18 thg 4, 2023

Ấn tượng Thánh lễ Phục sinh ở Đà Nẵng

Cùng với cộng đồng người theo đạo Kitô trên thế giới và cả nước, những ngày đầu tháng Tư này giáo dân các giáo xứ ở Đà Nẵng cũng hân hoan đón mừng Thánh lễ Phục sinh, một trong những Thánh lễ quan trọng nhất trong năm của các tín đồ theo đạo Kitô với nhiều hoạt động, nghi lễ ấn tượng và giàu ý nghĩa nhằm truyền đi thông điệp đoàn kết, yêu thương cùng hướng tới cuộc sống an vui, tươi đẹp, hạnh phúc, tốt đời đẹp đạo.

Thánh lễ Phục sinh năm nay được các giáo xứ tổ chức trang nghiêm, quy mô với nhiều hoạt động hơn hẳn các năm trước nhờ đời sống kinh tế, xã hội đã phát triển ổn định hơn sau những năm dài bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là dịp để đồng bào Công giáo tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus hồi sinh sau khi bị đóng đinh trên Thánh giá và cũng là dịp để mọi người bày tỏ sự yêu thương, đoàn kết và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Dưới đây là những hình ảnh về bầu không khí thành kính, an vui, hạnh phúc đón mừng Thánh lễ Phục sinh của giáo dân và các nghi lễ thú vị diễn ra ở nhà thờ giáo xứ Chính Trạch thành phố Đà Nẵng.

Giáo đường giáo xứ Chính Trạch chật kín người trong đêm Thánh lễ Phục sinh. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

13 thg 4, 2023

Cà Mau – điểm sáng nơi địa đầu Tổ quốc

Cà Mau, mảnh đất thiêng liêng nơi vùng cực Nam của Tổ quốc đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để nỗ lực vươn lên trở thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng những thế mạnh về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ logistics.

Mũi Cà Mau là một mũi đất ở phía Nam tỉnh Cà Mau. Đây cũng là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam. Ảnh: Lê Nguyễn

Sức hấp dẫn của một vùng thắng tích

Thị xã Nghi Sơn hội tụ đủ cảnh sắc núi non, đồng bằng và ven biển, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, phong phú gắn với các lễ hội truyền thống, ghi đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhân vật tiêu biểu trong lịch sử hình thành và phát triển quê hương, đất nước.

Những làng chài ở Nghi Sơn luôn có sức hấp dẫn du khách. Ảnh: Chi Anh

Thị xã Nghi Sơn - vùng đất nằm ở phía Nam tỉnh Thanh bao giờ cũng mang sẵn trong mình lời mời gọi tha thiết, khó chối từ. Nếu sự hiện diện của Khu Kinh tế Nghi Sơn tạo nên sức hấp dẫn của vùng đất sôi động, thì những vỉa tầng lịch sử - văn hóa lắng đọng theo thời gian với hệ thống di tích, thắng cảnh tựa như khúc ru tình đằm thắm, thẳm sâu.

Nét đẹp điêu khắc của ngôi đình cổ gắn liền với Lễ hội Đền Cuông

Tồn tại lâu đời, đình Xuân Ái không chỉ là di tích lịch sử gắn liền với Lễ hội Đền Cuông, mà còn là một công trình cổ được điêu khắc chạm trổ đẹp.

Theo các cụ cao tuổi trong vùng, đình Xuân Ái được xây dựng từ thời Nguyễn và đã được tu sửa nhiều lần. Ngày trước, ngôi đình cổ nằm ở trung tâm của làng, nay thuộc xóm 3, xã Diễn An. Ảnh: Huy Thư

Trước đình còn có giếng đình từng là nơi lấy nước sinh hoạt của người dân địa phương, nay đã được tôn tạo lại. Bên cạnh giếng nước là một tấm bia đá cổ, cao khoảng 1,8m. Theo người dân địa phương, xưa kia đình có cổng khá đẹp, sau bị đổ nhưng không được khôi phục lại. Ảnh: Huy Thư

Đại đình Xuân Ái là ngôi nhà 3 gian 2 hồi nằm dọc được xây dựng theo kiểu nhà gỗ truyền thống. Trong quá trình tu bổ gần đây, một số kết cấu gỗ hư hỏng đã được thay thế, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Ảnh: Huy Thư

So với nhiều ngôi đình cổ, đình Xuân Ái không chỉ khác ở kết cấu nằm dọc, mà trong đại đình được ngăn đôi làm 2 nơi thờ tự. Vì đình gian thứ 2 được đóng ván từ dưới lên trên, trừ 2 lối đi 2 bên để thông với gian thứ 3. Ảnh: Huy Thư

Trên vì đình này được trang trí công phu. Ván thưng giữa hạ và khấu đầu khắc 4 chữ hán lớn "vạn - phúc - du - đồng". Mặt ngoài khấu đầu điêu khắc hình ảnh "lưỡng long triều nguyệt" sắc nét. Đấu nóc, con chồng đều được điêu khắc hình hoa lá, mặt hổ phù điêu cách điệu một cách mềm mại. Ảnh: Huy Thư

Hai gian hồi của đình được thiết kế theo kiểu gác 4 cột bồng trên xà dọc để nâng mái làm rộng gian hồi và tạo nên kết cấu hồi nhà độc đáo. Kết cấu hồi đình kiểu này thường gặp trong những ngôi đình được xây dựng vào thời Nguyễn. Ảnh: Huy Thư

Đuôi hạ của đình, điêu khắc các đề tài "long mã", "phượng vũ"... một cách sống động. Hình ảnh chim phượng với đôi cánh xòe rộng, đội chữ thọ, miệng ngậm nhành cây, chân mang cuốn thư khá tinh xảo. Ảnh: Huy Thư

Đặc biệt trên hai mặt của những chiếc kẻ trước và sau đều được điêu khắc chạm trổ công phu bằng những đề tài truyền thống như hoa sen, rồng, phượng, mây mưa, "long mã". Do khung gỗ của đình để mộc nên các tác phẩm điêu khắc đều bị bụi, mốc phủ bám, nhiều tác phẩm không còn nguyên vẹn. Ảnh: Huy Thư

Đình Xuân Ái đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 2002. Ông Hoàng Công Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn An cho biết: Trước đây, đình là nơi sinh hoạt của dân làng, sau là nơi sinh hoạt của xóm. Từ ngày đình được công nhận là di tích lịch sử, nơi đây chỉ thờ thần thành hoàng, tổ chức cúng tế, dâng hương mỗi dịp lễ trọng, tham quan... Trong ảnh: Tượng thần được thờ trong gian cuối của đình Xuân Ái. Ảnh: Huy Thư

Từ xưa, đình Xuân Ái đã gắn liền với Lễ hội Đền Cuông. Mỗi dịp lễ hội, từ chiều 14 tháng Giêng, đoàn rước từ đền Cuông sẽ rước kiệu Vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu về đình để dự lễ tế thần (xưa, đình Cao Ái là nơi tổ chức lễ tế thần của bốn làng: Cao Quan, Cao Ái, Tập Phúc, Yên Phụ). Sáng 15 tháng Giêng, đoàn rước với đầy đủ nhạc, cờ, lọng, kiệu rước Vua, Công chúa, thành hoàng làng về đền Cuông dự lễ hợp tế. Ảnh: Huy Thư

An Nam

Ngày mùa ở Đồng Vân


Đồng Vân là vùng đất nằm trên cao, có nhiều sự khác biệt nhất ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Tháng 3 về, hương lúa chín thơm dịu dàng, lan tỏa quanh làng quê. Người dân nô nức ra đồng thu hoạch. Khung cảnh ngày mùa ở Đồng Vân để lại nhiều cảm xúc cho những ai đã từng ghé qua đây…

Đồng Vân nằm cách trung tâm phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) khoảng 6km. Đây là vùng đất bằng phẳng, cách mặt nước biển khoảng 300m. Có hơn 50 hộ dân, với trên 300 nhân khẩu đang sinh sống ở Đồng Vân, chủ yếu dựa vào nông – lâm nghiệp. Nằm tách biệt với phố thị, nhịp sống lặng lẽ ở Đồng Vân sẽ chinh phục những ai muốn hòa mình vào thiên nhiên. Cây cối ở đây xanh mát như chiếc điều hòa tự nhiên giúp không khí nơi đây thoáng đãng, dễ chịu.

Cá ngừ kho thịt

Cá ngừ kho thịt heo là món ăn được nhiều người ở Lý Sơn quê tôi ưa thích. Vào những ngày trời mưa, tôi thèm được trở lại ngày xưa để cùng mẹ ngồi bên bếp lửa hồng, được hít hà mùi thơm của nồi cá ngừ kho thịt đang sôi sùng sục trên bếp.

Cá ngừ có nhiều loại, nào là cá ngừ da trơn, cá ngừ chù, cá ngừ vàng vi, cá ngừ sọc dưa. Song, người dân Lý Sơn quê tôi vẫn thường chọn cá ngừ sọc dưa, hay cá ngừ vàng vi mỗi khi nấu món cá ngừ kho thịt. Bởi những loại cá này có thịt săn chắc, càng kho lâu lại càng ngon chứ không bở, nát. Thịt heo để kho với cá ngừ phải là thịt vai, thịt ba chỉ. Còn dừa thì phải chọn dừa già để nước được ngọt.

Món cá ngừ kho thịt. ẢNH: MINH TUẤN

Rau luộc chấm mắm trứng lòng đào

Trong mỗi bữa cơm của gia đình tôi đều có món rau. Có nhiều cách để chế biến, nhưng tôi thích món rau luộc chấm nước mắm có trứng lòng đào, món ăn mang đậm hương vị quê nhà.

Phía sau nhà tôi có mảnh vườn nhỏ, ông định làm nhà kho nhưng bà không đồng ý, bảo để trồng rau. Bà trồng những luống rau xanh mướt, nào là rau muống, rau cải, diếp cá... Bà còn bảo ông làm giàn để trồng bầu, bí, mướp... Mỗi buổi chiều, bà cần mẫn xách từng thùng nước để tưới rau. Nhờ công chăm sóc của bà, vườn rau xanh tốt, hầu như ngày nào trong bữa cơm của gia đình cũng có món rau xanh trồng trong vườn nhà.

Món rau luộc chấm mắm có trứng lòng đào. Ảnh: Trung Ân

12 thg 4, 2023

Canh chua cá nhồng

Cá nhồng tuy có hình dáng dị thường, nhưng khi nấu món canh chua thì ai nấy đều xuýt xoa khen ngon.

Chớm hạ, bụi cây lá giang trước nhà xanh mướt. Đường làng vang lên tiếng rao trong gió nồm mát rượi: "Cá đây! Ai mua cá không?". Những phụ nữ chân quê bước vội ra đầu ngõ đưa tay vẫy người bán cá trên chiếc xe máy chạy chầm chậm. Các bà, các chị mua mớ cá tươi rói vừa vớt lên từ biển. Vợ tôi chọn mua vài con cá nhồng chừng bằng cổ tay để nấu canh chua. Loài cá này thịt săn chắc, thơm ngon.

Canh chua cá nhồng. Ảnh: Trang Thy

Chuyện kể về cụ Tú Tiên

Có dịp về thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), chúng tôi nghe kể chuyện về cụ Tú Tiên, một nhân sĩ yêu nước tỉnh Quảng Ngãi vào đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, nơi đây còn có ngôi nhà cụ Tú Tiên ở khi xưa, được xây dựng cách đây hàng trăm năm.

Chúng tôi đến thăm nhà cụ Tú Tiên, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh. Ngôi nhà do cha, mẹ cụ Tú Tiên là ông Nguyễn Vân Trình và bà Đồng Thị Nhàn xây dựng cách đây hàng trăm năm. Đây là ngôi nhà hiếm có với kiến trúc nhà Việt truyền thống cổ xưa. Nơi đây lưu giữ hiện vật gắn với câu chuyện cuộc đời của cụ Tú Tiên. Cụ Tú Tiên tên đầy đủ là Nguyễn Tiên (1911 - 1977). Gia phả tộc Nguyễn chép rằng, thủy tổ của ông Nguyễn Tiên là Nguyễn Văn Bì từ Nghệ An vào lập nghiệp cách đây khoảng 300 năm. Lúc đầu ở làng Điện An (Tư Nghĩa), sau chuyển lên làng Phước Hậu (Nghĩa Hành), đến nay đã trải qua 15 đời và 3 chi. Chi trưởng lập nghiệp ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh vào năm 1787.

Nhà cụ Tú Tiên ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành). ẢNH: TẠ HÀ

Thân phụ cụ Tú Tiên là ông Nguyễn Vân Trình, tục gọi Bang Trình. Bang là cách viết tắt của Bang biện hoặc Bang tá, một chức quan đặt trách về an ninh trật tự tại các địa phương, có thể là tỉnh hoặc phủ, huyện, tùy theo tình hình. Ông Tú Tiên là cháu ngoại của Quan lộc tự Thiếu khanh Đồng Cát Phủ, một danh thần Triều Nguyễn, quê làng Ba La, nay xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi).

Sinh thời, cậu bé Nguyễn Tiên học Trường Tiểu học Pháp Việt Quảng Ngãi, rồi theo học Trường Albert Sarraut (Hà Nội). Mùa hè năm 1925, ông theo lớp dạy hè do ông Phạm Văn Đồng đứng lớp. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ tú tài nên dân làng gọi là thầy Tú Tiên. Năm 1947, thầy Tú Tiên được đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ là đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ, hiệu trưởng danh dự của trường, tin tưởng giao giữ chức hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học bình dân miền Nam Trung Bộ. Đây là ngôi trường đầu tiên đào tạo cán bộ, thanh niên cách mạng cho Liên khu 5 và cả nước. Từ 1950 - 1954, thầy Tú Tiên làm Hiệu trưởng Trường Trung học Lê Khiết, rồi Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Nghĩa Hành. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông bị địch bắt giam và quản thúc tại TX.Quảng Ngãi. Sau đó, ông dạy học ở trường tư thục, rồi xây trường bán công tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành).

Mặc dù là gia đình quan chức, nhưng trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Tiên cùng gia đình đã hết lòng ủng hộ kháng chiến. Thầy Tú Tiên trong tâm thức của học trò, đồng nghiệp, đồng chí và bạn bè là một người thông minh, chân thành; nhiệt huyết trong hành động; bình dị, khiêm tốn trong lời nói; mộc mạc, đơn giản trong ăn mặc. Ông thường nhắc nhở học trò của mình về tinh thần ham học, tôn sư trọng đạo... Những đóng góp của nhân sĩ yêu nước Nguyễn Tiên mãi là niềm tự hào, động lực của con cháu trong dòng tộc họ Nguyễn tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Ngôi nhà cổ xưa

Nhà cụ Tú Tiên ở lúc sinh thời, nay được ông Nguyễn Gia Minh, con trai thứ của cụ Tú Tiên kế thừa. Ngôi nhà nằm trong khu vườn rộng khoảng hơn 1.000m2 cùng với quần thể di tích dinh bà Chúa Tiên, miếu Thành Hoàng... Nhà chính có kết cấu 3 gian, 2 chái. Ngoại thất ngôi nhà nổi bật với tường gạch màu trắng cùng các cửa vòm, mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà cổ những năm đầu thế kỷ XX. Bên trong ngôi nhà, có nhiều cột gỗ to, trang trí các liễn đối bằng chữ Hán Nôm được cẩn ốc xà cừ, nhiều bức hoành phi có từ cách đây hơn 100 năm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (70 tuổi), con dâu cụ Tú Tiên cho biết, đây là nhà thờ của tộc họ Nguyễn làng Phước Hậu. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Phạm Văn Đồng và một số nhà lãnh đạo của Chính phủ Lào đã ở và làm việc.

TẠ HÀ

Về lại cửa biển Thần Phù

Nga Sơn được biết đến là vùng đất cổ mang trong mình nhiều huyền thoại. Thật khó để tưởng tượng, nơi những cánh đồng cói xanh thăm thẳm hiện nay từng là biển cả với sóng dữ cuộn trào thuở nào. Sự xoay vần của tạo hóa cùng nỗ lực của con người đã biến đảo hoang, biển cả thành một vùng đất đai tốt tươi, làng mạc trù mật.

Chùa cổ Hàn Sơn nằm nơi cửa biển Thần Phù khi xưa đã được tôn tạo để người dân đến đây vãn cảnh, chiêm bái. Ảnh: Khánh Lộc

Nhắc đến Nga Sơn, ta nhớ đến vùng đất ven biển đầu tiên của xứ Thanh theo chiều Bắc - Nam. Nơi đây, câu chuyện hoàng tử Mai An Tiêm và kỳ tích mưu sinh nơi đảo hoang đã khiến bao thế hệ người Việt cảm phục. Hay mối tình chàng Từ Thức cùng nàng Giáng Hương để lại cho đời một danh thắng động Từ Thức tuyệt đẹp khiến bao người say đắm. Và nhắc đến vùng đất Nga Sơn, có thể nào bỏ qua một địa danh vô cùng nổi tiếng: Cửa biển Thần Phù.