29 thg 3, 2016

Đến thành Hoàng Đế ngắm tháp Cánh Tiên

Nếu là một người mê du lịch và thích tìm hiểu lịch sử, đến đất võ Bình Định mà không ghé thăm thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) và tháp Cánh Tiên thì quả là thiếu sót lớn.

Cổng thành Hoàng Đế 

Một chiều tháng 3 miền Trung nắng gắt, đến thăm thành Hoàng Đế, con người ta có cảm giác quá khứ cách đây hàng trăm năm đã hiện về trong tầm mắt. Không khí thành Hoàng Đế toát lên vẻ trầm mặt, u hoài. Đứng ở đây, có cảm giác nhưng những tiếng rì rầm của lịch sử, bao bể dâu đời người, bao cuộc chinh chiến máu lửa vẫn vang vọng đâu đó. Trong Cấm thành hiện nay còn lại một số di tích như cổng chính, cột cờ, chính điện, lầu bát giác, các bờ tường thành bằng đá ong cũ kỹ, một hồ hình bán nguyệt, các tượng thú từ thời Chămpa, cây sung cổ thụ khổng lồ phía sau chính điện và đặc biệt là hai ngôi mộ phía sau lầu Bát giác gồm một mộ hình nấm tròn, một mộ hình chữ nhật…

Để tìm đường đến thành Hoàng Đế không khó. Từ thành phố Quy Nhơn hiện nay đi về hướng Bắc theo quốc lộ 1A chừng 25km là gặp Thị xã An Nhơn rồi đi thêm 4km nữa về hướng Bắc là gặp một đường rẽ phía bên trái dẫn lên một vùng đất gò cao. Đi thêm 1km sẽ gặp ngọn tháp Cánh Tiên cao sừng sững trên đồi và cách đó vài trăm mét là thành Hoàng Đế…

Hồ bán nguyệt trong Hoàng cung của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc 

Bia thờ Võ Tánh và Ngô Tùng trong trong lầu Bát giác với câu đề (bảng màu đỏ) ghi 4 chữ Hán: Khí Tác Sơn Hà (đại ý: Khí phách chấn động núi sông) 

Nghe kể lại rằng thành Hoàng Đế nguyên thủy là thành Đồ Bàn lừng danh, kinh đô của Chiêm Thành. Sau khi người Chiêm Thành bị đẩy lùi về phương Nam trong quá trình mở cõi của người Việt, tại đây các Chúa Nguyễn tiếp tục sử dụng thành Đồ Bàn trong thời gian dài (thế kỷ 17-18) để làm trung tâm hành chính vùng với tên gọi Thành phủ Quy Nhơn. Đây là điều cần phân biệt vì thành phố Quy Nhơn hiện tại nằm trên bờ biển ở vịnh Quy Nhơn khác thành phủ Quy Nhơn ngày xưa.

Sau khi thống nhất thiên hạ vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua mới đập bỏ thành Hoàng Đế để lấy gạch, vật liệu xây dựng một thành khác hướng Nam khoảng 4km và gọi tên là thành Bình Định (tức là vị trí Thị xã An Nhơn hiện nay). Thành Hoàng Đế do vậy dần dần trở thành phế tích trong hơn 200 năm qua.

Tượng con sư tử Chàm trong thành Hoàng Đế 

Đến thành Hoàng Đế không thể bỏ qua mộ Võ Tánh và tháp Cánh Tiên. Trong khói hương trầm mặc của người đi viếng, phảng phất đâu đây hình bóng những con người xưa từng là công thần của triều đình nhà Nguyễn. Hai ngôi mộ hình nấm to nằm giữa hoàng thành chính là mộ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Sau khi mất, hai ông đã được Nguyễn Ánh chôn ở đây. Nhưng riêng mộ Ngô Tùng Châu đến nay chỉ còn là mộ gió do đã được gia quyến đem về cải táng tại quê nhà ở Cát Tài. Rời nơi đây quay ngược trở ra đường quốc lộ 1, chúng ta không thể bỏ qua tháp Cánh Tiên nằm đơn độc trên một ngọn đồi cao, sừng sững nhưng cô độc đến nao lòng. 

Đây cũng được xem là ngọn tháp Chàm cầu kỳ, mỹ thuật nhất của hệ thống tháp Chàm trải dọc miền Trung. Tháp này được xây vào thế kỷ 12, nằm ngay chính giữa trung tâm của kinh thành Đồ Bàn – vương quốc Chămpa xưa. Nhìn từ xa, ngọn tháp như đôi cánh của tiên nữ, uyển chuyển, uốn lượn nhưng cũng vừa mạnh mẽ, uy nghi. Ngọn tháp như cánh tay giơ cao vút tận trời xanh, thanh bình, yên ả và trầm mặc như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết “Mưa vẫn bay bay trên tầng tháp cổ”. Đó chính là tháp Cánh Tiên vì cố nhạc sĩ từng có thời gian học sư phạm Quy Nhơn vào cuối thập niên 1950. Có lẽ qua bao hành trình của lịch sử, sự đổi dời của thời gian, những di tích xưa cũng chỉ còn là phế tích nhưng khi chạm chân đến nơi này, cảm giác về một thời đã xa, một vùng đất với bao lẫy lừng cũng như thăng trầm binh biến trong quá khứ vẫn còn in đậm.

Mộ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu 



Tháp Cánh Tiên uy nghi cao vút giữa trời xanh, cách cổng thành Hoàng Đế khoảng 400m 

Bài và ảnh: Thanh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét