9 thg 3, 2021

Những địa danh kỳ lạ: Bí ẩn làng "chị em" ngàn năm không lấy nhau

Chỉ từ một lời thề nguyện mà gần ngàn năm nay, hai ngôi làng đặc biệt ở tỉnh Nam Định trai gái không nhau bao giờ lấy nhau. Giữa thời hiện đại, nhiều người hai làng vẫn giữ nếp cũ khiến bao người lấy làm lạ.

Đền Tức Mặc thờ Vương Thục Côn công chúa uy nghi - Ảnh: TÂM LÊ

Thế hệ sau như tôi và đời con cũng không nghĩ đến việc lấy vợ Tức Mặc, dù có thương quý cô nào cũng nào dám tỏ tình.

Ông Trần Khắc Định (trưởng thôn Thượng Lỗi)

Lễ hội nhắc nhớ câu thề

"Chị mà tới đây tháng 11 âm lịch năm ngoái thì lễ hội to lắm, cả ngàn người tham dự cơ mà. Lần này là chị xuống thăm em, cứ ba năm một lần, ba năm sau em lại lên thăm chị" - ông Trần Văn Hiếu, bí thư thôn Tức Mặc, nói với chúng tôi về lễ hội giao hảo tình "Chị em" giữa hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi (phường Lộc Vượng, TP Nam Định).

Chính lễ hội được tổ chức linh đình, tôn nghiêm, định kỳ này đã nhắc nhớ ân tình nên trai gái hai làng khó có thể quên lời hẹn thề. Ông Hiếu cho biết điều đó đã tự nhiên ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ bao đời nay rồi. Hai làng coi nhau như chị em ruột thịt, đã là chị em thì không thể nào lấy nhau.

Chị em ở đây là bà Vương Thục Côn và Lý Triều Công Thần, cả hai đều là vị tướng tài có công giữ nước, được dân làng thờ phụng coi như thành hoàng làng. Cứ đến ngày lễ, hai làng phải chọn đủ 120 trai chưa vợ, gái chưa chồng. Những chàng trai, cô gái này tự sắm xiêm y cho thật lộng lẫy để rước kiệu. Gia đình có con được chọn thì tự hào.

Khi xưa, lễ rước ba ngày ba đêm. Nếu rước chị về bên em thì bên chị ngủ lại đình em và ngược lại. Nhưng ngày nay do điều kiện và thời gian nên dân làng chỉ gói gọn trong một ngày. Và ngày này dù bận cỡ nào, những người con của hai làng cũng thu xếp về dự lễ.

Cụ bà Trần Thị Gái, 79 tuổi, sống một mình trong căn nhà nhỏ ngay mặt đường xóm 6, thôn Tức Mặc vui vẻ kể những kỷ niệm khó quên: "Vui lắm! Năm nào lễ hội cũng đông nghịt người. Năm nay tôi bị đau chân, chỉ ra dự chứ không đi rước như những năm trước được. Bà Thục Côn công chúa này thiêng lắm, ai cũng bảo thế".

Nói chuyện trai gái hai làng không kết hôn, bà Gái nhớ năm xưa thanh niên hai làng đi đào đắp kênh mương cùng nhau. Trai Thượng Lỗi trêu ghẹo gái Tức Mặc bị bà trêu lại: "Đằng ấy còn phải gọi chúng tớ bằng chị đấy nhé!", bởi vì làng của bà thờ người chị, còn làng họ thờ người em. Thế là hai bên nhận "chị em" vui vẻ.

Nhưng chuyện không thể lấy nhau là có thật. Bà Gái kể: "Tục lệ từ xưa rồi, nếu ai phạm phải điều kỵ này sẽ gặp họa. Ngay ở xóm 6 nhiều đời trước có một đôi vợ chồng ở hai làng lấy nhau, sinh con ốm nheo nhóc. Một hôm người chồng bế con ra ngoài sân hứng nắng, có con chim chết rơi đúng chỗ ông ngồi. Điềm xấu linh ứng, một thời gian thì đứa con mất, rồi người mẹ đổ bệnh cũng mất, ông bỏ nhà đi biệt tích".

Tại đình Tức Mặc thờ Vương Thục Côn công chúa, cụ từ Trần Khắc Kê dẫn chúng tôi xem nơi thờ tự linh thiêng của nữ tướng. Chiếc kiệu võng cụ nói không nơi đâu có được, lễ rước kiệu vừa rồi rất long trọng.

Cụ Kê cũng kể về lời thề mà chính cô con gái của mình cũng vướng: "Khi nghe tin cả nhà lo lắm, sau hỏi mãi mới biết gia đình con rể tương lai quê ở tận Thanh Hóa, không phải dân gốc Thượng Lỗi nên đám cưới được tổ chức vui vẻ. Bây giờ đã sinh được hai cháu lớn cả rồi".

Trong quyển ngọc phả của hai thôn chỉ nói về lễ kết tình chị em, không có chỗ nào ghi cấm trai gái hai làng lấy nhau.

"Hai Làng Tức Mặc và Thượng Lỗi có quan hệ kết nghĩa giao hảo lưu truyền đến ngày nay. Nhân dân hai làng luôn thành kính công đức to lớn của các ngài là trung với nước, hiếu với dân, tình chị em vẹn toàn đạo nghĩa".

Theo cụ Kê, chính vì đạo nghĩa chị em nên người dân hai làng không muốn con cái mình kết hôn. Mối giao hẹn ngầm truyền từ đời này sang đời khác thành thói quen, không cần phải ai nhắc nhở ai nữa.

Một góc phố Thượng Lỗi ngày nay - Ảnh: TÂM LÊ

Lời nguyền năm xưa và tên làng

Hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi nay đã lên phố. Thượng Lỗi có vẻ "phố" hơn với hàng quán mọc san sát, ồn ã, trong khi Tức Mặc vẫn còn giữ được nét bình yên với cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình.

Đặc biệt có hồ Tức Mặc rộng bao quanh làng, liễu thả bóng thướt tha trong sương mờ huyền ảo. Phong cảnh hữu tình ấy níu chân người như đến miền đất Phật. Đền Trần cách ở ngay cạnh làng, Tức Mặc từng được mang danh "làng một họ" duy nhất chỉ có họ Trần.

Cụ từ Trần Văn Kê lụi cụi lấy ra tặng chúng tôi cuốn Ngọc Phả hai thôn, cùng một số tài liệu kể về truyền tích "chị em". Mối kết giao ngàn năm, những điều chính sử và truyền miệng.

Sử làng ghi chép dưới thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, người con gái thôn Thượng Lỗi tên Phạm Thị Côn vì nợ nước thù nhà đã gia nhập nghĩa quân của hai bà. Phạm Côn có tài thao lược, mạnh về thủy trận, đánh đâu thắng đó được Hai Bà Trưng phong tướng.

Trong một trận đánh lớn, quân giặc được chi viện quá mạnh, Hai Bà Trưng chống trả quyết liệt rồi hi sinh ở sông Hát Giang (tỉnh Hưng Yên). Nữ tướng Phạm Côn cùng quân sĩ theo sông Hồng cầm cự về đến quê, sau khi đã bắn hết cung tên, phi ngọn giáo cuối cùng bà đã trầm mình ở bến Đò Chè quê nhà. Người dân tiếc thương bà đã lập miếu thờ trên triền đê thuộc thôn Thượng Lỗi, một ngôi miếu linh thiêng.

Năm 1138, khoảng 1.000 năm sau vua Lý Anh Tông cử Luân Công Đại tướng công, người huyện Vụ Bản (Nam Định) đi đánh giặc. Vị tướng xuất quân qua đê Thượng Lỗi, gặp miếu thờ nữ tướng Phạm Côn. Nghe chuyện về vị tướng tài hiền, nghĩa khí ông đã lễ bái xin bà phù hộ cho trận đánh sắp tới.

Quả nhiên linh ứng, Luân Công Đại tướng thắng trận giòn giã, ngày trở về đã ghé lại miếu để tạ ơn. Như có một mối giao cảm tâm linh với nữ tướng từ 1.000 năm trước, ông đã xin kết tình thân chị em với bà, đồng thời tâu với vua Lý phong sắc cho bà là Vương Thục Côn công chúa. Sau khi hoàn thành việc nước, ông về nghỉ tuổi già rồi vào vùng núi thuộc tỉnh Ninh Bình và an nghỉ tại đây.

Nhớ ơn Luân Công đại tướng đã có công giữ nước, người dân Thượng Lỗi lập thêm một bát hương nữa để thờ phụng. Và đặt bát hương của ông cạnh bát hương bà Vương Thục Côn để chị em sớm tối hàn huyên. Về sau dân làng làm lễ đưa cả hai vào đình phong thành hoàng làng của thôn.

Năm 1225 vào thời Trần, thôn Tức Mặc thành chốn phủ thiên trường nhưng không có thành hoàng làng. Thấy Thượng Lỗi gần cạnh lại thờ những hai vị nên đã thành tâm xin một vị để thờ. Người dân Thượng Lỗi cũng hào phóng nhường một vị cho Tức Mặc.

Có chuyện vui nhận nhầm bát hương không ghi trong chính sử, đó là thôn Thượng Lỗi muốn nhường người em nên để bát hương chị phía sau bát hương em. Nhưng người dân Tức Mặc vì đi xin nên ý tứ chỉ bê bát hương sau chứ không bê bát trước. Thành ra thôn Tức Mặc có bát hương chị, còn Thượng Lỗi thờ bát hương em.

Còn theo ông Trần Văn Hiếu, trưởng thôn Tức Mặc, việc thờ phụng nữ tướng là sắc phong vua ban chứ không nhầm lẫn. Nhưng hai thôn vẫn vui vẻ và kết giao hảo với nhau, hằng năm làm lễ đến thăm nhau rất long trọng.

Cái tên làng cũng gây nhiều tranh luận. Người dân hai thôn cho rằng do người Tức Mặc đến thôn Thượng Lỗi xin bát hương chị mà không chịu nhận bát hương em. Trong khi Thượng Lỗi là quê hương của người chị mà cho đi là có lỗi. Còn người Tức Mặc biết người ta không thích cho bát chị nhưng vẫn mặc kệ.

Những ông đồ nho am tường chữ Hán thì dịch Mặc là mực, Tức Mặc là nghiên bút. Đất này hiếu học, nhiều văn nhân kẻ sĩ, tao nhân mặc khách nức tiếng xa gần.

Việc trai gái hai làng không lấy nhau cũng là quy định bất thành văn. Vì tình thân chị em nên người dân truyền tụng nhau qua các đời con cháu không nên lấy nhau, nếu phạm phải sẽ nhận kết cục không hay.

TÂM LÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét