10 thg 2, 2017

Lữ quán giữa rừng sâu

Nhiều người nói đường đến Ma Rừng Lữ Quán ở Đà Lạt rất khó khăn, cho nên bao nhiêu lần ghé Đà Lạt tôi đều chuyển hướng đi nơi khác. Nhưng rồi sự tò mò trong một cuộc hành trình rong chơi đã khiến tôi tìm tới nơi này.


Bảng hướng dẫn chỉ khách theo con đường đi suối Vàng, rồi tới ngã ba thì rẽ vào con đường đi tới Ma Rừng Lữ Quán. Thế là đi. Cho đến khi gặp ngã rẽ, tôi bắt đầu đi vào một con đường vô cùng chông chênh. Thật ngạc nhiên, chính cái sự chông chênh của đoạn đường dài 2,5 km đó khiến hành trình tìm đến địa điểm này thêm thú vị. Con đường đầy đất và sỏi, bị mưa lũ làm cho lở lói, trơn trợt. Chiếc xe máy của tôi cứ trèo lên cao rồi rà thắng bám đất để xuống dốc, cuối cùng cũng tới.

Ma Rừng Lữ Quán, đó là một không gian xanh và thật lãng mạn. Lúc đầu chỉ là nơi nghỉ mát của một gia đình, và đến nay khi trở thành một điểm du lịch thì nó cũng giới hạn lượng khách tham quan. Ngay cổng vào là một chiếc cầu nhỏ bắc qua một hồ nước, có tấm bảng ghi rõ là người cao tuổi và trẻ em không thu tiền, khách tham quan tự giác bỏ vào trong thùng 10.000 đồng. Có người hỏi bà chủ là tại sao không cử người bán vé, vì dù sao cũng cần kinh phí đầu tư, bà bảo đây là chốn xa xôi, cách thành phố Đà Lạt mấy chục cây số, đường sá khó đi nên tuyển người là cả một vấn đề, còn du khách nếu yêu mến Ma Rừng thì cứ tự giác.

Không gian Ma Rừng Lữ Quán không lớn, nhưng cách thiết kế của nơi này làm cho khách mang một cảm giác lạ so với những điểm đến khác ở Đà Lạt. Hồ nước là điểm nhấn mà xung quanh được bao bọc bởi cỏ xanh, giàn hoa giấy, hoa mua, liễu rũ cùng những trụ đèn treo cổ điển kiểu Pháp. Những trụ gỗ gắn các ngọn đèn, những phiến gỗ đặt hờ hững, có cả một chiếc mành lưới buông thả trên hồ, như làm cho người tìm đến nhẹ nhàng dừng bước chân.


Một chiếc cầu treo để bạn bước qua, bên dưới là con suối ngày đêm đổ nước. Bên kia là căn nhà màu tím, mà màu tím của căn nhà khiến cho khách có cảm giác như đang bước vào trong các câu chuyện cổ tích. Bên này cũng có những căn nhà màu tím, tất cả đều làm bằng gỗ thông ghép lại, ẩn dưới thông xanh, viền quanh hoa cỏ. Bên kia hồ lại là căn nhà gỗ thông màu sậm, sát bên là giàn hoa mua màu tím đẹp lạ lùng.

Dọc theo lối đi quanh hồ có những chiếc dù che, bàn ghế xếp đơn sơ, khách cứ ghé mà ngồi, thích thì gọi vọng kêu nước uống. Bà chủ bảo chỉ bán đơn giản thôi, chẳng hạn thức ăn là mì gói bởi không có người nấu nướng, phục vụ. Khách vui vẻ ngồi đợi, tranh thủ chụp những tấm ảnh. Ở giữa hồ có một chiếc đàn được đúc bằng xi măng, nơi đó có không biết bao nhiêu dấu chân dừng lại lưu tấm ảnh của cuộc rong chơi.

Tôi đã lang thang trong Ma Rừng Lữ Quán ấy mà không muốn rời xa. Cảm giác như mình đang lạc vào trong một không gian cổ tích huyền ảo. Ở chỗ có bàn ghế để khách ngồi uống nước, bà chủ để sẵn bình nước lọc. Bà chủ nhắc nhở khách đừng ném tàn thuốc xuống đất để giữ vệ sinh chung, còn khách thì cũng tự mình bỏ rác đúng chỗ như sợ làm cho cảnh quan nơi này bị hư hao. Có vài chú mèo con nằm trên cỏ sưởi nắng, lim dim đôi mắt, thỉnh thoảng nhìn những vị khách tò mò chụp ảnh mình. Có du khách cố vượt qua cầu treo hoặc len xuống dòng suối không để làm chi, chỉ để khoát tay chạm vào dòng nước đang mải mê đổ về bên dưới lũng sâu nào đó.

Có người hỏi tôi tại sao nơi này được đặt tên là Ma Rừng Lữ Quán, thực sự tôi không biết. Nhưng tôi biết giữa chốn rừng sâu Đà Lạt, ở nơi mưa thì mưa vùi, sương xuống thì phủ ngập tràn ấy có những thảm hoa, có những căn nhà tím, có cỏ, có hoa và có biết bao niềm vui khi chạm đến.


Khuê Việt Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét