13 thg 6, 2011

Có một con đường mang tên Phạm Phú Quốc?

Các bạn trẻ ngày nay có thể không biết đến tên ông: Phạm Phú Quốc, nhưng chắc những người cùng lứa với tôi hoặc lớn hơn đều nhớ đến tên này, đặc biệt là một nhạc phẩm rất hay viết về ông của nhạc sĩ Phạm Duy: Huyền sử ca một người mang tên Quốc.

Phạm Phú Quốc là trung tá phi công nổi tiếng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sinh năm 1935 tại Quảng Nam. Sự kiện khiến ông được nhiều người biết tới là vụ đánh bom dinh Độc lập vào năm 1962 (thời Ngô Đình Diệm). Phi vụ bất thành, dinh bị sập một góc nhưng Ngô Đình Diệm thoát chết, ông bị bắt cầm tù cho đến ngày đảo chính 1/11/1963.

Ngày 19/4/1965, Phạm Phú Quốc từ Đà Nẵng cất cánh bay đi đánh phá trục lộ giao thông miền Bắc ở khu vực Vinh. Trên đường về ông bị cao xạ miền Bắc bắn hạ, rơi tại Hà Tĩnh.

Thời ấy, sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi ngưỡng mộ Phạm Phú Quốc như một người hùng, đặc biệt là rất xúc động với lời ca bi hùng thống thiết của Huyền sử ca một người mang tên Quốc:


Rồi anh đi theo đường đã vạch rồi
Đường lên không gian ủ ấp hình hài
Đời sinh ra ta ta là cát
Đời đưa ta đi ta về đất
Và anh đã về một chiều anh đã về quê
Chiều nao anh đi làm kiếp người hùng
Chiều nao thương ôi rụng cánh đại bàng
Chiều nao anh đi anh về đất
Chiều nao anh đi anh về nước
Chiều nao huy hoàng bụi vàng bay khắp không gian 

Ở Việt Nam ngày nay, không thể coi Phạm Phú Quốc là người hùng được rồi, vì ông có đánh bom Ngô Đình Diệm đấy, nhưng cũng đánh bom miền Bắc. Và như thế dĩ nhiên là không thể nào đặt tên ông cho một con đường!

Thế nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một nơi có địa chỉ là ở trên đường Phạm Phú Quốc! (Tôi đã tra thật kỹ xem trong lịch sử có vị danh nhân nào khác trùng tên với ông không, nhưng không có!)

Chùa Viên Giác

Nơi đó là: Chùa Viên Giác, ở số 42 đường Phạm Phú Quốc, phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Thông tin này được ghi trên website của Tổng cục Du lịch Việt Nam (http://www.vietnamtourism.com/v_pages/country/province.asp). Đáng chú ý là các thông tin về phường, thị xã, tỉnh.... đều cho thấy địa chỉ này cập nhật trong thời gian gần đây chứ không phải là đã lâu (hiện giờ thông tin vẫn còn trên mạng, bạn cứ vào trang web nói trên, chọn địa phương là Quảng Nam, và click vào di tích Chùa Viên Giác là sẽ thấy).

Trên bản đồ hiện tại không thấy tên đường này, còn chùa Viên Giác thì nằm trên đường Hùng Vương, tên cũ là đường Huỳnh Thúc Kháng.

Phải chăng đã từng có con đường Phạm Phú Quốc ở Hội An? Đó là đường nào? Tại sao thông tin chính thức hiện nay của Tổng cục Du lịch Việt Nam vẫn ghi tên đường Phạm Phú Quốc? Các bạn nào ở Hội An xin cho biết dùm nhé, cảm ơn nhiều lắm.

Một thông tin bổ sung: Sau ngày Giải phóng, người thân của Phạm Phú Quốc đã ra Hà Tĩnh tìm hài cốt của ông mang về mai táng. Ngày 28/11/1998, ông trở về yên nghỉ tại quê hương Quảng Nam, trong khuôn viên chùa Phước Lâm ở Hội An.
 Mộ bia Phạm Phú Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét