15 thg 7, 2015

Bến phà Đình Khao

Hồi đầu năm nay, tôi có việc phải đi Vĩnh Long. Thay vì chọn lộ trình thuận tiện và nhanh chóng là đi theo quốc lộ 1, qua cầu Mỹ Thuận là tới ngay, vì "ham của lạ" tôi lại chọn một lộ trình lắt léo hơn: vô Mỹ Tho, đi theo quốc lộ 60 qua cầu Rạch Miễu sang Bến Tre, qua cầu Hàm Luông tới Mỏ Cày Nam rồi chuyển sang quốc lộ 57 sang Chợ Lách, tiếp tục qua phà Đình Khao để tới Vĩnh Long. Vì duyên cớ ấy nên lần đầu tiên tôi có dịp qua phà Đình Khao. Đây là chuyến phà qua sông Cổ Chiên, bờ bên này là huyện Chợ Lách của Bến Tre sang bờ bên kia là TP Vĩnh Long.

Vì chưa tìm hiểu nên tôi chẳng biết gì về Đình Khao, chỉ có nhận xét là cái tên Đình Khao nghe ngồ ngộ và sẵn tiện đứng trên phà chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.

Từ hướng Chợ Lách (Bến Tre) chụp sang bờ Đình Khao (Vĩnh Long), nổi bật từ xa là ngôi nhà thờ Đình Khao


Trên phà Đình Khao

Phà Đình Khao



Bên bờ sông Cổ Chiên phía bờ Đình Khao là những ngôi nhà mái phủ rêu rất ấn tượng. Ở bên trái, ta thấy lô nhô các lò gạch.

Về nhà, tò mò đọc Vĩnh Long xưa của Huỳnh Minh và một số tư liệu khác, tôi mới biết có nhiều chuyện rất hay quanh hai tiếng Đình Khao. Xin tóm tắt để những người chưa biết (giống tôi) xem chơi.

Đình Khao

Đình Khao là một ngôi đình được xây dựng vào khoảng năm 1817. Là ngôi đình nên nơi đây thờ thành hoàng làng, ngoài ra đây còn là nơi để khao thưởng cho binh lính, chính vì vậy nên có tên gọi Đình Khao.

Năm 1867, Pháp chiếm Vĩnh Long, ngôi đình bị phá hủy, các vật thờ trong đình đều bị mất mát, hư hại. Rất may là 85 đạo sắc thần do vua Gia Long phong cho những công thần được thờ ở đình đã được mang đi cất giấu.

Chùa Bửu Lâm

Năm 1874, trên nền cũ của Đình Khao, người dân lập nên một ngôi chùa mang tên Bửu Lâm tự. Đến lượt ngôi chùa này bị thực dân Pháp đốt cháy rụi năm 1945 sau một đợt ruồng bố trên sông Cổ Chiên. Năm 1961 chùa mới được cư sĩ Mai văn Nghiệp cho dựng lại. Hiện nay chùa vẫn còn ở địa điểm này.

Chùa Bửu Lâm. Ảnh: Báo Cần Thơ

Miếu Công thần

Theo Huỳnh Minh, khi Đình Khao bị phá hủy, 85 đạo sắc phong được gởi ở đình Thành Hoàng Thiềng Đức. Đến năm 1915, đốc phủ Phạm văn Tươi kêu gọi đồng bào góp công góp của dựng miếu để thờ tiền nhân qua 85 đạo sắc phong này. Bà Trương thị Loan đứng ra xin quản lý việc xây cất, bà đã bỏ ra số tiền là 4.000 $ (lúc ấy lúa giá 2 cắc một giạ, số tiền tương đương 20.000 giạ lúa).

Miếu Công thần hiện nay nằm bên bờ sông Cổ Chiên, thuộc phường 5, TP Vĩnh Long. Miếu đã được xếp hạng Di tích Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1998.

Miếu Công thần. Ảnh: kienthuc.net.vn

Trung tâm hành hương Đình Khao

Về phía công giáo, Đình Khao là một trung tâm hành hương. Tại đây, ngày 3/7/1853, linh mục Philípphê Phan văn Minh đã bị triều đình nhà Nguyễn xử trảm. Tháng 6/1988, ông đã được Giáo hoàng Gioan Phaolồ II phong thánh tại Roma. Năm 2014, ngôi nhà thờ Đình Khao được khánh thành tại Trung tâm hành hương (chính là ngôi nhà thờ trong ảnh trên cùng).

Tượng Thánh Philípphê Phan văn Minh tại Trung tâm hành hương Đình Khao. Ảnh: Website Cựu học sinh THPT Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long

Quả là xung quanh Đình Khao có rất nhiều giai thoại, di tích lịch sử. Nếu biết trước những thông tin này thì khi vừa lên bến phà Đình Khao, tôi sẽ không tiếc thời giờ đến tham quan, tìm hiểu, chứ không phải... thẳng đường đến nhà hàng. Thôi thì ghi lại đây cho nhớ, lần sau sẽ...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét