19 thg 1, 2021

Khu căn cứ tỉnh ủy Bạc Liêu – Điểm du lịch về nguồn ý nghĩa

Trong hành trình về nguồn trên đất Bạc Liêu, có một địa danh không thể không tới, đó là di tích khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (hay còn gọi là Khu căn cứ Cái Chanh) ở ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân. Ðây từng là nơi làm việc của Xứ ủy Nam Bộ, sau đó là Trung ương Cục miền nam (thời kháng chiến chống Pháp) và Tỉnh ủy Bạc Liêu (thời chống Mỹ). Nơi ghi dấu phong trào đấu tranh dũng cảm của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm nào. Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước; được tham quan các hiện vật trong nhà trưng bày của khu di tích, từ đó bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước. 

Cổng vào 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cái Chanh là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Từ tháng 10/1949 đến năm 1954 là nơi đóng căn cứ của một số cơ quan Nam bộ; là địa bàn hoạt động của các đồng chí là lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ, Nguyễn Văn Nguyễn, Võ Văn Kiệt…

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước, khu vực Cái Chanh vẫn là vùng giải phóng rộng lớn, là địa bàn tới lui hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu và sau nữa là Tỉnh ủy Sóc Trăng; nơi đặt căn cứ của một số cơ quan, ban ngành tỉnh và là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta.

Đến tháng 11/1973, khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, Tỉnh ủy tiếp tục chọn Cái Chanh làm nơi đặt căn cứ. Nơi đây không chỉ là địa bàn hoạt động mà còn làm nơi tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, khu ủy Tây Nam bộ để đề ra các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng Bạc Liêu. Từ khu căn cứ này, Tỉnh ủy Bạc Liêu tập trung lãnh đạo đánh bại kế hoạch bình định, càn quét lấn chiếm và cướp rút lui của địch, huy động tổng lực để giải phóng tỉnh nhà.

Ấp Cây Cui là một địa bàn vùng sâu của xã Ninh Thạnh Lợi. Địa hình nơi đây hiểm trở, hệ thống sông rạch chằng chịt, tất cả gần như bị bao phủ bởi rừng rậm, điều kiện đi lại khó khăn, chủ yếu di chuyển bằng đường thủy. Tuy nhiên, sự đùm bọc, chở che của nhân dân cho cách mạng và cho những cán bộ Tỉnh ủy không vì vậy mà thiếu thốn. Người dân ở đây có tinh thần yêu nước cao độ, những gia đình trong ấp đều có người cung cấp, tham gia vận chuyển thuốc men, lương thực cho khu căn cứ. Dù phải hứng chịu nhiều mưa bom đạn pháo của kẻ thù, nhưng người dân nơi đây không ngại gian khổ và hy sinh vẫn kiên trung bám trụ, nuôi chứa cán bộ.

Du lịch Bạc Liêu, đến thăm di tích bạn sẽ hiểu hơn về giá trị của cuộc sống mà mình đang có và sự gắn bó máu thịt giữa Quân và Nhân dân địa phương. Các cơ quan và cán bộ Xứ ủy Nam Bộ lúc bấy giờ đều sống chung với dân, ăn ở và làm việc trong nhà dân, được dân thương yêu và đùm bọc như người thân.

Khu di tích một thời như ngọn đuốc tỏa sáng khắp vùng Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị, để dẫn dắt, đưa đường cho các tầng lớp nhân dân đi theo kháng chiến, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Sau khi Khu căn cứ Tỉnh ủy trở thành di tích lịch sử quốc gia, tỉnh đã xây xựng, phục dựng, tái hiện lại một số công trình, địa điểm trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Đối với các công trình được tôn tạo mới, tiêu biểu có: Nhà trưng bày hiện vật, nhà bia kỷ niệm và sân khấu ngoài trời. Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật có liên quan đến khu căn cứ, về bố cục nội dung được chia ra làm 3 chủ đề chính, đó là: “Phong trào đấu tranh tự phát của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927”, “Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ (1949 – 1952)” và “Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (1973 – 1975), với hơn 200 hình ảnh hoạt động và 3 tượng bán thân bằng đồng của các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, cùng nhiều hiện vật và tài liệu khoa học để phục vụ nhu cầu tìm hiểu về lịch sử của người xem. 

Nhà trưng bày 

Nhà bia là nơi ghi lại nội dung tóm tắt về lịch sử của Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu; còn sân khấu ngoài trời dành để tổ chức một số hoạt động về nguồn, tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ và các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao… phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm. 

Nhà bia 

Bên cạnh đó, còn có một số hạng mục công trình như phục hồi, tái tạo lại các ngôi nhà của người dân ở vùng quê sông nước Nam Bộ và một số phương tiện phục vụ cho làm việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ…, nhằm giúp khách tham quan hình dung được điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu của các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục miền Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu và các cán bộ, chiến sĩ trong khu căn cứ, đã không ngại gian khổ hy sinh, kiên cường bám trụ để chiến đấu với kẻ thù, giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. 

Nhà làm việc của các cán bộ 

Đồng chí lãnh đạo đang làm việc 

Đồ dùng sinh hoạt hàng ngày 

Chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh gác


Từ lâu Khu căn cứ tỉnh Ủy Bạc Liêu đã là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ. Vào ngày 31/12/2020 khu căn cứ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt trở thành niềm tự hào của đất và người Bạc Liêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét