2 thg 4, 2022

Nữ tướng có công giúp nhà Trần đánh giặc

Đình Vô Hối (trị trấn Thanh Miện) là một trong số ít ngôi đình thờ thành hoàng là nữ tướng, người có nhiều công lao giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông, được phong tặng “Anh Linh công chúa, thượng đẳng thần”.

Đình Vô Hối hiện nay

Thần tích lưu truyền

Theo tư liệu Thần tích - thần sắc lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, vào thời Trần, có một gia đình nghèo làm nghề chở đò kiếm sống, người chồng ở khu Thượng, trang Vô Hối, người vợ ở trang An Lạc. Một hôm, người vợ đi chợ Chương nhặt được một tấm lụa, ban đầu bà không biết là của ai, một lát sau thấy có một người đàn bà đến tìm, bà liền trả lại. Đêm ấy bà nằm mộng thấy có một đám mây vàng và một đám mây xanh. Một thời gian sau, bà có thai. Đến ngày mồng 10 tháng giêng năm Kỷ Hợi, bà sinh được hai người con, một trai, một gái. Người con trai đặt tên là Trương Công Hoằng; người con gái đặt tên là Trương Thị Mỹ Nương. Năm hai anh em 14 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Sau khi mãn tang cha mẹ, hai anh em lại ra bến đò Neo theo nghề của cha chở đò kiếm sống. Ở đây, hai anh em vừa chở đò, vừa luyện tập võ nghệ thủy chiến trên sông. Bấy giờ, giặc Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta. Vua tôi nhà Trần đem quân đánh dẹp. Nhà vua đi qua đất Vô Hối thấy hai anh em đều có biệt tài nên tuyển chọn. Hai anh em đã giúp vua Trần trấn giữ sông Bạch Đằng và đánh thắng nhiều trận.

Sau khi dẹp giặc xong, nhà vua hồi triều xét công ban thưởng, phong Công Hoằng làm Trung Hoa tể kiêm Quản long hưng phù Đại tướng; phong Mỹ Nương là Anh Linh công chúa. Hai anh em bái tạ vua rồi xin trở về quê bái yết từ đường và khao thưởng dân làng.

Chính vì có công lao với đất nước, sau khi mất, hai anh em được triều đình phong sắc, dân làng tôn làm thành hoàng và lập đình thờ, trong đó đình làng Vô Hối thờ người em Trương Thị Mỹ Nương; làng An Lạc thờ người anh Trương Công Hoằng.

Nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử

Khám và tượng thờ Trương Thị Mỹ Nương tại tòa hậu cung

Đình Vô Hối được xây dựng vào thời kỳ nào đến nay chưa có cơ sở để kết luận chính xác, chỉ biết đến thời Nguyễn, ngôi đình được trùng tu mở rộng. Đình làm theo kiểu kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Hệ thống cửa bức bàn, các vì làm kiểu chồng rường, giá chiêng. Cột bằng gỗ lim, mái lợp ngói ta…

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình còn là nơi “kiêm” nhiều chức năng như: lớp học bình dân học vụ, địa điểm cán bộ Việt Minh tập trung du kích... Sau khi du kích địa phương phục kích giết được tên Việt gian là đội Phong, lính Âu Phi của Pháp kéo về truy lùng Việt Minh rồi dỡ đình lấy gỗ xây dựng bốt Neo, một số cổ vật bị thất lạc.

Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, khu vực đình trưng dụng làm kho thóc, Trạm vật tư máy kéo, vật tư nông nghiệp của huyện Thanh Miện.

Năm 1991, nhân dân địa phương khôi phục lại đình với quy mô nhỏ làm nơi thờ cúng thành hoàng làng. Năm 2019, đình được xây dựng lại như hiện nay trên nền đất cũ. Trong đình còn lưu giữ được 1 khám thờ cổ nơi đặt tượng Trương Thị Mỹ Nương, tạo dựng từ thế kỷ XIX được sơn son thếp vàng, 1 bài vị và 9 đạo sắc phong quý giá của các đời vua: Tự Đức 6 (1852), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Duy Tân 5 (1911) và Khải Định 9 (1924).

Lễ hội đình Vô Hối tổ chức hằng năm vào hai kỳ: mùa xuân và mùa thu. Hội mùa xuân từ ngày 10-15 tháng giêng, hội mùa thu từ ngày 12-15 tháng 8 âm lịch - tương truyền là ngày mất của thành hoàng làng. Trước Cách mạng Tháng 8, trong làng có hai giáp: giáp Đông và giáp Tây thay nhau tổ chức lễ hội, lễ vật dâng gồm lợn, xôi, trầu cau, rượu và vật phẩm khác theo lệ. Phần lễ có rước giao hảo từ đình thôn Vô Hối sang đình thôn An Lạc, sau đó trở về đình tế. Phần hội có hát tuồng, đánh cờ, bắt vịt... Lệ làng quy định, trong khi tế lễ và giao tiếp hằng ngày, người dân trong làng đều phải kiêng tên húy của thành hoàng.

Hiện nay, lễ hội chính tổ chức vào mùa xuân, diễn ra trong hai ngày từ 19-20 tháng giêng. Lễ hội có tổ chức rước kiệu quanh làng cùng một số trò chơi kéo co, cờ người, cờ tướng, giao lưu văn nghệ giữa các khu dân cư, hát chèo, dân ca... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Tháng 1.2022, đình Vô Hối được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

NHẬT HỮU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét