29 thg 4, 2016

Phên vàng sợi bạc

Hơn nửa thế kỷ trước, từ những năm 1960, nghề làm miến từ bột đao (củ dong) được hai ông Tô Văn Trắc và Nguyễn Văn Minh du nhập từ làng miến Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) lên xã Giới Phiên (TP. Yên Bái). Nghề miến khi ấy đã cứu đói cho người dân nơi đây, cũng như giúp họ thoát nghèo. Miến Giới Phiên được nhiều người biết đến với đặc điểm nổi bật là sợi nhỏ, có màu trong hơi xám, có độ dai giòn, không nát.

Miến đao do bà con làm bằng củ dong riềng theo công thức truyền thống, phơi bằng phên nứa, do không pha thêm tạp chất nên người dùng rất tín nhiệm. Từ cách làm thủ công thời kỳ đầu, đến nay, người dân Giới Phiên đã áp dụng kỹ thuật, đầu tư phát triển cơ giới hóa nên sợi miến nhỏ, óng ả, bắt mắt hơn khi mở rộng thị trường. 

Nghề làm miến đao đã giúp người dân xã Giới Phiên thoát nghèo cũng như phát triển bền vững.HTX Sản xuất kinh doanh Miến đao Giới Phiên hiện có 68 hộ chuyên làm miến, tập trung chủ yếu ở thôn 6. 


Miến đao Giới Phiên sử dụng 100% bột củ dong riềng, không lẫn tạp ­­­chất nên có sợi trong, hơi ngả màu xám, có độ dai giòn, không nát. 

Từ năm 2010 đến 2013, cùng với sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, khuyến nông của tỉnh Yên Bái, các hộ sản xuất miến đã đầu tư phát triển máy móc điện cơ khí nên đạt sản lượng hàng năm hơn 400 tấn. 

Anh Độ, một chủ hộ làm miến nổi tiếng cho biết công đoạn nấu và trộn bột là quan trọng nhất. 

Tuy nhiên, nghề miến không hề nhàn hạ vì phụ thuộc vào mưa nắng, thời tiết.Khi được nắng, phải huy động tất cả nhân lực trong gia đình, vất vả nhất là phơi và thu miến. 

Ngày 14.4, người dân xã Giới Phiên hãnh diện đón nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Miến đao Giới Phiên” cho HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên do UBND TP.Yên Bái tổ chức công bố.

Mạc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét