23 thg 12, 2014

Làng xưa trong phố

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 10km, làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là ngôi làng cổ kính, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và không gian văn hóa lâu đời của các làng ven đô trước xu hướng đô thị hóa hiện nay.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm làng cổ Đông Ngạc là đình làng. Theo cụ Phan Trác Thuật (92 tuổi) cho biết đình làng được xây dựng năm 1653 ở phía Bắc với kiến trúc 7 gian 2 dĩ, thờ 3 vị tiền hiền: Thiên – Nhân - Địa (tương đương Thiên là Thần Độc Cước; Nhân thần là một vị tướng được phong là Đô Đốc Đồng Xuyên Hầu; Địa thần là Bản thổ Thành Hoàng). Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) người dân lại tổ chức lễ hội rước các vị Thần thờ tại đình.

Đình làng cũng là nơi lưu giữ dấu tích về truyền thống hiếu học của dân làng cổ Đông Ngạc. Đến nay, đình làng vẫn còn văn bia 20 vị tiến sĩ là con dân trong làng từ thời thời Lê – Nguyễn ở khu văn chỉ.

Với sự hướng dẫn của ông Lê Văn Đôn, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích tổ dân phố Đông Ngạc, chúng tôi đi sâu vào trong làng khám phá ngõ nhỏ mà xưa vẫn được dân làng gọi theo những tên “ngõ Đông”, “ngõ Ngạc”, “ngõ Kẻ”, “ngõ Vẽ”... Nằm trong những con ngõ nhỏ là không gian cuộc sống sinh hoạt yên bình của người dân trong những nếp nhà cổ với những mái ngói lớp đã nhuốm màu thời gian.

Làng Đông Ngạc (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện là ngôi làng cổ còn lưu giữ được những nét kiến trúc, văn hóa của làng ven đô trước xu hướng đô thị hóa.


Đông Ngạc cũng là mảnh đất hiếu học nổi danh và có nhiều người đỗ đạt. Đình Vác ở làng là một trong các nơi có số lượng hoành phi, câu đối, tranh thơ...nhiều nhất Việt Nam.

Làng Đông Ngạc hiện vẫn còn hàng chục ngôi nhà cổ được xây theo kiểu truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm.

Ngôi nhà thờ họ hơn 300 tuổi của dòng họ Đỗ ở làng Đông Ngạc.

Khám phá làng Đông Ngạc du khách sẽ tìm thấy những nét xưa hiển hiện ngay bên mình mà pho tượng Phỗng có tuổi đời hơn 300 năm tại nhà thờ họ Đỗ làng Đông Ngạc là một ví dụ.

Ngõ Ngạc, một trong 5 lối đi cổ từ trên đê dẫn xuống làng Đông Ngạc.

Đình Vác ở Đông Ngạc nằm ở phía Bắc của làng, nơi vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc xưa được xây dựng từ thế kỷ 16.

Khuôn viên đình Vác ở làng Đông Ngạc.

Cổng đình Vác làng Đông Ngạc.

Một góc mái đình phía Tây đình Vác.

Những nét kiến trúc xưa bắt gặp trên các ngõ nhỏ ở làng Đông Ngạc.

Những sinh hoạt đời thường ở khuôn viên đình làng Vác của trẻ em làng ven đô. 

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng thôn Đông Ngạc cho biết, làng vẫn lưu giữ hàng chục ngôi nhà cổ đã hơn 100 năm tuổi từng là tư gia của những trí thức Tây học hoặc của những thương gia kinh doanh phát đạt. Trong đó có nhiều ngôi nhà làm bằng gỗ lim được đục chạm hoa văn công phu thể hiện tài năng của những nghệ nhân xưa.

Đến thăm Đông Ngạc, du khách cũng sẽ được giới thiệu đến những ngôi nhà thờ tổ của các dòng họ Phan, Phạm, Hoàng, Đỗ, Nguyễn vẫn được con cháu giữ gìn những di vật có giá trị. Trong đó đáng chú ý nhất là ngôi nhà thờ họ Đỗ hơn 300 tuổi thờ cụ Đỗ Thế Giai từng được phong Vương thời Lê - Trịnh và tôn làm Thượng đẳng phúc thần khi qua đời.

Nhà thờ họ Đỗ được ví là đình làng thứ 2 của làng Đông Ngạc khi vẫn còn khoảng không rộng ở giữa nhà tế và chính điện. Bao quanh nhà thờ là vườn cây xanh và các vật dụng như chum nước, cối đá, chiêng đồng, hoành phi câu đối, hương án, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa... Đặc biệt giá trị của ngôi nhà là đôi hạc có chiều cao khoảng 2m đứng trên mình hai con rùa bằng gỗ quý và hai tấm bia ở nhà tiền tế.

Theo ông Đỗ Quốc Hiến, chủ nhân của nhà thờ Đỗ cho biết, trải qua thăng trầm lịch sử nhưng con cháu họ Đỗ vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc ngôi nhà thờ. Vì vậy đã được nhiều đoàn làm phim chọn nhà này làm không gian quay lại những thước phim về nếp sinh hoạt xưa của người Việt.

Kết thúc một ngày dài tìm hiểu và khám phá làng cổ Đông Ngạc chúng tôi cảm nhận được những giá trị về văn hóa vẫn được người dân nơi đây gìn giữ như “báu vật” để giáo dục truyền thống cho con cháu đời sau.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét