13 thg 2, 2023

Cảnh đẹp nên thơ ở hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ

Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ thu hút du khách nhờ cảnh quan yên bình, xanh mát và những hoạt động trên mặt nước.

Khác xa các điểm du lịch trong nội thành, khi đến với hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ (thôn 5, xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ nước rộng mênh mông, bao quanh bởi núi non hùng vĩ.

Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ là địa điểm check-in được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Ảnh: HỮU TÚ

Ngôi chùa có tượng Phật cao 72m, trái tim ngọc nặng 1 tấn ở Hà Nội

Ngôi chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây, Hà Nội thu hút du khách tìm về vãn cảnh, cầu bình an và chiêm ngưỡng tượng Phật cao 72m, trái tim ngọc nặng 1 tấn.

Những ngày đầu năm, hàng vạn du khách từ khắp nơi tìm về chùa Khai Nguyên ở thôn Tây Ninh (Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội) để vãn cảnh, dâng lễ cầu bình an và chiêm ngưỡng tượng Phật cao 72m, trái tim ngọc nặng 1 tấn.

Ngôi chùa nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km. Chùa còn được gọi là Cổ Liêu Tự. Theo lịch sử bia ký, ngôi chùa này được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 16. Qua nhiều thế kỷ, chùa Khai Nguyên xuống cấp trầm trọng và gần như trở thành phế tích.

Năm 2003, được sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền, đại đức Thích Đạo Thịnh về trông nom và từ đó tu bổ, cải tạo, xây dựng lại chùa Khai Nguyên để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, cũng như tín đồ phật tử, du khách thập phương.

Du khách đổ về ngôi chùa Khai Nguyên dịp đầu năm.

Kiến trúc chùa Vạn Phật có hơn 10.000 tượng Phật ở TPHCM

Chùa Vạn Phật thuộc quận 5, TPHCM là ngôi chùa được xếp vào hàng kỷ lục Việt Nam về hệ thống tượng Phật khổng lồ với hơn 10.000 bức.

Chùa Vạn Phật có hệ thống tượng Phật được xếp vào hàng kỷ lục tại Việt Nam. Công trình quy tụ cả tượng nhỏ lẫn tượng lớn như: Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền… Ảnh: Nguyễn Anh Kiệt

Chùa Vạn Phật được xây dựng vào năm 1959 bởi hai vị hòa thượng là Đức Bổn và Diệu Hoa, với mục đích làm nơi tu học, lễ bái cho các tăng ni, phật tử người Hoa ở thành phố và các tỉnh lân cận.

Hình ảnh bảo vật quốc gia Champa tại Bảo tàng Bình Định

6 di vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Bình Định, thu hút nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu lịch sử nghệ thuật trong nước và thế giới.

Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini là bảo vật quốc gia năm 2015.

'Vườn hồng của Nam Phương' đẹp mê mẩn nơi kinh thành Huế

Đầu năm 2023, một khu vườn đầy hoa hồng cổ Huế đã được phục dựng trong khuôn viên của điện Kiến Trung với tên gọi “vườn hồng của Nam Phương”.

Điện Kiến Trung là một cung điện quan trọng trong hệ thống các cung điện của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm 1921 đến năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Là công trình đẹp, hiện đại và bề thế, nhưng điện Kiến Trung chỉ tồn tại chỉ được hơn 20 năm rồi bị phá hủy một cách đáng tiếc. Đến năm 2019, từ phần nền cũ, điện Kiến Trung được phục dựng lại với kinh phí hơn 123 tỉ đồng.

Sau một thời gian được phục dựng lại một cách tỉ mỉ, rất nhiều hạng mục tại đây đã được hoàn thiện với từng chi tiết đều mang cái hồn của xứ Huế cổ xưa. Nổi bật trong đó chính là vườn hồng của Nam Phương hoàng hậu. 

11 thg 2, 2023

Tép đồng xào khế

Tép xào khế là món ăn dân dã, đậm đà hương vị đồng quê, góp phần làm cho bữa cơm gia đình thêm ngon miệng.

Sớm xuân, vợ đi chợ về luôn miệng xuýt xoa vì lạnh nhưng vẫn khoe "em mua được mớ tép tươi rói về xào cùng khế chua, hôm nay cả nhà sẽ có món ăn ngon phải biết!". Ký ức ngày xưa chợt ùa về trong tôi. Ngày trước, người dân trong làng thường vác nhủi ra đồng hay ven đầm nước xúc tép. Sau vài giờ lặn lội trong nước, họ vác nhủi trở về với chiếc giỏ tre treo lủng lẳng bên hông theo nhịp bước. Về đến nhà, họ trút cá nhỏ và tép đồng bắt được ra rổ, phân loại rồi rửa sạch cá, tép trước khi chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình. Mớ tép búng nhảy trông thật đã mắt, hứa hẹn mang lại những món ăn dân dã thơm ngon.

Món tép đồng xào khế. Ảnh: Trang Thy

Về Quảng Ngãi ăn bún mắm

Mấy người bạn của tôi mỗi lần về quê vẫn thường í ới rủ nhau đi ăn bún mắm ở một quán bún mắm nhỏ nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo của đường Hùng Vương (TP. Quảng Ngãi).

Ở TP. Quảng Ngãi, không khó để tìm một quán bún mắm, nhưng tôi cùng các bạn vẫn cứ “thủy chung” với quán bún mắm cô Chi. Đây là quán bún mắm hiếm hoi giữa lòng thành phố có mắm cái cá cơm đúng vị Quảng Ngãi và cũng là quán bún mắm chúng tôi thường đến thưởng thức từ thời còn học cấp 3. Bún mắm thơm ngon, giá rẻ nên ngày trước dẫu bàn ghế đơn sơ, quán lại nằm trong một con hẻm đất khó đi, nhưng quán bún mắm cô Chi luôn đông khách. Nhiều bữa, ghé quán gặp lúc khách đông, lũ học trò chúng tôi ngày ấy vừa lăng xăng phụ việc giúp chủ quán, vừa chờ đến lượt mình.

Món bún mắm dân dã, thơm ngon. Ảnh: LAM GIANG

Mùa rêu ở bờ kè biển Quảng Ngãi thu hút khách với những khung hình đẹp

Cứ đến tháng giêng hàng năm, các ghềnh đá ở bờ biển Quảng Ngãi xuất hiện rêu xanh đẹp mắt, thu hút nhiều người đến check-in.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sáng 10.2, tại bờ kè chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại (thuộc thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi), rêu xanh mọc bám vào các ụ bê tông dài hàng trăm mét, thu hút nhiều người đến chụp ảnh, săn ảnh đẹp.

Đê giảm sóng, chắn cát dài khoảng 270 m ở bờ bắc Cửa Đại trở nên đẹp hơn với lớp rêu xanh. Ảnh: HẢI PHONG

Mùa rêu nhuộm xanh bờ biển Ninh Thuận

Ninh Thuận đang vào mùa rêu. Những bãi rêu xanh mát mắt có thể kể đến như Hòn Đỏ, Hang Rái, làng Từ Thiện...

Nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 15 km về phía nam, bãi rêu xanh với chiều rộng khi nước rút hơn 500m, nằm trải dần gần 4 km dọc bờ biển ở làng Từ Thiện. Ảnh: BÙI VĂN HẢI

Tết Nguyên tiêu phố Hội - di sản văn hóa quốc gia

Trải qua hàng trăm năm, những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội Tết Nguyên tiêu Hội An được cộng đồng cư dân phố cổ Hội An gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, của Hội An, Quảng Nam nói riêng. Ngày 2/2/2023, Tết Nguyên tiêu Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ở Hội An, cứ sau ngày Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), người dân lại nô nức chuẩn bị đón Tết Nguyên tiêu. Đây là lễ tết lớn nhất trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán, được hình thành từ lâu đời, là sự kiện văn hóa chung của cộng đồng cư dân Hội An, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay.