2 thg 10, 2016

Vẻ đẹp trầm lặng nơi tổ đình Từ Hiếu

Gió đại ngàn vẫn hun hút. Bóng chiều dần tàn, vẻ trầm mặc nơi chùa Từ Hiếu thêm sâu lắng. Tiếng đàn cá tớp nước nơi hồ bán nguyệt trước cổng Tam Quan, tiếng nhành cây xào xạc nghe khá đanh, nặng… 

Bước qua cổng Tam Quan, ngay tầm mắt phía bên trái người lữ khách là khoảng không gian rộng, rõ là khu nghĩa trang cũ, gờ tường bao quanh đã rục. Rêu xanh, rêu vàng chen nhau khắp thành tường bao, trên mộ… Khu cổ trang nằm đó không biết đã bao năm, chỉ nghe im ắng bao trùm, tiếng côn trùng rinh rích kẽ tường, thảm lá…

Một phần khu nghĩa trang cổ nơi chùa Từ Hiếu

Ngôi cổ tự, bao quanh là rừng thông, rộng đến 7-8 héc ta. Kiến trúc nền cơ bản là đất, lối đi chính hay khoảng không gian từ cổng Tam Quan vào dát gạch nung đã cũ. Sân chính khuôn viên quanh gian Chính điện, gian Nhà tổ dát gạch nung vân đá màu xi măng cũng đã phong hóa nhiều.

Cổng Tam Quan

Hồ bán nguyệt khá rộng ngay trung tâm cổng Tam Quan nuôi đàn cá trê đến cả trăm con. Có con to hơn bắp chân người lớn. Mặt hồ xanh thẳm, soi bóng tà dương. Sắc xanh nơi hồ bán nguyệt lúc dịu mát, lúc lành lạnh khi cơn gió ùa qua…

Hồ bán nguyệt trước cổng Tam Quan

Qua hồ nước là lối dẫn về khuôn viên chính nhà chùa. Hàng cây xanh mướt. Thảm cỏ hiu vàng trong nắng chiều muộn. Lối đi nhỏ vừa, nhưng dẫn đến không gian sâu, rộng hút tầm mắt. Ánh chiều chạng vạng vẫn đủ để soi tỏ từng hạng mục công trình. Hai bên tả, hữu trước khoảng sân rộng là tòa tháp nơi đặt bia ký lịch sử chùa Từ Hiếu.

Lối đi dẫn về khuôn viên chính nhà chùa

Giữa sân là gian Chính điện, gác mái, cột xà, bờ tường dường như đang oằn mình theo từng hao mòn lịch sử. Ngay bờ tường đầu hồi bên phải gian Chính điện là bia ký lược sử nhà chùa, được đặt từ năm 1989. Dường như, quý Thầy, tăng chúng nơi đây muốn giữ nguyên trạng những công trình các đời tổ đã dày công cất dựng, duy trì và mở rộng thêm một số gian dẫu có phần rạn nứt.

Trước thềm gian Chính điện

Phía bên phải gian Chính điện là lối dẫn về Nhà tổ, thiền đường. Tiếp đó, cũng theo tầm mắt bên phải nhìn từ Nhà tổ là khu vườn tháp, theo người dân địa phương nơi đây, đó cũng là lăng mộ xưa, nơi an nghỉ của những vị Thái giám triều Nguyễn, của những người góp công xây dựng chùa Từ Hiếu ngày nay.

Nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng

Không gian Từ Hiếu rộng khắp, chúng tôi khó mà đi hết khi trời chiều đã muộn. Tranh thủ thăm quan những khuôn viên chính, chúng tôi đồng cảm nhận ngôi cổ tự nơi Thiền môn xứ Huế dù đã hơn 170 năm tuổi, gian Chính điện đang bị xuống cấp nặng nhưng vẫn mang vẻ đẹp khó tả: Một khu rừng nguyên sinh thu nhỏ luôn tràn đầy sức sống, một quần thể kiến trúc chùa Việt truyền thống uy nghiêm, thanh tịnh.

Những phong hóa, hao mòn thời gian...

Có lúc, giữa vẻ trầm tịnh, người lữ khách như hòa cùng nghiêm thường khúc thiền ca ngân vọng xuyên không gian, thời gian giữa đại ngàn nơi cửa thiền Từ Hiếu: Ngôi cổ tự linh thiêng, huyền bí…

* Lược sử chùa Từ Hiếu, thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Lịch sử


Năm 1843, sau khi từ chức "Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự" và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng "Thảo Am An Dưỡng" để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già.

Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích:

Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại.

Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.

Cùng với sự đóng góp của Phật tử, vua Tự Đức ban cấp nhiều kinh phí, chùa còn được các vị quan trong cung triều Nguyễn mà nhất là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để lo việc thờ tự sau này, năm 1848 Hoà thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn và rồi Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.

Năm 1894 Hoà thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh chùa với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, giám quan và các Phật tử.

Năm 1931 Hoà thượng Huệ Minh tiếp tục tùng tu và xây hồ bán nguyệt.

Năm 1962 Hoà thượng Chơn Thiệt tiếp tục trùng tu và chỉnh trang toàn cảnh chùa.

Năm 1971, chùa được Thượng toạ Chí Niệm cho trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt và những nhà cửa bị hư hỏng.

Kiến trúc

Chùa Từ Hiếu nằm khuất trong một rừng thông trên một vùng đồi của phường Thủy Xuân. Khuôn viên chùa rộng chừng 8 mẫu, phía trước có khe nước uốn quanh, phong cảnh thơ mộng.

Trước cổng chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng vào năm 1896 dùng làm nơi tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là một hồ bán nguyệt trồng sen và nuôi cá cảnh. Cấu trúc chùa theo kiểu ba căn hai chái, trước là chính điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường. Ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông.

Hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa. Chùa được xây theo kiểu chữ khẩu (口), chính điện ba căn, hai chái, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu đường, ở giữa thờ đức thánh quan, bên trái thờ hương linh phật tử tại gia, bên phải thờ các vị Thái giám..., bên tả sân hậu là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và bên hữu là Hữu Ái Nhật (nhà khách).

Xung quanh ngôi chùa Từ Hiếu còn có khá nhiều lăng mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn. Do địa thế đẹp, yên tĩnh lại không xa thành phố Huế nên nơi đây là nơi điểm vui chơi dã ngoại của thanh niên Huế vào những ngày nghỉ, ngày lễ. Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ đón khách du lịch trong và ngoài nước đông nhất cố đô Huế.

Thường Nguyên - Diệu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét