28 thg 5, 2019

Hoa Phượng, đâu chỉ là mùa hè

Nhắc đến mùa hè, người ta nghĩ tới hoa phượng. Nhắc đến hoa phượng, người ta nghĩ tới... Hà Triều. Hà Triều - Hoa Phượng chắc là cặp soạn giả nổi tiếng nhứt của sân khấu cải lương miền Nam trước 1975 (và như vậy cũng tương đương với nhứt Việt Nam từ xưa tới nay).

Lúc hai ông bắt đầu nổi tiếng với vở tuồng cải lương Khi hoa anh đào nở (1957) thì tui vẫn chưa sinh ra đời. Thế nhưng ngay từ lúc còn nhỏ chưa biết đánh giá tuồng tích hay dở ra sao, tui đã mặc nhiên hiểu như vầy: tuồng cải lương nào ghi tên soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng thì là tuồng cải lương hay - và ngược lại - tuồng cải lương nào hay thì chắc hẳn soạn giả phải là Hà Triều - Hoa Phượng. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì thời đó rất nhiều vở tuồng nổi tiếng mang tên hai ông, như: Khi hoa anh đào nở, Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Mưa rừng, Thái hậu Dương Vân Nga, Tần nương thất, Đường gươm Nguyên Bá...

Quang cảnh Núi Sập, quê hương của soạn giả Hoa Phượng

Hoa Phượng tên thật là Lương Kế Nghiệp, sinh năm 1933 tại Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang. Ông nói mình lấy bút danh là Hoa Phượng để nhớ tuổi hoc trò. Mặc dù sự nghiệp của ông lừng lẫy nhứt với những vở diễn viết chung với Hà Triều (khiến cho Hà Triều - Hoa Phượng giống như tên của một người), nhưng không phải chỉ có như vậy. Có những tuồng cải lương Hoa Phượng viết chung với người khác cũng thành công rực rỡ, như: Tuyệt tình ca (viết chung với Ngọc Điệp), Bóng tối và ánh sáng (viết chung với Ngọc Linh)... Hoặc viết riêng một mình, như: Hòn đảo thần Vệ Nữ, Trường tương tư...

Cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng

Và không chỉ là cải lương, Hoa Phượng còn viết cả kịch nữa. Đó là vở kịch Sông dài ông viết cho đoàn Thẩm Thúy Hằng. Vở kịch này rất được yêu thích, sau này được chuyển thể thành cải lương, và gần đây được dựng thành phim truyền hình nhiều tập. Tui xin được lan man một chút về vở Sông dài này.

Phim truyền hình Sông dài

Nội dung vở kịch Sông dài kể về chuyện tình của đôi trai gái quê, nàng là Lượm - bị mù từ thuở bé, và chàng là Niễng - bị thọt chân và nám mặt. Dù qua bao trắc trở nhưng cuộc tình đôi lứa vẫn thủy chung son sắt, như câu ca dao:

Sông dài con cá lội biệt tăm
Phải duyên phu phụ, ngàn năm em vẫn chờ

Làng quê trong câu chuyện được gọi là Vĩnh TrạchVậy thôi, không thêm chi tiết nào nữa hết! Nào giờ khi xem Sông dài tui vẫn nghĩ Vĩnh Trạch là một cái tên do tác giả tưởng tượng ra. Nó không cần có thật, miễn người xem hiểu nó là một vùng quê miền Tây Nam bộ là được.

Một cánh đồng lúa mênh mông ở Vĩnh Trạch. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên.

Thế nhưng sau này tui biết được Vĩnh Trạch là một địa danh có thật. Đó là xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Quê của Hoa Phượng là Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Như vậy, chính ông đã đưa vùng đất quê hương của mình vào trong tác phẩm. Con sông dài ở đây là con rạch Long Xuyên, kéo dài từ An Giang (quê hương của Hoa Phượng) đến tận Kiên Giang (quê hương của Hà Triều). (Đến đây, tui lại tự hỏi: liệu câu chuyện tình Lượm - Niễng trong Sông dài có phải là một câu chuyện có thật mà Hoa Phượng đã chứng kiến khi còn ở quê nhà không nhỉ?)

Vĩnh Trạch cách thành phố Long Xuyên chỉ khoảng 15 km, đi theo tỉnh lộ 943. Tui đã nhiều lần đến thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn, đều đi qua nơi này. Tiếc rằng tất cả những lần ấy đều đi lướt qua mà không dừng lại để có một chút cảm xúc: Đây là nơi phát sinh mối tình Lượm - Niễng trong Sông dài. Đây là sinh quán của soạn giả cải lương nổi tiếng Hoa Phượng.

An Giang rất tự hào về người con của mình là soạn giả Hoa Phượng, người đã có những đóng góp to lớn cho cải lương Việt NamSách Kỷ lục An Giang (2009) ghi nhận rằng ông là người viết nhiều tuồng cài lương nhất tỉnh.

Ở nước ngoài, có nhiều địa điểm trong phim ảnh trở thành điểm tham quan nổi tiếng. Với một tác phẩm sống cùng năm tháng như Sông dài, và một soạn giả tài hoa như Hoa Phượng, tui nghĩ rằng nhắc lại địa danh xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn để nếu ai có dịp qua đó dừng chân tưởng nhớ cũng là điều đáng làm, phải không bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét