâm tâm luôn mách bảo tôi phải trở lại nơi này.

Thực ra không phải riêng tôi, có nhiều du khách tận trời Âu khi đến thành phố Kon Tum đều đến làng Kon Kơ Tu, bị vẻ đẹp tự nhiên và con người nơi đây “hút hồn” nên đã quay lại để tìm hiểu sâu hơn về những điều kỳ thú mà mình đã được nghe, được thấy, nhất là với những du khách thích trải nghiệm, khám phá những nét đẹp về văn hóa.

5 thg 3, 2019

Độc đáo củi hứa hôn của thiếu nữ Giẻ-Triêng

Trước khi cưới, các cô gái phải chuẩn bị hàng trăm bó củi rừng để đưa sang nhà chồng. Họ gọi đó là củi hứa hôn. Đây là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của người Giẻ-Triêng ở vùng biên giới 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Bây giờ, tục này vẫn duy trì...

Chuẩn bị củi hứa hôn từ tuổi 15


Đầu năm 2019, theo chân ông A Xíu - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Glei về làng Đăk Ung (xã Đăk Nhoong), chúng tôi chứng kiến nhiều nhà có "núi" củi hai đầu phẳng phiu xếp ngay ngắn bên hiên nhà, trước sân.

A Xíu cho biết đó là "củi hứa hôn" của con gái người Giẻ -Triêng trong làng, phần lớn là củi đã "bắt chồng" rồi (nghĩa là đã làm đám cưới).

Đến nhà bà Y Lép, thấy đống củi cao còn mới, hỏi thì quả là nhà vừa làm đám cưới cho con trai.

"Con gái Giẻ -Triêng là vậy. Muốn cưới chồng phải chuẩn bị củi hứa hôn. Bây giờ mỗi đứa chỉ làm 100-200 bó củi thôi, còn ngày xưa phải làm gấp 2-3 lần" - bà Y Lép nói.

Giúp thiếu nữ chuẩn bị củi hứa hôn 

Dân làng Kon Braih vui lễ hội Kă Pơ Lêh

Theo phong tục truyền thống trước đây và bây giờ đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn (làng), cứ đúng ngày 25 tháng 2 hàng năm - thời điểm chuẩn bị bước vào vụ sản xuất rẫy - bà con dân làng Kon Braih (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) lại tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh (tết làng) dưới góc độ cộng đồng làng.

Khác với mọi ngày, sáng nay, gian bếp của gia đình chị Y Dênh (ở thôn Kon Braih) đỏ lửa từ rất sớm để chế biến các món ăn truyền thống kịp đầu giờ chiều mang lên nhà rông cùng bà con trong làng tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh.

Chị Y Dênh cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội đặc biệt quan trọng trong năm này, ngày hôm trước, chồng chị - anh A Thu phải tranh thủ đi rừng để bẫy chuột, bẫy sóc; còn chị thì cùng chị em phụ nữ trong làng đi rừng để hái lá ming, đọt mây về chế biến các món ăn.


Bà con dân làng cùng chẻ ống cơm lam cho vào nia để già làng làm lễ cúng thần linh 

26 thg 2, 2019

Giữ nghề đan lát truyền thống của người Ja Rai

Nhiều năm nay, già A Phiếu ở làng Rắc, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) luôn duy trì nghề đan lát truyền thống của dân tộc Gia Rai mình, đặc biệt là việc đan gùi. Mục đích của việc duy trì nghề với ông không chỉ là để cải thiện đời sống gia đình mà còn có cơ hội để nhắc nhở và truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu, dân làng cùng biết yêu nghề, học nghề và giữ nghề truyền thống mà ông cha mình để lại.

Những lúc không đi rẫy, người dân làng Rắc luôn nhìn thấy già A Phiếu ngồi trên nhà sàn miệt mài với việc chẻ nan, đan gùi. Ở làng Rắc, từ lâu, già A Phiếu luôn được biết đến với tài nghệ đan gùi. Gùi ông đan ra không chỉ phục vụ nhu cầu bà con dân làng, các làng kế bên mà còn được nhiều người ở thành phố Kon Tum tìm đến đặt hàng thường xuyên để mang đi khắp nơi.

Già A Phiếu cho biết, năm lên 10 tuổi, ông đã được cha chỉ dạy cho nghề đan lát, đặc biệt là đan gùi. Ngày trước, các vật dụng trong gia đình đều được đan lát thủ công, từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia, cái gùi nên nhà nào cũng có người biết đan. Thời gian rảnh rỗi, nhà nhà lại đi rừng tìm tre, nứa rồi tập trung lên nhà rông để cùng nhau đan lát. Người già chỉ dẫn cho người trẻ… 


Già A Phiếu chẻ nan đan gùi. Ảnh: T.Q 

Còn mãi nghề dệt thổ cẩm ở Rờ Kơi

Hiện nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong các thôn làng đồng bào DTTS đang có nguy cơ mai một. Thế nhưng, tại thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), vào thời điểm nông nhàn, với bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Hà Lăng (Xơ Đăng) ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi dệt ra những tấm thổ cẩm với sắc màu đẹp tươi...

Một ngày đầu tháng 1/2019 chúng tôi về thôn Rờ Kơi của xã Rờ Kơi để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm ở nơi đây.

Vào thời điểm này, những cánh đồng lúa nước dọc hai bên đường bê tông phẳng lì dẫn vào thôn vừa được gieo sạ xong. Công việc gieo cấy lúa cho mùa vụ mới đã hoàn thành, những rẫy mì trên nương chưa đến kỳ thu hoạch cũng là lúc phụ nữ Hà Lăng ở thôn Rờ Kơi dành thời gian ngồi bên khung cửi để dệt ra những tấm thổ cẩm dùng làm trang phục cho gia đình trong dịp Tết và cả mùa Xuân - “mùa con ong đi lấy mật”, mùa lễ hội của đồng bào DTTS tại chỗ Kon Tum nói riêng, đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung.

25 thg 2, 2019

Lễ hội bắc máng nước ở làng Kon Tu Jốp 2

Hàng năm, vào dịp cuối năm, khi mùa màng thu hái xong, bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô) lại tổ chức lễ hội bắc máng nước. Đây là dịp để bà con dân làng cùng tập trung sửa sang lại các máng nước và cúng heo, gà cầu mong Yàng phù hộ cho dân làng có được nguồn nước mát để sinh hoạt hàng ngày và tưới tắm cho ruộng lúa được tốt tươi, mang lại cho bà con cuộc sống ngày một ấm no, sung túc.

Ngồi bên mái nhà rông cao vút của làng, già làng A Nhui cho biết: Xưa kia, để chọn vị trí đất lập làng, người Xơ Đăng thường chọn vùng đất gần suối, gần sông, có nguồn nước mát để thuận tiện cho việc lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Với bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 cũng vậy. Nghe các già làng trước đây kể lại, để lập làng, già làng thế hệ trước đã đi chọn đất rất kỹ. Bởi thế, mà làng Kon Tu Jốp 2 có rất nhiều con sông, con suối chảy qua, tưới tắm cho nguồn đất, nguồn nước của làng luôn mát lành.

Với quan niệm “vạn vật hữu linh” nên sau khi lập làng, bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 đã làm lễ bắc máng nước cầu mong Yàng nước, Yàng sông, Yàng suối phù hộ cho bà con dân làng được đón nguồn nước mát về làng. Để tỏ lòng biết ơn thần linh đã phù hộ cho bà con dân làng có được nguồn nước mát và cũng để bảo vệ nguồn nước giọt cho làng, từ khi lập làng đến nay, mỗi dịp cuối năm, khi mùa màng đã thu hái xong, bà con dân làng thường tổ chức lễ hội truyền thống bắc máng nước.

Nhịp chiêng mùa xuân

“A húuuu!”, già làng Brol Vẻ phun ngụm rượu khắp nhà, cất tiếng hú vang trong tiếng chiêng cồng rộn ràng để “làm phép”, giúp gia chủ rước may mắn, tài lộc. Trong trang phục truyền thống, chủ nhà hân hoan mời già làng thưởng thức thịt chuột, thịt chim rồi đi quanh vòng chiêng xoang, mời mỗi vị khách đến nhà vít rượu cần, ăn những món truyền thống, cùng hân hoan đón mừng năm mới.

Khi những bông hoa cà phê nhuộm trắng vườn, những vườn cao su bạt ngàn thay lá non mơn mởn cũng là lúc dân làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Cũng rượu ghè, cơm lam, cá chua; cũng bánh mứt, hạt dưa như bao làng, bao thôn khác, nhưng ở đây, bà con còn tập cồng chiêng, dệt trang phục thổ cẩm, tập những bài hát truyền thống… để đón Tết theo kiểu riêng của mình.


Hát múa ăn mừng dưới cây bông

Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Bọoc Mạy) với những lời ca, điệu múa của người Thái vang trên quê hương thứ hai, ai nấy đều không khỏi bồi hồi và tự hào. Tất cả đều cùng một quyết tâm kết nối cộng đồng, đoàn kết, chăm chỉ làm ăn để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên vùng đất mới Ia H’Drai.
Khúc ca trên vùng đất mới


“Hỡi trai gái mường trên… hú… hú… hú
Hỡi trai gái mường dưới… hú… hú… hú
Ta cùng về đây trồng cây cho hoa nở thắm
Ta cùng về đây chơi hoa, cho mường trên mường dưới đẹp như bông như hoa… hú…hú…hú…”


Lời của bà một (chủ lễ), đứng ra khấn xin thần linh trong lễ hội – do chị Hà Thị Xuyên (34 tuổi), Thôn trưởng thôn 4, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai cất lên vang vang, sao thiết tha như gọi mời mọi người - “trai gái mường trên”, “trai gái mường dưới” - đến chung vui Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông với bà con.

8 thg 1, 2019

Trầm bổng tiếng đàn suối

Bloong, bloong, blinh, blinh... những thanh âm kỳ diệu vang lên từ sân sau Bảo tàng tỉnh lan xa theo triền sông Đăk Bla, khi bổng khi trầm, quấn quýt, dồn đuổi nhau như suối ngàn... Tôi đọc được sự bất ngờ và thích thú trên gương mặt của những du khách Hàn Quốc.

1.
Ấy là tôi đang được thưởng thức "món lạ" đàn t'rưng nước, hay còn gọi là đàn suối, ting gling ở Bảo tàng tỉnh, nhân dịp tổ chức Tuần Văn hóa – du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4/2018.

Nếu như không có Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Quang giới thiệu, hẳn rằng tôi sẽ không bao giờ tin, thanh âm làm tôi ngây ngất kia lại xuất phát từ những ống lồ ô khô sắp đặt xiêu xiêu bên con suối nhân tạo róc rách chảy.

Thuyền độc mộc giữa dòng trôi

Không hiểu thuyền độc mộc có tự lúc nào, nhưng từ khi mới sinh ra, già A Hyơh đã thấy cha ông của mình dùng thuyền độc mộc để đánh cá, để làm phương tiện lên rẫy. Thời gian trôi nhanh như con nước, tuổi thơ của già A Hyơh càng thêm gắn bó với chiếc thuyền độc mộc, qua những tháng ngày theo cha đi đánh bắt cá và được cha chỉ dạy cách đục đẽo những chiếc thuyền nhỏ lướt êm trên sông nước…

Độc đáo thuyền độc mộc


Già A Hyơh (ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) chỉ tay về phía 5 chiếc thuyền độc mộc nằm dưới gầm nhà sàn giới thiệu với chúng tôi bằng giọng buồn tênh: Đây là những chiếc thuyền của UBND xã gửi để phục vụ cho những cuộc đua thuyền độc mộc được tổ chức hàng năm. Còn với bà con dân làng nơi đây, bây giờ, chỉ còn ít gia đình dùng thuyền để đi đánh bắt cá trên sông...

Theo như lời kể của già A Hyơh, ngày trước, thuyền độc mộc không phải “nằm ngủ” dưới gầm nhà sàn, tránh mưa tránh nắng như bây giờ mà là phương tiện chính giúp người Gia Rai đi được xa hơn và nhất là mỗi buổi chiều đi rẫy về, trên những khoang thuyền luôn đầy ắp sản vật mà thiên nhiên ban tặng…Với những gia đình người Gia Rai xưa kia, thuyền độc mộc là một phần tài sản như con trâu, chiếc ghè, bộ chiêng vậy.

22 thg 12, 2018

Sức hấp dẫn của “vùng đất ngã ba biên”

Không chỉ là vùng đất hấp dẫn đối với du khách thập phương đến để tham quan du lịch, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của địa phương, Ngọc Hồi còn có “sức mời gọi” các nhà đầu tư đến khai thác tiềm năng, đem lại nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế. Có được điều đó là bởi những lợi thế địa lý của vùng đất án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, nơi “một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe”...

Điểm đến du lịch hấp dẫn
Ngọc Hồi được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến bởi vị trí địa lý đặc biệt - ngã ba Đông Dương, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cột mốc biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là địa danh nổi tiếng không chỉ hấp dẫn với khách du lịch trong nước và cả với du khách nước ngoài.

Mới đây, tôi có bạn từ Hà Nội vào Kon Tum. Bởi đã cất công tìm hiểu về Ngọc Hồi nên khi đến Kon Tum, bạn tôi liền đề nghị tôi dẫn đến ngã ba biên giới Ngọc Hồi để tìm hiểu về vùng đất này và đặc biệt là phải đến “sờ tay vào cột mốc 3 biên” - cách nói hình tượng của bạn tôi nhằm biểu đạt đến thăm Cột mốc ngã biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia ở Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi).

Ngọc Hồi là địa danh nổi tiếng không chỉ hấp dẫn với khách du lịch trong nước và cả với du khách nước ngoài. Ảnh: V.P 

18 thg 12, 2018

Sức bật Măng Ri

Nói đến Măng Ri, hầu như mọi người dân Kon Tum đều biết, bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng với cây dược liệu quý – sâm Ngọc Linh mà còn là mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng - là Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ.

Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng nổi tiếng của tỉnh. Nơi đây từng là Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Măng Ri đang ra sức lao động sản xuất, tận dụng những lợi thế sẵn có của vùng đất này để từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Xã Măng Ri có 6 thôn, làng, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Theo những già làng ở xã Măng Ri cho biết, xã được lấy tên Măng Ri theo tiếng Xơ Đăng có ý nghĩa là từ ghép tên của cây đa và cây măng sâm lũ, một trong những loại cây có nhiều trên địa bàn xã và thường được bộ đội sử dụng làm thực phẩm trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.


Chăm sóc sâm Ngọc Linh 


23 thg 11, 2018

Có một người mang tên Kon Tum

Sau khi tỉnh Kon Tum được thành lập 3 tháng, ngày 3/5/1913, có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời và được gia đình đặt tên Ngụy Như Kon Tum để ghi lại dấu ấn lịch sử của sự kiện tỉnh Kon Tum được thành lập (9/2/1913)- vùng đất gắn bó nhiều kỷ niệm với gia đình .

Thông thạo tiếng Ba Na hơn tiếng Việt

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum chào đời ở Kon Tum, trong một gia đình công chức nhỏ. Thân sinh ông là cụ Ngụy Như Bích, lục sự bưu điện. Bà cụ thân sinh, giống như nhiều bà vợ công chức thời đó, ở nhà làm nội trợ, không tham gia công tác xã hội.

Kon Tum vào những năm đầu thế kỷ XIX nhỏ bé, nép mình bên bờ sông Đăk Bla, lèo tèo vài con phố nhỏ, nơi tập trung các gia đình viên chức chính quyền thuộc địa. Gia đình của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum sống ở Rue de La Marne (ngày nay là đường Trần Hưng Đạo - TP Kon Tum). Cư dân ở Kon Tum chủ yếu là dân tộc Ba Na, sống trong các làng Kon Ra Chót, Kon Tum Kpâng, Kon Tum Knâm... mà ngày nay vẫn còn. Suốt thời thơ ấu, giáo sư làm bạn với núi rừng Kon Tum, với trẻ em đồng bào DTTS ở Kon Tum, mà đa số là trẻ em người Ba Na. Bởi vậy, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum ngay từ thời đó đã nói thạo tiếng Pháp, tiếng Ba Na.

Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum 

22 thg 11, 2018

Rừng xã Hiếu - vẻ đẹp nguyên sơ mê đắm du khách

Xã Hiếu là một trong những xã của huyện Kon Plông dường như còn nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc hữu nguyên sinh của Đông Trường Sơn. Khi mùa mưa đi qua, trời hửng nắng, du khách nào có mặt nơi đây những ngày tháng 10 sẽ chìm đắm trong sắc màu xanh trong của chồi non, màu vàng ươm của những bông hoa hoang dại.

Đến bây giờ, dẫu rất nhiều lần về xã Hiếu, song mỗi lần về với nơi đây, trong tôi đều trào dâng những cảm xúc mới lạ, đắm say trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Bởi, cảnh núi rừng của vùng đất xã Hiếu đã tạo nên bức tranh tuyệt đẹp; nắng trời, sắc mây ở mỗi thời điểm trong ngày góp phần phối nên những gam màu mới, ngập tràn cảm xúc của núi non hùng vĩ, rừng cây hoang sơ, những con suối len lỏi chảy miên man giữa núi rừng.

Và, có lẽ ai đến với xã Hiếu cũng đều trào dâng cảm xúc như tôi.

21 thg 11, 2018

Ấn tượng Kon Jơ Ri

Trong hành trình khám phá vẻ đẹp trên dòng sông Đăk Bla, ngoài những trải nghiệm khi xuôi ngược dòng sông này trên thuyền độc mộc của người Ba Na, du khách còn được cảm nhận nhiều ấn tượng khi thăm những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số còn đậm nét xưa; cùng thưởng thức rượu cần, điệu múa xoang truyền thống, nghe những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã... Trong đó, ngôi làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa) nằm bên cầu treo Kon Klor - cây cầu treo đẹp và dài nhất Tây Nguyên, là điểm đến ấn tượng với du khách...

Yên bình Kon Jơ Ri


Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum).

Nằm nép mình bên dòng sông Đăk Bla, từ lâu Kon Jơ Ri đã thu hút du khách thập phương bởi vẻ đẹp của cảnh vật, thiên nhiên và con người nơi đây. Đến với Kon Jơ Ri, du khách được đắm mình trong sự yên bình của cảnh vật thiên nhiên mà quên đi những xô bồ của cuộc sống thường ngày, được tham gia trải nghiệm cuộc sống của người Ba Na với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, cùng lối sống hiền hậu và hiếu khách của người dân nơi đây.

18 thg 11, 2018

Dân làng Kon Pao mừng nhà rông mới

Nhìn mái nhà rông mới vừa được dựng lại trên một khu đất cao ráo nằm ở giữa làng, già làng A Kle thở phào nhẹ nhõm: Bao đêm không ngủ được, vì cái được xem là văn hóa của làng (tức nhà rông - PV) đã bị mưa bão làm sập. Lo lắng vì dân làng không đủ sức để làm lại nhà rông truyền thống, bởi bây giờ nguyên liệu tự nhiên không dễ để tìm được. Ấy vậy mà, với quyết tâm giữ văn hóa cho làng, nhà rông truyền thống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã nhanh chóng được dựng lại…
Không còn khó khăn như trước đây, đường vào làng Kon Pao (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) bây giờ rất thuận lợi. Từ Quốc lộ 14 đoạn qua địa phận xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) rẽ vào con đường tránh lũ Đăk Psi (dự án được Nhà nước đầu tư mấy năm nay) trải nhựa phẳng lì chừng mươi phút là về đến làng.

Những ngày cuối tháng 10, lúa ở rẫy của bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã chín vàng trên những triền đồi. Xen lẫn những vạt vàng của lúa là những vườn cà phê xanh mướt mới được bà con nơi đây chuyển đổi từ những rẫy mì nằm trải dọc men theo sông Đăk Psi.

24 thg 10, 2018

Về vùng đất “7 hồ 3 thác”

Vùng đất Măng Đen (Kon Plông)- nơi được mệnh danh là “Đà Lạt 2” của Tây Nguyên, không chỉ hấp dẫn hút khách du lịch thập phương bởi khí hậu trong lành, vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình mà còn là mảnh đất đầy triển vọng cho phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao ở Đông Trường Sơn hùng vĩ...

Ấn tượng vẻ đẹp 


Măng Đen (huyện Kon Plông) nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.500m so với mực nước biển, có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình dao động từ 16-
200C, độ ẩm trung bình 82-84%, có rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh, rừng có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên.

Hồ Đăk Ke hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: P.N 

11 thg 10, 2018

Lên dốc Cổng Trời

Vượt qua quãng đường khá dài và gập ghềnh, chúng tôi về xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei) - vùng đất nổi tiếng với truyền thuyết về núi Nồi Cơm trên dốc Cổng Trời và những nét văn hóa độc đáo mà đồng bào Jẻ sinh sống nơi đây còn gìn giữ.
Dù đã cuối mùa mưa, nhưng buổi sớm, mây mù vẫn giăng phủ trên dốc Cổng Trời và ngọn núi Nồi Cơm cao sừng sững.

Đến đầu con dốc của làng Bung Kon (xã Đăk Blô), thấy chúng tôi say sưa chụp ảnh ngọn núi Nồi Cơm cao “chọc trời”, già Bloong Dun tiết lộ: Ngọn núi ấy là linh hồn, là núi thiêng của các làng đồng bào Jẻ ở Đăk Blô này đấy.

Câu nói của già Bloong Dun khiến chúng tôi càng tò mò. Vừa đi trên con đường làng Bung Kon, già vừa kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về dốc Cổng Trời và núi Nồi Cơm mà từ nhỏ ông đã được người lớn trong làng truyền kể lại.

Bắt đầu kể về truyền thuyết ấy, già Bloong Dun bảo, ở đây, mỗi tên đất, tên làng, tên sông, tên núi đều có lý do riêng của nó.

18 thg 9, 2018

Tập tục rào làng của người Xơ Đăng

Rào làng là tập tục lâu đời của đồng bào Xơ Đăng. Ngày nay, ít làng còn duy trì tập tục rào làng, nhưng đây vẫn là một trong những nét độc đáo trong tín ngưỡng tâm linh của người Xơ Đăng.
Trước hết, nói về làng của người Xơ Đăng. Cũng như đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, người Xơ Đăng sống thành từng làng, đây là đơn vị xã hội dân gian nhỏ nhất. Mỗi làng của người Xơ Đăng có một ranh giới nhất định, tách biệt với các làng khác. Ranh giới giữa các làng thường là một khu rừng vô chủ. Làng thường hội tụ nhiều yếu tố như có đất sản xuất, đất ở của từng hộ gia đình, đất làm kho thóc, máng nước, đất làm nghĩa địa, đất rừng chung để cả làng săn bắn, chăn nuôi, thu hái lâm sản, những khúc sông, con suối chảy qua làng...

7 thg 9, 2018

Phở khô – không chỉ là món ăn!

Cô nhớ Kon Tum, nhớ món phở khô quá. Cô chỉ muốn có dịp quay lại thăm Kon Tum, để cảm nhận những đổi thay của quê hương thứ hai đã thấm đẫm vào cô như máu thịt và còn để được thưởng thức vị beo béo, dai dai của bánh phở khô, vị ngọt dịu thanh thanh của nước dùng… Lời tâm tình của người mấy chục năm gắn bó với Kon Tum nay nghỉ hưu về quê sinh sống đã khiến tôi chợt nghĩ, phở khô Kon Tum - không chỉ là một món ăn…