23 thg 1, 2024

TP Hải Dương từng có sân bay cỡ nhỏ

Đô thị Hải Dương xưa từng có một sân bay cỡ nhỏ nhưng không nhiều người biết đến.

Đường Hồng Quang từng được gọi là đường Tàu bay vì tại đây từng có một sân bay cỡ nhỏ

"Đường tàu bay"

Nhiều năm trước, lúc ngồi chuyện trò với mấy bác lớn tuổi gốc gác nhiều đời ở TP Hải Dương, các bác nói, nghe ông bà kể lại, ở đô thị Hải Dương xưa có một sân bay. Lúc thị xã Hải Dương thuộc quyền kiểm soát của người Pháp, các máy bay cỡ nhỏ chở quan chức Pháp thường xuyên lên xuống. Những chiếc máy bay cánh quạt "từ trên trời rơi xuống" thời ấy là một điều thật lạ lẫm. Nhưng khi hỏi lại, các bác nói, chỉ nghe kể lại, chắc chắn có, nhưng không biết sân bay đó ở đâu!

Lần hồi, cuối cùng tôi tìm đến anh Vũ Trường Sơn, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Anh Sơn cho biết, trong một cuốn sách anh từng đọc về đường, phố Hải Dương có nói đến điều này. Và sân bay cỡ nhỏ đó là vị trí của đường Hồng Quang ngày nay.

Trong số các đường, phố của TP Hải Dương được hình thành dưới thời Pháp thuộc, đường Hồng Quang xuất hiện muộn hơn. Ông Massimi, Công sứ Pháp cuối cùng ở Hải Dương nhiệm kỳ 1941-1945 đã cho đắp một con đường lớn từ Vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập) thẳng ra ga Hải Dương. Ga Hải Dương khi đó và kể cả bây giờ là một nhà ga lớn trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - tuyến đường cũng do người Pháp xây dựng. Trước Cách mạng Tháng Tám, hệ thống giao thông chưa phát triển thì cùng với đường thủy, đường sắt là một trong những lựa chọn tối ưu. Công sứ Massimi cho đắp con đường đó cũng vì mục đích đi đến ga tàu hỏa thuận lợi hơn. Cũng vì thế, đường Hồng Quang ban đầu có tên Massimi.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ của Việt Nam với Pháp, quân đội Pháp khi đó đang chiếm đóng thị xã Hải Dương đã sử dụng chính con đường này làm sân bay cho máy bay hạng nhẹ lên xuống. Vì thế, con đường này còn được gọi là "Đường tàu bay". Đây là cách gọi "nôm", còn tên văn bản vẫn là đường Massimi giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám. Giai đoạn 1946 - 1954 đường mang tên Đinh Văn Tả. Giai đoạn 1956 - 1957, đường Đinh Văn Tả được sửa thành đường đôi và mang tên Hồng Quang.

Chuyện về sân bay cỡ nhỏ ở TP Hải Dương chỉ cóp nhặt được có thế, nhưng cũng đủ để cho thấy, Thành Đông xưa, Hải Dương nay mang trong mình bao trầm tích lịch sử, văn hóa, mà không nghe, không tìm thì không thấy. Và có tìm hiểu thì mới biết, để thêm một lần ngạc nhiên và yêu hơn thành phố nơi mình đang sinh sống.

Trên con đường rợp bóng cây xanh

Ra đời muộn so với các tuyến đường, phố của Hải Dương thời Pháp thuộc, song đường Hồng Quang ngày nay mang trong mình bao câu chuyện, như từng có sân bay và nhiều lần đổi tên, từ vị Công sứ Pháp cuối cùng ở tại Hải Dương - Massimi, đến đường tàu bay, đường Đinh Văn Tả, rồi đến Hồng Quang.

Đường Hồng Quang từng có thời gọi nôm là đường tàu bay

Phố Đinh Văn Tả ngày nay nằm ở phường Bình Hàn, đi từ phố An Ninh, cắt qua đường xe lửa, qua quốc lộ 5 ra tới đê sông Thái Bình. Nhưng tại sao giai đoạn 1946 - 1954 đường Hồng Quang lại mang tên Đinh Văn Tả?

Chuyện là, trong quá trình đắp đường từ Vườn hoa Bảo Đại (Quảng trường Độc Lập ngày nay) ra ga Hải Dương, năm 1942, công nhân phát hiện một ngôi mộ cổ. Sau đó nhân viên Viện Viễn Đông bác cổ (Pháp) kết luận đó là mộ của võ tướng Đinh Văn Tả và phu nhân. Đinh Văn Tả (1601 - 1680) là danh tướng đời Lê Hy Tông. Ông quê làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng (nay là phường Bình Hàn, TP Hải Dương). Đinh Văn Tả hiện được thờ ở nhiều nơi, trong đó có nơi ông sinh ra - đình Hàn Giang tại số 10/77 An Ninh. Còn lăng hợp táng, miếu thờ Đinh Văn Tả hiện ở số 6/6 đường Hồng Quang, nằm giữa các hộ dân.

Lăng hợp táng, miếu thờ Đinh Văn Tả hiện ở số 6/6 đường Hồng Quang, nằm giữa các hộ dân

Còn đường Hồng Quang ngày nay mang tên liệt sĩ Hồng Quang. Đồng chí Hồng Quang tên thật là Nguyễn Văn Trạch (1918 - 1941), người thôn Đăng Giang, xã Hòa Phú, Ứng Hòa (Hà Nội). Khoảng năm 1940, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ điều về tham gia Tỉnh ủy Hải Dương. Năm 1941, đồng chí Hồng Quang bị bắt, giam tại Hải Dương và hy sinh ngày 6/7/1941.

Ban đầu, phần mộ liệt sĩ Hồng Quang được đặt ở vị trí trên đường Hồng Quang ngày nay, sau được chuyển về Đài liệt sĩ TP Hải Dương, cạnh Trường THPT Hồng Quang bây giờ.

Ngày nay, đường Hồng Quang là một trong những con đường đẹp, yên tĩnh nhất nhì thành phố và là số ít tuyến đường giữ lại được những cây xà cừ cổ thụ sù sì. Ven đường còn có nhiều kiến trúc mang dấu ấn xưa cũ nhuốm màu thời gian, như Bách hóa tổng hợp, khách sạn Hoa Hồng, Bảo tàng Hải Dương, bến xe khách Hải Dương hay cuối đường là ga tàu lửa. Đường Hồng Quang ngày nay dài 800 m, rộng 14 m, là ranh giới tự nhiên giữa phường Quang Trung và Nguyễn Trãi, giao cắt với các phố Tiền Phong, Nguyễn Công Trứ, Ngô Gia Tự, An Ninh.

Từ Thành Đông xưa đến Hải Dương nay đã đi qua hơn 2 thế kỷ. Vì thế trên mảnh đất này chứa đựng trong mình bao lớp lang văn hóa và trầm tích lịch sử. Chạm tay vào đâu cũng có một câu chuyện xưa cũ để kể cho nhau nghe, ví dụ ở TP Hải Dương từng có một sân bay cỡ nhỏ. 

TIẾN HUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét