20 thg 9, 2020

Ngôi nhà cổ vật gốm sứ

Hơn 20 năm nay ông nông dân Nguyễn Văn Trường (58 tuổi, ở làng Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đi dọc sông Hồng sưu tầm đồ xưa. Đồ ngày càng nhiều nhưng vì nhà chật không có chỗ nên ông đã gắn hơn 10.000 chén, đĩa cổ, tiền cổ… lên tường nhà, cổng và hòn non bộ, biến ngôi nhà thành tuyệt tác có một không hai.

Con đường dẫn vào nhà ông Trường là một ngõ nhỏ lát bê tông, hai bên nhà cửa san sát. Ngôi nhà nhìn từ xa thoáng một nét kiến trúc như cung đình xưa. Trên tường rào có vô vàn bát đĩa cũ, những mảnh gốm vỡ. Vài chục chiếc cối đá xếp thành hàng. Cánh cổng mái vòm gắn những chiếc bình, chiếc đĩa đủ loại hoa văn từ hoa điểu (chim và hoa), thạch trúc (tre trúc và đá), tuế hàn tam hữu (tùng, trúc, mai), tùng hạc (chim hạc và cây tùng), lý ngư (cá chép), phượng vũ (chim phượng), phúc lộc thọ…

Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ lớn đắp hàng nghìn mảnh gốm cổ. Cây si ẩn hiện phía sau, cây trúc la đà trước mặt. Bên trái là ngôi nhà cấp bốn không trát vôi vữa như lệ thường, thay vào đó trên tường gắn những chiếc đĩa thành từng hàng ngay ngắn. Ba cây cột trước nhà gắn chi chít những đồng tiền xu, đồng xèng, khuy áo cũ …

Ba gian nhà chính được gắn kín bằng đĩa cổ.

Không gian bên trong gian nhà chính.

Ngoài chiếc cổng mái vòm trước nhà, còn có một chiếc cổng tương tự sau nhà. Ông Trường đã mất 2 năm mới hoàn thành được chiếc cổng này.

Chiếc cổng nhỏ xinh xắn dẫn vào gian nhà chính được tự tay ông Trường thiết kế và thực hiện.

Gốc cây được trang trí bằng những chiếc ấm tích.

Thềm nhà và chân cột được trang trí bằng hàng tạ đồng xu rất lạ mắt và kỳ công.

Ông Trường phải bắc giàn giáo để gắn đĩa trên tường mái cao.

Hiện tại, ông Trường vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, ốp đồ cổ vào những góc còn trống của ngôi nhà. 

Để có được số chén, đĩa, bình gốm cổ trên ông đã phải lăn lộn khắp các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai… để tìm kiếm và mua lại. Trong số đồ cổ đó lượng đĩa cổ chiếm hơn một nửa, nhiều chiếc đĩa cổ, chén, bình gốm cổ quý giá mà ông Trường sưu tầm được có niên đại từ thế kỷ 17, 18. Hành trình đi tìm đồ cổ của ông Trường cứ kéo dài như vậy hết năm này sang năm khác. Những đồ cổ ông sưu tầm từ quý giá đến bình dân đều được ông xếp kín căn nhà cấp 4 cũ kĩ.

Năm 1998, ngôi nhà nhỏ đã không còn đủ sức chứa đồ, điều kiện gia đình lại không có để mua những chiếc tủ kính trưng bày. Mỗi lần ngắm ông mất nhiều giờ lục ra, sắp xếp lại. Rồi ông nảy ra ý định gắn đồ cổ vào tường rào, hòn non bộ, cuối cùng mới có ý định đập tường nhà, gắn đồ xưa. “Ban ngày tôi đi làm đồng giúp vợ, rảnh rỗi lại đi săn đồ cổ. Ban đêm mới làm công việc này. Tôi đập tường nhà, trộn 2 cát, một xi măng làm vữa. Cơm tối xong là tôi làm đến khuya. Mỗi tối gắn được từ 15 đến 17 chiếc đĩa lên tường”.

Công việc như thế cứ kéo dài suốt hơn 20 năm qua. Gắn hết tường trong, ông lại gắn luôn mặt ngoài. Gắn hết đồ, ông lại lên xe máy rong ruổi khắp nơi để tìm mua thêm và xin những mảnh vỡ của đồ gốm sứ cổ. Sau khi căn nhà đã hoàn thành, ông lại gắn đến cổng, rồi hòn non bộ cũng được ông trang trí bằng đồ cổ. Cho đến bây giờ, tất cả số bát, đĩa cổ đã gắn phải lên đến trên 10 nghìn chiếc, một tạ hai (120kg) tiền xèng, ngót 50kg tiền xu... cùng mảnh vỡ của những đồ gốm sứ cổ, và thêm nhiều thứ khác nữa. Ngôi nhà thực sự đã trở thành tuyệt tác có một không hai ở vùng Bắc Bộ.

Bài và ảnh: Khánh Long – Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét