Hàng bao đời nay, đồng bào S’Tiêng sinh sống ở phía Nam dãy Trường Sơn đã gắn với những bản sắc văn hoá đậm đà trong đời sống vật chất - tinh thần. Cộng đồng S’Tiêng luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình và truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ bằng ngôn ngữ, chữ viết và cả những lễ hội dân gian.
Ở Việt Nam, tỉnh Bình Phước là nơi tập trung người S’Tiêng đông nhất với gần 100.000 người, chiếm 95% tổng số người S’Tiêng trên cả nước. Cũng như các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, mỗi buôn làng người S’Tiêng đều có một già làng đứng đầu quản lý - là người giàu kinh nghiệm sống, am hiểu về tập tục, lối sống, có uy tín với dân làng.
Người S’Tiêng gắn kết nhau chặt chẽ với nhau bằng những đặc tính của dân tộc mình qua đời sống hàng ngày, mối quan hệ ứng xử trong gia đình, xã hội… Họ có chữ viết và ngôn ngữ nên sự lưu giữ, kế thừa là khá dễ dàng bên cạnh một hệ thống các giá trị văn hóa từ sự giáo dục của gia đình, dòng tộc và xã hội. Trong gia đình, con cháu kính trọng ông bà, cha mẹ, được giáo dục, định hướng ngay từ nhỏ để có nhận thức nguồn cội, biết yêu quê hương, đất nước. Điều này phản ánh rõ nét qua các làn điệu dân ca, luôn chất chứa những tình cảm trong từng lời ăn tiếng nói.

Triển lãm chuyên đề “Văn hóa dân tộc S’Tiêng” phản ánh sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc S’Tiêng.