8 thg 6, 2020

Kênh Xáng Xà No – Con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu

Kênh xáng Xà No là công trình lớn đầu tiên của Nam kỳ về đường thủy, có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường bộ. Kênh xáng Xà No từ lâu được xem là con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu.

Kênh Xáng Xà No – Con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu Ảnh: Lý Anh Lam

Kênh dài khoảng 40km, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng, sông Cần Thơ (nhánh lớn sông Hậu), đoạn qua huyện Phong Điền chạy dài tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang) trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây. Con kênh đã tạo nên cảnh quan đặc sắc cho mảnh đất Hậu Giang. Nhịp sống thương hồ, quán xá, các cửa hàng bán buôn ven sông Xà No đã tạo nên một đô thị sầm uất ở Nam sông Hậu.

Kênh Xáng Xà No đoạn qua Vị Thanh – Ảnh: Lý Anh Lam

Vào cuối thế kỉ XIX, để khai thác Nam Kỳ, người Pháp thấy cần thiết phải mở mang giao thông thuỷ đạo tiến về phía Tây của Nam Bộ. từ năm 1866, người Pháp đã dùng 2 chiếc xáng vét lại rạch Bến Lức và sông Bảo Định (Mỹ Tho), kênh xáng Xà No, kênh Lái Hiếu, kênh Thốt Nốt, kênh Rạch Giá – Hà Tiên và những con kênh hợp lại thành vùng Ngã Năm, Ngã Bảy. Đến mùa khô năm 1901, kênh xáng Xà No chính thức được khởi công và tháng 7/1903 thì hoàn thành.

Kênh xáng Xà No xưa

Theo những người lớn tuổi ở địa phương cho biết tên gọi Xà No được đọc trại từ tên của người Pháp chỉ huy xáng múc con sông này là Saint-Tanoir. Còn theo nhà văn Sơn Nam thì tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển.

Kênh rộng khoảng 60m, sâu từ 2,5 – 9m, và dài khoảng 40km, bắt nguồn từ sóc Xà No (thành phố Cần Thơ) ăn thông với sông Cái Tư (Hậu Giang – Kiên Giang). Sau đó, người Pháp tiếp tục cho đào những con kênh cắt ngang, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau).

Kênh xáng Xà No lung linh về đêm

Kênh xáng Xà No đã góp phần khai thác tiềm năng lúa gạo của cả vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang, đồng thời mang đến những giá trị vô cùng to lớn trong việc vận tải đường thủy của cả vùng.

Trước đó, việc vận chuyển lúa gạo ở Nam bộ chủ yếu bằng đường biển thông qua thương khẩu Rạch Giá. Việc xuất hiện kênh xáng Xà No đã nối liền biển Tây với sông Hậu, ngoài việc giải quyết tiêu thoát nước cho khoảng 40.000ha đất thuộc miền Hậu Giang còn phục vụ cho người dân đến khai hoang, sản xuất và sinh sống. Đồng thời, đây là trục kênh rất quan trọng cho việc hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội sầm uất và tạo nên huyết mạch giao thương lúa gạo.

Kênh xáng Xà No là huyết mạch đường thủy quan trọng của Hậu Giang

Hệ thống kinh này đã dẫn nguồn nước ngọt từ sông Hậu vô tưới những đồng lúa bạt ngàn. Rồi từ đây, ghe xuồng lại chở lúa ra kinh Xà No nơi có những chiếc sà lan lớn đang chờ ăn lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Theo số liệu năm 1899, mỗi năm, Nam Kỳ xuất cảng được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh xáng Xà No đã tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, mỗi năm xuất 116.000 tấn lúa gạo, đứng hạng nhất lúc bấy giờ. Kênh xáng Xà No trở thành “con đường lúa gạo” lớn sầm uất nhất Đông Dương.

Hơn 100 năm kinh xáng Xà No hoàn thành, con nước vẫn hai buổi lớn – ròng mang phù sa sông Hậu thau chua, rửa phèn, bồi đắp dinh dưỡng cho đồng ruộng hai bên con kinh chạy dài. Ngày ngày, hàng ngàn xà lan, ghe xuồng vẫn ngược xuôi trên kênh.

Hệ thống bờ kè hiện đại dọc kênh

Kênh xáng Xà No đã được đưa vào danh mục tuyến đường thủy quốc gia TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau. Việc giao thương theo đó cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Riêng tỉnh Hậu Giang, gần 20km bờ kè trải dọc bờ kinh xáng Xà No qua địa bàn TP Vị Thanh và các huyện Vị Thủy, Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) được xây dựng làm tăng thêm vẻ đẹp cho hai bên bờ kênh, góp phần thúc đẩy văn hóa – du lịch Hậu Giang ở những vùng dòng kênh chảy qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét