11 thg 5, 2015

Bảo tàng trong quán cà phê

Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cây cà phê. Từ hơn 100 năm trước, khi người Pháp đặt chân đến nơi này, họ bắt đầu trồng cà phê. Và đến nay, cây cà phê là hình ảnh quen thuộc ở Tây Nguyên nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng. Với thành phố Tây Nguyên này, ai cũng có thể ghé đến một quán cà phê nào đó để nhâm nhi một ly cà phê ngon.
Nhưng với tôi, ngoài chuyện ly cà phê thì một điều thú vị khác khi đến đây là được thăm, “khám phá” một bảo tàng nằm trong quán cà phê ở cuối con đường Lê Thánh Tông của thành phố. Nơi này có tên gọi là Làng cà phê Trung Nguyên, mà người dân chỉ đường rất rành rẽ: “Thấy một tảng đá lớn ở trước là Trung Nguyên”.

Khách chỉ vừa mới dừng lại nơi này là đã có một anh bảo vệ lịch sự dắt xe giúp và đưa vào bãi giữ xe hoàn toàn miễn phí. Cuộc khám phá bắt đầu bằng một sự cảm tình như thế. Đến đây, uống cà phê là một cái cớ, mà không uống cũng không ai phàn nàn. Ngay cả các ngôi nhà kiến trúc kiểu nhà cổ Hội An nối nhau trong không gian rộng, dưới những tán cây xanh mát, bàn ghế gỗ đẹp, cũng đã khiến cho khách có một cái nhìn thú vị cùng với cảm giác thoải mái. Mỗi ngôi nhà như thế bán một loại cà phê ngon khác nhau.

Bên trong nhà sàn, khá nhiều vật dụng sinh hoạt trong đời sống của các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên được lưu giữ, trưng bày.






Tuy nhiên, tôi muốn nói đến bảo tàng ở nơi này, một bảo tàng trong quán cà phê, khách tự do rảo bước, không người theo dõi, để vỡ òa nhiều cảm xúc.

Đi vào sâu bên trong, khách bắt gặp những cây cà phê được trồng rải rác tạo nên những điểm nhấn cho không gian kiến trúc chung quanh, một thác nước nhân tạo được lắp ghép bằng nhiều khối đá, và khách phải đi chông chênh trên những phiến đá để tới bảo tàng. Ấn tượng đầu tiên là dãy lu vại xếp hàng dài dưới bóng cây xanh mát, rồi đến ngôi nhà sàn xinh xắn có cầu thang gỗ dẫn lên trên. Và khi khách bước chân lên cầu thang để vào bên trong nhà sàn có cảm tưởng như bước vào thế giới của quá khứ. Bên trong, khá nhiều vật dụng sinh hoạt trong đời sống của các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên được lưu giữ, trưng bày. Không cần người thuyết minh, chính những gì đang hiện diện đã “kể” cho khách nghe những câu chuyện.

Ở một góc bảo tàng được đặt những chiếc trống da trâu vẫn hay dùng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Lấy tay chạm vào mặt trống như để cảm nhận bụi thời gian phủ lên. Hoặc ngắm nhìn những bộ cồng chiêng mà dấu đánh lên còn in rõ, nghe như đâu đó sự rộn ràng của lễ hội buôn làng. Rồi cả một “kho tàng” đủ loại nơm, rọ để bắt cá khiến khách lại nghĩ về những con cá lăng trên dòng Sê-rê-pốc (Serepok)…

Đi chầm chậm, không thể đi nhanh mới thỏa lòng nhìn ngắm. Này nhé, những ché rượu cần lớn nhỏ xếp hàng, có cả sừng trâu dùng làm kèn để người thanh niên thổi rúc lên gọi bạn, những chiếc cối giã gạo, giã bắp đã cũ mòn bởi trải qua bao năm tháng, đến các lưỡi dao đủ kiểu đã từng được con người sử dụng trong cuộc mưu sinh…

Ở trong bảo tàng ấy, khách không khỏi tò mò với khung cửi thô sơ, bếp lửa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thường để ngay trong căn nhà của mình, dùng sưởi ấm, nấu nướng. Ngạo nghễ trên cao là các trái bầu khô rỗng ruột, các ché rượu cần cổ. Khách cũng có thể đi dạo qua gian trưng bày nhạc cụ dùng trong các buổi lễ cho đến gian dành cho những người thợ săn voi mà ở đó bộ sưu tập các loại dây bắt voi bằng da trâu rất đa dạng. Bảo tàng nơi này còn giữ lại những chiếc bàn dài cả chục mét bằng thân gỗ, gốc cây làm ghế ngồi, bộ ấm nước, chén, nồi bằng đất nung đã qua bao tay người, nay về đây cho mọi người nhìn ngắm…

Bước xuống bậc thang, tầng bên dưới lại là một bảo tàng khác – “bảo tàng cà phê”. Trong bảo tàng này, các dụng cụ chế biến cà phê qua mọi thời đại đã được sưu tầm và trưng bày để mọi người tham quan, tìm hiểu.

Theo tư liệu cũ, sự xuất hiện của cà phê bắt đầu từ năm 600 cùng với việc phát hiện ra cà phê chè. Vào khoảng năm 1640, mặc dù cà phê rang xay đã xuất hiện nhiều ở nước Anh và châu Âu nhưng chỉ có người Ả Rập mới biết chính xác loại hạt giống và hình dáng của cây cà phê. Đến những năm 1700, một đại úy bộ binh Pháp đã trồng và chăm sóc một cây cà phê nhỏ trong suốt chuyến hành trình dài vượt Đại Tây Dương để đem tới châu Mỹ. Khoảng năm 1850 người Pháp đưa cà phê vào Việt Nam, và cho mãi đến năm 1900 thì cà phê được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn và Ninh Bình. Sau đó cây cà phê được trồng ở Tây Nguyên và ở lại đến bây giờ. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 182.000 ha cây cà phê và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn.

Đến Buôn Ma Thuột, có thể ghé buôn Đôn, hồ Lắk… và rồi du khách có thể ghé lại “bảo tàng trong quán cà phê” trên đường Lê Thánh Tông của thành phố này để cuộc hành trình lên Tây Nguyên thêm phong phú.

Khuê Việt Trường 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét