4 thg 7, 2020

Chùa Kh’Leang Sóc Trăng – Di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

Sóc Trăng với đặc thù có sự cộng cư của nhiều dân tộc, đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc. Đi du lịch Sóc Trăng, bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, nguy nga và tất cả đều mang đặc trưng riêng độc đáo, trong đó phải kể đến chùa Kh’Leang.

Chùa Kh’Leang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lịch sử gần 500 năm. Chùa Kh’Leang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer rất tinh tế, sắc sảo, nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí.

Chùa Kh’Leang tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, TP. Sóc Trăng trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đến đây du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, truyền thuyết về nguồn gốc Sóc Trăng và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa.


Làng nghề truyền thống làm chuối khô ở Cà Mau

Không chỉ nổi tiếng với tôm khô, Cà Mau còn là vùng đất trồng chuối và có đặc sản chuối ép khô nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Làng nghề truyền thống ép chuối khô chủ yếu tập trung ở 2 xã Trần Hợi và Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Đây là một trong những địa phương có nghề trồng chuối và là nguồn chuối nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Làng nghề này nằm gần khu di tích lịch sử cấp quốc gia Hòn Đá Bạc và cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 30 km.
Không ai xác định được nghề ép chuối khô bắt đầu từ khi nào. Có người nói hơn 60 năm, nhưng cũng có người nói đến khoảng 100 năm. Vùng đất Cà Mau vốn thích nghi để cho nhiều loại cây chuối phát triển. Vào mùa chính vụ, chuối chín nhiều, ăn không hết, bán cũng ít có người mua nên người trồng chuối Cà Mau nghĩ ra việc ép chuối phơi khô để ăn dần. Dần dần, chuối khô đã trở thành một đặc sản của vùng đất Cà Mau. Trải qua những thăng trầm, biến đổi, nhiều thế hệ gia đình nơi đây vẫn tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.

Về bãi Đông cát trắng, nắng vàng

Không đông đúc, ồn ào, náo nhiệt… Bãi Đông, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) mang một vẻ đẹp hoang sơ, yên bình mà duyên dáng.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng hơn 60km về phía Nam, Bãi Đông hội tụ nhiều nét đẹp độc đáo được thiên nhiên ban tặng.

Mùa cá lìm kìm ở hồ Trị An

Tháng 3-4 (âm lịch) nước hồ Trị An bắt đầu dâng cao, cá lìm kìm qua mùa sinh sản trưởng thành nổi dềnh trên mặt nước. Đây là thời điểm ngư dân đánh bắt được nhiều cá lìm kìm nhất so với các tháng khác trong năm. 

Ngư dân Lê Văn Cường (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú cường, H.Định Quán) với chiếc ghe vồn bắt cá lìm kìm của mình 

Theo những ngư dân đánh bắt cá lìm kìm ở ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán), vào mùa cá lìm kìm, một đêm (từ 7 giờ tối tới 4 giờ sáng) đi ủi vồn (là một loại dụng cụ đánh bắt cá làm bằng tre với phần phía trước rộng, phần phía sau hẹp), chí ít mỗi ghe cũng thu được từ 40-50kg cá, còn nhiều thì từ 70-100 kg/ghe. Giá cá ngư dân đem lên bờ bán được 30 ngàn đồng/kg.

Người canh 'giấc ngủ' của tiền nhân

Khu lăng mộ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825, tác giả của bộ Gia Định thành thông chí, quan đại thần dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng) nằm ở KP.3, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) được xây dựng cùng năm ông mất đến nay đã khoảng 195 năm. Lăng mộ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Người có công gìn giữ và chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức suốt hơn 22 năm qua là cựu chiến binh Nguyễn Đức Thùy (80 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, thường gọi là ông Ba). 

Ông Nguyễn Đức Thùy giới thiệu về tiểu sử danh nhân Trịnh Hoài Đức được khắc trong lăng mộ. Ảnh: Đăng Tùng 

Chia sẻ về lý do gắn bó với công việc này, ông Ba cho biết, với ông công việc này không đơn thuần để mưu sinh mà còn thể hiện sự trân trọng, ngưỡng vọng hướng về bậc tiền nhân có công với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

3 thg 7, 2020

Bãi trứng trong bình minh

Vô số hòn đá xếp chồng lên nhau, nhẵn như trứng chim khổng lồ nên được gọi là Bãi trứng.

Bãi Trứng, thuộc khu du lịch Ghềnh Ráng, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 2 km về phía Đông Nam. Bãi đá nổi tiếng với cung đường biển uốn lượn đẹp mắt, nước biển trong xanh cùng vô số tảng đá hình bầu dục như những quả trứng nằm xếp chồng lên nhau rất bắt mắt. 

Thi "cướp nước" trong lễ hội chùa Dâu

Chùa Dâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 2013, Chùa Dâu được xếp hạng: "Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt" của quốc gia. Sự suy tôn ấy là rất đúng, bởi lẽ Chùa Dâu là chốn tổ đình của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nơi thờ tín ngưỡng bản địa của người Việt ta xưa. 

Hội Dâu thường được diễn ra vào ngày mùng Tám tháng Tư âm lịch hàng năm. Hội rất đông vui, hội của 12 làng xã trong tổng Khương. Lễ hội thường có 2 phần: Lễ và Hội. Lễ ở trong chùa, khách thập phương từ khắp nơi đến cầu nguyện. Còn Hội ở phía ngoài sân bãi, người ta rước 11 kiệu Phật ra ngoài trời để đi bái tổ ở chùa tổ Nghiêm Phúc Tự, rồi quay về tham dự các trò diễn xướng, vui chơi. Đó là hát Trống Quân, hát Chèo, hát Ca Trù, thi múa gậy, múa trống và trong đó đặc sắc nhất vẫn là thi "cướp nước".

Theo như lời các cụ xưa kể lại thì ngày xưa, cổng Tam Quan của Chùa Dâu ở phía trước, cách cửa Chùa Dâu khoảng chừng 200m. Cổng chùa rất to, cao, có 7 vòm cửa ra vào. Vào ngày lễ hội, người ta dựng 2 cái nhà rạp lớn ở 2 bên phía trong cổng chùa để sẵn sàng phục vụ cho cuộc thi.

Làng nghề đúc đồng Tống Xá

Làng Tống Xá (xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) từ xưa đã được nhiều người biết đến là nơi khởi nguồn của nghề đúc đồng nổi tiếng thành Nam. Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề đúc đồng vẫn phát triển, ngày càng khẳng định tên tuổi của sản phẩm đồng Tống Xá đồng thời đem đến cuộc sống no đủ cho người dân trong vùng.

Cách đây 900 năm, cụ tổ Nguyễn Minh Không đã về đây lập ấp, mở mang nghề đúc. Từ những kinh nghiệm của cha ông để lại và sự khéo léo của đôi bàn tay, người dân đã đúc được những sản phẩm tinh xảo hơn (lư đồng, đỉnh đồng, bát bửu, chân nến, tranh đồng, khắc chữ, ngũ sự, tượng chân dung hoặc bán thân, tượng linh vật, mặt trống đồng...) Dọc theo phố chính khá khang trang của thị trấn Lâm (xã Yên Xá, huyện Ý Yên), những cửa hàng, gian hàng trưng bày sản phẩm của các hộ gia đình mọc lên san sát. Không khí mua bán nhộn nhịp làm con phố thêm sầm uất. Sản phẩm đồng của làng Tống Xá không chỉ được bán lẻ mà còn được bán với số lượng lớn, theo các chuyến xe liên tục đưa tới các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Rót đồng nung chảy vào khuôn đúc trong một cơ sở đúc đồng ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. 

Phục sức cho voi nhà Buôn Đôn

Voi là loài vật hoang dã sớm được đồng bào Tây Nguyên thuần dưỡng để phục vụ cho cuộc sống con người. Ngày thường ở buôn làng, voi chỉ có chiếc bành, tấm lót lưng bằng vỏ cây, dây xích bằng sắt, chiếc chuông đồng nhỏ đeo trên cổ. Trong ngày hội voi ở Buôn Đôn, voi được chăm sóc và trưng diện với bộ trang sức chỉnh chu. Trang sức chẳng những để làm đẹp, oai phong cho những ông tượng mà còn khẳng định quý trọng, thương yêu của đồng bào Tây Nguyên đối với từng con voi nhà. 

Tại xứ sở của nghề thuần dưỡng và săn bắt voi rừng, đồng bào Mnông luôn có ý thức bảo vệ, làm đẹp cho voi bằng những thứ trang sức đi kèm. Trước tiên là chiếc bành voi (vơng) phải đẹp, được làm bằng mây, hết sức cầu kỳ. Vơng đặt trên lưng voi, chở người thân đi thăm bà con xa, đi trao đổi hàng giữa các vùng. Bành có mái làm bằng sợi mây đan dày để che mưa nắng. Chiếc bành càng đẹp càng thể hiện sự sung túc, giàu có của gia chủ. Ngày nay, chiếc bành mây được thay thế bằng bành sắt để có thể sử dụng được lâu dài. Trước khi đặt bành lên lưng voi, đồng bào thường lót nhiều tấm đệm bằng vỏ cây. Trong dịp lễ hội, nhất là khi đoàn voi tham gia diễu hành trên đường phố hay lễ đài, xung quang bành voi thường treo cờ, phướn nhiều màu sắc khác nhau. 

Con voi được trang điểm hoàn chỉnh tham gia diễu hành trong ngày Hội voi ở Buôn Đôn. 

Độc đáo “xó pẹ” của phụ nữ Hà Nhì

Mỗi dân tộc thiểu số ở Lào Cai đều có những nét đặc trưng văn hóa thể hiện trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục của từng tộc người. Với dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát, ngoài trang phục váy áo mang nét hoa văn riêng, có một nét độc đáo mà bất cứ ai gặp những phụ nữ Hà Nhì đều nhận thấy và tò mò muốn biết. Đó là mái tóc giả đồ sộ vấn cao trên đầu của phụ nữ Hà Nhì…

Chị Sào Thó Sơ, bản Mò Phú Chải, xã Y Tý cho biết: Từ nhỏ, mẹ đã dạy chị cách vấn tóc như vậy rồi. Con gái Hà Nhì ai cũng có mái tóc giả như vậy để làm duyên, như mọi người vẫn nói là “góc con người” ấy… Tiếng Hà Nhì, mái tóc giả được gọi là “xó pẹ” dùng để vấn tóc theo kiểu truyền thống mang nét độc đáo riêng của bản sắc dân tộc mình. 

Phụ nữ Hà Nhì vấn xó pẹ để chuẩn bị tham gia lễ hội Khô già già.