Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

22 thg 4, 2023

Dãy núi Ngọc Ruông - “món quà” của tạo hóa

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, dãy núi Ngọc Ruông còn mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo đến lạ kỳ, tựa như một bức tranh độc đáo. Nơi đây đang trở thành một địa điểm du lịch lý thú cho những ai thích khám phá, trải nghiệm.

Từ thành phố Kon Tum, tôi vượt hơn trăm cây số để đến với dãy núi Ngọc Ruông thuộc xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông). Vốn được truyền miệng là một trong những địa điểm “bỏ túi” của vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, dãy núi Ngọc Ruông hiện lên trước mắt tôi với dáng vẻ kỳ vĩ, nhưng cũng không kém phần thơ mộng.

Nhận lời làm hướng dẫn viên cho tôi, anh A Hiền - làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng tự hào giới thiệu: Dãy núi Ngọc Ruông có 4 đồi hợp thành, gồm Ngọc Ruông, Nhong Năng, Văng I Nó và Ngọc Chăng. Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu nơi đây mang đặc trưng se lạnh. Lớp sương mù luôn bao quanh núi non trùng điệp tạo nên một khung cảnh mờ ảo, tựa như chốn bồng lai tiên cảnhTừ bao đời nay, dãy núi Ngọc Ruông luôn gắn bó mật thiết với người dân Xơ Đăng tại đây, và như một “nhân chứng sống”, chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất này. Người dân địa phương xem Ngọc Ruông như một phần trong văn hóa tâm linh.

5 thg 2, 2023

Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm

Sau khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, những hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kĩ trong nhà kho, thì cũng là lúc người Rơ Măm chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức lễ hội mở cửa kho lúa.

Lễ mở cửa kho lúa diễn ra trong 3 ngày nhưng công tác chuẩn bị đã diễn ra vài tháng trước đó. Trước đó, chủ lễ (thường là già làng) xem ngày và thông báo với Yàng về việc dân làng chuẩn bị tổ chức lễ hội.

Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng (chủ lễ) làm một lễ nhỏ. Lễ vật là một con gà, một ghè rượu để thông báo với Yàng và xin phép để làng làm cây nêu.

Những người khéo tay nhất trong làng được chọn làm cây nêu cho lễ hội. Những người còn lại được phân công theo khả năng của mình. Người thì đẽo cột, đẽo cây; người làm chuỗi dây, làm các tua, đan các hoa văn trang trí; người tìm các củ, lá rừng để pha màu đen, đỏ, xanh.... Mỗi gia đình đều làm ghè rượu. Ai ai cũng đều có tinh thần góp của góp công tạo nên sự đoàn kết và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Rơ Măm.

6 thg 1, 2023

Thơm ngon món lá mì của người Xơ Đăng

Thơm ngon, độc đáo và lạ - đó chính là những nhận xét của nhiều du khách khi thưởng thức các món ăn chế biến từ lá mì tại Phiên chợ nông sản sạch huyện Đăk Hà. Mang nét mộc mạc, bình dị trong văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng, các món ăn từ lá mì có thể “gây nghiện” cho bất kỳ ai, cho dù đó chỉ là lần đầu thưởng thức.

Trong chuyến đi công tác về xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) vừa qua, tôi cùng các đoàn viên, thanh niên chuẩn bị các nguyên liệu, gia vị, để chế biến các món ăn làm từ lá mì trưng bày tại Phiên chợ nông sản sạch huyện Đăk Hà.

Khoác trên vai những chiếc gùi rỗng nhẹ tênh, chị Y Ngân - Bí thư Đoàn xã Đăk Ui dẫn đầu nhóm hướng về khu sản xuất nằm sâu trong thôn. Đi bộ chừng 20 phút, những rẫy mì đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

21 thg 11, 2022

Giữ trọn niềm tin yêu với nghề đan gùi

Gắn bó gần cả đời với nghề đan gùi, nhưng ông Fuih Jới (thôn làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) vẫn luôn giữ trọn niềm tin yêu với nghề. Nghề đan gùi giúp ông tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống.

Dân làng tôn vinh

Trăn trở với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, ông Trương Văn Thiệt – Bí thư Đảng ủy xã Ya Tăng giới thiệu tôi gặp ông Fuih Jới, làng Trấp - người được dân làng tôn vinh là nghệ nhân, có nhiều duyên nợ với nghề đan gùi.

Không bỏ lỡ cơ hội khi nghề đan lát là 1 trong 9 nghề truyền thống được Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra, tôi tìm đến nhà ông Fuih Jới.

Ông Fuih Jới đang miệt mài đan gùi. Ảnh: V.N

Độc đáo nhà rông làng Kon Rôn

Một trong những nét làm nên kiến trúc độc đáo của nhà rông làng Kon Rôn (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) chính là “Luôm Khuôm”. “Luôm Khuôm” là một tấm gỗ lớn hình đuôi cá, nối liền với trụ dọc chính giữa nhà rông. Trên bề mặt “Luôm Khuôm” vẽ các họa tiết mang ý nghĩa về cuộc sống.

Trong chuyến tác nghiệp với một người bạn đang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi nghe anh kể đôi nét kiến trúc độc đáo của nhà rông làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo. Không bỏ lỡ, tôi bắt chuyện và từ quá trình nghiên cứu, anh cho hay: Trên địa bàn tỉnh, người Tơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) có mặt ở nhiều nơi. Đa phần họ đều có những điểm chung về kiến trúc, văn hóa truyền thống và phong tục. Tuy nhiên, nếu xét riêng về kiến trúc nhà rông, thì có lẽ làng Kon Rôn là đặc biệt hơn cả. Bởi bà con nơi đây đã xây dựng nên một công trình rất riêng, độc đáo.

19 thg 10, 2022

Mặn mà hương vị “Păng Chôh”

“Păng Chôh” - theo tiếng gọi của người Xơ Đăng có nghĩa là măng muối chua. Đây là một trong những món ăn lâu đời và thường xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của người Xơ Đăng. Món ăn tuy dân dã, nhưng cũng không kém phần cuốn hút.

Những ngày đầu tháng 10, chị Y Út cùng các chị em phụ nữ làng Wang Hra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà tranh thủ lên rừng kiếm những cây măng cuối mùa. Vừa đi, chị Y Út vừa trò chuyện với tôi: “Tháng 7 hàng năm, khi những cơn mưa bắt đầu nặng hạt, là thời điểm bắt đầu hành trình băng rừng, lội suối để hái măng của chúng tôi. Mùa măng khá ngắn, chỉ kéo dài 3 tháng mùa mưa nên chúng tôi phải tranh thủ hết mức có thể”.

Ở vùng đất này, măng được đánh giá chất lượng và thơm ngon. Mỗi mùa măng đến, chị em phụ nữ lại đi bẻ măng rừng về làm thực phẩm, lấy được nhiều thì bán cho các hộ kinh doanh. Dần dần, việc hái măng không chỉ giúp cải thiện bữa ăn gia đình mà còn là một nghề phụ góp phần tăng thêm thu nhập.

5 thg 10, 2022

Độc đáo ếch nấu lồ ô của người Giẻ Triêng

Theo dấu chân thanh niên tình nguyện hè, tôi đến với xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Và giữa núi rừng, tôi được chiêu đãi món ếch nấu lồ ô – một trong những món ăn độc đáo của người Giẻ Triêng ở vùng đất này. Với nguồn nguyên vật liệu mộc mạc, dân dã kết hợp sự chế biến khéo léo theo cách của người Giẻ Triêng, tạo nên một món ăn riêng biệt, thấm đậm hương vị núi rừng.

Ếch nấu lồ ô – một trong những món ăn độc đáo của người Giẻ Triêng. Ảnh: TT

Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống như trút, khiến chúng tôi không kịp trở tay. Dưới mái tranh của lán nhỏ nằm cheo leo trên rẫy của bà con, 6 người chúng tôi quây quần, hong khô đồ đạc bên bếp lửa.

3 thg 9, 2022

Mùa thu hoạch hạt sâm Ngọc Linh

Những ngày này, người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh thường xuyên có mặt tại khu vực trồng sâm để vừa bảo vệ, vừa tất bật thu hái hạt sâm đã chín đỏ phục vụ tiếp tục gieo ươm phát triển, mở rộng diện tích.

Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý chỉ có ở khu vực dãy núi Ngọc Linh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đây là loại dược liệu đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gọi là “Quốc bảo”. Cho đến nay, tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển diện tích, đồng thời hướng tới chế biến sâu ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài nước.

Ở tỉnh Kon Tum, đến nay, bà con đồng bào DTTS Xơ Đăng vùng rừng núi Tu Mơ Rông và Đăk Glei cũng đã và đang chú trọng mở rộng diện tích, lấy cây dược liệu quý này là một trong những cây trồng chủ lực không chỉ để thoát nghèo mà vươn lên làm giàu. Đến nay, bà con trong tỉnh đã phát triển được gần 1.300 ha sâm Ngọc Linh. Diện tích này chủ yếu tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Theo kế hoạch, trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ trồng mới khoảng 500 ha và trong nhiệm kỳ (2020-2025) phấn đấu trồng khoảng 2.500 ha.

Ngỡ ngàng Đăk Sing

Mang nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thác Đăk Sing, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô) như một bức tranh thủy mặc, thật sự là một điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm.

Thác Đăk Sing nằm cách UBND xã Văn Lem chừng 3 km. Từ xã men theo con đường nhỏ độc đạo, chúng tôi đi về hướng thác Đăk Sing. Càng tiến sâu vào hướng thác, chúng tôi gặp rừng thông, rồi đến rừng cây hỗn giao còn nguyên sinh phủ xanh hai bên đường đi. Khí trời ở gần thác mát mẻ, làm dịu đi cái nắng oi bức của tiết trời tháng 7, khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Sau gần 20 phút chạy xe, chúng tôi gặp đường xuống thác với những bậc bê tông. Tại địa điểm này, cũng là lúc chúng tôi phải để lại xe máy và bắt đầu đi bộ để từng bước tiếp cận thác. Theo quan sát, dường như đã từ lâu rồi, đường nơi đây không có người lui tới. Có lẽ vì vậy, nên hai bên đường xuống các bậc bê tông vào thác bị những nhánh cây tua tủa đâm ngang. Những bậc thang hướng xuống chân thác bị rêu phong phủ kín và rất trơn trượt. Càng xuống sâu, đường đi càng trở nên dốc hơn. Mỗi bước đi, chúng tôi đều phải hết sức cẩn thận, nhìn trước ngó sau để tránh trượt ngã.

Thân thương bếp củi

Bây giờ ở phố, nấu ăn đã có bếp gas, bếp điện, nhưng lâu lâu có thời gian, hay nấu những món ăn gì đó đặc trưng của quê hương thì chị vẫn dùng bếp củi. Nhìn chị chụm củi, ngửi mùi khói bếp cay cay, tôi lại thương dáng má lui cui bên bếp củi nơi quê nhà.

Mỗi lần ngửi mùi khói bếp cay cay lại nhớ thương bếp củi của mẹ nơi quê nhà. Ảnh: SC

Cả anh và chị đều là con nhà nông, nên ai cũng quen với bếp củi. Xa quê, nên nhiều lúc nhớ quay quắt mùi khói bếp, nhớ những món ăn quen thuộc ở quê, nên cứ muốn được nấu bếp củi- chị nói.

30 thg 6, 2022

Ngon ngọt chẹ giâm của người Giẻ Triêng

Chẹ giâm, hay canh bột, là một trong những món ăn truyền thống của người Giẻ Triêng. Dân dã, mộc mạc cùng hương vị thơm ngon khó cưỡng, chính là nét đặc trưng mà người Giẻ Triêng luôn tự hào khi nói về món ăn này. Sự kết hợp hài hòa giữa nhiều loại nguyên liệu của chẹ giâm đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên ngay từ lần đầu nếm thử.

Ở thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), từ 3 giờ sáng đã có những ngôi nhà sáng đèn. Mọi người dậy sớm lụi hụi chuẩn bị việc bếp núc, ăn uống để ra ruộng rẫy. Cũng như mọi người, già làng Brôl Vẻ hối hả, tất bật chuẩn bị “chiêu đãi” tôi món chẹ giâm khi tôi đến với làng.

Đi trên con đường nội thôn hướng về phía chợ, già Brôl Vẻ bật mí: Mình đi sớm mới kiếm được nguyên liệu tốt, như thế lúc nấu mới cho ra món ăn thật ngon. Một trong những nguyên liệu chính làm nên món chẹ giâm, chính là xương, có thể là xương bò, xương trâu, xương heo… Tuy nhiên, để món ăn ngon và không bị pha tạp vị, người nấu chỉ nên dùng xương của một loại động vật để chế biến. Thông thường người ta sẽ chọn phần xương đùi và sườn.

9 thg 5, 2022

Hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray

Sáng sớm, đứng sau trụ sở làm việc của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) nhìn về ngọn núi Chư Mom Ray thật đẹp. Đỉnh núi cao sừng sững, lúc ẩn lúc hiện sau những đám mây bồng bềnh. Hít một hơi dài không khí trong lành của núi rừng, tôi xách ba lô theo cán bộ Ban Quản lý di chuyển về thôn Nhơn Bình (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) nơi có con đường mòn dẫn lên đỉnh núi.

Thị trấn Sa Thầy dưới chân núi Chư Mom Ray. Ảnh: ĐT

Được nghe kể về ngọn núi nhiều lần, ấn tượng về những câu chuyện, truyền thuyết linh thiêng của các DTTS sinh sống lâu đời quanh ngọn núi từ nhiều năm về trước, đến nay tôi mới có cơ hội để khám phá và chinh phục ngọn núi này. Núi Chư Mom Ray có đỉnh cao gần 1.790m so với mực nước biển. Dưới chân núi là thị trấn Sa Thầy đang ngày càng thay da đổi thịt, khoác trên mình diện mạo đô thị mới.

Độc lạ ẩm thực của người Xơ Đăng

Huyện Tu Mơ Rông vừa tổ chức liên hoan ẩm thực của đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Có 11 mâm cỗ ẩm thực của 11 xã trên địa bàn huyện tham gia. Mỗi đơn vị dự thi đã mang đến nhiều món ăn là đặc sản ẩm thực của địa phương mình. Nhiều món ăn độc đáo, lạ nhưng mang đậm bản sắc của người đồng bào dân tộc Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh.

Dây mây trong đan lát

Đan lát là một trong số nghề thủ công truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh. Cùng với lồ ô, cây tre, le…, dây mây là nguyên liệu không thể thiếu, góp phần làm nên sản phẩm đặc trưng. Vì không dễ kiếm nên nó được các nghệ nhân và những người thợ nâng niu, giữ kỹ.

Còn nhớ, có lần, trong một lễ hội của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở huyện Sa Thầy, tôi đã không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ khi lần đầu tiên được nếm món “đọt mây nấu ống lồ ô”. Cho dù dễ liên tưởng tới “bồn bồn” của người miền Tây, song đọt mây vẫn mang hương vị rất riêng, không thể trộn lẫn. Theo những người già mà tôi đã gặp, mây là loại dây rừng mọc ở vùng sâu, vừa xa xôi, cách trở, lại khó lấy, vì vậy, chỉ mỗi dịp thật đặc biệt, dân làng mới cất công đem về một ít “đặc sản” làm vật dâng cúng. Thường thì, mây được giữ, dành để đan lát. Coi trọng giá trị của nó, nên dân làng không tùy tiện, phung phí khai thác.

24 thg 4, 2022

"Trái tim xanh" lộng gió

Với sự êm ả, mộc mạc, làng Weh, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum và lòng hồ thủy điện Ya Ly tựa như “trái tim xanh” trên vùng đất đầy nắng, gió. Đối với những người yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm, đây chắc chắn là một địa điểm không thể bỏ qua. Bởi, nơi đây chứa đựng vẻ cuốn hút lạ thường, tựa “miền Tây sông nước”, kết hợp với sự độc đáo, đa dạng trong văn hóa của đồng bào dân tộc Gia Rai.

Làng Weh yên bình, mộc mạc bên lòng hồ. Ảnh: TT

Nằm cách thành phố Kon Tum chừng 17km, làng Weh, xã Ia Chim mang những nét hoang sơ, mộc mạc. A Nớp - người hướng dẫn chúng tôi trong chuyến đi lần này “bật mí”, làng Weh là một trong những làng cổ nhất trên địa bàn xã Ia Chim.

26 thg 3, 2022

Thác Y Hai - điểm đến hấp dẫn

Thời gian gần đây, thác Y Hai trở thành điểm đến quen thuộc của không ít người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông bởi không khí trong lành, lại mang ý nghĩa tâm linh.

Đường đến thác Y Hai

Trong một dịp công tác ở huyện Tu Mơ Rông, qua lời giới thiệu bằng hình ảnh về thác Y Hai, xã Măng Ri của một người anh, tôi đã “phải lòng” ngay từ tấm hình đầu tiên. Cùng với lời mời gọi “đường dễ đi lắm” đã thôi thúc tôi phải “mục sở thị” vẻ đẹp quyến rũ của thác.

Chọn một ngày nghỉ cuối tuần, tôi quyết định tìm đến thác Y Hai. Xuất phát từ thành phố Kon Tum, sau gần 2 tiếng chạy xe, vượt qua cung đường dài lộng gió, tôi đến xã Măng Ri. Để tìm đường đến thác và nghe những câu chuyện thú vị về con thác này, lãnh đạo xã Măng Ri đã dẫn tôi đến nhà già làng A Nít ở thôn Long Láy, người được xem là thổ địa nơi đây.

5 thg 3, 2022

Bánh củ mì của người Xơ Teng

“Păi bôm pơ kam tung pló” hay còn gọi là bánh củ mì, là một trong những món ăn truyền thống, không thể thiếu trong các lễ hội của người Xơ Teng - một nhánh của dân tộc Xơ Đăng ở 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông.

Trong nhiều chuyến công tác tại các thôn, làng ở các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông (khu vực tập trung chủ yếu người Xơ Teng), tôi thường được bà con mời ăn bánh củ mì. Độ mềm, dẻo sánh của bột mì, kết hợp mùi thơm của lá chuối tươi tạo nên một hương thơm thanh nhẹ nhưng khó quên.

Cũng chính vì hương vị đặc trưng và cuốn hút đó, món bánh củ mì đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi đã tự dặn lòng, khi có dịp, sẽ tìm hiểu kỹ hơn để quảng bá về món ăn độc đáo này của người Xơ Teng. Qua đó, mang đến cho độc giả góc nhìn chân thực về “Păi bôm pơ kam tung pló”.

15 thg 1, 2022

Lên núi Chư Hreng

Mang nét hoang sơ, kì vĩ và với địa thế cùng nhiều cảnh vật đẹp, núi Chư Hreng được biết đến như một địa điểm du lịch có tiềm năng lớn.

Bon bon trên chiếc xe gắn máy qua cầu mới (hướng từ khu nhà hành chính tỉnh đến UBND xã Chư Hreng), tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã Chư Hreng Ka Rô Chinh khám phá đỉnh núi Chư Hreng – một thắng cảnh đang cuốn hút du khách.

Đoạn đường từ UBND xã đến chân núi Chư Hreng chỉ tầm 4km. Vừa đi, anh Ka Rô Chinh rôm rả quanh câu chuyện về ngọn núi này. Anh cho biết: Núi Chư Hreng mang những tiềm năng du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, vì đường đi hiểm trở nên trước đây ít người biết đến. Đa số người tới lui thường là bà con địa phương và người lao động trên địa bàn mà thôi.

Bước ngoặt được mọi người quan tâm nhiều đến núi này, theo anh Ka Rô Chinh, là từ việc thực hiện chủ trương của UBND thành phố về triển khai trồng rừng ở đây. Trong quá trình tiến hành trồng rừng tại núi Chư Hreng, rất nhiều các bạn trẻ đã khám phá ra nhiều nét đẹp hoang sơ và chia sẻ trên các trang mạng xã hội… Cũng nhờ những thông tin đó, thời gian gần đây, nhiều khách du lịch đã tìm đến với núi Chư Hreng để khám phá.

Từ điểm cao núi Chư Hreng nhìn về thành phố Kon Tum. Ảnh: NGUYỄN BAN

15 thg 12, 2021

Dẻo, thơm bánh tro của người Nùng

Chuyến tác nghiệp tìm hiểu bánh tro của người Nùng ở thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) cho tôi một trải nghiệm thú vị về món bánh tro của người dân nơi đây. Bánh tro tuy dân dã, nhưng có hương thơm đặc trưng riêng, khó quên.

Thôn Đăk Xuân có gần 90% dân số là người Nùng, từ miền Bắc di cư vào đây theo diện kinh tế mới. Chính sự quần cư đông mà người Nùng ở thôn Đăk Xuân còn giữ được khá nguyên vẹn những phong tục, tập quán đặc sắc của dân tộc mình.

Chuyến tác nghiệp lần này, tôi được ông Trương Văn Học - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Xuân mời dùng bữa cơm trưa tại nhà. Tại đây, tôi vô tình phát hiện một món bánh nếp khá lạ, mà từ trước đến nay chưa từng được biết đến. Nếm thử, vị của bánh có mùi lá đót hòa quyện với gạo nếp thơm, dẻo, tạo nên sự kết hợp hài hòa, hấp dẫn đến lạ. Dù bánh tro nếp không hề có nhân, nhưng vẫn mang đến cho tôi cảm giác bùi, ngậy… thú vị vì nét đặc trưng riêng, cuốn hút.

Bà Bay bận rộn với những mẻ bánh tro mới ra lò. Ảnh: T.T

3 thg 12, 2021

Về với lễ hội Lúa non của người Xơ Đăng

Được anh bạn mời dự lễ hội Lúa non ở thôn Tê Pen, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), tôi như “mở cờ trong bụng”. Cùng anh tham dự lễ hội Lúa non, giúp cho tôi có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về phong tục, tập quán hay của người Xơ Đăng ở địa phương.

Từ cổng chào của thôn đi vào khoảng 100m, chúng tôi đến nhà già A Chong để tìm hiểu về ý nghĩa và nét đẹp của lễ hội Lúa non trong văn hóa người Xơ Đăng. Chăm chú vào con chuột rừng vừa bẫy được, già A Chong không hay khách đến thăm. Chỉ đến khi chúng tôi cất lời chào, già mới thoáng giật mình ngoái lại. Nở nụ cười thân thiện, già lấy cho chúng tôi mỗi người 1 chiếc đòn để ngồi.