20 thg 6, 2021

Cổ kính đình Nội Hợp

Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử, di tích đình Nội Hợp ở xã Lê Ninh (Kinh Môn) vẫn giữ được kiểu dáng, kiến trúc với những bản chạm khắc gỗ đạt đến độ tinh xảo, được đánh giá là di sản văn hóa quý.

Đình Nội Hợp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2006

Thờ vị tướng tài thời Lý

Đình Nội Hợp cổ kính nằm trong khuôn viên đẹp, yên bình có ao đình, cây đa... Nằm ở ngay trung tâm làng, người dân Nội Hợp coi đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và cũng là nơi kết phúc cho dân làng.

Căn cứ vào sử sách cùng các thần tích và hệ thống bia ký còn lưu trữ thì đình Nội Hợp thờ Thành hoàng làng là Cao Sơn Thượng đẳng thần, tên húy là Phúc, người có công phò vua Lý Nhân Tông đánh giặc Chiêm ở thế kỷ XII. Đất Nội Hợp xưa là quê ngoại của Đức thánh Cao Sơn. Chuyện kể rằng, cha của Đức thánh tên là Chuyên từ nơi khác đến vùng đất thuộc trấn Hải Dương tìm kế sinh nhai. Tại đây, ông đã gặp, kết duyên vợ chồng với bà Hoan Nương và sinh ra người con tuấn tú, đặt tên là Phúc. Vốn thông minh, lại được cha cho đi học bài bản nên 12 tuổi, ông đã tinh thông văn võ, các sĩ tử trong trường ai nấy đều kính nể.

Thời vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Long Phù thứ 4 (1104), với văn võ toàn tài, Phúc Công được vua phong là “Bản phủ đương giao nội thị hầu” quyền “quản lăng giao sự”. Đúng lúc ấy có quân giặc đến xâm chiếm ba châu địa giới, vua liền sai Phúc Công cùng Thường Kiệt mang hơn 30 vạn quân tiến thẳng đến đồn giặc. Dẹp yên quân giặc, ông được vua phong “Đương giao sự” quyền trưởng “Đại đô thống lãnh đô đốc quản đại nguyên soái tả hữu phụ bật đại tướng quân”. Ban thêm cho Phúc Công sắc mệnh lụa trắng và một lá cờ, ghi sắc mệnh ơn vua có hai chữ lớn “Giao Đô”, thưởng thêm 500 cân bạc tiền.

Một thời gian sau khi cha mẹ Phúc Công qua đời, ông tự cử giá về quê ngoại để hành lễ bái yết nhưng ngài bị cảm và mất đột ngột tại đây. Vua Lý thương tiếc bậc bề tôi có công với nước đã sai đình thần về làm lễ điếu; cho phép miễn binh lương các dịch, lại phong Thượng đẳng Phúc thần. Cảm tạ công lao to lớn của ngài, dân làng tôn làm Thành hoàng làng và xây đình thờ tự. Hằng năm, dân làng đều tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 16-18.3 âm lịch.

Những bức cốn bằng gỗ lim chạm trổ tinh tế được lưu giữ tại đình Nội Hợp

Kiến trúc độc đáo

Căn cứ vào hệ thống bia ký, sắc phong còn lưu giữ thì trước kia đình Nội Hợp có quy mô khá lớn. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái, đao tàu, réo góc, kết cấu khung vì kiểu chồng rường và 3 gian hậu cung khung vì gác tường, chất liệu gỗ lim. Phía trước đình có cổng kiểu chồng diêm 2 tầng, tám mái, hai dãy dải vũ hai bên.

Trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm Cảnh Thịnh năm thứ 3 (1795), Tự Đức nguyên niên (1848), Tự Đức 20 (1867)… và thế kỷ XX, đến nay đình vẫn giữ được nguyên kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái kiểu đao dĩ và 3 gian hậu cung xây bít đốc truyền thống.

Phần độc đáo nhất của ngôi đình phải kể đến 15 bức cốn được chạm khắc tinh xảo theo phong cách thời Nguyễn nằm phân bổ hài hòa tại các gian thờ. Các bức cốn bằng gỗ lim, được chạm khắc theo chủ đề “tứ linh”, “tứ quý”. Phải tận mắt nhìn mới thấy được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đương thời. Ngoài linh vật thiêng long, ly, quy, phượng, nghệ nhân còn cài cắm hình tượng trúc, mai hóa long… bên cạnh hình hoa, sóng nước tạo đường lượn tinh tế, giảm phần thô của mộc. Những bức cốn này được giới nghiên cứu sử đánh giá cao và xem là tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu điêu khắc cổ.

Ngoài ra, ngôi đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị gồm 6 sắc phong vào các năm: Vĩnh Thịnh 7 (1711), Cảnh Hưng 44 (1783), Quang Trung 5 (1792), Tự Đức 10 (1857), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), cùng một số đồ thờ tự có giá trị như mâm đài, đại tự, bài vị, long đình, bát hương, cuốn thần tích thời Nguyễn... Đây là những cổ vật không chỉ có giá trị về mặt niên đại, mỹ thuật, mà còn là những văn bản có giá trị, giúp thế hệ sau khai thác tư liệu về kinh tế, văn hóa, xã hội qua các thời đại. Với những độc đáo trong kiến trúc còn lưu giữ, đình Nội Hợp được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2006.

Tuy nhiên, ngôi đình đang xuống cấp phần mái, tường bị nứt, các kèo gỗ bị mối xông... Ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nội Hợp cho biết toàn bộ phần đại mái của đình nay đã xuống cấp nên mỗi lần trời mưa bị dột, các xà cột gỗ bị mối xông. “Chúng tôi mong muốn các đơn vị chuyên môn xem xét giúp đỡ để kịp thời khắc phục tình trạng xuống cấp này”, ông Vịnh nói.

HUYỀN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét