28 thg 5, 2019

Người bán “thuyền trăng Hàn Mặc Tử” giữa đời thật

Nhắc đến làng phong Quy Hòa, chắc chắn ai cũng sẽ nhớ đến thi sĩ Hàn Mặc Tử, bởi nơi đây ông đã sống những ngày tháng cuối đời cùng căn bệnh phong.


“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay”. Những tưởng hình ảnh thuyền trăng đầy thơ mộng chỉ có trong những câu thở của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Nhưng ở làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) – nơi thi sĩ sống những năm cuối đời, ngư dân Lê Văn Chín (51 tuổi) đã làm ra những chiếc “thuyền trăng Hàn Mặc Tử”, được những ngư dân Quy Hòa ưa chuộng, cũng khiến du khách trong và ngoài tỉnh khi đến Quy Hòa thích thú tìm hiểu.

Một góc làng phong Quy Hòa.

Cũng bị bệnh phong, nhưng may mắn tay chân của ông Lê Văn Chín vẫn còn nguyên vẹn, nên ông dễ dàng trong công việc và sinh hoạt hằng này. Ông Chín nhớ lại, vào năm 1981, ở miền biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), ông phát hiện tay chân của mình mất cảm giác, sau đó những cục cứng dần xuất hiện trên cơ thể.

Biết con mình mắc bệnh phong nên gia đình đã đưa ông Chín ra Quy Hòa để điều trị. Lúc đó, trong ông luôn mang một mặc cảm rất lớn, nhìn mọi người xung quanh để ý, có người còn tránh xa.

Những chiếc “thuyền trăng” có hình bán nguyệt giống mặt trăng non.

Rồi kì tích xuất hiện, sau năm năm tích cực điều trị, ông hoàn toàn khỏi bệnh hoàn toàn. Rồi duyên nợ của ông với làng phong Quy Hòa vẫn chưa dứt. Năm 1988, vì thương người đàn ông tốt bụng chịu thương chịu khó nên bà Võ Thị Thủy (một người dân ở phường Ghềnh Ráng) quyết định về sống chung một nhà với ông Chín.

Sau khi cưới vợ, ông Chín có một thời gian về miền biển Phan Thiết đi biển với anh em, nhưng những ngày tháng dài sống lênh đênh trên biển xa xôi, vất vả nên ông quyết định ra lại Quy Hòa để gần vợ, gần con.

Ở làng phong, ngoài nghề đi biển, ông Chín sẵn có nghề nên làm những chiếc thuyền bằng nan tre để bán cho bà con ở đây đi đánh bắt hải sản ven bờ. Tuy nhiên, thuyền làm bằng nan tre mỗi năm phải trét dầu rái 2 lần mới tiếp tục sử dụng và tuổi thọ cũng chỉ từ 3 - 4 năm. Việc di chuyển thuyền cũng khó khăn, bởi thuyền nặng vì nan tre nhiều và lượng dầu rái trét lên cũng rất nhiều.

Ông Chín đặt tên là “thuyền trăng Hàn Mặc Tử”, để tưởng nhớ đến người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.

6 năm trước, trong một lần tình cờ ra vào Quy Nhơn, thấy các phuy nhựa bị thải ra ở các khu công nghiệp nhiều quá, ông Chín mới nảy ra ý tưởng làm được thuyền từ các thùng nhựa này. Nghỉ làm ngay, ông mạnh dạn mua 10 thùng nhựa về rồi tự mình nghiên cứu.

Thành quả đến ngay sau đó, chiếc thuyền đầu tiên ra đời trong niềm vui sướng tột cùng. Tiếp đó, ông dùng luôn thuyền mình là để đi đánh bắt gần bờ. Thấy thuyền đi lại tốt, lại bền nên chỉ một thời gian sau, mọi người đổ xô đặt mua. Ông đặt tên là “thuyền trăng Hàn Mặc Tử”, để tưởng nhớ đến người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh từng sinh sống tại làng phong này.

Những chiếc “thuyền trăng” có nguyên liệu chính là thùng phuy, có hình bán nguyệt giống mặt trăng non. Ban đầu, ông nghiên cứu làm ra 3 kiểu thuyền, gồm: thuyền nhọn, thuyền nôi, thuyền nôi mũi cao. Loại nào cũng dài 4m, rộng 1,2m. Mỗi chiếc tốn hết 7 thùng phuy loại 200 lít cùng với một số nguyên liệu phụ như cước, ốc vít, tre… Với giá thành khoảng 6.5 triệu/chiếc, ông Chín đã bán được khoảng 50 thuyền còn bà con ở TP. Quy Nhơn. Nhờ “thuyền trăng”, kinh tế gia đình ông Chín cũng khấm khá lên hẳn.

Hiện ông Chín đã bán được khoảng 50 thuyền cho bà con ở TP. Quy Nhơn.

Hiện nay ở Bình Định nói chung, Quy Nhơn nói riêng đang trên đà phát triển du lịch, trong đó có làng phong Quy Hòa. Vậy nên, ông Chín hy vọng những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy của mình không chỉ giúp bà con làng phong thuận tiện hơn trong việc đánh bắt hải sản ven bờ, mà còn có thể tham gia phục vụ du lịch.

“Nếu những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy có thể tham gia chở khách du lịch tham quan biển Quy Nhơn thì con em bệnh nhân phong sẽ có công ăn việc làm. Như vậy, điều kiện kinh tế được nâng lên, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn” - ông Chín tâm sự.

NGUYỄN VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét