Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng

30 thg 12, 2020

Khu đô thị lấn biển Tp. Rạch Giá

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Khu đô thị lấn biển Tp. Rạch Giá giờ đây đã trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống, thu hút nhiều người dân lựa chọn làm chốn “an cư, lạc nghiệp”, trở thành niềm tự hào của người dân Kiên Giang.

Hơn 20 năm trước, ít người dân nào ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nghĩ rằng có lúc họ sẽ sống trên mặt biển trong một đô thị hiện đại, tiện nghi, khi mà bờ biển Tây giáp thành phố Rạch Giá lúc đó còn rất hoang sơ, ít người qua lại, chỉ có những đầm lầy, cây cỏ và tiếng gió biển thổi xào xạc.

Để tận dụng và khai thác thế mạnh tối đa của các địa phương có bờ biển, góp phần thúc đẩy kinh tế, dự án lấn biển Rạch Giá được chính thức khởi công từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên tổng diện tích 420ha. Đến năm 2015, khu đô thị tiếp tục được mở rộng them phía Tây Bắc gần 100ha và khu vực bãi bồi tự nhiên 16ha.

23 thg 12, 2020

Kì bí “vương quốc” Pơmu ở Tây Giang

Trên đỉnh Zi’liêng thiêng liêng và hùng vĩ của núi rừng Tây Giang (Quảng Nam) có một “vương quốc” Pơmu cổ thụ hơn nghìn năm tuổi. Vẻ đẹp và sinh khí của khu rừng tỏa ra khiến cho con người choáng ngợp. Bằng lời nguyền sắc son, người Cơtu ở Tây Giang đang ra sức ngày đêm bảo vệ kho báu mà Trời đã ban cho mình.

Trời Tây Giang vào hạ nắng nóng như đổ lửa. Những con đường đỏ quạch bụi mù trời. Từ ngoài đường cái, đoạn tính từ Trạm bảo vệ rừng Bắc Sông Bung vào tới cửa rừng Pơmu chưa đến 6 cây số nhưng rất khó đi. Sau gần một tiếng đồng hồ đánh vật với con đường giời đày, cuối cùng chúng tôi cũng vào được tới khu nhà Gươl nằm dưới chân đỉnh Zi’liêng. Sau một hồi phì phò leo núi mệt tưởng đứt hơi, cuối cùng chúng tôi cũng tới được vùng lõi. Chen giữa đám rừng già là những cây Pơmu khổng lồ, sần sùi, thô ráp và thẳng tắp. Những cây Pơmu như chúa tể của rừng xanh, hùng vĩ và kiêu hãnh vươn lên cao vút chiếm lĩnh lấy tầng cao nhất của tán rừng già, khiến cho người ta có cảm giác như ở đó nó là độc tôn, là số một, là vô đối… vì không một loài cây nào có thể vượt qua được chúng từ chiều cao cho đến kích cỡ.

22 thg 12, 2020

Hai bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Bình Dương

Bảo tàng tỉnh Bình Dương tọa lạc tại số 565 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2004. Bảo tàng có diện tích trưng bày 2.000 m2 gồm 1.300 hiện vật gốc và 50 tài liệu khoa học. Trong đó có hai bảo vật quốc gia là: Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh và Tượng động vật Dốc Chùa được giới khoa học và du khách chú ý tìm hiểu.

Mộ Chum gỗ - Trống đồng Phú Chánh có niên đại khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ II đầu Công nguyên. Mộ táng chum gỗ trống đồng được phát hiện vào cuối năm 1988 bởi ông Nguyễn Văn Cường (ấp 6, xã Vĩnh Tân, Tân Uyên). Ngay khi được phát hiện, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng tỉnh đã đào thám sát tại vị trí phát hiện trống đồng thu được một chum gỗ còn nguyên vẹn và một số di vật khác nằm trong lòng chum theo hình thức tùy táng.

Bảo tàng tỉnh Bình Dương thu hút đông đảo khách tham quan, tìm hiểu.

Bánh mỳ chảo Hà Nội

Bánh mì trở thành món ăn quen thuộc của với hầu hết người Việt từ lâu. Ban đầu chỉ là ăn kèm theo những món đồ nguội như thịt nguội, xúc xích, pate... Sau này được người ta thay bằng giò, chả, xá xíu… Và trong sự biến tấu đồ ăn đi kèm đó thì món bánh mì chảo bắt đầu xuất hiện và trở thành món ăn hấp dẫn, chinh phục vị giác của nhiều người.

Bánh mì chảo là một cách thưởng thức khác so với chiếc bánh mì kẹp. Cũng từng đó đồ ăn kèm, nhưng sẽ được đặt hết lên chiếc chảo nhỏ, được làm nóng và thưởng thức cùng bánh mì. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến sự sắp đặt chảo đồ ăn. Tuỳ vào sở thích của mỗi người mà có thể chọn bất kỳ món mặn nào ăn kèm để người làm “thiết kế” một chảo trông bắt mắt với màu sắc hấp dẫn của đồ ăn như xúc xích, dăm bông, xá xíu, pate, ốp la, chả bì…. hoà quyện với nước sốt. Tất cả được làm nóng và thưởng thức cùng bánh mì. Thực khách xé miếng bánh mì, chấm từng miếng vào chảo, rồi kèm theo đồ ăn là có thể thưởng thức cái hương vị thơm lừng, béo ngậy. Thông thường với mức giá từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng, người ăn đã có một chảo đầy đặn.

Món bánh mỳ chảo của cửa hàng Lê La tại địa chỉ 18 Hàng Chĩnh, Hà Nội. Ảnh: Khánh Long 

13 thg 12, 2020

Khám phá U Minh Thượng

Vườn quốc gia U Minh Thượng không chỉ là khu dự trữ sinh quyển thứ năm ở Việt Nam được UNESCO công nhận, khu bảo tồn đất ngập nước (ramsar) thứ tám của nước ta và thứ 2.228 của thế giới mà còn là một điểm khám phá thú vị và hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến thăm vùng đất Kiên Giang.

Nằm trên địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, Vườn quốc gia U Minh Thượng cách thành phố Rạch Giá khoảng 65km. Hiện nay hệ thống cầu đường miền Tây đã trở nên thông thoáng và thuận tiện, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng đường bộ để đến đây.

Tổng diện tích Vườn quốc gia U Minh Thượng khoảng 21.122ha, trong đó có 200ha là khu vực được đưa vào khai thác du lịch như khu bảo tồn sinh thái, lịch sử, khu cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã...

Lối vào Vườn quốc gia với hai hàng cây rừng xanh tươi dọc hai bên đường mát rượi.

Ngao xúc phồng tôm

Với sự sáng tạo của người dân, con ngao đã được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trong các món ăn đó thì món ngao xúc phồng tôm là món ăn tạo nên sự mới lạ và nhiều cung bậc cảm xúc nhất.

Món ngao xúc phồng tôm được biến tấu từ món ăn cổ của Huế là hến xúc bánh tráng. Xã hội hiện đại hơn, là điều kiện giao thoa giữa các vùng miền. Người dân đã dùng bánh phồng tôm là một thương hiệu nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ thay dần cho bánh tránh truyền thống nhằm tăng sự đậm đà của món ăn. Và tiếp nữa, món ăn lại được làm lạ đi nguyên liệu bằng việc thay hến bằng ngao.... Sự thay thế thay đổi này nghe có vẻ lạ lẫm vì ngao thì to gấp mấy lần hến nhưng nó lại làm cho món ăn trở nên mới lạ, đậm vị và ngọt ngào hơn.

Nguyên liệu chính để làm món ngao xúc phồng tôm gồm ngao tươi, rau húng và rau răm.

Bánh mì sốt vang

Nếu thưởng thức một vòng ẩm thực Hà Nội thì không thể bỏ qua món bánh mì sốt vang.

Từ rất lâu rồi, người Hà Nội đã yêu thích món bánh mì sốt vang. Có thể dễ dàng bắt gặp món ăn này trên các khu phố như Đình Ngang, Thái Thịnh, Tạ Hiện, Chân Cầm... có những hàng dài khách ngồi bàn ghế vỉa hè để thưởng thức cái dư vị truyền thống này đó. Ngoài ra nếu không ra hàng ăn mà nếu thích có tự nấu được tại nhà.

Món bánh mì sốt vâng của quán Bánh mì Trâm 252 Hàng Bông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Long 

11 thg 12, 2020

Về miền sông Trà – Núi Ấn

Hình ảnh ngọn núi Thiên Ấn và dòng sông Trà Khúc từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của miền đất Quảng Ngãi. Hình ảnh ấy không chỉ ăn sâu vào lòng người dân xứ Quảng, mà còn được nhiều bạn bè, du khách thập phương ngưỡng vọng. Giờ đây, xung quanh hay địa danh này đã trở thành điểm nhấn để tỉnh điểm nhấn để xứ Quảng phát triển du lịch và kinh tế.

Thập nhị thắng cảnh xứ Quảng

Sông Trà Khúc phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn với đỉnh cao 2.350 m, rồi hợp nước của bốn con sông lớn là sông Rhe, sông Xà Lò (Đắk Xà Lò), sông Rinh (Drinh), sông Tang (Ong). Sông từ đó chảy theo hướng Đông qua ranh giới các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Điểm nhấn của sông Trà Khúc là đến Tp. Quảng Ngải thì gặp Núi Thiên Ấn nằm trầm tư, lặng lẽ bên bờ sông. Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc là hình ảnh in sâu trong tâm thức người Quảng Ngãi, được mệnh danh đệ nhất danh lam thắng cảnh của vùng đất nơi đây.

Hoang sơ suối Đá Bàn

Suối Đá Bàn (xã Cửa Sương, huyện đảo Phú Quốc – Kiên Giang) là một trong số những con suối giữa biển đảo khiến nhiều du khách khi đến thăm thú phải ngỡ ngàng, thán phục bởi vẻ đẹp, sự hoang sơ của nó.

Đảo Phú Quốc có 99 ngọn núi hùng vĩ trải dài, xen kẽ từ Bắc đảo đến Nam đảo. Suối Đá Bàn bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh, đây là dãy núi dài nhất và cao nhất trong số đó, mạch nước nơi khu vực Hàm Ninh cũng là nguồn chính cung cấp nước cho Hồ Dương Đông Phú Quốc – Hồ lớn nhất cung cấp nước ngọt cho toàn bộ đảo Phú Quốc với chu vi hơn 3,5km, độ sâu 20m, trữ lượng nước khoảng 5,5 triệu m3.

Sở dĩ dòng suối này được gọi là suối Đá Bàn bởi tại đây có rất nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng tựa như mặt bàn do quá trình bào mòn của dòng suối mạnh chảy uốn quanh từ trên núi xuống. Cũng chính vì vậy mà suối Đá Bàn mát lạnh, hơn nữa còn gắn liền với những câu chuyện kể bí ẩn, ly kỳ như tương truyền đây là nơi tiên nữ ngồi tắm khi mỗi lần hạ giới.

Suối Đá Bàn nổi tiếng với những tảng đá to đủ màu sắc. Ảnh: Lê Minh

5 thg 12, 2020

Đến Hà Tiên khám phá Mũi Nai

Với bãi biển sạch đẹp, uốn cong vòng cung tựa lưng vào chân núi Tà Pang, mặt hướng ra biển cùng khí hậu dịu mát quanh năm, khu du lịch Mũi Nai đã mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình khám phá thành phố Hà Tiên.

Khu du lịch Mũi Nai tọa lạc tại phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Sở dĩ nơi đây có tên gọi Mũi Nai bởi theo truyền thuyết ở địa phương kể lại, xưa kia có chú nai thần đi lạc trên biển, sau khi chết chú hóa thành tảng đá to nằm bên mép biển tại khu vực này. Ngày nay, người dân đi thuyền từ phía ngoài biển nhìn vào bờ thấy mỏm núi như hình dáng chú nai đang uống nước.

Khu du lịch Mũi Nai khang trang, rộng rãi với nhiều dịch vụ và hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn, tiện nghi. Đến với Mũi Nai du khách sẽ vừa trải nghiệm khám phá ngọn núi Tà Pang vừa đắm mình dưới làn sóng biển trong xanh mát lành. Dịch vụ xe trượt núi hiện đại với tổng chiều dài khoảng 1200m sẽ đưa du khách khám phá núi Tà Pang đứng sừng sững cạnh biển. Cung đường xe trượt núi len lỏi uốn lượn dưới những tán cây rừng tỏa bóng mát rượi, du khách đươc thỏa thích tận hưởng thiên nhiên trong lành. Trên đường khám phá núi bằng xe trượt du khách còn có dịp ghé qua “Lầu vọng cảnh” ở trên núi. Đứng trên “Lầu vọng cảnh” có thể khám phá toàn cảnh thành phố Hà Tiên xinh đẹp, ngắm nhìn khu du lịch Mũi Nai từ trên cao với biển trời bao la cùng đất nước bạn Campuchia kề bên thông qua kính kính viễn vọng có tầm nhìn xa lên đến 40km.

2 thg 12, 2020

Tượng gỗ Tây Nguyên

Tây Nguyên – Vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, ở đó có không gian văn hóa Cồng chiêng, có một trường ca sử thi, có hàng nghìn lễ hội hội truyền thống đặc sắc mà còn có một kho tàng tượng gỗ vẫn âm thầm hiện hữu trong đời sống đồng bào hàng nghìn đời nay. Đến Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường tìn đến nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, vì ở đó, có cồng chiêng, có sử thi và có cả tiến trình phát triển và đời sống tâm linh đặc sắc và phong phú của nhân dân các tộc người sinh sống trên vùng đất đỏ Bazan. 
Chủ trương “Bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch” cũng được các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum triển khai đồng bộ. Tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên không chỉ còn nằm im lìm trong những nhà mồ linh thiêng mà đã xuất hiện tại các bảo tàng, các địa điểm công cộng, các khu du lịch cộng đồng.

Người Ba Na có câu “Tháng nghỉ làm nhà mồ”. Tháng nghỉ đó là mùa hội, mùa vui, mùa “uống tháng, ăn năm, trâu đâm, lợn mổ”. Sau 30 năm dọc ngang Tây Nguyên tôi nhận thấy rằng, không chỉ người Ba Na mà còn là người Gia Rai, Ê Đê, Cơ Tu… và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên làm tượng nhà mồ để tổ chức lể bỏ mả hay lễ bỏ ma. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà lễ bỏ mả lại là lễ hội lớn nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và mang tính cộng đồng nhất của người vùng Tây Nguyên. Chính tượng nhà mồ - những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo được ra đời vào những lễ hội thường niên này.

Mùa vàng bên dòng Quây Sơn

Dòng Quây Sơn ở huyện miền biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) đẹp như một bức tranh thủy mặc vào mùa lúa chín.

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt - Trung, hợp lưu của 2 nhánh sông nhỏ từ xã Phong Nặm và xã Ngọc Côn, tạo nên dòng chính Quây Sơn kỳ vĩ tại xã Đình Phong (Trùng Khánh). Sông chảy xuôi qua xã Chí Viễn đến xóm Co Muông, xã Đàm Thủy rồi đổ dòng tạo nên ngọn thác Bản Giốc chứa đầy màu huyền thoại.

Dòng Quây Sơn bắt đầu chảy vào địa phận Việt Nam tại xã Ngọc Côn, bao quanh là đồi núi trùng điệp và những thửa ruộng chuyển sắc vàng cuối từ cuối tháng 9. Mùa lúa kéo dài hơn một tháng tại huyện Trùng Khánh bị “mê mẩn” bởi cảnh sắc thiên nhiên, từ khi lúa còn xanh tới lúc chuyển vàng bên dòng Quây Sơn.

25 thg 11, 2020

Tiệm sách lâu đời nhất ở "phố sách Đinh Lễ" Hà Nội

 Nằm ở gác 2 trong ngõ nhỏ số 5 phố Đinh Lễ, “Nhà sách Mão” là nhà sách lâu đời nhất ở Hà Nội gắn bó với ký ức của bao thế hệ người Hà Thành. 


Người ta ví von ông bà chủ “Nhà sách Mão” tư nhân nổi tiếng nhất Hà Nội này chính là thành hoàng khởi nghiệp cho nghề bán sách khu phố Đinh Lễ. Bởi sau khi nhà sách được bà Mão và ông Luy khởi dựng lên thì khu phố Đinh Lễ bắt đầu có thêm nhiều nhà sách khác được mở để trở thành phố sách như ngày nay.

Ông Luy vẫn nhớ như in vào những năm 90, khi cuộc sống vẫn khó khăn nhưng hai vợ chồng những vẫn quyết tâm vay lãi ngân hàng để mua mặt bằng mở tiệm sách. “Nhà sách Mão” ban đầu vốn chỉ là một chiếc bàn sách nhỏ của vợ chồng ông bày bán trên vỉa hè phố Đinh Lễ, phía ngoài Bưu điện Hà Nội. Sau nhiều năm tích góp, ông bà đã tìm mua được căn nhà nhỏ trên gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ để kinh doanh và cho tới bây giờ, hiệu sách lâu năm của ông bà vẫn thu hút đông đảo người yêu sách ghé thăm mỗi ngày. Trải qua hơn 20 năm, “Nhà Sách Mão” vẫn luôn là "thánh địa" cho các độc giả yêu sách gần xa, luôn là nơi giữ lửa cho văn hóa đọc sách. 

Không gian “Nhà sách Mão” luôn yên bình, cổ kính, bước chân vào nhà sách, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào xứ sở cổ tích với muôn vàn câu chuyện, sắc màu khác nhau khi xung quanh chỉ toàn sách là sách. Sách nằm trên bàn, để trên những chiếc kệ cao đến ngất ngưởng đủ sức thu hút níu kéo bạn đọc ở đây cả ngày dài mà không chán.

Hoành thánh chiên phố Hội

Hoành thánh chiên là món ăn mang theo hơi thở, phong cách đặc trưng của phố Hội An, Quảng Nam. Đây là món ăn có sự hội tụ của vị ngọt của tôm biển, vị chua của dứa, cà chua, vị thơm của hành tây, giá đỗ cùng độ giòn tan của bột khi được chiên giòn. 

Không biết tự bao giờ, hoành thánh chiên đã trở thành một món ăn quen thuộc, gắn liền với vùng đất Hội An cổ kính. Ngày nay, không chỉ người dân Phố Hội mà cả khách du lịch Hội An cũng rất yêu thích và mê mẩn món ăn này. 

Trong các món ăn đặc sắc của Hội An, hoành thánh chiên là món rất dễ làm và chế biến nhanh, không cầu kỳ. Hoành thánh sau khi chiên giòn sẽ bày lên đĩa. Cà chua, hành tây, dứa, giá, tôm được sốt nóng sau đó chan lên trên hoành thánh tạo thành tạo một đĩa hòanh thánh vàng ươm, vuông vức, ở giữa là viên nhân tôm tròn trĩnh, thơm phức trông rất ngon miệng. 

Bánh đậu xanh Rồng vàng

Mỗi vùng đất của Việt Nam không chỉ sản sinh ra các món ăn đặc sản thơm ngon tượng trưng cho từng miền mà đi liền với nó là những câu chuyện lịch sử nổi bật của vùng đất đó. Bánh đậu xanh ở Hải Dương từ lâu đã là một loại bánh nổi tiếng trong và ngoài nước bởi sau nó là một câu chuyện tự hào của vùng đất Hải Dương. 

Tương truyền rằng, khi vua Bảo Đại (1913-1997) kinh lý qua Trấn Hải Dương, dân chúng nơi đây đã dâng lên ngài một thứ bánh được làm từ đỗ xanh. Sau khi thưởng thức thứ bánh đặc sản này, vua Bảo Đại đã cảm nhận được hương vị cũng như tình cảm của người dân nơi đây. Sau khi về cung ông đã ban Sắc lệnh khen bánh đậu xanh Hải Dương. Trên Sắc có in hình “Rồng vàng”, một biểu tượng uy quyền của nhà vua. Kể từ đó bánh đậu xanh Hải Dương có tên mới là: “Bánh đậu xanh Rồng vàng”. Cái tên đó cho đến nay vẫn là thương hiệu riêng để phân biệt với các loại bánh đậu xanh ở các tỉnh khác của Việt Nam. Một chiếc bánh đậu xanh Rồng vàng được làm ra có thể coi là một kì công, kết quả của một nghệ thuật điêu luyện.

Đường, đậu xanh là một nguyên liệu cần thiết để làm ra Bánh đậu xanh Rồng vàng.

5 thg 11, 2020

“Thiên đường huyền ảo” trong Hang Tiên

Tôi đã có mặt ở Quảng Bình để trải nghiệm những cung đường ước mơ: khám phá Hang Tiên. 

Hang Tiên (xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) là hang khô lớn nhất của hệ thống hang động Tú Làn, dài khoảng 3km và sâu 100m. Mùa mưa, toàn bộ nước từ các con sông đều đổ về tạo nên một dòng sông ngầm trong hang, đến khi nước rút, các hồ nước tự nhiên được hình thành, đồng thời tạo ra các tầng lớp thạch nhũ giống như đường nét của ruộng bậc thang. Những dòng nước thẩm thấu từ bên ngoài núi đá vôi cũng góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành của hang, qua thời gian dài đã tạo những nên những vòng xoáy hết sức ấn tượng trên mái vòm. 

Thảm thực vật trong hang rất đa dạng với các loại rêu và nấm, tạo nên một hệ sinh thái phong phú và khác biệt so với các hang động khác, chúng sinh trưởng nhanh chóng và bám lên cả những thạch nhũ đã hình thành lâu đời, tạo nên những măng đá sắc xanh ấn tượng.

Những khối thạch nhũ ần tượng hấp dẫn du khách. Ảnh: Lý Hoàng Long

30 thg 10, 2020

Xím Vàng mùa táo mèo chín rộ

Cũng giống như chè shan tuyết ở xã Tà Xùa, nổi tiếng bởi hương vị đậm đà và hương thơm đặc trưng nơi non cao, khí hậu lạnh, quả Sơn Tra ở Xím Vàng cũng được coi là nông sản ngon nhất ở huyện Bắc Yên (Sơn La). Ai lên Xím Vàng mùa quả chín đều không quên mua một vài cân táo mèo làm nguyên liệu, tự tay ngâm cho mình bình rượu táo, thức uống thơm dịu, càng uống càng ngọt càng say. 

Chỉ cách trung tâm huyện 32km, Xím Vàng là xã vùng cao của huyện Bắc Yên, nơi có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp với 100% bà con dân tộc Mông sinh sống. Xím Vàng cũng như các xã vùng cao khác ở huyện Bắc Yên, quanh năm có sương mù bao phủ, thời tiết khắc nghiệt nên cây táo mèo được coi là cây ăn quả chủ lực, xóa nghèo bền vững cho đồng bào. Đó là lý do mà cây táo mèo dường như là một phần của vùng đất này khi rất nhiều gia đình trồng táo ở ngay trong vườn, trước cửa nhà... Đây cũng là nơi được coi là một trong những xã có diện tích trồng táo mèo lớn nhất huyện Bắc Yên.

24 thg 9, 2020

Dray Nur, Dray Sap – Bản hùng ca Tây Nguyên

Sự kiến tạo của địa chất qua hàng triệu năm cùng với thiên tình sử mang tính sử thi của người Ê Đê đã ban tặng cho vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông hai ngọn thác hoang sơ, kì vĩ và lãng mạn nhất vùng đất đỏ Tây Nguyên huyền thoại. Đó là thác Đray Nur (thác Vợ) và thác Đray Sap (thác Chồng). 

Thác Dray Nur nằm ở địa phận buôn Kuốp, xã Dray Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Cách đó một quãng không xa, du khách đi bộ qua cây cầu dây văng bằng thép sơn đỏ điệu đà và xuyên thêm đoạn đường rừng ngắn nữa là đến thác Dray Sap thuộc xã Nam Hà, huyện Krông Knô, tỉnh Đắk Nông.

Dray Nur và Dray Sap là hai ngọn thác đẹp nhất nằm trên dòng sông Serepok của Tây Nguyên hùng vĩ. Truyền thuyết của người Ê Đê ở Tây Nguyên kể rằng, xa xưa dòng sông Serepok chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn. Thuở ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu một cô gái người ở buôn bên kia sông, nhưng do hai gia tộc có mối hiềm khích nên hai người không đến được với nhau. Buồn tình đôi trai gái đã cùng gieo mình xuống sông Serepok để mong được ở bên nhau trọn đời. Tức giận trước sự ích kỉ của dân làng, Giàng (ông Trời) đã nổi giông gió chia tách sông Serepok thành hai dòng, cắt đường qua lại giữa hai buôn. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (còn gọi là sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn gọi là thác Vợ), và sông Krông Knô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn gọi là thác Chồng). Từ bấy đến nay, thác Vợ - thác Chồng luôn nằm gần nhau, quấn quýt chung dòng nước chẳng bao giờ rời.

Những khối đá nham thạch hàng triệu năm ở thác Dray Nur có hình lăng trụ khá giống với đá ở danh thắng gành Đá Đĩa nổi tiếng của Phú Yên. Ảnh: Thanh Hòa

20 thg 9, 2020

Ngôi nhà cổ vật gốm sứ

Hơn 20 năm nay ông nông dân Nguyễn Văn Trường (58 tuổi, ở làng Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đi dọc sông Hồng sưu tầm đồ xưa. Đồ ngày càng nhiều nhưng vì nhà chật không có chỗ nên ông đã gắn hơn 10.000 chén, đĩa cổ, tiền cổ… lên tường nhà, cổng và hòn non bộ, biến ngôi nhà thành tuyệt tác có một không hai.

Con đường dẫn vào nhà ông Trường là một ngõ nhỏ lát bê tông, hai bên nhà cửa san sát. Ngôi nhà nhìn từ xa thoáng một nét kiến trúc như cung đình xưa. Trên tường rào có vô vàn bát đĩa cũ, những mảnh gốm vỡ. Vài chục chiếc cối đá xếp thành hàng. Cánh cổng mái vòm gắn những chiếc bình, chiếc đĩa đủ loại hoa văn từ hoa điểu (chim và hoa), thạch trúc (tre trúc và đá), tuế hàn tam hữu (tùng, trúc, mai), tùng hạc (chim hạc và cây tùng), lý ngư (cá chép), phượng vũ (chim phượng), phúc lộc thọ…

Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ lớn đắp hàng nghìn mảnh gốm cổ. Cây si ẩn hiện phía sau, cây trúc la đà trước mặt. Bên trái là ngôi nhà cấp bốn không trát vôi vữa như lệ thường, thay vào đó trên tường gắn những chiếc đĩa thành từng hàng ngay ngắn. Ba cây cột trước nhà gắn chi chít những đồng tiền xu, đồng xèng, khuy áo cũ …

Ba gian nhà chính được gắn kín bằng đĩa cổ.

Chè truyền thống của người Hà Nội

Ở Hà Nội, từ lâu chè vốn là món ăn vặt quen thuộc của người dân. Trước kia, Hà Nội chỉ có những món chè đơn giản chỉ là chè sen, chè đỗ đen, đỗ xanh. Trải qua hàng chục năm, món ăn này đã đa dạng hơn với nhiều loại chè khác nhau nhưng những quán chè hàng chục năm tuổi mang đậm hương vị chè Hà Nội xưa vẫn được rất nhiều người quan tâm.

Một trong những quán chè truyền thống ở Hà Nội không thể không nhắc đến là quán chè Mười Sáu ở phố Ngô Thì Nhậm.

Theo ông Phạm Xuân Thanh - chủ quán chè Mười Sáu cho biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước (khoảng năm 1960) ở Hà Nội đã có những gánh chè rong ở trên đường phố hay trong những khu chợ. Khi đó, mẹ của ông cũng phải làm kinh tế cho cuộc sống gia đình từ gánh chè này. Khi đó, thực đơn chè bà nấu chỉ đơn giản có những món chè dân dã truyền thống quen thuộc như: chè đỗ đen, đỗ xanh, sen... Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước thì mở bán tại nhà với cái tên Mười Sáu được lấy bởi số nhà và thường thì khi đó khách ăn chè chủ yếu là những người tuổi 16. Cho đến bây giờ, quán đã đông người đến ăn với nhiều lứa tuổi khác nhau hơn.

Ông Phạm Xuân Thanh - chủ quán chè Mười Sáu là một trong những quán chè truyền thống lâu đời có tiếng tại Hà Nội nằm trên ngã tư phố Lê Văn Hưu và Ngô Thì Nhậm.