Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

27 thg 8, 2018

Độc đáo tết lúa về kho của đồng bào Xơ Đăng ở Mường Hoong

Sản xuất lúa nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng và mỗi gia đình đồng bào Xơ Đăng ở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Có rất nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời của cây lúa, trong đó tết lúa về kho là một trong những nghi lễ quan trọng vẫn được người dân nơi đây duy trì, gìn giữ.

Ở Mường Hoong, mỗi năm, người dân chỉ làm một vụ lúa, nhưng chừng đó thôi cũng đủ gạo để các gia đình ăn quanh năm. Lúa được canh tác trên các thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới chân suối lên đến lưng chừng núi. Đến mùa thu hoạch, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng óng trải dài trông rất đẹp mắt.

Người dân nơi đây quan niệm rằng mỗi vụ mùa thuận lợi, bội thu là do được các thần linh ban tặng; ngược lại, vụ mùa thất bát là do thần linh trách phạt.

Hàng năm, người dân thường tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa, bắt đầu từ lúc gieo mạ, cấy lúa đến khi thu hoạch, đưa lúa vào kho. Trong đó, nghi lễ cuối cùng trong vòng đời của cây lúa, hạt lúa đó là tết lúa về kho được coi là một trong những nghi lễ rất quan trọng.

8 thg 8, 2018

Gìn giữ hương rượu cần truyền thống

Về trung tâm thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, đi qua chiếc cầu dây văng giữa thị trấn yên bình là địa phận thôn 5, chúng tôi ghé vào ngôi nhà đối diện với chiếc cầu này, hỏi thăm bà Y Minh sinh năm 1956, dân tộc Xơ Đăng. Nhắc đến bà, người dân ở đây ai cũng biết bởi bà rất tâm huyết với việc giữ gìn nghề rượu cần truyền thống.

Sinh ra và lớn lên tại xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, từ khi còn nhỏ, bà Y Minh đã được mẹ dạy cho cách ủ rượu cần truyền thống bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như: bo bo, mì, nếp than… Lớn lên, bà làm công nhân Công ty Thương nghiệp cấp III của huyện Kon Plông tại thị trấn Đăk Rve hiện nay. Đến năm 1977, bà lập gia đình và sinh sống ở thị trấn này cho đến tận bây giờ.

Bà Y Minh tâm sự: Để làm được một ghè rượu cần, bà tự lên rừng tìm nguyên liệu về làm men ủ rượu. Dù đi đâu, làm công việc gì, thì sau khi trở về nhà, bà cần mẫn chọn kỹ những vỏ cây, lá cây, rễ cây rừng để làm men. Men rượu cần thường được làm từ cây plo - loại cây có thân dây leo, lá mỏng. Đây là loại cây rừng có mùi thơm, vị hơi cay.

30 thg 7, 2018

Giọt nước – Một góc hồn làng

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, giọt nước là một biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, nó gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người dân trong từng làng. Cùng với nhà rông, cồng chiêng, giọt nước tượng trưng cho một góc hồn làng.

Vào lúc sáng sớm hay chiều muộn, nếu ai có dịp ghé vào làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) sẽ gặp hình ảnh nhiều phụ nữ, trẻ em tíu tít gùi theo quần áo, can, chai đi ra giọt nước của làng. Họ tắm, giặt rồi lấy nước đóng vào can, chai mang về nhà dùng. Tiếng nói cười của người lớn, tiếng trẻ con nô đùa rộn ràng, không khí sinh hoạt của người dân làng Kon Tum Kơ Nâm vào lúc này thật náo nhiệt, vui tươi.

Bà Y Thớt năm nay đã ngoài 80 tuổi kể rằng: Chẳng biết giọt nước của làng có từ khi nào, chỉ nhớ là từ lúc còn nhỏ, hàng ngày tôi theo mẹ ra giọt lấy nước về nấu ăn, uống và tắm giặt ở ngoài giọt. Bây giờ, con cháu của tôi vẫn thích sử dụng nguồn nước giọt trong các sinh hoạt hàng ngày dù nhà đã giếng nước.

3 thg 7, 2018

“Bãi thú” Ya Book

Nói về thung lũng Ya Book nằm trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray, giới nghiên cứu về động vật móng guốc nghĩ ngay đến những đàn bò tót đông đúc ở đây và các loài thú ăn cỏ, thú ăn thịt ở vùng này. Gần 20 năm qua, đồng cỏ mênh mông 15.000ha này bị cây rừng xâm chiếm, nhỏ hẹp dần qua mỗi năm, các loài thú không còn xuất hiện hàng đàn đông đúc nữa...

“Bãi thú” bò tót…
Nghe hỏi về "bãi thú", anh Hoàng Văn Hương -Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Ya Book (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) liền chọn 2 chiếc xe máy thuộc hàng "chiến mã" chuyên đi rừng, rồi gọi thêm một cán bộ của đơn vị đưa tôi và anh Đào Xuân Thủy - Phó giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray tìm vào bãi thú.

Luồn lách qua rừng cây rậm dày đặc cây bằng lăng khoảng hơn 15 năm, càng đi sâu vào rừng, cây thành ngạnh càng nhiều, cành cây là gai góc xù lông từng chùm như đinh 10 tua tủa.

Băng rừng, lội suối vào bãi thú Ya Book. Ảnh: P.N 

Nhà rông ơi, tôi đứng về phía các già làng!

Ngồi trên bậc nhà rông của làng, nhìn ra mặt hồ Ya Ly mịt mờ sóng nước, lắng nghe tiếng mưa gõ đều đều trên mái tôn, già làng A Dót (làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) tiếc nuối nói: Từ khi nhà rông được "bê tông hóa" là đã đánh mất đi hồn cốt của nó rồi, dân làng nhớ lắm nhà rông bằng gỗ, bằng tranh trước kia...
1. Từ bao đời, với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhà rông là trung tâm hội tụ để “văn hóa làng” tồn tại và phát triển; là niềm tự hào của bà con dân làng, biểu tượng khát vọng, ý chí, sức mạnh của cộng đồng làng. Các già làng thường nói rằng, đã là làng là phải có nhà rông.

Theo phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum, khi chuẩn bị lập làng, già làng đi chọn khu đất đẹp nhất để lập dựng nhà rông và thường phải là khu đất cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, đặt ở trung tâm của làng, từ xa, dù ở hướng nào, cũng nhìn thấy được mái nhà rông của làng.

Nhà rông nơi tổ chức các lễ hội của làng 

21 thg 6, 2018

Những lễ hội về cây lúa của người H’rê ở làng Vi Ô Lắc

Người H'rê ở làng Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) có truyền thống làm lúa nước nên các sinh hoạt tín ngưỡng đa phần gắn liền với chu kỳ vòng đời của cây lúa. Hằng năm, người dân làng Vi Ô Lắc thường tổ chức nhiều lễ hội liên quan đến cây lúa.

Với đồng bào H’rê ở làng Vi Ô Lắc, cây lúa nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân, bởi đây không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống mọi người mà còn là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Vì thế, những nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Hằng năm, đồng bào H’rê ở làng Vi Ô Lắc vẫn duy trì việc tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến việc trồng cấy, thu hoạch lúa như: lễ đón bầu nước thiêng, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch lúa, đón lúa về kho...


Cồng chiêng một trong những đồ vật không thể thiếu trong các lễ hội của dân làng Vi Ô lắc. Ảnh: T.H 

13 thg 6, 2018

Âm vang cồng chiêng làng Kon Trang Long Loi

A Thăk cầm một bẹ chuối nhỏ đập dập nát một đầu chấm vào bát rượu tiết gà và bôi lên từng chiếc cồng chiêng một. Rồi ông cầm bát rượu tiết cùng với đội cồng chiêng của dân làng đứng thẳng người lên thành kính mời Yàng. A Thăk khấn to: Ơi… Yàng!...

Cồng chiêng là hơi thở của làng


Cũng như nhiều dân tộc khác, người Rơ Ngao ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) rất quý cồng chiêng. Tuy nhiên, trước đây do chiến tranh, người Rơ Ngao ở làng Long Loi phải di cư từ huyện Đăk Hà đến tỉnh Gia Lai và tỉnh Đăk Lăk nên nhiều bộ cồng chiêng của làng bị thất lạc.


Dân làng vào hội đón cồng chiêng. Ảnh: V.N 

Thuyền độc mộc ở Kon Ktu

Đến làng du lịch Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của mái nhà rông cao vút, những nếp nhà sàn cổ kính của người Ba Na, mà còn được thực hiện chuyến trải nghiệm thú vị, lênh đênh trên sông nước cùng những chiếc thuyền độc mộc do chính bàn tay tài hoa của người dân nơi đây đục đẽo, để thưởng ngoạn cảnh đẹp của dòng Đăk Bla. Đó nhất định sẽ là chuyến đi để lại nhiều cảm xúc trong lòng du khách…

Làng Kon Ktu nằm dọc sông Đăk Bla. Một buổi chiều muộn, tôi theo cha con già A Banh ra bến sông của làng và cùng thực hiện chuyến xuôi thuyền độc mộc về phía con nước chảy xiết đoạn ở cuối làng để đánh bắt cá kơ nông (một loại cá đặc sản nổi tiếng nơi đây thường sinh sống ở vùng nước chảy xiết).

Già A Banh bảo với tôi, chiếc thuyền độc mộc này mới được già tích góp tiền mua gỗ đóng được, có sức chứa khoảng 5-6 người, dùng để phục vụ cho việc đánh bắt cá và khách du lịch khi có nhu cầu thưởng ngoạn cảnh đẹp trên dòng Đăk Bla.


Cha con ông A Banh đi thuyền độc mộc đánh cá trên sông Đăk Bla 

10 thg 5, 2018

Chuyện chưa kể về Anh hùng A Meh

Ngọn đồi là rừng xà nu, nơi ông A Meh (Đinh Môn) đi về trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông là nguyên mẫu cụ A Mét trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành, nhưng có mấy ai biết, làng kháng chiến và cuộc đời của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Meh trong đời thực kể lại có khác cổ tích.

Mỗi năm một bát muối

Hỏi về làng "nước xu đỏ", ông A Nghem - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp (huyện Đăk Glei) bảo làng Xốp Dùi đã di cư hàng chục ki lô mét từ làng cũ về trung tâm xã mấy mươi năm nay.

Nhìn dãy rừng xanh bạt ngàn thông xa xa, A Nghem nói, làng Xốp Dùi cũ bây giờ không còn ai ở nữa. Muốn về làng ấy phải qua ngọn núi Xu Mông có rừng xà nu trùng điệp. Ngọn đồi này xưa là chỗ thường xuyên phải đỡ đạn pháo từ các đồn binh Pháp bắn vào làng và cũng là nơi đội quân của cụ A Meh trinh sát, canh gác mỗi ngày để đánh lính Pháp và Mỹ xua quân đi càn quét qua làng.

25 thg 4, 2018

Vị ngon của muối

Không cầu kì trong cách chế biến, những món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum giữ được vị ngon ngọt nguyên chất, mang đậm phong vị núi rừng. Nhất là với món muối từ quả sao và tiêu rừng, chỉ cần thưởng thức một lần, hương vị đậm đà sẽ còn được lưu mãi, khó quên.

Trong chuyến công tác cách đây 4 năm, tôi tình cờ được dùng bữa tối tại nhà chị Y Thể (người Giẻ) tại xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. Bữa cơm đạm bạc chỉ có vài con cá nục hấp, ít măng chua nấu với đầu cá và… 1 chén muối nhưng ngon hết sảy. Những nắm cơm nóng hổi chấm vào chén muối the the vị tiêu, thơm vị lá cam, lá sả, chua chua vị quả sao, sao mà đậm đà đến thế!… 4 năm rồi, mỗi lần nhắc đến lại thấy thèm.

Sau này, đi nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, tôi mới biết, không chỉ có người Giẻ mà hầu hết bà con ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều dùng quả sao (người Kinh hay gọi là quả chua) để làm muối, dù mỗi nơi có một cách gọi tên quả khác nhau.


Người dân hái quả sao về dự trữ để làm muối. Ảnh: B.A 

Phố núi không chỉ có cơm lam, gà nướng…

Mỗi lần có bạn từ phương xa đến, tôi cứ lo ngay ngáy, bởi ngoài việc chọn địa điểm để bạn tham quan thì việc đưa bạn mình đi thưởng thức món ẩm thực độc đáo nào riêng có ở Kon Tum cũng là cần phải cân nhắc lựa chọn. Trong hàng loạt đặc sản của Kon Tum được đưa ra giới thiệu, “ẩm thực ống lồ ô” là món ăn được những người bạn thành phố thích nhất, vì họ vừa có thể trải nghiệm vừa thưởng thức được các món ăn dân dã... 

Làng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) nằm bên dòng Đăk Bla- lúc này đang mùa nước cạn, lộ ra những bãi cát vàng thoai thoải và những bãi đá xám. Mấy năm qua, làng là điểm đến khá hấp dẫn đối với những người thích loại hình du lịch sinh thái, khám phá.

Ở Kon Ktu, du khách được nghe và hòa mình vào tiếng cồng chiêng, cùng múa xoang xung quanh ánh lửa bập bùng; có thể được chứng kiến hoặc tham gia dệt vải, đan gùi; được đi bằng thuyền độc mộc xuôi theo dòng Đăk Bla thơ mộng uốn quanh dưới dãy núi Kong Muk. Và, du khách cũng có thể tham gia các buổi lên nương rẫy, thu hoạch nông sản, đánh bắt cá dưới sông...

Cây nêu - Biểu tượng tâm linh của đồng bào DTTS Kon Tum

Trong các lễ hội lớn của đồng bào DTTS Kon Tum luôn có bóng dáng cây nêu (còn gọi là cột cúng). Cây nêu vừa là hình tượng nghệ thuật kiến trúc, vừa là biểu tượng tâm linh gắn kết đất trời trong các nghi lễ truyền thống của người dân tộc thiểu số nơi đây. 

Ở Kon Tum, cây nêu thường có hai dạng. Thứ nhất, cây nêu trong lễ hội cúng Yàng khi dựng làng mới, nó được làm bằng cây lồ ô cao hơn 20m, trên ngọn của cây nêu, người ta thường trang trí hình mặt trời hoặc gắn một con chim (đồng bào quen gọi là chim Tlang) được đẽo từ một loại gỗ tạp. Hình tượng này biểu tượng cho sự tự do và tục thờ thần mặt trời. Đoạn giữa cây nêu gắn hoa văn bông gạo, đoạn gần dưới gốc cây thường tạc hình con thạch sùng hoặc rùa, đây là những thứ thân thuộc, gắn bó trong đời sống sinh hoạt của người Tây Nguyên.

3 thg 4, 2018

Dưới chân núi Ngọc Linh

Tu Mơ Rông được biết đến không chỉ là vùng căn cứ cách mạng, mà còn là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Tu Mơ Rông phát triển…

Vùng đất cách mạng

Tháng 8/1959, Ban cán sự tỉnh Kon Tum tiếp thu phương hướng, nhiệm vụ của Khu ủy xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, phòng chống địch càn quét, diệt ác ôn… và đã chọn địa điểm suối Đăk Y Hai, thuộc xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) làm căn cứ hoạt động.

Sở dĩ vùng đất này được chọn làm khu căn cứ vì có địa hình chia cắt rất phức tạp, có hệ thống đồi núi liên hoàn nằm trong quần thể núi Ngọc Linh vô cùng hiểm trở, “dễ thủ khó công”.

Gùi - Vật “bất ly thân” của người dân vùng núi Ngọc Linh

Chiếc gùi là sự sáng tạo trong quá trình lao động của đồng bào dân tộc thiểu số, nó là vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Ở vùng núi cao Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), chiếc gùi dường như có vai trò đặc biệt quan trọng và được xem là vật “bất ly thân” của mỗi nhà, mỗi người dân nơi đây.

Xã Ngọc Linh có địa hình đồi núi tương đối phức tạp nên trước hết gùi là phương tiện phổ biến để người dân vận chuyển hàng hoá, đồ đạc, nông sản. Toàn xã có 17 thôn, làng thì có tới 8 thôn, làng nằm cheo leo trên núi cao, chưa có đường xe đi lên; các làng còn lại dù ở dưới thấp, có đường xe tới, nhưng từ dưới đường lên đến nhà của mỗi gia đình hầu như cũng chỉ có cách đi bộ.

Đồng bào Xơ Đăng sinh sống trong điều kiện địa hình khó khăn như vậy, không thể dùng các phương thức vận chuyển như xe hay kể cả gánh gồng, đội, vác thì gùi là phương thức vận chuyển phù hợp nhất. Nó được ví như chiếc địu, như chiếc ba lô, chiếc túi xách... giúp họ vận chuyển hàng hoá từ nơi mua sắm về nhà, đưa nông sản từ trên rẫy về rồi từ nhà xuống trung tâm xã để bán...

Trong mỗi gia đình người Xơ Đăng ở Ngọc Linh đều có hàng chục chiếc gùi lớn nhỏ. Ảnh: T.H 

26 thg 3, 2018

Măng le - Sản phẩm đặc trưng Đăk Psi

Thời điểm từ cuối tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, người dân ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) lại rủ nhau đi rừng lấy măng le về chế biến các món ngon hoặc phơi khô để bán theo đơn đặt hàng của nhiều thương lái từ thành phố Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định... lên thu mua. Có lẽ do đặc thù thổ nhưỡng nên măng le ở vùng đồi núi Đăk Psi từ lâu đã trở nên nổi tiếng.

Nhộn nhịp mùa măng le

Dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày cuối mùa mưa ở Kon Tum, chạy dọc con đường Tỉnh lộ 677 dẫn vào các thôn làng ở xã Đăk Psi đâu đâu cũng thấy bà con phơi măng le trải dọc ven đường, tỏa mùi thơm sực nức.

Tục ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm của người Ba Na ở làng Kon Brap zu

Hàng năm, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, vào thời điểm lúa trổ bông, bà con đồng bào Ba Na ở làng Kon Brap Zu (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) lại tổ chức Tết Ét Đoong để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống dân làng no đủ. Trong ngày Tết Ét Đoong, đồng bào Ba Na nơi đây tổ chức ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm để chuẩn bị đón những hạt lúa mới từ rẫy về…
Bí thư chi bộ, già làng A Jring Đeng gọi điện mời chúng tôi về làng đón Tết Ét Đoong cùng với dân làng. Già căn dặn, ngày Tết dù diễn ra cả ngày nhưng để hiểu biết được nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Ba Na nơi đây phải đến từ sớm, bởi từ 6 đến 7 giờ sáng, nhà nhà nơi đây đã thực hiện nghi lễ cúng và ăn những hạt giống lúa cuối cùng trong năm.

Là đảng viên mẫu mực, từng làm cán bộ lãnh đạo xã, khi về nghỉ hưu tại địa phương, già A Jring Đeng được dân làng tín nhiệm bầu chọn làm già làng. Với trách nhiệm của mình, già A Jring Đeng luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân làng gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Già làng A Jring chuẩn bị con dúi để cúng Tết Ét Đoang 

22 thg 3, 2018

Người Xê Đăng ở Đăk Psi “đón nia lửa mới vào nhà”

Một trong các nghi lễ độc đáo diễn ra trong lễ hội ăn cơm mới của đồng bào Xê Đăng ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) là việc đón nia lửa mới vào nhà. Nia lửa mới tượng trưng cho tinh thần, sức mạnh, sự ấm áp và no đủ của dân làng. Bởi lẽ đó, bắt đầu đi đến ăn cơm mới ở từng hộ gia đình, già làng luôn là người đi đầu để mang nia lửa mới đến với từng gia đình...

Đã thành phong tục truyền thống, hàng năm, khi những hạt lúa trên rẫy bắt đầu chín vàng, bà con Xê Đăng ở các làng Đăk Rơ Wang, Đăk Pơ Trang, Kon Pao, Kon Pao Kram (xã Đăk Psi) lại tổ chức lễ hội ăn cơm mới và đón nia lửa mới vào nhà.

Men theo con đường tránh lũ Đăk Psi (nối từ xã Diên Bình, huyện Đăk Tô vào đến tận các thôn làng của xã Đăk Psi) vừa láng nhựa phẳng lì, chúng tôi về làng Đăk Rơ Wang để ăn cơm mới cùng bà con dân làng theo lời mời của thôn trưởng, già làng. Từ sáng sớm, mọi gia đình nơi đây đều đã thức dậy để quét dọn nhà cửa, vườn tược sạch đẹp.

21 thg 3, 2018

Độc đáo Lễ cúng lúa mới của người Brâu

Dân tộc Brâu có nhiều lễ hội trong một năm. Đặc biệt là hệ thống lễ hội liên quan đến vòng đời sinh trưởng và phát triển của cây lúa như lễ mừng lúa mới. Lễ cúng lúa mới thường được tổ chức vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 (dương lịch) hàng năm, khi mà cây lúa trên rẫy đã no sữa...

Với người Brâu, lễ cúng lúa mới là một sự kiện trọng đại của cả làng hay một nhóm gia đình và cũng có thể tổ chức theo từng gia đình. Lễ hội cúng lúa mới cũng là dịp để các gia đình và cộng đồng làng thể hiện niềm vui mừng khi đón những hạt lúa mới thơm ngon, vì mùa màng bội thu và cảm ơn thần linh đã ban cho dân làng được một mùa bội thu, nhà nhà ấm no.

Bảo tồn thổ cẩm Rơ Măm

​Người già ở làng Le kể lại rằng, ngày xưa, khi ấy đồng bào Rơ Măm còn sống ở vùng rừng núi cao, ngoài trồng lúa nếp, lúa tẻ, bắp, mì để ăn và làm rượu cần, bà con còn biết lấy cây rừng (cây bông) để làm sợi dệt vải may mặc và trao đổi hàng hóa. Thổ cẩm của người Rơ Măm ngày trước đơn giản, chỉ có một màu trắng của vải mộc, không nhuộm; chứ không nhiều màu sắc như thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai…

Ngày rảnh rỗi, thấy chị em phụ nữ trong làng tập trung lên nhà rông để dệt thổ cẩm, bà Y Điết (67 tuổi) cũng tham gia cùng. Người phụ nữ Rơ Măm này cho biết, phải đến hơn 45 năm rồi, bà mới có cơ hội được ngồi lại bên khung dệt, công việc mà từ thời còn con gái rất yêu thích.

20 thg 3, 2018

Bình dị chợ phiên Đăk Hà

Không rộn ràng váy hoa, áo đẹp; không tù và cũng chẳng sáo nhị, bao nhiêu năm nay, chợ phiên Đăk Hà vẫn bình dị, hiền hòa như thế. Chỉ với tấm bạt lót, trải hàng hóa lên bên vệ đường, những người nông dân chất phác bán đầy đủ các mặt hàng rau nhà, củ vườn, gà nuôi… đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế” khắp cả vùng.

Phiên chợ nông dân


Chủ nhật, từ sáng sớm, người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà lại chuẩn bị sọt, gói ghém hàng hóa để đến chợ phiên bán.

Dù chỉ có ít ốc tự bắt, vài ba củ mì, vài búp hoa chuối nhưng từ 5h sáng, cô Nông Thị Quấy (người Nùng) ở xã Đăk Ngọk đã bỏ vào giỏ, cột lên xe mang ra chợ phiên.