Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng

26 thg 2, 2020

Bê chao Mộc Châu

Du khách khi đặt chân đến du lịch Mộc Châu, Sơn La chắc hẳn đều ít nhất một lần nếm thử món Bê chao. Từ vùng đất Mộc Châu này, món Bê chao nức tiếng đã lan tỏa khắp Việt Nam làm thành món ăn phổ biến, mới nghe tên đã cảm nhận được hương vị thơm ngọt của nó. 

Theo người dân Mộc Châu kể lại, đây vốn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành có những đồng cỏ xanh mướt và là thế mạnh phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Những chú bò con khi mới sinh ra (gọi là bê) sau khi xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê đực bị loại, người dân đã chế biến nó thành một món bê chao ngon hấp dẫn và giàu chất dinh dưỡng.

Còn nói về cách chế biến Bê chao thì tương đối đơn giản, dễ thực hiện với sự đi kèm của một số nguyên liệu tạo hương vị như sả, gừng, ớt. Thịt Bê sữa được thái miếng tẩm ướp với gia vị sau đó được chao trong dầu nóng. Người đầu bếp sẽ phi thơm gừng, sả rồi thả thịt bê vào chảo dầu đang sôi. Mùi thơm của hương vị từ gừng, sả và thịt sẽ hòa vào nhau tạo nên độ giòn cho món bê chao. Thịt bê vàng, phần bì giòn tan khiến người ăn chỉ nhìn đã muốn ăn ngay.

Đà Lạt - những cuốc xe du hí

Đến với Đà Lạt mộng mơ, bạn hãy thử một lần ngồi lên những cỗ xe ngựa đẹp như trong truyện cổ tích hoặc lên những chiếc xe điện chạy êm ru, không mùi xăng, không mùi khói dạo chơi loanh quanh nơi phố núi thì mới cảm nhận được hết cái sự sung sướng của kẻ lãng du trên miền hoa, sương, khói, nắng và gió… 

Đà Lạt là xứ ngàn hoa, là thành phố của tình yêu, của mộng mơ và lãng mạn. Phố núi Đà Lạt đồi núi trập trùng, nhà cửa nhấp nhô theo triền núi, đường sá quanh co lúc lên cao lúc xuống thấp, lúc ẩn lúc hiện trong những cánh rừng thông xanh mướt, thảng hoặc những trại rau, trại hoa chợt hiện lên ngút ngát sắc màu bên những sườn đồi hoặc dưới các thung lũng nhỏ.

Đà Lạt còn được ví như một “tiểu Paris” nhờ có khí hậu trong lành, quanh năm se lạnh cùng với những hồ nước xanh nên thơ và những tòa dinh thự, tu viện, nhà thờ, trường học cổ mang màu sắc kiến trúc thuộc địa do người Pháp xây nên từ hồi đầu thế kỉ 20.

Khám phá Đà Lạt người ta có thể đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, thậm chí bằng cả xe lửa cổ, nhưng thú vị nhất có lẽ là bằng xe ngựa hoặc xe điện, một loại xe mang dáng dấp của thời trung cổ và một loại xe điển hình cho thời đại 4.0, nhưng cả hai đều có nét chung đó là sự lãng mạn và sang trọng, rất thích hợp với những người có tâm hồn lãng du ưa thả hồn mình với cảnh quan nên thơ miền sơn cước.

Sắc màu phố núi Đà Lạt. Ảnh: Thanh Hòa

9 thg 2, 2020

Xuân về trên bến Bình Đông

Chợ hoa trên bến Bình Đông (Tp.Hồ Chí Minh) cứ mỗi dịp xuân về lại nhộn nhịp hẳn lên, khung cảnh “trên bến dưới thuyền” cùng không khí người mua kẻ bán tấp nập như mang lại một bức tranh sinh hoạt sống động cũng như nét văn hóa đặc thù của một vùng đất xưa. 

Khu vực bến Bình Đông thuộc quận 8 có vị trí thuận lợi giao thương bằng đường sông với các tỉnh miền Tây. Thế nên hoạt động buôn bán tại khu vực bến Bình Đông đã có từ rất lâu, đặc biệt là vào dịp Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của nơi đây. Theo nhà văn Sơn Nam, bến Bình Đông xưa chạy dài từ cầu Chà Và tới gần đình Bình An. Ngày nay, bến Bình Đông kéo dài từ cầu Nguyễn Tri Phương tới nơi giao nhau giữa rạch Lò Gốm và kênh Tàu Hũ.

Theo quan sát, năm nay có hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ nối đuôi nhau cập bến Bình Đông, kéo dài khoảng 1km từ cầu Chà Và đến cầu Kênh Ngang số 1. Các ghe thuyền chủ yếu của thương lái hoặc các nông dân trồng hoa từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… mang về đây hàng chục các loại hoa, chủ yếu nhất là hoa cúc, vạn thọ, mồng gà, hoa mai, hoa giấy, tắc kiểng, dừa kiểng… Đặc biệt, chợ hoa bến Bình Đông năm nay có trưng bày thêm nhiều giống hoa lan, các loại tiểu cảnh được trang trí đẹp mắt. Nhiều loại mai quý có giá trị cao được tiểu thương bán hoặc cho thuê để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn cho trang trí hoa cảnh trong ngày Tết phù hợp với túi tiền của mình.

Khung cảnh nhộn nhịp chợ hoa trên bến Bình Đông. Ảnh: Mạnh Linh

Nước non Cao Bằng

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất độc đáo, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đang mang lại một sức sống mới cho tỉnh miền biên viễn này phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa, tạo sinh kế cho 9 dân tộc người bản địa. 

Kỳ thú nước non miền biên viễn 


Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000 km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Nơi này có 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế, trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây.


“Khu du lịch Thác Bản Giốc được SUN GROUP đầu tư hạ tầng góp phần phát triển du lịch Cao Bằng và cả vùng xung quanh và huyện Trùng Khánh xứng tầm khu du lịch kiểu mẫu quốc gia”


Bí thư huyện Trùng Khánh Phạm Văn Cao
Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.


4 thg 2, 2020

Ấn tượng Vinpearl Land Nam Hội An

Quả không quá lời khi có người ví Vinpearl Land Nam Hội An như một thế giới thu nhỏ, hiện đại, hoành tráng nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn với những khối không gian kiến trúc tuyệt đẹp đậm chất Đông – Tây và những khu vui chơi, nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới cùng hòa vào nhau trong một “ốc đảo xanh” bình yên bên bờ biển vắng… 

Cách Di sản Thế giới phố cổ Hội An chừng 17 cây số về phía Nam, trên một vùng cát phủ vàng ươm rộng khoảng 200ha được ví như một “ốc đảo xanh” bình yên bên bờ bãi biển Bình Minh hoang sơ của tỉnh Quảng Nam là khu vui chơi nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Vinperl Land Nam Hội An.

Với tiêu chí “tất cả trong một”, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp đạt đẳng cấp 5 sao Vinperl Land Nam Hội An chính là một thế giới thu nhỏ, đủ sức thỏa mãn hầu hết mọi thú đam mê khám phá, trải nghiệm và vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Xôi chè ngày tết

Với mong muốn dâng lên tổ tiên hương vị ngọt ngào đọng lại sau một năm vất vả lao động, người Việt thường làm món Xôi chè vào ngày Tết Nguyên Đán để thể hiện tấm lòng thành với cội nguồn gia đình. Người thưởng thức khi ăn Xôi chè cũng mang theo ước vọng về cuộc sống suôn sẻ, ngọt lành và nhiều may mắn. 

Nguồn gốc món Xôi Chè ngày Tết bắt nguồn từ phong tục món ăn làm ra để cúng tổ tiên vào chiều 30 Tết, mỗi gia đình thường chuẩn bị 1 lễ cúng mặn chính với đầy đủ các món như Gà, xôi, món xào, canh măng, món thịt…bên cạnh đó có bát Xôi Chè đi kèm. Sau khi mâm lễ cúng xong, cả gia đình quây quần thưởng thức . Có nhiều nơi như tại Huế thì Xôi Chè chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa kèm theo nhiều loại mứt bánh đồ ngọt khác. Ngoài ta, Xôi chè cũng thường được cúng vào Rằm tháng giêng.


Nguyên liệu làm món xôi chè gồm gạo nếp, đậu xanh và bột sắn.

29 thg 1, 2020

Thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc

Huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai là nơi tập trung nhiều cộng đồng người Chăm sinh sống, vì vậy, từ năm 2006, xã Xuân Hưng đã được xây dựng một ngôi thánh đường Hồi giáo nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của người dân. Ngôi thánh đường có tên là Masjid Nourul Ehsaan được xem là thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau thánh đường Hồi giáo tại An Giang. 

Kiến trúc chủ đạo của thánh đường Hồi giáo thường tập trung vào ngôi nhà nguyện, nơi tập trung cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo hằng ngày của giáo dân. Khu nhà nguyện của thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc có diện tích khoảng 
700 m2 được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của các nước Hồi giáo như Maylaysia, Arab Saudi với kiến trúc tổng thể hình chữ nhật cùng hai tông màu trắng và xanh ngọc làm chủ đạo.

Thánh đường thường được xây theo hình chữ nhật, mái bằng, hướng làm lễ luôn luôn hướng về phía Tây – hướng thánh địa Mecca – khi cầu nguyện. Trên nóc bốn góc ngôi nhà được xây bốn tháp có chóp nhọn, ở chính giữa đỉnh ngôi thánh đường là một tháp tròn lớn hơn úp ngược xuống như cái bát úp. Trên đỉnh tháp có đính biểu tượng vầng trăng khuyết (trăng lưỡi liềm) và ngôi sao năm cánh – đây là biểu tượng đặc trưng của Hồi giáo. Biểu tượng này cũng được trang trí theo một số nơi nhất định và có kích thước khác nhau ở một số nơi trong nhà thờ.

17 thg 1, 2020

Hát Then – Giai điệu của “thần tiên”

Hát Then đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của các tộc người Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, được ví là điệu hát của “thần tiên”. Các chuyên gia của UNESCO đã tìm thấy trong Then những giá trị nhân sinh quan, đã vượt ra ngoài phạm vi của một vùng, một tỉnh hay một quốc gia mà đã trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Theo quan niệm của tộc người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Vì thế, hát Then của người Tày vừa phản ánh chuyện đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Hát Then là một màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Vì thế, khi nghiên cứu sâu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày. 

“Thầy Then trong đời sống các tộc người Tày, Nùng, Thái còn là trí thức dân tộc, vì họ biết rất nhiều thứ, đưa ra lời khuyên về mùa màng, đời sống...”.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh,
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về nghệ thuật hát Then, chúng tôi đã lên huyện miền cao Chiêm Hoá (Tuyên Quang), vùng đất được coi là cái nôi hình thành nên những làn điệu hát Then quyến rũ của người Tày.

Người Lự cúng vía trâu

“Mo khoăn khoai” là một nghi lễ tâm linh của đồng bào Lự ở tỉnh Lai Châu, nhằm tỏ lòng biết ơn tới những "ông trâu" - loài vật gần gũi với bà con nông dân. 

Lễ cúng vía trâu của người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường thường được tổ chức sau khi kết thúc mùa màng, nhằm tạ ơn loài vật này đã nỗ lực đồng hành, cùng người dân lao động sản xuất để mang lại vụ mùa bội thu cho bản làng. Lễ này thường được tổ chức tại một khu bãi ruộng rộng, với sự tham gia của tất cả các hộ dân trong bản.

Để thực hiện lễ “Mo khoăn khoai”, đồng bào Lự mời 5 thầy cúng (1 thầy cúng chính và 4 thầy cúng phụ). Các thầy cúng được chọn là những người có uy tín trong cộng đồng, có cuộc sống gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Cộng đồng người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường thường chọn thửa ruộng bậc thang bằng phẳng, có diện tích lớn để tiến hành nghi lễ cúng vía trâu.

15 thg 1, 2020

Đậm đà hương vị cà phê trứng Hà Nội

“Đã từng uống cà phê ở nhiều nơi, nhưng cà phê ở Hà Nội ấn tượng hơn cả, đặc biệt là cà phê trứng. Cà phê trứng thực sự là một sự khám phá mới trong hành trình đến Việt Nam”, Đó là những gì blogger nổi tiếng Jodi Ettenberg từng chia sẻ trên trang du lịch AFAR về món đồ uống đặc biệt này của Hà Nội. 

Với những thực khách đã từng thưởng thức món đồ uống này, dù khó tính đến mấy cũng đều bị chinh phục cả về thị giác và vị giác. Có lẽ vì thế mà bất kỳ một du khách quốc tế nào khi đến Hà Nội cũng tìm đến những quán cà phê nổi tiếng lâu đời như Giảng, Đinh, Yên… để thưởng thức món đồ uống hương vị đặc trưng này của Hà Nội.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ phố Giang Văn Minh, quán cà phê Yên là địa điểm thưởng thức cà phê trứng lý tưởng ở Hà Nội.

Thưởng thức Bánh mì 25

Bánh mì là món ăn ưa thích của nhiều du khách khi đến với Hà Nội. Hà Nội có rất nhiều hàng bánh mì ngon nức tiếng, với đủ loại mức giá từ bình dân cho tới đắt tiền. Trong đó, cửa hàng Bánh mì 25 là một địa điểm được nhiều du khách quốc tế tìm đến để thưởng thức món bánh mì của người Hà Nội. 

Khi đọc trên mạng tôi thấy có đánh giá tốt của những người đã từng đến ăn ở quán Bánh mì 25. Vì khá tò mò món bánh mì của quán mà tôi cũng quyết định tìm đến mua thử. Và quả thật, tôi cũng khá ngạc nhiên khi trong khoảng 2 tiếng đồng hồ ngồi ở quán thì hầu hết các vị khách đến xếp hàng mua đều là những vị khách nước ngoài.

Chị Malan- du khách chia sẻ: “Khi đến du lịch Hà Nội, tôi có tìm thông tin về các điểm chơi và món ăn về thành phố này trên trang TripAdvisor. Có khá nhiều người giới thiệu nên tôi tìm đến ăn thử. Đây là lần đầu tiên tôi ăn bánh mì ở phố cổ Hà Nội, tôi thấy vị bán ngon hơn so với những nơi tôi đã từng ăn. Hơn nữa, ông chủ cửa hàng rất nhiệt tình khi giới thiệu cho tôi lựa chọn được vị bánh ngon”.

Cửa hàng bánh mỳ 25 nằm trên con phố Hàng Cá là món ăn của đông đảo khách du lịch khi ghé thăm Hà Nội.

Đến Bạc Liêu ghé thăm chùa Ghositaram

Chùa Ghositaram (ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) như một "bảo tàng mỹ thuật" thể hiện tài năng của các nghệ nhân Khmer, và là một trong những điểm đến văn hóa vô cùng độc đáo. 

Chùa Ghositaram được xây dựng vào năm 1860 trên khu đất rộng 4ha, phía trước cổng chùa có hàng thốt nốt cao vút, là hình ảnh quen thuộc của cảnh sắc miền Tây. Chùa Ghositaram gồm có nhiều khu vực đặc trưng thường có của một ngôi chùa Khmer, như: chánh điện, tăng sá, giảng đường, bảo tháp, trường học, an sá… Theo thời gian, ngôi chùa dần bị hư hỏng, nên đến năm 2001 tòa chánh điện được xây dựng lại, 10 năm sau thì hoàn thành. Tòa chánh điện có diện tích 427
, cao 36 m.

Chùa Ghositaram là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông đẹp nhất của cộng đồng người Khmer.

4 thg 1, 2020

Ấn tượng Cầu đi bộ dọc Sông Hương

Cầu đi bộ dọc sông Hương hiện là một trong những nơi vui chơi giải trí công cộng lớn nhất tại thành phố Huế, thu hút đông đảo người dân và bạn trẻ đến ngắm cảnh, chụp ảnh và đi dạo. 

Với diện tích mặt sàn 2.443m2 và đầu tư hệ thống thoát nước sàn gỗ của cầu có chi phí lên đến trên 5,7 tỷ đồng, cầu đi bộ dọc sông Hương được thiết kế chắc chắn bởi bộ lót sàn gỗ lim. Cầu kết nối với phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Lý Tự Trọng. Với chiều dài hơn 380m, rộng 4m, cầu đi bộ đã trở thành địa điểm lý tưởng để người tham quan chọn làm nơi ngắm hoàng hôn, ngắm bình minh và lưu giữ kỷ niệm. Vào buổi chiều tối, khi ánh đèn đường mờ ảo chiếu vào thành cầu tạo lên một khung cảnh lung linh và thơ mộng.

Cầu đi bộ dọc sông Hương kết hợp với phố đi bộ dọc sông Hương tạo thành một địa điểm dạo chơi ngắm cảnh độc đáo của thành phố.

Làng gốm Bát Tràng

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 15km, làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã trở thành địa điểm tham quan lý tưởng trong những ngày nghỉ cuối tuần. Gốm sứ Bát Tràng là một sản phẩm tiêu biểu của chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố Hà Nội. 

Đến làng Bát Tràng, du khách không thể bỏ qua chợ Gốm. Đây là một khu trưng bày, mua bán của cả làng, đã được quy hoạch thành trung tâm thương mại từ năm 2004 chuyên về các sản phẩm gốm, sứ, phục vụ du khách gần xa.

Bước vào khu chợ gốm Bát Tràng, các sản phẩm gốm sứ đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, từ cao cấp cho đến bình dân, như những đôi lục bình tinh xảo cỡ lớn, bộ đồ thờ, cốc chén, bát đĩa, tiểu cảnh non bộ, đồ lưu niệm, tranh sứ, trang sức gốm ... Giá cả ở đây vô cùng phong phú, có những sản phẩm tinh xảo giá lên đến chục triệu đồng, có những món đồ nhỏ nhắn, đáng yêu giá chỉ vài nghìn đồng, du khách tha hồ lựa chọn. Tại đây, du khách có cơ hội tự tay nhào nặn những sản phẩm gốm sứ, được trở thành một thợ gốm thực thụ, tha hồ sáng tạo từ đất sét và bàn xoay.

Lớp đào tạo nghề gốm cho thế hệ kế cận tại Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn phát triển gốm Bát Tràng.

19 thg 12, 2019

Bảo tàng Kiên Giang – nơi lưu giữ dấu ấn văn hóa bản địa

Với lối kiến trúc Pháp vừa hiện đại vừa pha trộn nét cổ kính của nhà cổ Nam Bộ, bảo tàng Kiên Giang là nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người Kiên Giang vô cùng ấn tượng qua những hiện vật quý giá đang được lưu giữ cẩn thận. 

Bảo tàng Kiên Giang vốn là dinh thự của một địa chủ phong kiến thời xưa, tọa lạc tại số 27 Nguyễn Văn Trỗi, phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, được xem là tòa nhà có kiến trúc đẹp và cổ kính nhất ở địa phương còn được lưu giữ đến nay.

Bảo tàng được xây dựng vào năm 1911, khánh thành năm 1920 với diện tích khoảng 2000
m2. Đội ngũ thợ xây, thợ mộc được mời từ Sài Gòn - Gia Định về thực hiện; thợ chạm khắc đều là thợ giỏi của miền Bắc, còn nguyên vật liệu xây dựng như gỗ, gạch, ngói đều mua từ miền Đông.

Bảo tàng Kiên Giang tọa lạc tại số 27 Nguyễn Văn Trỗi, phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, Kiên Giang.

Đình làng Đình Bảng

Là công trình kiến trúc cổ đồ sộ chứa đựng giá trị nghệ thuật trang trí gỗ truyền thống đặc sắc, đình làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã được coi là một trong ba ngôi đình đẹp nhất vùng. 

Đình làng Đình Bảng nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, trải dọc theo trục đường quốc lộ 1A, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc. Theo sử sách, đình làng Đình Bảng được khởi công xây dựng vào năm 1700 và đến năm 1736 mới hoàn thành. Người có ý tưởng ban đầu dựng đình là một vị quan người Đình Bảng tên là Nguyễn Thạc Lương. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyên cùng người dân trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của để xây dựng ngôi đình.

Nhìn bên ngoài, ngôi đình có quy mô to lớn gồm tòa đại đình nối với hậu cung. Tòa đại đình mang kiến trúc nhà sàn gỗ hình chữ nhật dài 20m, rộng 14m, chia làm bảy gian dựng trên nền đá xanh, được đỡ vững chắc bởi những hàng cột lõi gỗ lim lớn nhỏ có đường kính khoảng từ 0,5- 0,6m. Vẻ bề thế của ngôi đình còn thể hiện phần mái cong toả rộng, vươn rất xa hiếm gặp.

Đình làng Đình Bảng tọa lạc tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

17 thg 12, 2019

Bún đậu Hà Nội

Bún đậu chấm mắm tôm vốn là món ăn vô cùng dân dã và quen thuộc của người dân Hà Nội. Món ăn quen thuộc này có mặt ở khắp nơi từ góc phố, quán cóc, khu chợ cho đến tận cả những nhà hàng ở Hà Nội. 

Bún đậu là món ăn không biết có từ bao giờ ở Hà Nội, nhưng lại trở thành món ăn dân dã được nhiều người yêu thích mà nhiều du khách khi đến Hà Nội nhất định muốn ăn thử. Ở Hà Nội, người ta hay giới thiệu cho bạn bè đến một số quán bún đậu có tiếng như Hàng Khay, Phất Lộc, Mã Mây… để ăn thử món ăn này.

Nguyên liệu làm bún đậu được kén kĩ, bún phải là loại bún miếng sợi nhỏ được cắt ra thành từng miếng và đậu phải rán để vỏ vàng giòn, giữ được vị béo ngậy.

Đậu phụ được rán giòn tạo nên lớp vỏ vàng óng.

9 thg 12, 2019

KoTam – bức tranh Tây Nguyên hoàn mỹ

Mang một nét đẹp đậm chất núi rừng Tây Nguyên, cùng với sự kết hợp hài hòa của cả một hệ sinh thái đa dạng giữa cỏ cây hoa lá và những bến nước nhân tạo trong vắt, khu du lịch KoTam trở thành một điểm đến thú vị, thu hút rất nhiều khách du lịch khi đặt chân đến mảnh đất đầy nắng, gió này. 

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 9km về hướng Đông Nam (đường đi Nha Trang), khu du lịch sinh thái KoTam nằm ở Km 4, quốc lộ 26, phường Tân Hòa, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Khu du lịch sinh thái KoTam bao gồm khu trung tâm có diện tích 17ha và khu liên kết cộng đồng với đồng bào các buôn xã EaTu với tổng diện tích là 200ha, được chia thành 3 khu vực là vườn chính, nhà tre và hồ câu.

Khung cảnh KoTam trông tựa như một bức tranh sơn dầu, được tô điểm với nhiều mảng màu sắc khác nhau với những con đường hoa trải dọc hai bên lối đi, thêm vào đó là có cả những mảng màu xanh mướt của cây cối và màu nước trong vắt của hồ câu nhân tạo.

Toàn cảnh hồ cảnh quan trong khu du lịch Ko Tam.

8 thg 12, 2019

Vẻ kỳ vĩ của hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại Công viên địa chất Đắk Nông

Công viên địa chất Đắk Nông vừa được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là tin vui cho các nhà quản lý, nhà khoa học, du khách mê khám phá, mạo hiểm cũng như mỗi người dân Đắk Nông.

Miệng hang động núi lửa C7, Công viên Địa chất Đắk Nông. Ảnh: TTXVN phát

1 thg 12, 2019

Bản đá Khuổi Ky

Bản đá Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng với những ngôi nhà sàn mang dáng dấp cổ xưa, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho vùng đất vùng biên viễn. Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi, bền bỉ, bao bọc, chở che những cư dân Tày hiền lành, chất phác.

Người Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá.

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất non nước Cao Bằng, lịch sử những ngôi nhà sàn đá đã được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XVI, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ biên cương đất nước. Lúc này, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát; khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào dân tộc Tày.

Bản có 14 căn nhà sàn bằng đá trải rộng khoảng 10.000 m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là dòng suối Khuổi Ky. Ảnh: Công Đạt