24 thg 1, 2014

Bảo vật quốc gia - Trống đồng Cẩm Giang

Thông thường, mặt của các trống đồng tìm thấy ở Việt Nam được gắn tượng cóc, nhưng mặt trống đồng Cẩm Giang lại được người xưa thay các tượng cóc bằng 4 khối tượng vịt. 

Trống đồng Cẩm Giang đang được bảo quản trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Minh 

Nói “không” với số tiền bằng ngôi nhà mặt tiền

Trong câu chuyện xoay quanh những bảo vật quốc gia đang được Bảo tàng Thanh Hóa quản lý, trưng bày, bà Nguyễn Thanh Hiền - Phó giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa - vẫn không thể nào quên được chuyến đi thu nhận chiếc trống đồng Cẩm Giang từ gia đình một người dân ở xã Cẩm Giang, H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Đó là chuyến đi mà cho đến tận bây giờ bà Hiền vẫn chưa thôi áy náy khi nghĩ về sự thiệt thòi của người tìm thấy chiếc trống quý giờ đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ngược thời gian hơn 20 năm về trước, vào ngày 30.9.1992, ông Bùi Đức Tậu (ở thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) trong một lần làm vườn đã phát hiện chiếc trống đồng (sau này được định danh là trống đồng Cẩm Giang 1) gây xôn xao giới buôn đồ cổ. Chỉ ít ngày sau, những tay buôn khét tiếng từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… đã tìm đường về thôn Phú Lai để mua hàng. Có hai người khách ở Hải Phòng và Hà Nội trả ông Tậu số tiền lên tới 70 triệu đồng để mua chiếc trống, nhưng ông Tậu chưa bán. Ở thời điểm đó, 70 triệu đồng là một tài sản lớn, trị giá bằng một ngôi nhà mặt phố ở trung tâm TP.Thanh Hóa. Ông Tậu nhiều lần phải mang chiếc trống chôn dưới gầm giường để cất giấu phòng bị cướp. Trong khi ông Tậu còn đang lưỡng lự thì ngày 6.1.1993, những cán bộ của Bảo tàng Thanh Hóa đã kịp thời phát hiện và lên tận nơi vận động ông Tậu giao chiếc trống cho nhà nước.

Lúc đầu ông Tậu không đồng ý, bởi mức “thưởng” mà UBND tỉnh Thanh Hóa chi cho việc phát hiện chiếc trống quý chỉ có 1 triệu đồng, trong khi nếu cân chiếc trống bán theo giá đồng nát thì chiếc trống cũng có giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi những cán bộ của Bảo tàng Thanh Hóa lên xe ra về thì ông Tậu đã sai người con trai chạy bộ quãng đường gần 5 km để mời quay trở lại nhận chiếc trống. Khi giao chiếc trống cho các cán bộ bảo tàng, ông Tậu cũng tiếc nuối lắm, nhưng ông ý thức được đây là tài sản quốc gia nên không dám giữ làm của riêng, lại càng không dám bán cho những người buôn đồ cổ.

“Tôi không thể nào quên được hình ảnh cậu con trai của ông Tậu chạy đến đứt hơi trên con đường gập ghềnh đầy bụi để đuổi theo chiếc xe, mời chúng tôi quay lại. Bấy giờ chưa có luật Di sản. Tất cả những cổ vật được phát hiện đều là tài sản quốc gia. Nên khi được chúng tôi vận động, ông Tậu đã không dám bán chiếc trống cho những người buôn đồ cổ, chấp nhận thiệt thòi để giao nộp cho nhà nước. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn áy náy về sự thiệt thòi của ông Tậu, nhưng lúc đó kinh phí nhà nước chỉ cho có thế. Biết làm sao được…” - bà Hiền nhớ lại. 

Vật thiêng độc nhất
Từ khi nhận quản lý đến nay, Bảo tàng Thanh Hóa đã nhiều lần đưa chiếc trống đồng Cẩm Giang đi trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trưng bày chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội, trưng bày kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn tại Hà Nội... Chiếc trống đã được du khách cũng như giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Đặc biệt, năm 2008, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore đã lựa chọn mẫu bản dập trống Cẩm Giang để trưng bày phục vụ lễ hội văn hóa tại Singapore.

Theo giới thiệu của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, trống đồng Cẩm Giang là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2.000 năm), bởi vì tính đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam chưa nơi nào có chiếc trống đẹp và giống với chiếc trống Cẩm Giang. Trống có kiểu dáng cân đối với đường kính mặt trống rộng 73 cm, cao 41,9 cm, nặng 60 kg. Trống gồm các phần: mặt, tang, lưng và chân trống, được trang trí những hoa văn hết sức phong phú, sinh động. Trên mặt trống có một ngôi sao 16 cánh cùng 9 vòng hoa văn hình trám lồng, hình chim lạc bay cách điệu, hình người hóa trang lông chim cách điệu, hình chim cách điệu… Đặc biệt, trên mặt trống Cẩm Giang được trang trí 4 khối tượng vịt (thay thế cho 4 khối tượng cóc). Các khối tượng vịt đều quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ và được đặt trên vị trí trang trọng của mặt trống. Phần tang có 5 vành hoa văn với hình người hóa trang lông chim cách điệu đang nhảy múa, phần dưới là hoa văn hình trám lồng… Phần lưng và thân trống không có hoa văn.

Bà Nguyễn Thanh Hiền cho biết điểm đặc biệt làm nên giá trị của trống đồng Cẩm Giang chính là 4 khối tượng vịt trên mặt trống, khiến nó trở thành chiếc trống đồng độc nhất ở Việt Nam. Từ ngàn năm nay, con trâu và con vịt là hai con vật rất gần gũi, quen thuộc của cư dân trồng lúa nước ở Việt Nam. Vì vậy, những khối tượng vịt trên mặt trống đồng Cẩm Giang chính là biểu tượng rõ nét mang đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn.

Cũng theo bà Hiền, Thanh Hóa ngày nay - vùng đất Cửu Chân xưa với lưu vực sông Mã, sông Chu trong thời đại kim khí là một trong những trung tâm chuyên chế tạo, sử dụng, giao lưu, trao đổi trống đồng cổ. Trên địa bàn Thanh Hóa đã phát hiện rất nhiều trống đồng cổ, nhưng Bảo tàng Thanh Hóa quyết định chọn trống đồng Cẩm Giang để xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia, bởi nó hội tụ được đầy đủ cả 3 yếu tố để trở thành bảo vật quốc gia. Cụ thể, đây là hiện vật gốc độc bản; là hiện vật có hình thức độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ của thời đại văn hóa Đông Sơn; là hiện vật có giá trị đặc biệt, góp phần khẳng định người Việt cổ nói chung, người xứ Thanh nói riêng thực sự là chủ nhân trống đồng, họ đã chế tạo ra trống, sử dụng trống từ buổi đầu có mặt ở xứ Thanh cách đây hơn 2.000 năm.

Cao Ngọ - Ngọc Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét