10 thg 4, 2018

Bãi đá ở cuối đường Lông Ngỗng

Bãi đá ở Cửa Hiền. Ảnh: PV 

Tôi muốn gọi con đường ven chân núi Mộ Dạ chạy ra cửa Hiền (Diễn Châu, Nghệ An) là đường Lông Ngỗng. 

Bởi theo truyền thuyết, vua An Dương Vương khi bị quân thù truy đuổi, trốn thoát khỏi thành Cổ Loa, mang theo công chúa Mỵ Châu sau lưng ngựa. Hai cha con chạy về đến đây thì thì kiệt đường, trước mặt là biển rồi. Thần Kim Quy hiện lên, nói: “Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó!”. Vua liền quay lại, rút gươm chém chết con gái mình.

Nàng Mỵ Châu trước khi nhắm mắt, còn nhìn thấy một con đường vương đầy lông ngỗng mà nàng thả xuống để đánh dấu cho chồng mình là Trọng Thủy tìm đến. Nàng đâu ngờ điều đó đã dẫn lối cho giặc truy bắt nhà vua của nước Âu Lạc.

Từ đền Cuông, đền thờ vua An Dương Vương trên núi Mộ Dạ, sát bên Quốc lộ 1A bây giờ, đường Lông Ngỗng chạy chừng 4km về cửa Hiền. Đường nhỏ nhưng đã được rải thảm nhựa. Trên sườn núi cây cỏ mọc chen nhau, thưa thớt, chủ yếu là tràm hoa vàng và bạch đàn. Nhà dân cũng thưa thớt. Thi thoảng, giữa cánh đồng có lều nhỏ của người chăn vịt. Có những chỗ người ta khai thác đất, đá, khoét sâu làm lộ ra màu đất đỏ ứa. 

Bãi đá ở dưới con đường ven biển. 

Cửa Hiền thời Âu Lạc chắc là đầy ăm ắp nước, giờ thì đã cạn. Có những bầy cò trắng kiếm ăn đứng loi choi, chỉ có một lạch nước không biết mặn hay ngọt nhỏ xíu chảy ra nhập vào biển. Một con đê bằng bêtông đơn sơ chắn sóng đằng xa. Gió thổi hoang hiu và bờ biển cát có nhiều bùn.

Nguyễn Thị Thanh Lưu trong bài viết “An Dương Vương - những dấu chân trần gian”, sau khi khẳng định An Dương Vương là nhân vật lịch sử có thật, đã mô tả: “Trong cái bản đồ cuộc sống của An Dương Vương, điểm kết thúc hay chính là điểm hóa thân thần thánh của ông được dân gian lưu truyền là Diễn Châu (Nghệ An) - lúc bấy giờ cũng là điểm tận cùng của đất nước Âu Lạc. Đó là sự thật lịch sử, hay đó chỉ là một tưởng tượng nảy sinh trên một thứ logic suy tư về biên giới của nhà nước Âu Lạc xa xưa?

Phải chăng, người xưa coi cuộc ruổi ngựa của An Dương Vương thủa nọ trốn chạy sự truy đuổi của quân Triệu Đà là một hành trình đi đến điểm "sơn cùng, thủy tận", đi đến hết lãnh vực mà ông cai quản, để thấm thía mãnh liệt nỗi đau mất nước, để trong cơn đớn đau cùng kiệt ấy đã lấy vị thế của một ông vua mà rút gươm kết liễu cuộc đời cô con gái yêu ngồi sau lưng ngựa?”.

“An Dương Vương rút kiếm, ngoảnh đầu nhìn Mỵ Châu. Mặc nàng khóc lóc, thề nguyền, ông chém đầu Mỵ Châu rồi men theo chân dãy Đại Hải, đến một quả núi cuối cùng thì thấy ba mặt đều là biển cả mênh mông, sóng cồn dữ dội. Gió từ ngoài khơi thổi vào hất tung chiếc khăn trên đầu Thục Phán An Dương Vương và trùm lên đỉnh ngọn núi. An Dương Vương cùng đường, ngửa mặt lên trời mà than: "Cơ đồ của ta đến đây là hết!". Nói đoạn, nhà vua gieo mình xuống biển”.

Bãi biển cửa Hiền, nơi xưa máu nàng Mỵ Châu chảy xuống hóa thành ngọc quý, giờ đây có nhiều tảng đá, khối đá đột ngột nhô lên giữa bờ cát phẳng mịn. Đá màu nâu sẫm, trên đó bám nhiều vết hàu và rong rêu. Khi thủy triều lên, nước dâng lấp xấp, bãi đá bồng bềnh như đàn hải cẩu; khi thủy triều xuống, bãi đá lại nhô lên.

Tôi đến đây vào đầu mùa xuân Mậu Tuất 2018. Từ vài ba năm nay, nhiều người dân đã dựng hàng quán mái lá đơn sơ để đón khách vãng lai. Người ta huy động cả máy xúc để múc cát, đá từ bãi biển đắp vào bờ lấn biển tạo mặt bằng làm quán xá, chỗ đậu xe. Tiếng động cơ vang rền một bờ biển vắng từng thấm đẫm câu chuyện truyền thuyết lịch sử mà cả dân tộc đều biết.

Tôi chưa biết việc mở rộng mặt bằng xây dựng có nằm trong quy hoạch xây dựng và được phép của nhà chức trách hay không, nhưng lòng tôi dậy lên nỗi xót xa về một địa danh huyền bí và đẹp đẽ như thế. Nhiều năm qua, khi buồn tôi thường đến đây, ngồi nhìn mặt biển và tôi như nhìn thấy từng đám máu của nàng Mỵ Châu loang ra chấp chới trong từng con sóng. Tôi ngẫm nghĩ về số phận con người và dân tộc, trong một thoáng chốc lủa lịch sử, có còn lưu dấu gì không?

Có thể dựng tại đây, nơi bãi đá cuối đường Lông Ngỗng một bức tượng, phù điêu nhỏ, mô tả và nhắc nhớ câu chuyện này không?

Trần Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét