18 thg 6, 2022

Từ thành luỹ xưa tới Căn cứ Trà Vong

Vào năm 2019, Bộ VH-TT&DL có quyết định công nhận lễ hội thờ Quan lớn Trà Vong là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.


Ngoài các tín ngưỡng thờ trong đình, miếu dân gian theo truyền thống xa xưa, thì người Tây Ninh ở các huyện, thành phía Bắc tỉnh còn có một loại hình tín ngưỡng riêng, không nơi nào có, đấy là tín ngưỡng thờ “Quan lớn Trà Vong”. Vào năm 2019, Bộ VH-TT&DL có quyết định công nhận lễ hội thờ Quan lớn Trà Vong là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Do vậy mà, kỳ lễ hội vào ngày 15-16 tháng 3 (âm lịch) năm 2020 đã có một lễ hội tưng bừng ở khu lăng mộ và nhà tưởng niệm ngài, tại ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên.

Từ năm 1997, khi nhân dân địa phương kết hợp với các nhà tài trợ ở thị xã Hoà Thành trùng tu ngôi mộ, thì các mùa lễ hội rằm tháng 3 đều rất đông người ở các nơi về tham dự. Vậy nhưng, đã năm nào có đông như thế này chưa? Ban tổ chức làm hàng trăm mét vuông nhà rạp phục vụ du khách về dâng cúng. Có cả các gian hàng hội chợ phục vụ nhu cầu ẩm thực và mua sắm hàng hoá; một sân khấu nhỏ dành cho thanh thiếu niên biểu diễn và chơi các trò chơi có thưởng…

Đấy là chưa kể từ bên ngoài, nhiều con đường mới được tu sửa để du khách thuận lợi đến viếng. Trong không khí tưng bừng ấy, lễ hội Quan lớn Trà Vong lần đầu tiên tổ chức ở quy mô cấp huyện diễn ra long trọng, trước sự chứng kiến của lãnh đạo huyện và hàng ngàn người đến từ mọi địa phương trong tỉnh.

Ngôi mộ của ngài vẫn nằm kia! Bên bờ Nam suối Trà Vong. Qua một cây cầu sắt, sang bờ Bắc là nhà tưởng niệm, nơi diễn ra các nghi thức long trọng theo dân gian truyền thống. Mộ cũ chỉ là một mô đất đắp dưới bóng 2 gốc trâm già.

Bên trong có một bộ khung nhôm, kính tạo hình khối hộp để bảo tồn nguyên vẹn nấm mộ cùng gò mối từ lâu mọc trùm lên. Hai cây trâm đã chết từ lâu, nhưng cây gần mộ vẫn được giữ lại nguyên thân, gốc. Nơi đây từng lưu truyền chuyện lạ lùng về cây trâm không thể đốn ngã này.

Là chuyện có kẻ phá rừng, định đốn cây bằng rìu thì hoặc là rìu mẻ, hoặc dính chặt vào gốc cây không thể lấy rìu ra nữa. Lại cũng có người có ý tốt, sợ cây gần mộ quá sẽ làm hư hại mộ. Họ bèn đến xin cưa. Lạ thay, cưa lần nào cũng bị gãy lưỡi. Sau 3 lần thay lưỡi cưa thì họ đành bỏ cuộc.

Lễ tế tại nhà tưởng niệm. Ảnh chụp tháng 4.2020

Người đến hội đông. Ai cũng biết ngôi mộ cùng những truyền thuyết linh thiêng xưa, nay được truyền tụng. Vậy nhưng không mấy người biết được rằng cánh đồng Trà Vong này cũng chính là nơi từng có đồn trại, hoặc thành luỹ do ông và nghĩa quân xây dựng ngay từ buổi ban đầu.

Các cụ cao tuổi ở ấp 3, xã Trà Vong đều khẳng định nơi này từng có một ngôi thành cổ bằng đất đắp. Qua 2 cuộc kháng chiến, phần lớn bờ thành đã phá huỷ. Phần còn lại cũng bị san ủi hết để trở thành rẫy mì, ruộng mía của ngày nay.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh (1973) ghi chép lại, là: “Ông Huỳnh Công Giản chiếm cứ một cánh đồng rộng gọi là đồng Trà Vông thuộc xã Thái Bình. Bờ thành Trà Vông vô cùng kiên cố…”. Cụ thể hơn nữa, trong cuốn “Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản” do UBND xã Trà Vong xuất bản năm 2011 có sự rõ ràng hơn.

Đó là: “Lăng mộ Quan lớn Trà Vong… nằm tại Bến Long- suối Trà Vong thuộc ấp 3 xã Trà Vong, huyện Tân Biên… Mộ nằm trên một gò đất cao ráo xa cách khu dân cư, được che mát quanh năm dưới tán cây cổ thụ. Ngôi mộ ông cách bờ thành cũ khoảng 2km về hướng Bắc. Mặt lăng mộ đối diện với suối Trà Vong…”.

Như vậy là bờ thành Trà Vong nay nằm ở khu có tên là Trà Hiệp, xã Trà Vong. Trong ký ức của nhân dân, ngôi thành này có quy mô và sự bố trí, sắp đặt vững chắc. Đấy là: “Thành Trà Vong xây dựng bốn mặt bề thế uy nghi, có những dãy hào sâu xung quanh thành nước xanh biêng biếc…”; rồi các vị chỉ huy đã “chỉ huy lính vào rừng, đẵn gỗ, cây làm bờ thành; tre lồ ô làm chông…, lấy dầu sơn rái về dự trữ trong lu…” (Sđd, 2011).

Tuy vậy, trong bản “Tiểu sử Đức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh” của Ban Cúng tế miếu Thái Vĩnh Đông, lập vào mùa xuân Quý Sửu (1973) lại không nhắc gì đến ngôi thành này. Đây cũng là văn bản xác định “Quan lớn Trà Vong” chỉ có 2 anh em Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ.

Các ông xuất thân từ “một gia đình nông nghiệp” ở làng Nhật Tảo Tân An (nay là tỉnh Long An), đến Tây Ninh quy dân lập ấp vào năm 1749 và “thành lập được 3 ấp là Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp”.

Về vị trí, tài liệu trên viết rằng: “ông Huỳnh Công Nghệ chiếm vùng Sóc Om (thuộc Hảo Đước ngày nay)”; còn Ngài (Quan lớn Trà Vong) thì “xây đồn đắp luỹ ngăn chặn khắp nơi, nhiều trận ác chiến thường xảy ra, nhưng lần nào ngài cũng chiến thắng vẻ vang, tạo được niềm tin vững mạnh cho toàn dân trong vùng”.

Như vậy thì, chuyện xây đồn, đắp luỹ phòng thủ ở nơi này nơi kia là có thật. Tuy vậy, có thành Trà Vong với quy mô được ghi trong đoạn trích đã dẫn ở trên hay không, thì cần hoài nghi. Viết có cơ sở hiện thực nhất, chính là trong cuốn “30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975)” do Huyện uỷ Tân Biên in năm 1997.

Đấy là: “ngày nay ở ấp 3 Trà Hiệp, Trà Vong còn lại vết tích của doanh trại Huỳnh Công Giản, nhân dân thường gọi là “Đấu đong quân” (đơn vị đo lường quân số binh sĩ được cấp cùng cờ lệnh của vua cho các lãnh binh được sai trấn nhậm ở một nơi nào đấy)”.

Đối chiếu với bản đồ Tây Ninh hiện nay, với các địa danh đã được ghi liên quan đến vùng đất mà anh em “Quan lớn Trà Vong” khai phá và bảo vệ, thì Sóc Om, Bến Thứ, nơi Huỳnh Công Nghệ chiếm giữ hiện ở ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, cách Trà Vong khoảng 15km về phía Tây.

Vậy có phải đấy là đồn phía Tây của vùng đất các ông và lưu dân đã khai phá, bảo vệ. Chính khu mộ Quan lớn Trà Vong là đồn luỹ phía Đông bởi từng có tấm bia đá khắc chữ Hán, phiên âm ra là: “Thọ đại hiệp, Chánh đông binh chi cơ”.

Vùng đất ở giữa hai tiền đồn này, nay là các xã Tân Phong, Mỏ Công và Trà Vong của huyện Tân Biên. Đáng chú ý là thành Trà Vong, theo các tài liệu đã trích thì rất gần với ngã ba suối Vàng đổ vào rạch Tây Ninh. Từ đây, cũng chỉ cách khoảng 5km nữa là tới chân núi Bà, nơi ngày nay có ngôi đền thờ Quan lớn Trà Vong ở xã Thạnh Tân. Đây cũng chính là vùng còn lưu giữ nhiều huyền thoại về Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản.

Điều đáng lưu ý nữa là trong cuốn Tây Ninh Đất và Người (tái bản Nxb Thanh niên, 2021) có bài Thành phủ Tây Ninh của Võ Nguyên Phong, ông cho rằng có một địa danh là “Thủ sở đạo Thuận Thành”, chính là một đồn binh của triều Nguyễn có khoảng năm 1806.

Vậy, có một khả năng là triều Nguyễn về sau từng sử dụng lại các đồn luỹ từ thời Quan lớn Trà Vong vài chục năm về trước (thất thủ năm 1782). Nếu vậy thì lịch sử đã được tiếp nối tại đây. Nhưng sự tiếp nối quan trọng và oanh liệt nhất diễn ra vào năm 1948, tức là 99 năm sau ngày anh em Quan lớn Trà Vong đến khai phá đất Tây Ninh, thì vùng đất này đã được Tỉnh uỷ Tây Ninh chọn làm Căn cứ Trà Vong.

Dâng lễ trước mộ Quan lớn Trà Vong.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-1945) do Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2010 viết rằng: “Đầu năm 1948… Một vấn đề cấp bách được đặt ra là cần xây dựng căn cứ địa để làm nơi đứng chân vững chắc cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, nơi xây dựng nền kinh tế kháng chiến, nhằm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính…

Tỉnh uỷ chỉ đạo tập trung xây dựng Căn cứ địa Trà Vong. Căn cứ này áp sát vào Thị xã và khu vực Toà thánh, cơ sở đầu não của địch, một bên tựa vào Trảng Bàng nối liền với Hóc Môn, Đức Hoà, một bên nối liền Châu Thành là kho người, kho của, lại thông với Đồng Tháp Mười và sau lưng là rừng già bạt ngàn hiểm trở trải dài tận Đông Nam Campuchia và Bình Long, Phước Long…”

Nhưng, như vậy thì lớn quá! “Tựa vào Trảng Bàng” tức là ở sát với Trảng Bàng. Như vậy, căn cứ phải bao trùm cả huyện Dương Minh Châu ngày nay. Đấy là ở phía Đông. Còn phía Tây nối liền với Châu Thành thì đúng quá, để từ căn cứ có hành lang đi qua Châu Thành, Bến Cầu về các tỉnh miền Tây. Với quy mô như vậy, chỉ có thể là chuyện về Căn cứ Dương Minh Châu, mà sau này, khi Xứ uỷ cho sáp nhập, lập tỉnh mới Gia Định Ninh mới được thành lập vào tháng 5 năm 1951.

Tìm đọc cuốn kỷ yếu cuộc hội thảo “Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1930-1945)" do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức vào năm 2002 (Nxb Quân Đội Nhân dân, 2002), trang 184 có bài: “Tỉnh uỷ Tây Ninh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ căn cứ địa Trà Vong trong kháng chiến chống Thực dân Pháp” của Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Bài có đoạn: “Ban Chỉ huy Chi đội 11 (lực lượng võ trang của tỉnh) sau một thời gian điều nghiên khảo sát, đã chọn vùng Trà Vông để xây dựng căn cứ địa. Đề nghị này được Tỉnh uỷ chấp nhận. Giữa năm 1948, căn cứ địa Trà Vong bắt đầu được xây dựng. Đây là căn cứ địa lớn, đầu tiên của tỉnh… Từ đây, các cơ quan Dân, Chính, Đảng của tỉnh có nơi đứng chân, tập trung chỉ đạo kháng chiến…”.

Chú ý rằng tác giả Nguyễn Thanh Long vẫn dùng danh từ “Trà Vông”, một cách gọi xa xưa của người địa phương về “Quan lớn Trà Vong”. Cụ thể hơn là tại ngôi dinh thờ ngài ở Mỏ Công, vẫn ghi trên cổng rõ ràng hai chữ Trà Vông.

Tại đoạn trích trên, tác giả đã khoanh gọn lại phạm vi căn cứ địa là ở “vùng Trà Vông”. Trước năm 1948, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng căn cứ địa Bời Lời (Trảng Bàng). Tuy nhiên, tác giả giải thích: “Mặc dù Trảng Bàng là nơi xây dựng thế và lực cho kháng chiến rất tốt, nhưng căn cứ Bời Lời không đủ sức dung nạp, không trung tâm với cơ quan chỉ đạo của một tỉnh, do vậy căn cứ địa của tỉnh phải nằm ở vùng đông bắc của tỉnh, đó là vùng Trà Vông…”.

Như vậy, người đọc đã có thể hình dung một căn cứ địa Trà Vông. Tuy chưa rõ quy mô, nhưng đã có vị trí. Đấy là: “ở phía đông bắc của toàn huyện Châu Thành lúc bấy giờ…”. Từ đây, có thể: “thông qua hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông toả ra biên giới phía tây giáp nước Campuchia và ăn thông xuống phía nam đi Đồng Tháp Mười…”.

Tác giả cho ta thấy hình ảnh một căn cứ Trà Vong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đấy là: “Căn cứ địa Trà Vong, mặt nhìn vào thị xã, nơi đóng các cơ quan đầu não địch. Một tay ôm vùng Trảng Bàng, Hóc Môn và Đức Hoà (tay trái- TV); một tay ôm vùng Châu Thành (tay phải- TV) là kho người kho của, cả từ Đồng Tháp rút lên. Sau lưng căn cứ địa là cả rừng già bạt ngàn hiểm trở nối với đông nam nước Campuchia…”.

Hình ảnh này cho thấy một tư thế “đứng trên đầu thù”, với trung tâm căn cứ là vùng Trà Vong với 3 xã: Tân Phong, Trà Vong và Mỏ Công của huyện Tân Biên ngày nay. Hai bên phải, trái có thể thiết lập các hành lang như những cánh tay vươn dài tới Trảng Bàng và Châu Thành. Xa hơn là Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Đây chính là vùng các vị “Quan lớn Trà Vong” khai phá mở mang từ năm 1749, và sau đó dựng đồn luỹ bảo vệ lưu dân đến làm ăn, sinh sống.

Cho dù đã có thể hình dung căn cứ qua hình ảnh, vị trí… như Nguyễn Thanh Long đã mô tả, nhưng nếu muốn biết cụ thể hơn nữa về cả quy mô và vị trí thì vẫn phải tìm về sử liệu huyện Tân Biên. Cuốn “30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975)”, do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản năm 1997 có những mô tả cụ thể nhất về Căn cứ địa Trà Vong.

Đấy là: “Khu rừng Trà Vong… phía Nam cách thị xã Tây Ninh 18km, có những cánh rừng nhỏ xen lẫn trảng trống, rừng dầu thưa đến rừng dày đặc khi đi dần lên biên giới… Phía Tây rừng trảng xen nhau cách quốc lộ 22 hơn 8km. Phía Đông và Đông Nam có lộ 4 đường đất Khe Đon đi Kà Tum, cách Trà Vong 12km…”.

Các sử liệu viết về Căn cứ Trà Vong đều xác định: căn cứ được chia thành 4 khu vực: Văn phòng chi đội 11, các cơ quan tỉnh, binh công xưởng và khu dân cư. Tuy vậy, theo các mô tả trong sử liệu Tân Biên (Sđd) thì khu dân cư vẫn rải rác ở vòng ngoài căn cứ (ngoại trừ xóm Dầu lớn).

Đấy là các xóm Suối Trà Vong, xóm Dầu lớn thông qua xóm Trường (bên phải căn cứ). Trước mặt là xóm Trà Vong mới; đằng sau là xóm Dầu lớn trong, xóm Ky; đi lên nữa là Bàu Văn Lịch (Thạnh Bình); bên trái là xóm Khe Đon trên, Khe Đon dưới, dần theo đường Trảng Dài thông với xóm Bà Hảo.

Khoảng giữa sau này trở thành xóm Mới, Xóm Rẫy mới, Bàu Chanh mới. Rõ ràng, với cung cách bố trí như trên đã tạo nên một vành đai vững chắc bảo vệ cho trung tâm căn cứ địa. Điều này đã được chứng minh: Khi quân Pháp thiết lập các đồn bót trên quốc lộ 22 và tỉnh lộ 4 nhằm cô lập căn cứ, từ đây tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ, thì cả 3 cuộc tấn công đều thất bại, trong đó có cuộc càn quét gồm 3 tiểu đoàn đánh thẳng vào “Thành Mây Rắc” (tên gọi khác Trà Vong). Căn cứ Trà Vong vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Đầu năm 1949, tại đây đã diễn ra Đại hội lần thứ hai của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

Khi lần tìm lại những sử liệu về Căn cứ Trà Vong, không thể không có sự liên hệ với Căn cứ địa Bời Lời trên vùng tam giác sắt nổi danh trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là căn cứ của các lực lượng cách mạng Trảng Bàng và cũng là một trong những căn cứ của khu uỷ Sài Gòn - Gia Định.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại” (Nxb Tổng hợp TP.HCM- 2020), Bí thư Thành uỷ TP. Hải Phòng Trần Lưu Quang đã viết: “Căn cứ địa Bời Lời được xây dựng và hoạt động như một xã hội của chế độ mới thu nhỏ, một biểu tượng của cuộc kháng chiến, nơi hướng về, hy vọng và khích lệ tinh thần kháng chiến của quân dân Tây Ninh và các vùng lân cận…”.

Trong các sử sách Tây Ninh, Căn cứ địa Trà Vong cũng là một “xã hội của chế độ mới thu nhỏ”. Căn cứ bao gồm đầy đủ các hoạt động kinh tế, y tế, văn hoá giáo dục, thông tin tuyên truyền và xuất bản báo chí… (Xem Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930-2005).

Điều kỳ diệu hơn nữa là xã hội mới này lần đầu tiên được xây dựng trên đất Tây Ninh, chỉ 3 năm sau khi cách mạng đánh đổ chế độ thực dân và phong kiến. Căn cứ này lại được kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông từ hàng trăm năm trước. Vậy mà ngoài những trang sử, chưa có một động tác hay biện pháp nào để bảo vệ một phần di tích hoặc tôn vinh.

TRẦN VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét