25 thg 4, 2016

Một thoáng Cồn Mỹ Phước

Cồn Mỹ Phước thuộc ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nằm cuối lưu vực hạ lưu sông Hậu, cách bờ biển Đông 45 km và cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 27 km về hướng Đông - Bắc. Cồn Mỹ Phước có vị trí giao thông thuận lợi do nằm trên sông Hậu và gần tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu. Theo quốc lộ Nam Sông Hậu đến ấp Mỹ Huê, xã Nhơn Mỹ, rẽ vào cổng chào Du lịch Miệt vườn cồn Mỹ Phước, theo lộ đal khoảng 300m là đến bến phà để qua tham quan Cồn.

Cồn - Ấp Mỹ Phước được hình thành và phát triên trên nền phù sa của dòng sông Hậu lắng tụ và bồi đắp, có diện tích tự nhiên hơn 1.020ha, chiều dài khoảng 3.5km, rộng nhất là ở đoạn giữa gần 0.6km, hẹp dần về phía đầu và đuôi, nên cồn có hình tựa chiếc xuồng ba lá.

Theo lời các vị cao niên trên xứ Cồn cho biết cồn Mỹ Phước đã định hình cách đây khoảng 150 năm, ban đầu cồn chỉ là những bãi bùn có sự sống của cây bần và các loại cây tạp, năng lác và một số loài thú hoang. Theo thời gian tích tụ phù sa của dòng sông Hậu, cồn được hình thành và xác định với tên gọi cồn Công Điền vào đầu thế kỷ XX, chịu sự cai quản của thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, người dân chưa được tự do để đến cồn khai phá, sinh sống. Đến năm 1946, mới có ít người đến cồn khai phá, trồng hoa màu để sinh sống. Khoảng cuối thập niên 50, phù sa tiếp tục bồi lắng tạo một dãy cồn mới, nằm sát cồn Công Điền, cách nhau một con rạch nhỏ và được gọi là cồn Bùn. Đất đai nơi đây màu mỡ, hoa màu, cây trồng phát triển tốt nên người dân đến đây sinh cơ lập nghiệp đông hơn và họ bắt đầu trồng các loại cây ăn trái như chuối, sa bô, cam, rồi đến các loại cây đặc sản khác như chôm chôm, măng cục, sầu riêng... tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất này. Sau sự kiện Tổng thống ngụy là ông Nguyễn Văn Thiệu đáp máy bay xuống để tham quan thì cồn Công Điền được gọi với tên là cồn Quốc Gia. Tuy nhiên việc đổi tên gọi chỉ là hình thức hóa, cồn vẫn chịu sự cai quản, giám sát của ngụy quyền. Sống trong lòng giặc nhưng người dân xứ cồn vẫn một lòng hướng về cách mạng. Người thì nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng trong vùng. Thanh niên của xứ cồn thì lên đường tham gia kháng chiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, cồn Quốc Gia được lập thành ấp Mỹ Phước, thường gọi là cồn Mỹ Phước (gồm cồn Quốc Gia và cồn Bùn) cho đến nay.

Các gian hàng trưng bày trái cây tại lễ hội Sông nước miệt vườn trên cồn Mỹ Phước

Sống trong cảnh thanh bình, được thiên nhiên ưu đãi có nước ngọt quanh năm, đất đai tươi tốt, bên cạnh việc nuôi gia cầm, tôm và cá thì người dân trên đất cồn phát triển mạnh nghề trồng cây ăn trái đặc sản để phát triển thêm kinh tế gia đình và phong phú thêm cho khung cảnh thiên nhiên sinh thái vùng đất cồn. Từ đó, cuộc sống của người dân được ổn định, ấm no và sung túc. Nghề trồng cây ăn trái cứ thế phát triển, được người dân trong và ngoài khu vực biết đến và ghé thăm vùng đất cù lao giữa dòng sông Hậu với cây trái ngọt lành, cảnh sông nước hữu tình, người dân chân chất...

Cồn Mỹ Phước trở nên nô nức, rộn rả thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa hội tụ về đây là vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) với điểm nhấn chính là Ngày hội Sông nước Miệt vườn. Đây là lễ hội tiêu biểu của huyện Kế Sách và được tỉnh duy trì tổ chức hàng năm. Ngày hội nhằm tôn vinh trái cây miệt vườn Kế Sách và Nam bộ, để các nhà vườn có thể chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm trong việc trồng và định hướng phát triển cây ăn trái phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách du lịch; phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.

Hội thi ẩm thực nhân dịp lễ hội Sông nước miệt vườn trên cồn Mỹ Phước

Mỗi độ khai hội, từ sáng sớm, những chuyến phà đã lần lượt đưa du khách qua sông đến cồn Mỹ Phước để vui chơi và thưởng thức trái cây, không khí trong lành của miền cù lao dân dã. Những năm trở lại đây, nhằm tạo thuận tiện cho du khách ở xa có điều kiện đến tham gia, ngày hội được tổ chức 02 ngày (4-5/5 âm lịch) thay vì trước đây chỉ duy nhất 01 ngày (5/5 âm lịch). Hiện nay, Ngày hội Sông nước Miệt vườn được tổ chức khá quy mô với các hoạt động nổi bật như hội thi trái cây ngon và trưng bày triển lãm trái cây. Du khách có thể dùng tại chỗ hoặc mua mang về làm quà; Du khách sẽ thú vị khi được thưởng thức món bánh xèo vàng rươm, nóng dòn được ăn kèm với các loại rau sẵn có vùng đất cồn; Hội thi liên hoan Ẩm thực sẽ giúp du khách khám phá nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng sông nước; các chương trình văn nghệ phục vụ du khách, liên hoan đờn ca tài tử, triển lãm thành tựu kinh tế - văn hoá - xã hội của huyện, tỉnh và các trò chơi dân gian dành cho du khách như đi cầu vọt, nhảy bao, đập nồi... hay đua thuyền rồng của các đội đến từ các đơn vị trong tỉnh, tạo sự thú vị cho du khách với nét đẹp văn hóa của vùng sông nước.

Hoạt động đua thuyền rồng nhân dịp lễ hội Sông nước miệt vườn trên cồn Mỹ Phước

Để phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách khi đến với cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách đã đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở hạ tầng nơi đây như quảng trường trung tâm, hệ thống chiếu sáng, khu nhà mát, cổng rào sân đường, bồn hoa. Đồng thời, các trục đường chính giữa cồn đoạn đường dài 300m, dẫn từ cổng chào Du lịch Miệt vườn Cồn Mỹ Phước đến cầu tàu để qua cồn cũng đã được bê tông hóa và mở rộng từ 2-4m đã đảm bảo được việc đi lại, lưu thông và an toàn đưa rước cho người dân và du khách khi đến tham quan du lịch. Giờ đây, khi đến cồn Mỹ Phước vào ngày Tết Đoan ngọ, du khách sẽ được tham quan một vòng cồn, ngắm nhìn và thưởng thức trái cây bằng dịch vụ xe điện đưa, đón do Cty Cổ phần Quốc tế Satraco phục vụ. Một số hộ dân tại cồn đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, khách đến cồn sẽ được tìm hiểu, tham gia một số hoạt động hằng ngày và cuộc sống của người dân xứ cồn. Đặc biệt là chế biến và thưởng thức các món ăn dân dã như món cá ngác tươi nấu canh chua bần cá lóc luộc hèm... sẽ làm thực khách nhớ mãi về vùng quê tươi mát trên dòng sông Hậu.

Với lợi thế về vị trí địa lý, cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng mang đậm nét đặc trưng vùng sông nước, Cồn Mỹ Phước được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận di tích thắng cảnh cấp tỉnh theo quyết định số 141/QĐHC-CTUBND năm ngày 01/02/2008. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển tuyến, điểm du lịch gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, văn hóa sông nước, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, môi trường... UBND huyện đã khuyến khích doanh nghiệp, người dân địa phương đầu tư khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên đồng thời quy hoạch vùng cây trái bốn mùa để phục vụ du khách, từng bước hình thành các sản phẩm có chất lượng của loại hình như du lịch sông nước miệt vườn, kết hợp hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghỉ dưỡng... tạo điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện nhà.

Lê Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét