29 thg 3, 2021

Hương vị lồng mức núi Dài

Trên núi Dài thuộc địa phận xã Lê Trì (Tri Tôn, An Giang) có một vườn lồng mức đã bén rễ và phát triển ở vùng đất này trên 20 năm. Đó là vườn lồng mức của anh Đỗ Quốc Việt rộng trên 1,5ha, canh tác theo kiểu vườn đồi.

Ở xã Lê Trì cũng có một hộ trồng cây lồng mức, tuy nhiên số lượng không nhiều, chỉ có vườn lồng mức của gia đình anh Việt là lớn và rộng nhất, với trên 200 gốc. Trong đó có trên 100 gốc lồng mức đã 20 năm tuổi. Đối với lồng mức, cây có tuổi càng lớn thì tán càng rộng, trái từ đó cũng nhiều, năng suất cao. Theo anh Việt, vườn lồng mức này được trồng từ nhiều năm trước, ngoài ra còn có vườn xoài cát Hòa Lộc, thanh ca, bưởi Năm Roi…

Trong những loại cây ăn trái đó, lồng mức là loại chịu hạn tốt nhất. Khi trồng lồng mức trên đất núi, vừa có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, chịu được khô hạn, vừa cho năng suất ổn định. Từ lúc trồng đến khoảng 5 năm sau thì cây lồng mức sẽ cho trái và cây càng lớn, năng suất càng tăng.
“Lồng mức rất dễ trồng, tự ra hoa, đậu trái mà không cần dùng bất cứ loại thuốc kích thích nào” - anh Việt giải thích. Dù là loại cây chịu hạn tốt, tuy nhiên nếu muốn lồng mức có trái to, bán có giá thì trong giai đoạn trái lớn nên cung cấp nước tưới đầy đủ. Do vậy, khi chọn trồng lồng mức trên đất núi, bà con nên chủ động nguồn nước tưới bằng cách xây dựng các bồn trữ nước mưa để tưới, rửa trái khi thu hoạch… Khi đó, lồng mức sẽ cho năng suất cao hơn, trái to, đẹp, sạch, bán được giá hơn.

Lồng mức trồng trên núi Dài là một loại nông sản sạch vì được canh tác một cách tự nhiên

Đặc trưng của cây lồng mức là cho trái quanh năm. Trên cùng một cây có thể vừa cho trái thu hoạch, vừa mang thêm trái nhỏ và bông chuẩn bị đậu trái. Anh Việt cho biết, dù có trái quanh năm nhưng khoảng tháng Chạp đến hết tháng Giêng là mùa chín rộ nhất của lồng mức. Thời điểm tháng 6, 7 vẫn có lồng mức, tuy nhiên năng suất không nhiều do lúc đó trái bị ruồi vàng phá và hư nhiều. Hàng năm, vườn lồng mức của anh Việt thu hoạch trên 10 tấn trái, giá bán từ 10.000-15.000 đồng/kg, tùy thời điểm.

“Lồng mức của vườn nhà mình được khách hàng đánh giá là ngon, ngọt hơn loại lồng mức trồng ở những nơi khác. Nhưng do trồng ở đất núi, lượng nước tưới không đủ bằng ở khu vực đồng bằng nên trái nhỏ hơn”- anh Việt chia sẻ.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ lồng mức chủ yếu ở các địa phương lân cận và thương lái thu mua bán sang Campuchia. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vườn lồng mức của anh Việt vào cao điểm thu hoạch, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên giá thấp hơn những năm trước.

Từ cái khó, anh Việt đã nảy ra ý tưởng mở điểm cho du khách đến tham quan vườn lồng mức trĩu quả của mình. Đến đây, du khách được chở xe đến tận vườn, được tận tay hái và mua lồng mức mang về. Ngoài lồng mức còn có bưởi, xoài, sầu riêng… Mỗi mùa sẽ có một loại đặc sản trái cây. Bên cạnh đó, anh Việt cũng như đoàn thanh niên ở địa phương còn kết nối qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook… để giới thiệu lồng mức, một loại trái cây ngon của địa phương đến với khách hàng gần xa.

Do mới triển khai, số lượng tiêu thụ qua kênh này chưa nhiều, nhưng mở ra một hướng đi mới, tương lai có thể phát triển thành điểm nhấn du lịch sinh thái ở địa phương. Việc chọn lựa được cây trồng thích hợp với vùng đất núi khắc nghiệt đã giúp cho nông dân ở địa phương có thêm thu nhập. Chỉ khi người dân có thu nhập thì việc bảo vệ rừng, trồng rừng, giữ đất rừng mới thật sự phát huy hiệu quả.

Lồng mức là loại cây chịu hạn tốt nên phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất núi, cây không chỉ phát triển tốt mà còn tạo ra được hương vị của trái rất đặc trưng, thơm và ngọt thanh. Đặc biệt, lồng mức ở núi Dài được nông dân canh tác theo kiểu tự nhiên, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, là nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

ÁNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét