9 thg 4, 2022

Khiêm Lăng – Lăng của hoàng đế Tự Đức

Lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế. Đây là nơi chôn cất của vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Nguyễn tức vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Ông trị vì được 36 năm từ 1847 đến 1883, là vị vua ở ngôi lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn. Ông mất vào ngày 16/6 năm Quý Mùi tức ngày 19/7/1883, hưởng thọ 54 tuổi. Bài vị của ông được thờ trong Thế Miếu thuộc hoàng thành Huế.

Bản phúc ngày 25 tháng Giêng năm Thành Thái 8 (1896) của Nội các về việc tu sửa đồ thờ ở Khiêm Cung. @ TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn

Vua Tự Đức tự chọn cho mình một mảnh đất thơ mộng làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Sách Đại Nam thực lục ghi chép rằng: Vào tháng 9 năm Tự Đức thứ 17 (1864), nhà vua “chuẩn định ngôi Vạn niên cát địa [sinh phần] ở địa phận núi, thuộc xã Dương Xuân thượng, huyện Hương Thủy, sai quan có chức trách khởi công xây dựng, tóm đặt tên là Khiêm Cung (khởi công vào mùa đông tháng 11)” [1].

Sau thời gian 3 năm xây dựng Khiêm Cung, vua Tự Đức đã phê duyệt trên bản tấu của Bộ Lễ vào ngày mùng 3 tháng 8 năm Tự Đức 20 (1867), về việc ban thưởng yến tiệc cho hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm trở lên, quan võ từ tứ phẩm trở lên, đổng lý đại thần và các quan viên, nhân ngày mùng 7 là ngày hiệp cát khánh thành Khiêm Cung rằng: “Những người theo hầu vua chuẩn cho đầy đủ khăn áo, những người đến chiêm bái đều ban cho một bữa tiệc. Ngày hôm sau, các viên đổng lý ban cho một bữa tiệc. Như thế là thích hợp” [2]. Đây là mốc đánh dấu thời gian xây dựng Khiêm Cung được 3 năm kể từ năm Tự Đức thứ 17 (1864) bắt đầu xây dựng[3].

Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là nơi vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm, trước tiên phía bên tay phải là hồ Lưu Khiêm nguyên là con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, được đào thành hồ. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách. Những khung cảnh thiên nhiên này đã khiến cho người ta quên đi rằng đây là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là đang hòa mình với hương của cỏ cây, tiếng suối nước chảy, đầy thơ mộng.

Đối diện với Hồ Lưu Khiêm là đằng trước Khiêm Cung Môn – Một công trình hai tầng dạng vọng lâu. Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ Vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường – nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn bảo lưu. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.

Kế đến là lối dẫn lên khu vực lăng mộ (nơi chôn cất), nơi có mộ vua, có sân chầu và nhà bia ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi. Nếu nhà cửa khu tẩm đều làm bằng gỗ thì tất cả các công trình kiến trúc ở khu vực lăng mộ đều xây bằng gạch, đá. Đáng để ý nhất là bài “Khiêm Cung Ký” được khắc trên bia đá do chính Vua Tự Đức viết, đặt tại một nhà bia đồ sộ kiên cố với cột to, vách dày để chống chọi với thời gian.

Khu vực lăng mộ, nơi có mộ vua, có sân chầu và nhà bia ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi. Bia Khiêm Cung Ký là tấm bia độc đáo với số lượng văn tự nhiều nhất, có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng hoàng đế thời Nguyễn.

Tấm bia với bài “Khiêm Cung Ký” là một tấm bia đặc biệt nhất trong số văn bia các vua nhà Nguyễn, bởi khác với văn bia của vua cha là do vua con soạn, thường là ca ngợi tính tình, đức độ và công nghiệp của cha. “Khiêm Cung Ký” do Vua Tự Đức soạn bày tỏ cùng thiên hạ về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Trong phần cuối “Khiêm Cung Ký”, nhà vua nhận tội bản thân: “Biết người không tinh, là tội ở trẫm, dùng người không xứng, cũng là tội ở trẫm, phàm mọi việc làm không nên, đều là tội trẫm” [4]. Sách Đại Nam thực lục chép: “Đinh Mão, Tự Đức năm thứ 20 (1867) mùa thu tháng 7, Khiêm Cung làm xong, vua rước thái hậu cùng ra chơi. Các thân phiên, hoàng thân và quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên đều mặc áo có bổ tử lạy mừng, ban yến và cho vật hạng có thứ bậc, sau vua tự làm bài Ký Khiêm Cung nhưng đợi khắc vào đá, làm nhà bia rồi mới dựng” [5].

Hồ Lưu Khiêm, bên bờ hồ có hai nhà thủy tạ Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ - Nơi nhà vua ngồi ngắm hoa, đọc sách, làm thơ.@ Sưu tầm

Bi Đình (nhà bia), trong Bi Đình có tấm bia bằng đá Thanh Hóa khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn.@ Sưu tầm

Vua Tự Đức phê duyệt trên bản phúc trình ngày 12 tháng 6 năm Tự Đức 27 (1874) của Bộ Công về việc các thân bia do tỉnh Thanh Hóa chở về tuân lệnh kiểm tra hiện còn tốt, phụng đo thân bia này trong lòng dài 6 thước 2 tấc, rộng 4 thước. Tuân lệnh khắc 2 mặt như nhau tổng cộng 2 mặt phải viết 67 hàng gồm 5.159 chữ, rằng: “Giao cho bản vẽ đó lưu trữ cẩn thận và lập tức nhận các loại giấy lệnh và giấy hội loại dầy, trong lòng chia hàng, khoản dán liền thành 1 bức dài rộng đúng kiểu vẽ rõ từng hàng, khoản cũng nhất nhất theo đó và sao tờ phiến đó cùng tiến trình để chuẩn bị viết” [6]. Đây là minh chứng được khai thác từ nguồn sử liệu Châu bản triều Nguyễn khẳng định nguồn gốc của tấm bia đá Khiêm Cung Ký được đem chuyển từ Thanh Hóa về Kinh và đây là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả văn bia - Hoàng đế Tự Đức. Chính bởi có hình thức và nội dung độc đáo, nên năm 2015, bia Khiêm Cung Ký đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Đặc biệt, bia Khiêm Cung Ký được đặt trong một nhà bia khá cao, giới hạn xung quanh bởi 04 trụ biểu lớn, tạo sự tương xứng toàn diện trong tổng thể kì vĩ của Khiêm Lăng. Châu bản triều Nguyễn đã cung cấp thông tin về thời gian hoàn thành dựng bia đình, chân bia, thân bia trên bản tấu của Bộ Công vào ngày 20 tháng 6 năm Tự Đức 32 (1879) rằng: “Khâm thiên giám chọn ngày mùng 2 tháng 7 dựng chân bia; Ngày 20 tháng 7 dựng thân bia. Đổng lý đôn đốc 1.000 biền binh thực hiện công việc dựng bia kí ở Khiêm Cung” [7].

Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu thành xây bằng gạch và chính giữa có mộ Vua Tự Đức xây bằng đá thanh được bao phủ bởi một rừng thông xanh. Sau khi Vua Tự Đức băng hà và táng ở đây thì tên Khiêm Cung đổi thành Khiêm Lăng.

Khiêm Lăng còn được các vua kế tiếp như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại thường xuyên giao cho Bộ Công kiểm tra, tu bổ lọng, kệ gỗ, rèm, cột cờ, bị hư mục, bạc màu và đồ bày thờ thiếu trang nhã. Đồng thời, cho lợp lại ngói do nạn bão gây ra[8].

Tồn tại đã hơn 150 năm, kiến trúc độc đáo của Khiêm Lăng và áng văn Khiêm Cung ký được khắc trên tấm bia đá đặt trong khuôn viên lăng Tự Đức đã khiến cho thế hệ sau có những suy ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của một vị hoàng đế gắn liền với giai đoạn đất nước có nhiều đổi thay.
_____

  • [1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.899.
  • [2] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
  • [3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
  • [4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr. 1098.
  • [5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr. 1094.
  • [6] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
  • [7] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
  • [8] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
Đoàn Thị Thu Thủy - Phòng Phát huy giá trị tài liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét