Sự tồn tại với mật độ khá cao các đền tháp Chăm ở Quảng Nam và Bình Định (phía bắc và phía nam Quảng Ngãi), trong bối cảnh dải đất từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông có lịch sử khá gắn bó, ít nhất là từ đầu thế kỷ XV về sau, đã khiến cho việc đi tìm lý do của sự lụi tàn, hoặc thưa thớt các đền tháp Chăm ở vùng đất vốn được gọi là Cổ Lũy động trở nên rất khó khăn.
Cho dù ghi chép của các nhà sử học, tướng lĩnh cũng như các truyền thuyết trong dân gian cho thấy cuộc đối đầu giữa người Chăm và người Việt trên đất Quảng Ngãi diễn ra ác liệt hơn nhiều so với Quảng Nam và Bình Định. Điều này (cuộc can qua Chăm Việt) có thể là một trong những lý do dẫn đến sự hư hại, đổ nát của các đền tháp Chăm; song rất khó có thể cho rằng đó là lý do duy nhất hoặc lý do chủ yếu dẫn đến thực trạng lịch sử như trên.
Tượng Uma (thế kỷ X) tìm thấy ở làng Đông Phước (Bình Sơn).