10 thg 2, 2017

“Bức tranh” Tà Pạ

Rời quán cà phê góc phố núi thị trấn Tri Tôn, An Giang, chạy xe gắn máy trên đường Trần Hưng Đạo chẳng bao xa, nơi ngã ba có cây lâm vồ cổ thụ tỏa bóng rợp, chúng tôi rẽ trái vào con đường lót đá xanh chẻ. Cuối đường nơi có một ông Chằn mặt mày dữ tợn đứng, đó là đường lên chùa Tà Pạ, thuộc xã núi Tô, với chiếc cổng đậm bản sắc đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.


Chùa Tà Pạ, có tên chính thức là chùa Chưn Num, người địa phương gọi là chùa Núi – một ngôi chùa theo Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) của đồng bào dân tộc Khmer. Chưn Num là ngôi chùa cổ, đã được xây dựng theo cách “tàm thực”, tức quyên tiền tới đâu, xây dựng tới đó. Chùa xây theo kiến trúc Khmer, toàn bằng đá, vẻ đẹp của nơi mới tu bổ át mất nét hoang tàn của những nơi chưa được tôn tạo. Các kiến trúc ở chùa đều do hòa thượng trụ trì – Sư cả Chau Xưng – thiết kế. Trong khuôn viên chùa, sư trụ trì còn thiết kế rải rác những tượng, quần tượng thể hiện các đoạn đường đi tìm chân lý của Phật Thích Ca, cùng những bức tượng rút ra từ truyền thuyết dân tộc Khmer.


Khi đứng tại tháp Phật Thích Ca – cao khoảng 50 m – phóng tầm mắt về phía thị trấn Tri Tôn cách khoảng một cây số đường chim bay, có thể thấy phố huyện miền núi này ẩn chìm trong cây cối xanh rì. Cánh đồng Tà Pạ đẹp như tranh vẽ được tôn xưng là “ruộng bậc thang” độc nhất ở Nam bộ.

Nhưng “bức tranh” này còn đẹp hơn khi đứng trên đồi Tà Pạ. Đồi Tà Pạ cao 120 m, chu vi 10.225 m. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác đá, đồi chỉ còn cao khoảng 45 m. Đồi mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như những bức tường thành. Những “bức tường thành” này có nhiều hoa văn lạ lẫm, những vạch xéo, ngang, dọc, cùng những cột đá cao màu gan gà cuốn hút mắt nhìn. Sau hơn chục năm khai thác đá, người ta còn để lại nơi đây một cái hồ sâu khoảng 7 m, lúc nào nước cũng xanh màu ngọc bích.


Đứng trên đỉnh đồi Tà Pạ phóng tầm mắt nhìn xuống bên dưới, một cánh đồng trải rộng. Nơi này xanh mượt màu lúa đương thì con gái, nơi kia vàng chín cả một vùng của những cây lúa đến lúc chờ gặt. Có chỗ vàng hươm những chân rạ. Lại có cả mấy chòm cây thốt nốt lắt lay ngọn lá trơ vơ trong nắng trời chói chang… Tất cả trải rộng bên chân ngọn núi hùng vĩ xanh ngắt cây rừng. Đó là núi Tô, cao 614 m, chu vi 14.375 m.

Thật ra núi Tô là ngọn núi bao gồm cả núi Tà Pạ (xưa kia cao 102 m). Đây là một trong bảy ngọn núi có tên “Thất Sơn hùng vĩ”. Đứng trên đồi Tà Pạ nhìn cánh đồng đẹp không sao tả xiết. Bạn tôi chắc lưỡi, cảnh vật buổi trưa đẹp như vậy, nếu vào buổi chiều hoàng hôn buông xuống, khói bếp nhà ai trên sườn núi mờ tỏa trong khói lam dâng lên từ cánh đồng thì khung cảnh này còn đẹp mê hoặc đến dường nào. Cũng như vậy, buổi sáng tinh mơ, mây hay khói quyện trắng đầu núi cùng khói sương từ cánh đồng dâng lên, ngoạn mục vô cùng. Nghe vậy, tôi liên tưởng đến những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng ở Tây Bắc. Dù không được như vậy, nhưng ruộng Tà Pạ cũng là của hiếm nơi đất đồng bằng sông Cửu Long.

Nhìn về núi Tô, rõ mồn một là tảng đá lớn trơ trọi nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Đó là vồ Hội. Vồ Hội là một điểm được nhiều người tin tưởng thiêng liêng, vì có dấu chân tiên in trên đó. Đây là nửa đoạn đường lên đỉnh núi Tô.

Bạn tôi cho biết, không như các nơi khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ở Tri Tôn có đến bốn loại ruộng: ruộng trên, ruộng triền bưng, ruộng co bưng và ruộng bưng. Ruộng trên là loại ruộng canh tác trên triền núi, nơi người ta trồng một loại lúa đặc vụ, gọi là lúa sóc – loại lúa cho ra những hạt gạo nhỏ như cọng tăm, khi nấu thành những hạt cơm khô, dẻo và thơm thoảng mùi sơn cước.

Ruộng Tà Pạ có diện tích khoảng 50 ha, là nơi trên 100 hộ đồng bào Khmer trồng lúa. Ruộng có từ hàng trăm năm nay. Trước kia ruộng chỉ có một vụ duy nhất, gọi là lúa mùa. Ngày nay người ta canh tác hai hoặc ba vụ với các loại lúa đặc sản như nàng nhen, nếp than… Từ khoảng tháng 4 Âm lịch trở đi, bà con trồng màu, như khoai, bắp, đậu, rau… Chính vì khai thác nông nghiệp như vậy mà Tà Pạ trở thành ruộng bậc thang quanh năm bên chân núi Tô.

Phù Sa Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét