18 thg 1, 2021

Vãn cảnh Chùa Diêu Quang chiêm ngưỡng cây Trôm cổ thụ

Chùa Diêu Quang tọa lạc tại đường Lương Văn Chấn, phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An được người dân trong vùng quen gọi là Chùa Cây Trôm, vì trước chùa có cây trôm cổ thụ xanh tốt tỏa bóng. 

Chùa Diêu Quang được người dân trong vùng quen gọi là Chùa Cây Trôm vì trước chùa có cây trôm cổ thụ 

Ngôi chùa này trước kia là miếu Dao Quang, tên của một trong bảy vì sao (thất tinh) theo tín ngưỡng tu tiên, thờ cúng các vị tiên thánh. Đại đức Thích Thiện Thạnh, trụ trì chùa Diêu Quang, cho biết, sau bao lần bể dâu biến đổi, miếu biến thành chùa. Và có lẽ do sợ đồng âm nên Dao Quang được gọi trại đi thành Diêu Quang.
Theo tài liệu điền dã của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, trước đây hai bên cổng chùa còn có câu đối ca ngợi Nhạc Phi và Quan thánh đế quân (Quan Vân Trường): “Tiên Võ Mục nhi thần đại Tống thiên cổ đại Hán thiên cổ. / Hậu Văn Tiên nhi thánh, Sơn Đông nhứt nhơn, Sơn Tây nhứt nhơn”.

Có thể nơi đây khi xưa đã có cộng đồng người Minh Hương đến cùng lưu dân Việt khẩn hoang, lập nghiệp. Họ có mặt sớm nhất là vào khoảng năm 1679, khi nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, khởi sự việc lập Mỹ Tho đại phố. Cách đó không xa, phía nam thôn Nhơn Hậu và Tường Khánh có làng Tân Hương (nay thuộc xã Tân Hương, H.Châu Thành, Tiền Giang) cũng do một người Minh Hương tên là Dương Tấn Tuyên lập. 

Chánh điện 

Câu đối ngày xưa không còn do ngôi chùa đã qua nhiều lần sửa chữa. Tuy nhiên trong chùa hiện nay còn lưu giữ bộ tượng Quan thánh đế quân bằng đất sét, là một trong những bộ tượng cổ xưa nhất ở chùa, có lẽ là bộ tượng của ngôi miếu cũ.

Trước khi miếu biến thành chùa, đây cũng là cơ sở thờ tự Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, sau lăng mộ và nhà thờ. Chùa Diêu Quang hiện nay còn lưu giữ một cái trống to nhất nhì Nam bộ. Tương truyền đây là cái trống do Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức cho người đốn cây sao cổ thụ ở vùng Tây Ninh chở về, lấy gỗ phần ngọn làm trống, phần gốc xẻ làm bộ ván (bộ ván được giữ ở đền thờ). Trống bịt bằng da trâu, loại trâu cổ to lớn.

Du lịch Long An đến vãn cảnh chùa Diêu Quang, khách tham quan sẽ ấn tượng ngay với cây trôm cổ thụ ở trước chùa rất thiêng liêng với người dân sở tại. Cây cao hơn 30m, chu vi gốc khoảng 6m, phần ngọn có đường kính 32,5m, bộ rễ của cây tỏa đều và nổi lên, có rễ cao hơn mặt đất từ 0,5-0,6m và có nhiều u cao to, hình thù cổ quái, ấn tượng. 

Năm 2016, cây trôm được công nhận là cây di sản Việt Nam 

Năm 2016, cây trôm mõ là cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An được công nhận cây di sản Việt Nam. Lúc sinh thời, cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam có đến Khánh Hậu khảo cứu cây Trôm để xác định tuổi của cây. Nhà văn Sơn Nam cho rằng, năm 1731 khi dòng họ Tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đến sinh cơ lập nghiệp tại giồng Cai Yến xưa (nay là phường Khánh Hậu) thì đã có cây Trôm này, ước tính lúc đó cây đã hơn 50 tuổi. Như vậy tính đến nay “lão cây Trôm” đã 350 năm tuổi. 

Cây cao hơn 30m 

Tuy nhiên, năm 2002 có 2 đoàn cán bộ khoa học của Nhật Bản và Viện KHXH TP. HCM đến Khánh Hậu nghiên cứu đề tài “Làng xã Nam Bộ, trường hợp xã Khánh Hậu, tỉnh Long An” đã rất kinh ngạc trước sự hiện diện của cây Trôm cổ thụ. Giáo sư Tiến sĩ Sakurai Yumio của Nhật đã dùng khoan tay khoan vào thân cây Trôm để lấy dăm gỗ làm xét nghiệm tính tuổi cây. Theo kết quả xét nghiệm của vị giáo sư này cho thấy “lão cây Trôm” Khánh Hậu có tuổi đời từ 450 – 500 năm! 

Cây Trôm tỏa bóng mát tôn thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa 

Vậy có thể nói, cây Trôm Khánh Hậu là chứng tích sống của rừng nguyên sinh lâu đời ở đó, trước khi vùng đất giồng Cai Yến được người Việt đến khẩn hoang, lập làng. Khi còn là rừng thì có nhiều động vật hoang dã và thú dữ. Bằng chứng ở đây vẫn còn ngôi mộ – dân gian gọi “mả Cọp” – tương truyền là nơi chôn cất những phần xác của nạn nhân bị cọp vồ ăn thịt còn sót lại.

Nhà chùa, Phật tử và người dân trong phường rất yêu quý cây trôm cổ thụ, hễ cây có bất kỳ sự thay đổi nào thì mọi người đều rất lo lắng. Hồi năm 2013 cây Trôm bị sét đánh trúng phần ngọn của cây làm tróc một mảng vỏ và cháy sém một nhánh cây lớn. Lúc đó mọi người rất lo lắng, sợ cây Trôm sẽ chết, bởi trước đó trong chùa có 1 cây sao rất lớn bị sét đánh chết. Nhưng thật kỳ diệu, cây trôm chỉ chết khô 1 nhánh, phần còn lại của cây vẫn sống tươi tốt cho đến nay. Từ lâu, người dân ở đây bảo nhau không được lấy mủ Trôm vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của cây, dù mủ Trôm là dược liệu quý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét