22 thg 4, 2020

Ký sự sông Cầu (kỳ 2): Cuộc sống bên dòng sông

Cũng như những dòng sông khác, những bản làng, cánh đồng bên bờ sông Cầu đoạn qua Bắc Kạn thật êm đềm, trù phú. Nhưng bên trong của nó cũng đã phải trải qua những biến cố dữ dội. Dòng sông mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng màu mỡ và cũng có lúc nó ồn ào, hung dữ tàn phá đôi bờ. Có người bảo đấy là dòng sông trả hận việc con người tàn phá rừng thượng nguồn. 

Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có diện tích là 1.372,78 
km2, bao gồm 44 xã, phường, thị trấn. Dân số trong lưu vực là 153.096 người (bằng một nửa dân số toàn tỉnh), tỷ lệ gia tăng dân số khoảng 0,63%, dân số khu vực đô thị có xu hướng tăng lên hàng năm. Cơ cấu lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ; trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chỉ chiếm 6,3%. Lao động ở khu vực nông thôn chủ yếu là làm ruộng gắn với chăn nuôi, làm vườn và dịch vụ.

Sông Cầu là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, với tổng lượng nước hàng năm ước tính khoảng 20 triệu 
m3, một số dòng chảy được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất điện ( hồ Thuỷ điện Nặm Cắt có diện tích mặt nước trên 200ha). Những con số khô khan ấy đủ cho thấy dòng sông Cầu có ý nghĩa lớn như thế nào đối với sản xuất và đời sống của nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Tôi không chắc mình có thể đi hết hàng trăm thôn, bản ven bờ sông Cầu từ Chợ Đồn cho tới Chợ Mới. Những ngôi làng, nếp nhà, con người hưởng lợi từ con sông hiền hòa đang ngày càng trù phú, khang trang, tươi vui. Kể về những thôn bản trù phú ven sông Cầu chúng ta không thể bỏ qua được Phiêng An II, một thôn nhỏ nằm nép mình bên sông cách thị xã Bắc Kạn không đầy 5 cây số. Phiêng An II là thôn mới thành lập thuộc xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. Cả thôn có 13 gia đình là người Dao Tiền và Dao Đỏ. Năm ngoái, bà con cả bản đã vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về thăm. Nhưng đó là chuyện bây giờ, còn hơn 10 năm trước thì lại hoàn toàn khác.

Trưởng thôn Phiêng An II bên những sải chè trồng trên bãi bồi ven sông Cầu. 

Trưởng thôn Đặng Tiến Lợi vui vẻ kể lại, khi mới về định cư tại đây ai cũng lo, không biết có sống được lâu dài hay không. Đồng bào quen sống vùng núi cao nay hạ sơn xuống ven sông thật khó mà biết trước. Nhưng nhờ đất đai cả khu vực định cư của thôn đã được sông Cầu bồi đắp phù sa biết bao đời nay nên rất màu mỡ. Nhờ đó, dù không có ruộng nhưng cây ăn quả, chè trồng xuống đều cho năng suất cao. Giờ thì có điện để chạy máy bơm nên nước tưới không thiếu, sông Cầu luôn cung ứng đủ. Vậy là từ chỗ lo lắng, giờ Phiêng An II đã trở thành một thôn hội tụ đủ niềm tin cũng như cách làm để vươn lên giàu có trong nay mai.

Phiêng An II giờ đây thật bình yên, mát mẻ với bạt ngàn chè, ổi, vải, mận, quýt, nhãn… với con đường đổ bê tông rộng thoáng, sạch sẽ dẫn đến từng nhà. Một điểm mừng nữa là các gia đình ở đây đều tự làm được nhà vệ sinh hai ngăn, xây theo đúng thiết kế của nông thôn miền núi. Bộ mặt của một nông thôn mới đang hiện rõ...

Nước sông Cầu không chỉ đơn thuần phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn được lọc trở thành nước sinh hoạt cung cấp cho hàng ngàn hộ dân tại thị xã Bắc Kạn. Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Bắc Kạn Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ, hiện tại công suất của nhà máy cấp nước công nghệ cao là 10.000 
m3/ngày đêm. Tất cả nước đầu vào được thu bằng các cửa thu đặt tại nhánh sông Lạnh. Nước sinh hoạt này đang phục vụ cho trên 5.000 hộ dân tại thị xã Bắc Kạn. Tương lai khi lên thành phố, mật độ dân cư tăng lên thì nhu cầu sử dụng nước cũng sẽ tăng cao. Sông Cầu vì thế trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng vạn người dân.

Từ thị xã Bắc Kạn, sông Cầu uốn mình bên những cánh rừng tự nhiên, sải rừng trồng với những cây keo bạt ngàn soi bóng xuống mặt nước. Từ đặc điểm về lưu lượng và tốc độ dòng chảy, chế độ thủy văn ảnh hưởng lớn tới sự xâm thực bề mặt nên sông Cầu có lượng ngậm cát bùn khá cao. Tại Thác Bưởi (Chợ Mới) tỷ lệ ngậm cát trung bình là 233g/
m3, mức chuyển cát 12,1kg/s và tổng lượng phù sa 380 triệu m3/năm. Lượng phù sa tuy không quá lớn nhưng lại rất tốt khi chứa khoảng 3,0% Ca và P2O5, tỷ lệ ni tơ khoảng 0,77- 0,88%. Có tới trên 30 nhánh suối nhỏ đổ vào sông trên địa phận Bắc Kạn bổ sung thường xuyên lượng phù sa như Khuổi Bún, Nà Cú, Khuổi Lung, Tát Mèo, Cửa Khe, Khe Thuồng, Pe Pầu, Nhị Ca… 

Một công trình thủy lợi thu nước trên sông Cầu đoạn qua xã Rã Bản (Chợ Đồn). 

Quốc lộ 3 chạy dọc ven sông, rộng thênh thênh hướng về Chợ Mới. Chúng tôi chọn Cao Kỳ làm điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá sông Cầu. Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Hoan cho biết, toàn xã có 8 thôn gồm Kông Tum, Nà Cà 2, Nà Cà 1, Tổng Sâu, Tổng Tàng, Bản Phố, Hua Phai và Chộc Toòng nằm dọc ven bờ sông Cầu. Phù sa sông lớp lớp bồi đắp qua hàng trăm năm đã hình thành nên diện tích canh tác lúa, hoa màu và mía của xã hơn 80ha. Phù san màu mỡ được cây mía hấp thụ tạo nên một thương hiệu mía bầu Cao Kỳ nổi tiếng gần xa. Hiện tại, người trồng mía có thu nhập 01ha đạt hơn 200 triệu đồng. Vai trò của sông Cầu đối với người dân xã Cao Kỳ là vô cùng to lớn.

Hiện tại trên lưu vực sông Cầu ở Bắc Kạn, tỉnh ta đã xây dựng khoảng 500 công trình thủy lợi thu nước sông phục vụ sản xuất nông nghiệp và một số công trình thu nước phục vụ khu công nghiệp Thanh Bình. Trong đó, có 18 trạm bơm; 12 hồ chứa và 277 đập dâng, phai, kênh. Sông Cầu phục vụ tưới tiêu cho rất nhiều cánh đồng lớn ở những địa bàn nó đi qua. 

Dòng sông bồi đắp phù sa tạo nên những cánh đồng trồng mía, lúa màu mỡ tại xã Cao Kỳ (Chợ Mới) 

Hiền hòa vào mùa xuân, mùa đông là vậy nhưng bước vào mùa hạ và mùa thu khi những cơn mưa xối xả bắt đầu thì cũng là lúc sông Cầu trở mình giận dữ. Vào mùa mưa, sông chuyển tải lượng nước tới 70- 80% hay gây lũ lụt, đặc biệt đột xuất có lũ ống, lũ quét hủy hoại lớn tới mùa màng, tài sản.

Xin kể ra một vài trận lũ quét trên sông Cầu mà hẳn trong ký ức nhiều người dân vẫn chưa thể quên. Ngày 22/9/1990, lũ quét trên thượng nguồn sông Cầu tại nhánh sông lạnh với biên độ lũ 4- 6m làm 11 người chết. Ngày 17/6/2002, lũ quét tại thượng nguồn sông làm chết 01 người, mất trắng hoa màu cánh đồng thấp ven sông. Ngày 31/7/2002, lũ quét trên sông tiếp tục diễn ra làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân sinh sống ven bờ sông…. Hầu như năm nào, sông Cầu cũng có vài trận lũ ảnh hưởng tới mùa màng, tài sản của người dân. 

Nước sông vào mùa lũ gây sạt lở nhiều diện tích ruộng của người dân. 

Theo một nghiên cứu của Khoa Địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, mực nước sông Cầu trong lũ có thể dâng cao hơn 6-8 m; dòng chảy đạt tốc độ lớn, có khả năng cuốn trôi cả những tảng đá góc cạnh kích thước 20-30 cm làm kè bờ. Sạt lở bờ sông chủ yếu do sự đổi dòng của sông, tạo ra các khúc cong uốn khúc. Các đoạn bờ sạt lở mạnh chủ yếu cấu tạo bởi các trầm tích sông, chỉ có 2 đoạn sông cấu tạo bởi đất tàn tích. Rất nhiều đoạn sạt lở làm mất quỹ đất nông nghiệp, như ở Chợ Mới, Cao Kỳ, Sáu Hai, Khau Chủ, ... Sạt lở cũng đe dọa ổn định của cầu qua sông Cầu. Vùng cầu Sáu Hai do bờ hoàn toàn cấu tạo bởi các trầm tích sông dễ bị sạt lở, nên tốc độ sạt lở hàng năm cũng rất cao, từ 2,9 đến 6,6 m. Ở vùng cầu Khuổi Lót và Khuổi Cườm, do sông uốn cong mạnh, lưu lượng dòng chảy lớn, tốc độ sạt lở đạt 6,4 m/năm.

Đứng bên đền Thắm (thị trấn Chợ Mới) lặng nhìn đoạn cuối của sông Cầu trên đất Bắc Kạn, lòng bỗng bình yên hơn trong không khí tâm linh. Không phải vô cớ các vị tiền nhân lại chọn nơi đây làm nơi đặt ngôi đền. Lưng tựa sơn, chân đạp thủy là tính phong thủy đã được tính đến ở đây. Nhưng cũng chợt thấy âu lo khi cụ Kiều Thị Thìn, Chủ nhanh đền man mác buồn nói: Tôi lo lắm, sông Cầu ngày càng cạn nước, tôm cá ngày càng ít đi và ngày càng ô nhiễm… (còn nữa)

Tuấn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét