12 thg 3, 2018

“Chợ chim trời” - Từ góc nhìn du lịch

Chợ nông sản Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) là khu chợ tự phát, bán các loại sản vật thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, sau một thời gian, khu chợ trên dần biến tướng, bày bán công khai các loài chim trời, động vật hoang dã với số lượng ngày càng nhiều. Chợ nông sản Thạnh Hóa dần được biết đến với tên gọi “chợ chim trời lớn nhất miền Tây”. Xét từ góc nhìn du lịch, “chợ chim trời” ấy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sản phẩm du lịch đặc thù cạnh tranh cấp quốc gia của tỉnh (Khu Ramsar Láng Sen) được xác định trong Đề án Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030. 

Thức dậy với chim trời


Được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù cạnh tranh cấp quốc gia, Khu Ramsar Láng Sen mang trong mình nhiều tiềm năng. Đến với Láng Sen, du khách được tìm hiểu về một Đồng Tháp Mười nguyên sinh với sen, điên điển bông vàng và ngọn lúa ma tưởng chỉ còn trong ký ức.


Khu Ramsar Láng Sen có một vùng đầm lầy với nhiều sinh cảnh thích hợp cho động, thực vật ưa nước và là nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước. Tại đây có 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam 


1. Theo chân anh Nguyễn Linh Em - kỹ sư kiêm hướng dẫn du lịch tại Khu Ramsar Láng Sen, chúng tôi bắt đầu chuyến du hành nhỏ vào thế giới các loài chim nước. Ở đó, tràm che rợp bóng, gần giữa trưa nhưng dưới những tán tràm, gió vẫn thổi mát và không gian như dịu hẳn đi. Trên là những tán tràm dày, mặt nước phủ đầy bèo hoa dâu xanh mát. Dưới mái chèo, cá thỉnh thoảng đớp nước, nghe bình yên đến lạ! Để giữ sự yên tĩnh, chúng tôi hầu như chẳng nói gì với nhau.

Trên đọt tràm cao, chim rừng thong thả rỉa lông rồi đứng im tư lự. Đâu đó trong vòm lá, tiếng chim lanh lảnh vọng ra. Người đồng hành của chúng tôi bắc tay lên miệng “đáp lời”. Là người bản địa, lớn lên cùng rừng tràm, ruộng lúa, anh Linh Em “quen mặt, nhớ tiếng kêu” từng loài chim sinh sống ở Đồng Tháp Mười. Khi vào khu Ramsar làm việc, anh lại có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu nên bây giờ, khả năng nhận biết các loài chim hoang dã của anh đạt tới mức “thượng thừa”.

Chiếc xuồng len giữa rừng tràm một lúc cũng ra đến đồng sen. Với tay, chúng tôi có thể bẻ được mấy đài sen đang đúng độ. Hạt sen vừa mới bẻ, ăn ngọt lịm, vị ngọt mát và lành tính của tự nhiên. Anh Linh Em cho hay, tất cả sinh cảnh trong vùng đều được bảo tồn nghiêm ngặt. Nhiệm vụ của những người làm công tác bảo tồn ở đây là nghiên cứu, tìm hiểu nên con người gần như sống hòa vào thiên nhiên. Đây là những thân tràm trụi lá do chim về làm tổ, kia là vạt tràm vừa mới phục hồi, bên bờ sông này là bụi điên điển nở hoa vàng một góc. Phía xa xa là vườn ươm cây, để ngày nối ngày, thực vật được trồng thêm, tôm, cá, chim trời có thêm nơi về trú ngụ. 

Hoa sen làm cho khu bảo tồn thêm sinh động, dịu mát. Ảnh: Ngọc Mận 

2. Trong chuyến du hành, phải thật tinh mắt, chúng tôi mới có thể thấy mẹ con gà nước dắt nhau đi ăn, chỉ cần động nhẹ là chúng lủi mất, chỉ còn vang lại tiếng cun cút gọi con. Và dù nhiều lần nhìn thấy chim trích, nhưng cảm giác được thấy một chú trích khéo léo bước đi trên thảm bèo hoa dâu giữa mặt nước mênh mông thì mới thực sự thú vị! Chúng tôi muốn giơ máy ảnh lên ghi khoảnh khắc ấy mà lại ngại âm thanh phát ra làm chim giật mình, bay đi mất.

Kết thúc chuyến di chuyển bằng xuồng, chúng tôi lại theo người dẫn đường đi bộ giữa rừng tràm, bước từng bước thận trọng để nghe tiếng chim đập cánh trên đầu. Trời về chiều, chim cũng bắt đầu về tổ. Từng đàn bay xao xác trắng cả một vùng. Những ngọn tràm ngoài xa bắt đầu xao động, rồi rộn rã. Anh Linh Em nói: “Sáng sớm với chiều là lúc Láng Sen vui nhất. Sáng chim đi kiếm ăn, chiều lại bay về tổ nên giác đó, lúc nào cũng rộn ràng”. Những buổi sáng, buổi chiều xôn xao! 

Láng Sen là môi trường sống của hơn 150 loài thực vật, 120 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm 

Thử tưởng tượng xem, nếu một sáng nào đó, bạn thức dậy không phải bởi tiếng đồng hồ báo thức hay tiếng còi xe inh ỏi mà bằng tiếng chim xao xác ở bìa rừng thì cảm giác sẽ thế nào? Hẳn là an yên lắm! Rồi khi bạn ngồi giữa khung cảnh lồng lộng gió, giữa bát ngát rừng tràm, nếm thử chút đặc sản vùng miền bày trên những chiếc lá sen dân dã, hẳn sẽ có nhiều thú vị!

Giám đốc Khu Ramsar Láng Sen - Trương Thanh Sơn nhận xét, với những điều kiện như thế, khi được đầu tư phát triển du lịch, Khu Ramsar Láng Sen hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm về với thiên nhiên hoang sơ. Theo Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 06-7-2017, về tổ chức thực hiện Chương trình số 13-Ctr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ-TW của Bộ chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Láng Sen được đầu tư giai đoạn 1 vào năm 2018 xây dựng các dịch vụ tham quan trong vùng lõi: Cầu đi bộ qua kênh 79, tuyến cáp kéo xuồng 10km qua các sinh cảnh đặc biệt,... Tương lai không xa, Láng Sen trở thành khu du lịch thu hút đông đảo du khách! 

Theo đánh giá của đề án phát triển du lịch tỉnh:

Khu Ramsar Láng Sen có một vùng đầm lầy có nhiều sinh cảnh thích hợp cho động, thực vật ưa nước và nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước, được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây. Sự duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng làm phong phú quần thể động, thực vật.
Thực vật trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen khá phong phú với 156 loài thực vật hoang dã, trong đó có 152 loài xác định được tên khoa học: Gáo (Sarcocephalus coadunata), Bún (Crateva nurvala), Sen (Nelumbo nucifera), Lúa hoang (Oryza rifipogon), Lác hến (Scirpus gross), Mồm (Ischaemum sp),...

Kết quả điều tra chưa đầy đủ cho thấy, ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có 149 loài động vật có xương sống (không kể cá) trong đó: Lớp Lưỡng thê có 4 loài; lớp Bò sát có 17 loài; lớp Chim có 122 loài và lớp Thú có 6 loài. Trong tổng số các loài động vật thì có đến 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.

Khu bảo tồn là nơi có nhiều loài chim nước tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười: Già đẫy, cò ma, trích, giang sen, vịt trời,...

Rào cản phát triển du lịch sinh thái

Khu vực Đồng Tháp Mười, nhất là Khu Ramsar Láng Sen được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù (lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia) về du lịch sinh thái (DLST) của tỉnh Long An. Vậy mà, ngay cửa ngõ vùng Đồng Tháp Mười lại có một chợ chim tồn tại nhiều năm và đang hoạt động nhộn nhịp như một rào cản cho việc phát triển DLST tỉnh nhà. 

Vì ở vị trí đắc địa, nằm bên Quốc lộ 62, ngay cửa ngõ Đồng Tháp Mười nên chợ chim hầu như lúc nào cũng đông đúc người mua, kẻ bán 

Chim trời thành… mồi nhậu!

“Chợ chim trời lớn nhất miền Tây” nằm bên Quốc lộ 62, thuộc địa phận huyện Thạnh Hóa. Ban đầu, đây chỉ là khu vực bán hàng nông sản tự phát của người dân 2 bên Quốc lộ 62: Khoai tím, khóm, đậu phộng,... Đó cũng là một nét hay khi du khách muốn thưởng thức những sản vật đồng quê khi đến Long An. Nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chính quyền địa phương vận động người buôn bán tập trung lại, hình thành chợ nông sản tạm thời.

Sau thời gian hoạt động, chợ nông sản bắt đầu biến tướng khi không chỉ có nông sản mà cả động vật, chim rừng cũng được bày bán tại đây với số lượng ngày càng nhiều. Đến nay, gần 50% gian hàng tại đây buôn bán động vật hoang dã: Rắn, rùa, chim rừng,... Cũng từ đó, chợ nông sản Thạnh Hóa được biết đến với tên gọi “chợ chim trời rừng lớn nhất miền Tây”.

Hình ảnh chim trời bị vặt sạch lông hoặc cột thành từng chùm treo lủng lẳng không còn xa lạ ở chợ chim này. Tại đó, các “thượng đế” hầu như muốn tìm gì cũng có, từ rắn, rùa đến chim, chuột các loại với đủ mức giá khác nhau. Thuận mua, vừa bán, người bán sẵn sàng làm thịt chim ngay tại chỗ, dùng máy khò thui sơ rồi gói cẩn thận cho khách. Từ le le, cò trắng, chim quốc, chim sẻ đến chim trích, gà sao,... tất cả đều có mặt tại chợ chim, chờ đến lượt mình,... “lên dĩa”.

Đó là không kể các loài nằm trong Sách Đỏ như giang sen, cò nhạn, thậm chí là trong danh mục “Loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ”: Giang sen, culi,... nếu thực khách muốn, chỉ cần báo trước, cũng sẽ được đáp ứng, và tất nhiên, giao dịch phải “âm thầm”. Với vai trò là kỹ sư tại Khu Ramsar Láng Sen, anh Nguyễn Linh Em không ít lần ngậm ngùi nhìn giang sen bị bẫy hoặc đánh thuốc bên ngoài khu bảo tồn mà không thể làm được gì!

Anh nói: “Ban ngày, chim bay đi ăn, ban đêm quay về tổ trong khu Ramsar. Người dân đặt bẫy đánh bắt bên ngoài khu bảo tồn thì mình không thể làm gì được, chỉ có thể tuyên truyền, vận động thôi. Nhiều lúc, chim ăn phải thuốc rồi bay về chết trong khu bảo tồn...”.

Vì ở vị trí đắc địa, nằm bên Quốc lộ 62, ngay cửa ngõ Đồng Tháp Mười nên chợ chim hầu như lúc nào cũng đông đúc người mua, kẻ bán. Xe ôtô, xe máy biển số khắp các tỉnh đều có mặt ở đây. Thực khách săm soi, chọn lựa, mặc cả. Người bán khẳng định chắc nịch “tất cả đều là chim rừng!”. Đó là một khẳng định hết sức “có lý” và đáng tin cậy vì ngay cạnh khu chợ chim là những cánh rừng tràm nối nhau bạt ngàn đến tận khu Ramsar!

Đứng cạnh bìa rừng, cứ ngỡ chỉ một cái nhún chân, sải cánh là tất cả những chú chim trời có thể thỏa sức tung hoành giữa mênh mông rừng tràm. Nhưng thực ra thì không, tất cả đều đang xếp hàng chờ trở thành... mồi nhậu! 

Nhìn những hình ảnh này, du khách hoàn toàn có cơ sở đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang bảo tồn hay buôn bán? 

Du khách quay lưng
Với thực trạng như vậy, chợ chim Thạnh Hóa thực sự trở thành rào cản đối với việc phát triển DLST. Tìm đến với DLST là du khách muốn về với thiên nhiên. Họ thường là những du khách có ý thức rất cao về tầm quan trọng của thiên nhiên hoang dã cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Và chợ chim Thạnh Hóa tồn tại ngay vị trí cửa ngõ về Đồng Tháp Mười nói chung, khu Ramsar nói riêng như một sự phủ nhận, đạp đổ mọi nỗ lực bảo tồn sinh thái mà chúng ta đang cố công xây dựng và phát triển.

Chợ chim Thạnh Hóa, dù nguồn gốc chim trời từ nhiều tỉnh, thành khác, thậm chí từ nước bạn Campuchia nhập sang nhưng việc săn bắt chim tại chỗ là không thể tránh khỏi. Và về lâu dài, việc hủy hoại thiên nhiên cũng như nguy cơ phát sinh dịch bệnh là điều tất yếu! Chính vì vậy, khá nhiều công ty du lịch tỏ ra ngán ngại khi xây dựng tour có đường đi ngang qua chợ chim trời ở Thạnh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc Cty Tư vấn - Dịch vụ và Phát triển du lịch CBT) khẳng định: “Còn chợ chim Thạnh Hóa thì Long An không thể phát triển du lịch, có làm cũng bị tẩy chay!”. Giải thích cho nhận định của mình, ông Mỹ dẫn chứng, nhiều công ty du lịch chấp nhận đi xa hơn chứ không dám cho xe chạy ngang chợ chim Thạnh Hóa vì không muốn du khách thấy cảnh nhiều loài chim hoang dã bị vặt trụi lông, treo lủng lẳng”.

Đồng ý kiến với ông Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Bông Lúa Vàng - Nguyễn Thị Cẩm Tú nhận xét: “Còn chợ chim ở đó thì DLST rất khó phát triển vì du khách sẽ nhận thấy rằng, chúng ta làm du lịch nhưng không tôn trọng văn hóa du lịch. Và du khách hoàn toàn có cơ sở đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang bảo tồn hay buôn bán?”.

Nhóm du khách hướng tới khi xây dựng DLST chính là du khách nước ngoài và những người muốn tìm về với thiên nhiên. Họ là những người có ý thức cao về bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Khi họ nhìn thấy chính người dân địa phương cũng không tôn trọng và bảo tồn những giá trị thiên nhiên sẵn có thì họ đến để làm gì? Những “ác cảm” đó sẽ là rào cản vô hình cho DLST nói chung của tỉnh và Khu Ramsar Láng Sen nói riêng.

Anh Nguyễn Thanh Liêm - hướng dẫn viên du lịch Công ty Viettravel, đặt câu hỏi: “Tôi từng hướng dẫn khách đến nhiều khu DLST ở các tỉnh khác: Tràm Chim, U Minh,... nhưng không nơi nào tồn tại một địa điểm như chợ chim tại Thạnh Hóa?”. Và đó cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng đang tìm lời giải!


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
  • Chợ nông sản Thạnh Hóa hiện có 50 hộ kinh doanh, trong đó có 20 hộ mua bán các loài gia cầm và động vật hoang dã thông thường.
  • Từ năm 2014-2017, lực lượng kiểm lâm phối hợp công an tiến hành kiểm tra 298 đợt, tịch thu gần 600kg (tương đương hơn 5.500 con) động vật rừng thông thường, thả về môi trường tự nhiên.Năm 2015, lực lượng kiểm lâm kiểm tra, bắt giữ 2 vụ vi phạm, tang vật gồm 4 cá thể culi (loài nguy cấp, quý, hiếm).

Còn nhiều vướng mắc
Chợ nông sản Thạnh Hóa là khu chợ tự phát, bán các loại sản vật thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, sau một thời gian, khu chợ trên dần biến tướng, bày bán công khai các loài chim trời, động vật hoang dã với số lượng ngày càng nhiều. Chợ nông sản Thạnh Hóa dần được biết đến với tên gọi “chợ chim trời lớn nhất miền Tây”. Xét từ góc nhìn du lịch, “chợ chim trời” ấy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sản phẩm du lịch đặc thù cạnh tranh cấp quốc gia của tỉnh (Khu Ramsar Láng Sen) được xác định trong Đề án Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030.

UBND tỉnh từng có Văn bản 4382/UBND-KT yêu cầu di dời chợ vào phía trong trước ngày 27/11/2017 

Chợ chim Thạnh Hóa tồn tại ít nhất 4 năm và ngày càng phát triển. Các cơ quan chức năng thì vẫn đang loay hoay tìm lời giải nào thích đáng cho “chợ chim trời lớn nhất miền Tây”!

Kiểm tra, xử lý khó khăn
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2014-2017, Chi cục phối hợp Công an kiểm tra trên 200 cuộc tại chợ chim Thạnh Hóa. Đó là chưa kể, các lực lượng khác cũng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý: Chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường,... Như vậy, mỗi tuần, ít nhất chợ chim Thạnh Hóa phải “tiếp” 1 đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, quy mô hoạt động khu vực này hầu như không bị hạn chế, thậm chí còn có xu hướng phát triển. Điều đó đặt ra câu hỏi tại sao lại xảy ra tình trạng tréo ngoe như vậy!

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - Lê Hữu Lợi cho biết: Các loài động vật hoang dã bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa có nhiều loài: Chim vạc, chim mỏ nhác, chim trích, cò trắng, cò nhạn,... không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước theo quy định, pháp luật chưa có quy định chế tài xử phạt nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Ông nói: “Những loài không có trong danh mục quản lý của Nhà nước thì không thể xử lý, dù đó có là loài nằm trong Sách Đỏ đi nữa!”. Với khó khăn trên, lực lượng kiểm lâm chỉ có thể xử lý hành chính một số ít trường hợp vi phạm khi các hộ vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã có tên trong danh mục quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. 

Từ năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam về việc bổ sung các loài động vật hoang dã thông thường vào danh mục quản lý nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi 

Không chỉ vậy, việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm cũng hết sức khó khăn vì một bộ phận không nhỏ hộ buôn bán tại đây có hành vi che giấu, tẩu tán tang vật là động vật rừng thông thường nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước để đối phó cơ quan chức năng. Ông Lợi giải thích: “Thường các hộ chỉ “trưng” ra ngoài những động vật không nằm trong danh mục. Các loại khác, chỉ khi khách muốn mua mới được dẫn sâu vào trong xem và chọn lựa. Khi thấy có đoàn kiểm tra đến, một số hộ ôm tang vật chạy vào rừng tràm ngay bên cạnh chợ. Với lực lượng mỏng, đoàn kiểm tra không thể phát hiện và xử lý. Không chỉ vậy, một số đối tượng bị kiểm tra còn tỏ thái độ không chấp hành hoặc có lời nói khiếm nhã, thô tục với lực lượng làm nhiệm vụ”.

Và mặc dù từ năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam về việc bổ sung các loài động vật hoang dã thông thường vào danh mục quản lý nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải tại chợ nông sản Thạnh Hóa nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin hồi đáp.

Dẹp bỏ, di dời cũng nhiều nan giải!

Ai cũng biết rằng, việc mua bán chim rừng, động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan và làm “mất điểm” trong lòng du khách nhưng để di dời hay dẹp bỏ hoạt động trên lại là một câu chuyện hoàn toàn khác! Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo khẳng định, dẹp chợ chim là điều không thể vì không có văn bản pháp luật nào quy định rõ điều đó.

Cuối năm 2015, UBND tỉnh có Văn bản số 4382/UBND-KT chỉ đạo di dời chợ động vật hoang dã tại huyện Thạnh Hóa, việc di dời phải hoàn thành trước ngày 27/11/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu chợ ấy vẫn ngang nhiên tồn tại! Giải thích về vấn đề này, ông Tạo cho biết, huyện có kế hoạch quy hoạch chợ nông sản Thạnh Hóa ở vị trí đối diện, cách Quốc lộ 62 một con kênh. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên quy hoạch trên vẫn chưa thể tiến hành! Và hình ảnh những chú chim run rẩy bị treo lủng lẳng, vặt trụi lông ngay cả khi còn sống vẫn tồn tại ngay cửa ngõ một vùng được quy hoạch làm du lịch sinh thái!

Đánh giá về những tác động của chợ chim trời Thạnh Hóa đến việc phát triển du lịch Đồng Tháp Mười, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh nhận định: “Sở nhận được phản hồi từ rất nhiều công ty du lịch lữ hành về sự ảnh hưởng của khu vực bán động vật hoang dã tại huyện Thạnh Hóa đến mỹ quan và tâm lý du khách. Sở cũng nhiều lần kiến nghị có biện pháp di dời chợ cũng như vận động các hộ dân không nên có hành động dã man với động vật bày bán tại đây: Nhổ lông sống, treo ngược,...”. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đề xuất có thể quản lý chợ chim theo hướng an toàn thực phẩm, bắt buộc truy xuất nguồn gốc động vật buôn bán nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, vận động nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân, hộ buôn bán. 

Cò nhạn là loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam nhưng không có tên trong danh mục quản lý nên khi các hộ bày bán công khai, hàng loạt thì cơ quan chức năng cũng rất khó xử lý! 

Có thể nào tại cửa ngõ khu du lịch sinh thái lại tồn tại một chợ chim trời chuyên phục vụ làm... mồi nhậu? Hay nói như Chủ tịch Lửa Việt Tours - Nguyễn Văn Mỹ: “Còn chợ chim Thạnh Hóa thì Long An không thể làm du lịch, có làm cũng bị tẩy chay”.

Bà Hà Yến Bình - du khách từ TP.HCM: “Tôi từng ghé thăm Làng nổi Tân Lập và bất ngờ với sự tồn tại của chợ chim trên đường đi. Nói về khía cạnh Phật giáo, đó là sát sinh. Nói về du lịch thì đó là phản cảm. Tôi không thể tin rằng, người ta có thể thản nhiên vặt sạch lông và treo lủng lẳng từng chùm chim như treo một loại nông sản bình thường. Nếu cứ như vậy, tôi e rằng, không sớm thì muộn, chẳng còn con chim nào nữa!”.

Ông Từ Nguyên Bảo - Giám đốc Cty TNHH Du lịch Tháp Mười (Chủ đầu tư Khu du lịch Làng nổi Tân Lập): “Chợ chim Thạnh Hóa tồn tại không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến du lịch và tâm lý khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế!”.

Anh Nguyễn Thanh Liêm - hướng dẫn viên Công ty Viettravel: “Chợ chim nhìn từ ẩm thực có thể là đặc trưng của vùng. Tuy nhiên, du khách có người thích ăn cũng có người không thích ăn thịt chim. Xét về sinh thái thì hoàn toàn không hay. Chợ chim có những động vật nằm trong Sách Đỏ, trong danh sách gần tuyệt chủng. Cái đó gọi là phá chứ không còn là du lịch khám phá nữa!”. 


Phương Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét