6 thg 7, 2017

Không gian văn hóa của Hiếu Tín

Nổi tiếng trong giới trẻ về thú sưu tập, lại chuyên nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa, giảng viên Nguyễn Hiếu Tín (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tp. Hồ Chí Minh) có niềm đam mê đặc biệt với các loại gốm, ấm trà, tượng danh nhân và hiện ngôi nhà của anh trở thành “bảo tàng” thu nhỏ trưng bày các bộ sưu tập độc đáo của mình. 

Trong ngôi nhà 3 tầng của mình, Hiếu Tín dành hết không gian để bài trí đủ các loại đố gốm, tượng các loại, biến nơi đây giống như một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa. Trong mỗi bộ sưu tập, Hiếu Tín lại tiếp tục phân loại thành nhiều chủ đề khác nhau, như bộ sưu tập ấm trà được phân chia ra các loại ấm trà theo từng loại chất liệu: gốm Biên Hòa, gốm Nam Bộ xưa hay gốm tử sa Trung Quốc.

Ngay ở phòng khách, Hiếu Tín bày trang trọng bức tượng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi quân Nguyên Mông dưới triều đại nhà Trần cuối thế kỷ 13. Hai bên tượng Hưng Đạo Vương là hai bình sứ có tích Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, với khí thế chống ngoại xâm ngút trời của dân tộc từ những năm 40 đầu công nguyên. Nói về ý tưởng sưu tập tượng danh nhân, Hiếu Tín cho biết khi đọc các cuốn sách về danh nhân, anh cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về nhân vật qua thần thái, hình dáng các bức tượng được làm từ nhiều chất liệu. Rồi anh mới bỏ công tìm mua các bức tượng độc đáo để làm dày dặn thêm bộ sưu tập của mình.

Bộ sưu tập các loại ấm của Hiếu Tín.

Danh thắng núi Trầm

Thắng cảnh núi Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) không chỉ có phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn là nơi quần tụ nhiều di tích, chùa chiền mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời vùng xứ Đoài. 

Chuyện kể rằng núi Trầm là viên ngọc trắng rơi xuống từ trời, khi chạm đến đất ven sông Đáy thì hóa thành 5 con chim phượng hoàng nhô đầu là 5 đỉnh núi. Vì vậy núi Trầm còn có tên gọi khác là Ngũ Nhạc Sơn, sau đổi tên là Tử Trầm Sơn. Đường lên núi Trầm chỉ mất khoảng 10 phút từ dưới chân núi là có thể lên lưng chừng. Tại đây có một khoảnh đất khá bằng phẳng, du khách có thể dễ dàng quan sát năm đỉnh núi đá vôi màu trắng nổi bật. Từ đây có nhiều lối mòn nhỏ tỏa lên năm đỉnh núi. 

Toàn cảnh núi Trầm với 5 đỉnh tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Việt Cường

Khung cảnh làng mạc trải dài với những cánh đồng xanh mướt của xứ Đoài nhìn từ đình núi Trầm. Ảnh: Khánh Long

5 thg 7, 2017

Nhà thờ Cái Bè - Tiền Giang

Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là nhà thờ đẹp nhất của vùng Tây Nam Bộ. 

Tọa lạc bên ngã ba sông Cái Bè - nơi tụ họp của chợ nổi Cái Bè nổi tiếng, nhà thờ Cái Bè (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nổi bật giữa một vùng sông nước tấp nập thuyền bè qua lại.

4 thg 7, 2017

Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa

Hồi xưa, tui mê chơi tem, và mê họa sĩ Vi Vi. Tem thư VNCH phát hành hồi xưa thường thông qua các cuộc thi vẽ tem, mà Vi Vi đoạt giải hơi bị nhiều (vì anh vẽ đẹp quá mà), với tên thật là Võ Hùng Kiệt. Bộ tem Thư viện Quốc gia phát hành ngày 10/04/1974 gồm 2 tem mệnh giá 10 đ và 15 đ, trong đó tem giá 15 đ là của Vi Vi - Võ Hùng Kiệt, đạt giải nhất.


Tui ngắm hình ảnh Thư viện Quốc gia lần đầu tiên qua con tem do Vi Vi vẽ và thích mê luôn. Vì kiến trúc tòa thư viện này quá đẹp, và vì tài vẽ của Vi Vi nữa (cứ so sánh 2 con tem, sẽ thấy trên tem của Võ Hùng Kiệt Thư viện Quốc gia đẹp hơn hẳn). 

Là trẻ con dân tỉnh lẻ Long Khánh, chẳng mấy khi được đi Sài Gòn, nhưng trước 1975 tui cũng có dịp được đi ngang qua đường Gia Long và được chỉ: Thư viện Quốc gia đó! và ngẩn ngơ nói: Đẹp thiệt!

Đình Hồng Thái và những giá trị văn hóa

Di tích đình Hồng Thái, thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân đầu tiên khi Người từ Pắc Bó - Cao Bằng về Tân Trào - Tuyên Quang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đình Hồng Thái là trạm liên lạc đặc biệt quan trọng của Ban Bảo vệ ATK.

Đình Hồng Thái và những giá trị lịch sử
Đình Hồng Thái được dựng lên để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Tày miền núi.

Đình Hồng Thái cũng như bao ngôi đình khác là nơi thờ thần Thành hoàng, nhưng các Thành hoàng của đình là các Thần Sông, Thần Núi. Ngoài ra đình Hồng Thái còn thờ Công chúa Ngọc Dung và vị anh hùng giải phóng dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đình thờ 11 vị thần thành hoàng: gồm Thần núi, Thần sông chấn xung quanh khu vực Hồng Thái (Nhiên thần). Ngoài việc thờ cúng và là nơi tổ chức lễ hội, đình còn là nơi vui chơi hội họp bàn công việc tập thể (gọi là việc làng) của nhân dân trong xã. Ngoài những công việc chung của làng thì trước cách mạng, đình còn là nơi tụ tập chơi cờ bạc, tập trung dân để thu, nộp các loại thuế khoá cho bọn lí trưởng (vào thời kỳ thực dân, phong kiến)…

La Gi - Còn đó ngày xưa!

Nhà thủy tạ ở đập Đá Dựng


Khi hoàn thành con đập ngăn Sông Dinh ở Đá Dựng (phường Tân An - La Gi) vào năm 1958, tiếp đến là xây một nhà thủy tạ mô phỏng hình dáng ngôi chùa Một Cột ở Hà Nội trong lòng hồ của đập. Cho nên cũng có tên gọi là chùa, dù không có thờ phượng gì mà chỉ là một sàn gạch hoa làm chỗ nghỉ chân, ngắm cảnh. Nhà thủy tạ xây vuông vức mỗi cạnh 2,5m, nhưng có khác là 2 tầng mái đều xuôi thẳng 4 góc, lợp ngói âm dương, phần đuôi biểu trưng hình chim phượng. Bốn trụ tròn ở thế đỡ đuôi mái tầng dưới và cũng là bốn phía hành lang được trang trí cách điệu chữ vạn lồng ghép vào nhau. Trụ chính nâng cả công trình có đường kính cỡ 1,5m, cách mặt nước hồ lòng đập khoảng gần 2m được xây vững chãi nhưng với độ cắm chặt xuống đáy sông cũng phải hàng chục mét. Phía hạ lưu chân đập có xây hình “long ngư vượt vũ môn” và tượng sư tử nằm cạnh những khối đá đủ dáng hình xen lẫn cây xanh.

Có một khu rừng nguyên sinh giữa lòng thị xã

Trên tuyến đường du lịch nối từ Đồi Dương Bình Tân, thị xã La Gi về giáp ĐT 719 qua Tân Bình, du khách rất dễ nhận ra một khu rừng tự nhiên xanh ngắt nằm tiếp giáp với các dự án du lịch biển của thị xã La Gi. Đó là khu rừng dầu trên trăm tuổi duy nhất còn sót lại nơi phố biển này. Một thắng cảnh sinh thái tự nhiên, lá phổi xanh giữa lòng đô thị La Gi.

Lễ cầu mùa của người Sán Chay

Là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất trong năm của người Sán Chay, lễ hội cầu mùa là hoạt động sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc với những nét riêng, độc đáo. Vừa qua, bà con dân tộc Sán Chay (thôn Đồng Xiền, xã Yên Lạc, Phú Lương, Thái Nguyên) đã tái hiện lễ hội cầu mùa của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Sán Chay còn có các tên gọi khác là Hờn Bận, Cao Lan, Sán Chí, Mán Cao Lan cư trú chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang và rải rác ở vài tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam.

Thường vào dịp tổ chức lễ hội cầu mùa, các gia đình người Sán Chay cùng chuẩn bị, góp chung lễ vật để chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm có thịt lợn, xôi, gà, trứng, các loại bánh truyền thống, hoa quả. Một trong những vật quan trọng không thể thiếu trong lễ cúng là những tờ tranh với các họa tiết, hình vẽ cổ dựng quanh mâm lễ vật. Theo truyền thống người Sán Chay có khoảng gần 30 bức tranh với hình vẽ khác nhau được dùng trong các buổi lễ.

Một phụ nữ dân tộc Sán Chay chuẩn bị treo những bức tranh có các họa tiết cổ phục vụ cho nghi thức cúng cầu mùa.

Đám cưới người Gia Rai

Có dân số đông nhất ở Tây Nguyên và tập trung sinh sống chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, người Gia Rai là dân tộc theo truyền thống mẫu hệ. Người con gái dân tộc Gia Rai chủ động trong hôn nhân từ lựa chọn người mình yêu cho đến việc nhà gái là địa điểm thực hiện nghi thức hôn lễ. 

Người con gái Gia Rai khi đến tuổi trưởng thành thường nhắm cho mình một chàng trai để yêu thương. Qua ông mối, cô gái sẽ gửi một chiếc vòng tay để trao lời tỏ tình. Nếu không ưng, chàng trai chỉ xem vòng một lúc rồi trả lại cho ông mối. Khi cô gái vẫn tiếp tục đeo đuổi, cô lại nhờ ông mối đến gặp để trao vòng cho chàng trai hai, ba lần đến khi không còn hy vọng nữa mới thôi. Nếu ưng thuận, người con trai sẽ nhận vòng. Lúc ấy ông mối sẽ là người chứng giám và cũng là người dặn dò đôi bạn trẻ những công việc phải làm trong lễ cưới.

Để chuẩn bị cho đám cưới, nhà gái phải sắm đầy đủ rượu cần, đồ lễ, đồ ăn theo phong tục truyền thống. Vào ngày tốt lành, nhà trai qua nhà gái làm lễ thành hôn. Cô dâu sẽ thay mặt nhà gái tặng một món đồ vật là quần áo cho nhà trai thể hiện sự biết ơn với công sinh thành.

Theo truyền thống mẫu hệ, người con gái Gia Rai chủ động từ lựa chọn người mình yêu, chủ động trong hôn nhân.

3 thg 7, 2017

Bát Bửu Phật Đài - vì sao là Phật cô đơn?

Ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có một nơi mà người dân gọi là chùa Phật Cô Đơn, nơi này nổi tiếng thiêng liêng nên rất nhiều người đến khấn cầu, nhất là cầu duyên. Dĩ nhiên, tên Phật cô đơn chỉ là tên gọi dân gian chớ không phải tên chính thức nhưng mà thông dụng hơn tên thiệt nhiều. Công nhận là dân gian vui tính thiệt, Phật mà kêu là... cô đơn, nghe nó... mùi mẫn làm sao á! 

Tên đúng của nơi này là Bát Bửu Phật Đài. Phật đài, chớ không phải chùa, vì đúng là nơi này không có ngôi chùa nào hết, dù rằng dân mình cứ quen miệng hễ thấy Phật là gọi chùa. Vậy tóm lại là trong tên chùa Phật cô đơn chỉ đúng có một chữ Phật thôi, chớ không phải chùa, không phải cô đơn.

Bát Bửu Phật đài năm 1990 - Ảnh: Võ văn Tường