14 thg 2, 2017

Lễ hội sắc bùa ngày Tết của người Mường

Lễ hội sắc bùa thực chất là một loại hình xướng dân gian của dân tộc Mường, đi kèm với một số nghi lễ cầu mong năm mới phát tài, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, mọi người đều khoẻ mạnh, may mắn. 

Với người Mường, đặc biệt là người Mường ở Hòa Bình thì lễ hội hát sắc bùa (tức là xách cồng) là một lễ hội lớn, là di sản văn hóa quan trọng được tổ chức hàng năm vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mường.

“Phường bùa”, tên gọi của tổ chức những người hát sắc bùa, thường có từ 12 người trở lên, đều là những người biết đánh cồng chiêng và biết hát những bài thường (điệu hát dân gian dân tộc Mường). Lễ hội được tổ chức từ mùng Một Tết và thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày. 



Đứng đầu phường bùa là một thầy thường, đây phải là người có giọng hát hay và có tài ứng tác. Bao giờ phường bùa cũng xuất hành đi từ khu nhà để cồng chiêng. Trước khi đi, thầy thường sẽ đọc lời xuất phát. Phường bùa vừa đi, vừa đánh những bài cồng chiêng khác nhau và hát những bài tùy hứng, có thể là lên chiêng, bồng một, bồng hai, bồng ba, bồng bốn hay lộn cồng.

Tiếng cồng chiêng hòa quyện với tiếng hát mừng làm không khí những ngày đầu năm càng thêm sôi động. Dọc theo các con đường trong thôn bản, tiếng chiêng cổ truyền vang động khắp mọi ngõ ngách. Phường bùa đi đến đâu là hàng trăm người dân bản đi theo xem hát, không khí rất đông vui, nhộn nhịp. 

Vào những ngày đầu năm mới, phường bùa sẽ đi đến từng nhà trong bản để hát lời chúc tụng. 

Theo phong tục của người Mường, phường bùa sẽ đi ghé qua nhiều nhà và hát những lời chúc Tết. Khi tới cổng nhà nào đó, phường bùa sẽ đánh cồng và hát bài mở cổng để chủ nhà ra mở cổng mời vào. Phường bùa vừa đi vừa hát những bài chúc tụng, ca ngợi gia cảnh thịnh vượng của gia đình nhà chủ. Nếu nhà nào không mời phường bùa lên gác thì chủ nhà sẽ trao cho thầy thường một thúng thóc nhỏ làm quà còn thầy sẽ hát bài phát rác tạ ơn chủ nhà. Cứ như thế phường bùa sẽ đến lần lượt các nhà khác trong làng. 

Nếu hát hay, đối đáp giỏi thì phường bùa sẽ được chủ nhà mời lên uống rượu, tiếp tục hát đối và được chủ nhà tặng quà, thóc gạo, bánh kẹo khi phường bùa ra về để thay lời cảm tạ. 

Nếu như chủ nhà nào muốn giữ phường bùa lại thì bê ra đặt ở đầu cầu thang một mâm gồm chai rượu, vài chiếc cốc, hai bát to đựng gạo trên có cắm bốn nén hương, một cái đĩa trầu cau rồi mời bùa hát tiếp. Khi đó thầy thường và chủ nhà sẽ hát đối đáp nhau. Nếu phường bùa hát kém, họ sẽ không được mời lên gác và phải chịu đói bụng.

Còn nếu hát mãi mà vẫn thua, phường bùa thường sẽ tự động rút lui. Ngược lại, phường bùa hát hay, đối đáp giỏi sẽ được mời lên nhà. Trên nhà, chủ nhà và thầy thường ngồi đối diện nhau sát cửa sổ còn những người khác ngồi thành vòng tròn. Họ ăn cơm, uống rượu và tiếp tục hát đối, hát giao duyên. Cuối cùng khi phường bùa ra về, thầy thường sẽ hát chào, chúc chủ nhà sống lâu. Còn gia chủ thì mang quà, bánh, thóc gạo tặng cho phường bùa để cảm ơn. 


Những điểm đặc sắc và cuốn hút của loại hình diễn xướng dân gian này là ở chỗ tất cả mọi hành động, cử chỉ, thái độ đều được biểu hiện qua lời hát. Tất cả mọi trình tự, hành động hay tình huống diễn ra trong suốt cả buổi hát sắc bùa đều có câu hát tương ứng, tự phát. Tất cả đều qua lời hát, từ hát mở cổng đến hát chúc mừng, hát xin lên nhà, hát đồng ý, hát cảm ơn… Độc đáo nhất ở đây là khả năng ứng đối của chủ và khách, là màn hát đối đáp của phường bùa và chủ nhà. Tất cả đều đến từ sự ngẫu hứng trên nền tảng của dân ca Mường truyền thống và thực tế bối cảnh tại nơi xảy ra cuộc đọ tài. 

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét