18 thg 11, 2013

Về Gò Công ăn cá hấp

Vào những lúc thu hoạch được mùa cá, ngoài số cá tươi bán đi các chợ quanh vùng ngư dân Gò Công (Tiền Giang) còn phải hấp cá để cung cấp cho những vùng đất xa biển, không thể ăn cá biển tươi hàng ngày thứ hải sản có thể dự trữ dài ngày mà vẫn giữ được vị ngon của biển.

Cá hấp ở Gò Công. Ảnh: Đoàn Xá 

Do công việc, tôi đã tới Gò Công rất nhiều lần. Những địa danh như Kiểng Phước, Tân Thành, Đèn Đỏ, Cửa Tiểu, Vàm Láng… và những món ăn ở đó đã trở thành quen thuộc với tôi. Những làng biển ở Gò Công thường nghèo khổ nhưng con người nơi đó giàu ân tình, hiếu khách. Với người ngư dân, cá là nguồn thu chủ yếu của họ. Mùa nào cá đấy. Từ những con cá ngừ nặng hàng trăm ký cho tới những con ruốc nhỏ xíu như đầu que tăm đều có. Nhưng, không chỉ biết đánh bắt mà ngư dân ở đây còn biết chế biết những món ăn ngon từ cá.

Ở Gò Công, khi người đàn ông cùng con thuyền cập cảng cũng là lúc người phụ nữ làm công việc của mình. Họ phân loại cá để chuyển đến các chợ hoặc sơ chế trước khi hấp. Ngoài những món cá phơi khô truyền thống thì cá hấp là mặt hàng để bán đi những vùng xa biển vì có thể dùng làm nguồn thực phẩm dự trữ như cá khô. Cá hấp Gò Công rất đa dạng nhưng chủ yếu là những loài cá nhỏ như cá nục, cá trích, cá ngừ và cá thu chuột. Những chú cá tươi ngon thân bạc trắng còn ướt nước biển được rửa sạch, phơi khô rồi ướp muối.

Phương pháp hấp cá của người Gò Công có nhiều bí quyết riêng, một trong số đó chính là việc dung nước biển để hấp cá chứ không dùng nước ngọt như những nơi khác. Theo những cụ già cao tuổi ở đây thì nước biển mặn sẽ làm con cá thêm đậm đà hương vị và có thể để được lâu hơn. Điều kỳ lạ mà tôi không làm sao hiểu được là nhìn những con cá hấp ở đây nó luôn gợi lên cho mình cảm giác cá tươi, dù về mặt thời gian, cá hấp có thể dự trữ khá lâu.

Thú thực, nhìn những con cá nhỏ bé được hấp trên những chiếc phên đan bóc hơi nghi ngút rồi đem ra nắng trời hong khô trước khi được bỏ vào những chiếc giỏ làm bằng tre nhỏ bé mà chúng tôi cảm thấy hương vị quê hương ngập tràn lẫn trong dư vị tanh tanh của cá. Với cách làm như vậy, cá gần như giữ được vị tươi mà lại có thể để được lâu đến cả tháng. Nếu là cá khô sẽ không còn hương vị cá tươi nữa. Mà cá tươi thông thường thì không thể bảo quản lâu như thế được. Thế nên có thể coi, cá hấp chính là loại cá vừa khô vừa tươi, khá độc đáo mà người dân Gò Công làm ra. Ngoài ra, cá đựng trong những chiếc giỏ tre đan cũng làm cho chúng trở nên bắt mắt và hấp dân hơn.

Thực ra, cá hấp thì nhiều địa phương khác cũng có nhưng không ở đâu, cá hấp có được hương vị đậm đà như ở Gò Công. Nhớ những trưa trời nắng chói, ghé vội vào một quán ven đường nào đấy ăn cơm mà được thưởng thức món cá hấp tưới nước sốt cà chua thật đáng nhớ. Cái dư vị săn chắc như thịt cá chiên giòn lại phảng phất chút tanh nồng như cá luộc đã hòa quyện vào nhau, làm cho những chú cá nục tưởng bình thường trở thành lạ miệng, ngon làm sao.

Và tôi chợt nhận ra rằng, không phải là những thứ quý hiếm, những thứ vật dụng đắt tiền mà cái làm cho người ta nhớ mãi khi ăn chính là cái khác lạ, cái bình dị của những thứ tưởng chừng như thân quen ấy. Có lẽ chính vì vậy nên lần nào về Gò Công, tôi cũng ăn cá hấp và mua một ít về làm quà như một thứ đặc sản của vùng đất duyên hải này.
Đoàn Xá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét